Nhật Bản: Tu sĩ Phật giáo dựa vào văn hóa dân gian hiện đại để khôi phục lại tín đồ
Catherine Makino và Naoyuki Ogi
31/03/2010 22:13 (GMT+7)

Hip hop, thời trang , các quán ca phê thiền Nhật Bản (Zen), phim hoạt hình. Ai có thể nghĩ rằng những sản phẩm chủ yếu của nền văn hóa dân gian hiện đại ngày nay lại có thể kết hợp với một nền tôn giáo có truyền thống cổ xưa đến hàng chục thế kỷ. Đây là một tôn giáo cổ vũ con người sống một cuộc sống chối bỏ hoàn toàn tự ngã của mình.

 Tuy nhiên các tu sĩ Phật giáo tại Nhật đang lướt cuộc đời mình trên những ngọn sóng của khoái lạc phù du để đưa tín đồ của mình quay lại với niềm tin cũng như thu hút giới trẻ đến với Phật giáo.

Các tu sĩ Phật giáo nói với Inter Press Service (IPS)  rằng ngày nay, tôn giáo này đang trở nên suy tàn và nhiều trong số xấp xỉ 75.000 ngôi đền đang đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của chúng, bởi vì chẳng còn mấy ai đi lễ chùa.

Phật giáo được truyền vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ sáu qua Hàn Quốc và Trung Quốc. Nó đã cùng tồn tại và ngay cả  bổ sung cho Shinto, tôn giáo bản địa của quốc gia đông Á này. Các gia đình Nhật thường tổ chức tang lễ theo truyền thống Phật giáo và thiết một bàn thờ nhỏ trong nhà để họ thờ phụng tổ tiên,  việc thờ phụng này được xem như là nền tảng của lời dạy của Đức Phật.

 
Nhưng đó có thể chỉ là tất cả những gì ngày nay mà chúng ta còn có thể nói về sự gắn bó của tín đồ với cuộc sống tâm linh – hay Phật giáo.
 
Lo ngại rằng Phật giáo không còn là một phần của đời sống hàng hàng của người dân Nhật, ngôi đền Hongwanjie ở Kyoto đã tìm cách đưa Phật giáo với thế hệ trẻ bằng cách phát hành một đĩa DVD mô tả cuộc đời của ngài Thân Loan, người sáng lập Tịnh độ chân tông một pháp môn phổ biến nhất của Phật giáo tại Nhật. Bộ phim hoạt hình này dài 108 phút, giá khoảng 3,600 yen (40 US$ mỗi đĩa), được tung ra cùng với những nhân vật thu nhỏ dùng cho mục đích sưu tập, móc chìa khóa, bút viết và tập giấy nhỏ để ghi chép.

Kết quả đạt được tốt lẫn xấu.
 
KeishinTagi, tu sĩ 27 tuổi của ngôi đền Jodo Shinshu nói,  “Một số người trông thấy đĩa DVD thì rất thất vọng vì họ nghĩ rằng nó xúc phạm đến sự sùng kính dành cho Thân Loan”. Khi thầy cho 15 đứa trẻ xem bộ phim tại trường vào ngày chúa nhật, “chúng buồn ngủ vì phim quá dài.” Thầy nói, “Khi tôi cho người lớn xem bộ phim, họ nói rằng phim chán quá.”

Các ngôi đền khác thì dùng những chiến lược khác. Một số sử dụng các thầy tu nói tiếng Anh để thuyết những bài pháp hấp dẫn về Phật giáo để lôi cuốn du khách. Một số ngôi đền tổ chức các buổi biểu diễn thời trang gọi là “ Thời trang của tu sĩ”, trong những buổi trình diễn thời trang này, các tu sĩ nam và nữ mặc những chiếc ca sa trang trí lộng lẫy biểu diễn trên những lối đi trong các ngôi đền trong khi đọc kinh theo nhịp đánh của nhạc hip hop. 

Cũng có những quán cà phê theo phong cách thiền Nhật Bản được quảng cáo như là những nơi mà thực khách có thể có những trải nghiệm tâm linh khi ăn trưa với thực phẩm chay. Một quán cà phê nói, “ Bạn có thể kiểm tra khả năng hành thiền và chép kinh bằng tay với sự hướng dẫn của những vị tu sĩ “ đứng ở phía trước quán. Cũng có những “ live show ca nhạc Phật giáo tổ chức hai lần một tháng.”

Ngoài việc hy vọng lôi cuốn người dân đến với niềm tin, các tu sĩ cũng cố gắng phá vỡ sự nhận thức rằng Phật giáo chỉ là một tôn giáo chết, do người ta quy cho rằng  “Phật giáo chỉ dùng cho các nghi lễ đám tang”.

Hơn ¾ tổng dân số Nhật Bản gồm 127 triệu người là Phật tử không đến chùa ngoại trừ tham dự tang lễ hoặc lễ truy điệu. Những ngôi đền dựa vào nguồn tài chánh từ những dịch vụ này để hoạt động. Thực ra, càng ngày càng có nhiều tang lễ được tổ chức hơn vì dân số già và tỷ lệ sinh đẻ tại Nhật giảm, điều này có nghĩa là càng ngày càng có ít lớp trẻ giúp thanh tóan những hóa đơn nhằm tạo nguồn tài chánh cho các ngôi đền hoạt động.

Nhưng điều gây nhức nhối cho nhiều tu sĩ còn hơn là sự sa sút của nguồn ngân quỹ bảo đảm cho hoạt động của các ngôi chùa của họ là việc những tu sĩ Phật giáo phải sử dụng các phương tiện trái với thông lệ để lôi kéo lại sự quan tâm của các tín đồ đến Phật giáo vì họ cho rằng chúng xúc phạm đến những truyền thống thiêng liêng của tôn giáo.

Masayuki Masuda, một tu sĩ 32 tuổi lại nghĩ khác. Ông nói, “ Những sự kiện và hoạt động chẳng hạn như phim hoạt hình, các chương trình biểu diễn thời trang và nhạc hip hop là những phương tiện tạm thời để lôi cuốn mọi người.”

Thầy nói, “Mục đích thực sự của những sự kiện này là đưa mọi người đến với lời dạy của Đức Phật, vì vậy chúng tôi chúng tôi hướng mọi người đến tham dự các sự kiện này để thực hành Phật giáo. Chẳng may, này chẳng có gì để bắt cầu những hoạt động mới này với Phật giáo.”

Masuda lo lắng rằng những hoạt động này có thể lầm đường lạc lối, thầy  lưu ý, “ Với những nổ lực như vậy, những người thực hiện nó trước hết phải được tự tạo cho mình một niềm tin sâu sắc, không dời đổi với Phật giáo mới mong có thể lôi kéo những người khác được. Các tu sĩ Phật giáo phải có khả năng truyền niềm tin sâu sắc này trước khi họ tổ chức các sự kiện.”

Masanori Yamamura, 51 tuổi, đổ lỗi cho các tu sĩ về sự suy yếu của Phật giáo.

Vị tu sĩ này nói, “Họ thiếu trau giồi phẩm hạnh theo tinh thần Phật giáo. Họ không sống đúng với lời Đức Phật dạy vì vậy bản thân họ không thể tìm thấy ý nghĩa của việc đi theo con đường tu tập theo tinh thần của Phật giáo trong đời. Đối với họ, Phật giáo chỉ là một công việc để tổ chức các tang lễ và nghi lễ theo truyền thống của tôn giáo này mà thôi. Những vị tu sĩ này phải chịu trách nhiệm cho sự suy yếu của Phật giáo.”

Theo Yamamura, nếu những tu sĩ này thực sự tin vào Phật giáo, những hoạt động này “sẽ được khai sinh từ quá trình hồi quang phản chiếu và sự tự tin của họ trên con đường tu tập theo tinh thần Phật giáo”, được như vậy thì “những hoạt động này cũng chẳng phải sẽ vấn đề gì” bởi vì mọi thứ “ là do họ quyết định”.

Nhưng cũng phải giả định rằng có đủ tu sĩ để có thể truyền bá lối sống theo tinh thần của Phật giáo hay không. Theo tuần san “Yomiuri”, một tờ báo lớn của Nhật, số lượng tu sĩ Phật giáo đã giảm từ 1,6 triệu vào năm 1975 xuống 300.000 trong năm 2005, dựa trên dữ liệu do sở Văn Hóa cung cấp.

Yamamura thừa nhận rằng không phải chỉ mỗi các tu sĩ phải chịu trách nhiệm cho sự suy tàn của Phật giáo tại Nhật Bản. Thầy  nói rằng một phần cũng do nền văn hóa trong nước đang thay đổi.

 Thầy nói, “ Phật giáo đang suy tàn vì nhiều thế hệ khác nhau trong gia đình không còn sống chung với nhau. Các thế hệ trong gia đình trước đây thường sống chung với nhau dưới một mái nhà - cùng với ông bà. Những người lớn tuổi trong gia đình theo các tập tục Phật giáo như viếng chùa vào dịp lễ Obon.”

Orbon là một sự kiện của Phật giáo, vào dịp này mọi người quay về quê nhà để đoàn tụ với gia đình trong tháng tám và cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên được siêu thoát.

Yamamura nói, “Nhưng ngày nay, các đôi vợ chồng trẻ và gia đình của họ sống riêng và họ bỏ đi những truyền thống này. Càng ngày càng có ít người đến tham sự các buổi lễ Phật giáo. Họ thà đi xem các buổi biểu diễn nhạc rock, tham dự các festival ẩm thực quốc tế hoặc đi du lịch nước ngoài vào dịp lễ Orbon.”

Thầy đặt câu hỏi, “Các truyền thống dần dần giảm giá trị theo thời gian, nhưng chúng ta có thể làm gì đây?”

Jeffret Kingston, một giáo viên của trường đại học Temple tại Nhật nói rằng hiện nay tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nhà trí thức, nghệ sĩ và đời sống xã hội và chính trị tại Nhật chẳng còn gì ngoài những nghi thức trống rỗng dành cho nhiều người, những nghi thức này chỉ được áp dụng trong những sự kiện mang tính nghi lễ như đám tang. 

Ông nói, “Có một sự tương phản rất lớn giữa Phật giáo Nhật Bản với Phật giáo tại các nước Đông Nam Á , không phải là vì những khác biệt giữa truyền thống Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy, mà còn liên quan đến vấn đề tôn giáo đã đi vào đời sống hàng hàng của con người như thế nào. Trường hợp của Phật giáo tại Nhật Bản là một sự cá biệt.”

Ông đồng ý rằng Phật giáo đang suy tàn tại Nhật giống nhiều truyền thống và phong tục khác  và “tôi ngờ rằng việc quảng bá cho tôn giáo này qua phim hoạt hình, hip hop hoặc những phương tiện như vậy cũng chẳng thể làm đảo ngược chiều hướng.” 
 
Ông nói thêm rằng, “ Tôi cũng nghi ngờ một mức độ nào đó rằng các tu sĩ phải chịu trách nhiệm một phần cho tình trạng này, bởi vì nhiều người đã sống mà không làm gương cũng như bị vướng vào những mối bận tâm về đời sống vật chất.

Ông nói, bên ngoài kia có những con người đang đi tìm một cuộc sống có ý nghĩa và nhiều người sẽ mở trái tim với những thông điệp của Phật giáo nếu họ có thể   tiếp cận với những giới căn bản của tôn giáo này, “nhưng thế giới của phim hoạt hình, internet, và công việc áp đảo nhiều người và làm khô héo đời sống tinh thần của họ.” 
Người dịch: Quảng Hiền 

Theo: Inter Press Service (IPS)

Phản hồi của độc giả trên phattuvietnam.net

Vinh Tho vào lúc 05/10/2009 18:47
avatar
Nếu ta hiểu được tại sao càng ngày càng có nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo tại các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến bên phương Tây - nơi được xem là cái nôi của Thiên Chúa giáo - quay lưng với chính tôn giáo của chính mình thì ta cũng có thể tại hiểu tại sao Phật giáo đang suy tàn tại Nhật.

Càng ngày càng có nhiều người phương Tây bỏ đi nhà thờ vì những tiến bộ khoa học và kỹ thuật hiện đại khiến cho họ thấy tôn giáo của họ có quá nhiều tín điều, đi ngược với tinh thần khoa học và vì vậy biến họ thành những con người mê tín. Họ tìm đến Phật giáo, vì Phật giáo là một tôn giáo có tinh thần tinh thần Khoa học, thực nghiệm, chứ không phải là dựa trên bất cứ tín điều nào.

Pháp môn phổ biến của tại Nhật Bản là Tịnh Độ Chân Tông, nếu các bạn có nghiên cứu về pháp môn này, các bạn sẽ thấy tinh thần cứu độ của A Di Đà mà pháp môn này xiển dương không khác gì sự cứu rỗi của Chúa trong Thiên chúa giáo.

Pháp môn Tịnh Độ theo tinh thần của Phật giáo Trung Hoa, mặc dù có đề cập đến sự cứu độ của A Di Đà, tuy nhiên thực sự chính hành giả phải nổ nổ lực tự thân để có thể đến được Cực Lạc chứ không có sự cứu độ gì cả. Muốn lên Cực Lạc, hành giả phải tu thập thiện và niệm danh hiệu A Di Đà cho đến nhất tâm bất loạn, buông hết vạn duyên. Theo Phật dạy, người tu thập thiện, với phước mà họ có được, khi chết họ sẽ sanh lên cõi trời, nếu hành giả niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn, tức là đắc một tầng thiền định nào đó, thì khi chết hành giả cũng sẽ sinh vào một cõi trời tương đương với tầng thiền định mà họ chứng đắc. Điều này cho thấy rằng nếu người tu theo pháp môn Tịnh Độ, nếu họ tu đạt yêu cầu thì họ cũng thành tựu một đọan đường nào đó trên con đường đi đến Giải Thoát – Niết Bàn, và cũng chính vì vậy mà người ta gọi Tịnh Độ là pháp môn phương tiện.

Tịnh Độ tông Shin của Nhật thì khác, hành giả chỉ cần niệm danh hiệu A Di Đà và đặt tín tâm tuyệt đối vào tha lực của bản nguyện của ngài, niệm Phật với cái tâm tạp loạn, vọng niệm cũng được, làm ác cũng không sao mà cũng không cần phải niệm Phật liên tục, miễn là có niệm là được, rất dễ vãng sanh vì ai cũng có thể nhờ vào "sức bản nguyện" của A Di Đà mà lên Cực Lạc. Một câu nói của Thân Loan cho thấy chủ trương tin tưởng tuyệt đối vào tha lực của bản nguyện của A Di Đà “Ngay cả người thiện cũng đều được vãng sanh Tịnh độ, huống chi kẻ ác. Ðối với việc này, người đời thường nói : ngay cả kẻ ác còn được vãng sanh Tịnh độ, huống chi người thiện. Câu này dường như có lý, nhưng trên thực tế đã sai ngược với bổn nguyện giáo lý tha lực vãng sanh”. Việc này cũng giống như bên đạo Thiên Chúa giáo, bạn có làm ác cũng không sao, miễn là tin vào Chúa và đi xưng tội là xong, Chúa sẽ gánh tội cho bạn và bạn sẽ lên thiên đường. (Để tìm hiểu thêm về Tịnh độ Chân tông, bạn có thể vào google đánh từ khóa “Thán Dị Sao”, đây là một tác phẩm kết tập những lời dạy của Thân Loan Thượng Nhân). Một pháp môn của Phật giáo mà như vậy thì xem ra không những đi ngược với tinh thần tự lực của Đức Phật dạy mà con đi ngược với luật Nhân Quả, là nền tảng mà trên đó giáo lý căn bản của Phật giáo đã được xây dựng trên đó.

Tin hay không tin vào lời dạy của Thân Loan Nhân điều này tùy thuộc vào niềm tin của mỗi người, nhưng tôi đoán rằng những con người thuộc thời đại kỹ thuật số, ngay cả người Việt chúng ta, những người sống trên một đất nước mà nền khoa học và kỹ thuật phát triển còn hạn chế, cũng có chẳng mấy ai có thể tin vào những chuyện cứu độ như vậy huống chi là người dân Nhật, những người sống trong một đất nước có một nền khoa học, kỹ thuật và công nghệ được xếp vào hàng tiên tiến nhất trên thế giới.

Với tôi, đạo Phật đang suy tàn tại Nhật là một điều khiến tôi không ngạc nhiên vì Phật giáo Nhật Bản không đáp ứng được yêu cầu tâm linh của người dân họ, việc này cũng giống như Thiên chúa giáo không đáp ứng được nhu cầu tâm linh của những người phương Tây. Thật đáng tiếc cho người dân Nhật vì đất nước họ là một đất nước khoa học kỹ thuật cao nhưng họ chẳng tận dụng được gì từ tính khoa học cũng được xem là rất cao của một tôn giáo được từng là cái nôi của đất nước họ.

Với quan niệm về tha lực của đại nguyện của A Di Đà như vậy, thì đạo Phật ở Nhật bị biến thành “đạo của người chết” cũng đúng thôi, cứ sống thoải mái, làm ác cũng chẳng bận tâm, cứ niệm Phật đi rồi khi chết Phật sẽ đến rước, quá lý tưởng cho những người đang đứng ngay cửa tử, vậy thì tại sao lại người sống không dùng đạo Phật để cầu siêu cho người chết để người sống cũng cảm thấy “yên lòng” khi nghĩ về đời sau của người thân mình.

Tôi đánh giá cao bài dịch này. Đây cũng là một bài học đáng để cho những người hoằng dương pháp môn Niệm Phật tại Việt Nam lấy đó mà suy gẫm.

quang hien vào lúc 05/10/2009 19:39

Tôi vào trang web belief. net và tìm thấy 2 comments có lẽ là của 2 phật tử nước ngoài có quan tâm đến vấn đề này, xin dịch để đọc giả xem và tham khảo.

Evelyn Cash:

Tôi tình cờ đọc câu chuyện này trên Buddhist Channel ngày hôm qua, câu chuyện tường thuật rằng vì Phật giáo đang suy tàn tại Nhật, các tu sĩ đang cậy vào những biện pháp tuyệt vọng để cố gắng lấy lại tín đồ. Các tu sĩ Phật giáo đang thử đủ mọi cách từ việc phát hành những đĩa DVD phim hoạt hình cho đến tu sĩ nam và nữ tham gia biểu diễn hip hop nhưng chẳng đem lại hiệu quả gì. Tôi thấy điều này thật thú vị nếu xem xét sự việc rằng Phật giáo dường như đang được nhiều người yêu mến tại phương Tây.

Tôi tự hỏi: Liệu các tu sĩ Phật giáo ở Nhật có thể đưa nhiều người quay về các ngôi chùa nếu họ vận dụng những mặt thực tiễn của Phật giáo như hành thiền, những lời dạy của Đức Phật hơn là cứ bám vào khía cạnh đức tin của tôn giáo. Vận dụng những mặt thực tiễn của Phật giáo cho thấy đã gặt hái được các kết quả tốt đẹp tại các nước phương Tây nơi đây.

Tôi xin trích lời của Lạt ma Surya Das: “ Con người đang tìm những phương pháp tu tập được xây dựng trên kinh nghiệm, chứ không phải là một hệ thống niềm tin mới hay là một tập hợp những quy luật đạo đức mà chúng ta đã có và chúng cũng không khác gì với tất cả các tôn giáo khác … Thiền chính là một trong những phương pháp tu tập để chuyển hóa thực sự thu hút sự quan tâm của mọi người.”

Có lẽ người Nhật cũng sẽ hưởng ứng tích cực tới những lời hướng dẫn thực tiễn để hành thiền hơn là những đĩa DVD phim họat hình Phật giáo.

Giống như nhiều truyền thống và phong tục khác đang suy tàn tại Nhật, Phật giáo có thể cũng cần trải qua một sự “tái sáng chế” để có thể sống còn.

Greg:

Hầu hết người Nhật đều theo pháp môn Tịnh Độ, vì vậy chuyển từ đức tin sang tập trung hành thiền trong một chừng mực nào đó sẽ là một sự chuyển đổi thực tiễn. Tôi cũng từng nghĩ rằng đức tin là vấn đề của Phật giáo Nhật, nếu quả thực như vậy thì như vậy số người quan tâm về Zen (thiền Nhật Bản) sẽ tăng lên, nhưng chuyện này đã không xảy ra.

Lời của vị giáo sư được trích dẫn trong bài này cho thấy rằng bản thân tôn giáo không phải là vấn đề, vấn đề ở chỗ là tôn giáo này không thể đi vào đời sống hàng ngày của người dân Nhật như Phật giáo ở các nước ở Đông Nam Á.

Tôi nghĩ là khó có một điều gì có thể làm cho tình hình thay đổi.

Xã Tắc vào lúc 18/11/2009 11:51
avatar
Hay hay hay ! Tục ngữ mình có câu :" Nhìn người mà ngẫm đến ta...". Với VN Mình, Khi Phật giáo du nhập vào VN ,ngay từ buổi đầu đã khéo léo hòa nhập vào Tín ngưỡng Bản địa... có vậy mới hòa nhập và phát triển cho đến bây giờ.Tất nhiên là hòa nhập chứ không hòa tan... Trong Kinh Phổ môn có chỉ rõ : Đại ý là nếu chúng sinh không thích Ta làm tỉ khiêu Tăng, Tỉ khiêu Ni... Để Ta giảng giải, thuyết pháp, cứu khổ,cứu nạn... Mà muốn Ta Làm ATU NA,... MA HẦU NA GIÀ....Thì Ta phải thị hiện ( ? ).
Có một thời Đạo Mẫu (Đạo Tứ phủ )phát triển,làm mưa, làm gió ở Miền Bắc VN ! Ông Đồng, Bà cốt gần như nấm gặp mưa phùn phát triển và lũng đoạn không ít người. Nếu Tăng,Ni mà lánh xa, gây đố kị... Thì làm sao mà hóa giải,tiếp cận,phân tích cho họ Giác ngộ và Thấu hiểu con đường Cứu khổ, độ sinh, giải thoát khỏi Luân hồi....mà Đức Phật đã chỉ dạy.
Tôi thấy trong chúng Tăng có không ít người có cái nhìn không thiện cảm,bĩu mày... với các Quý Thày "có duyên đồng bóng".
Thử hỏi nếu không có các Quý Thày đó thì cứ để cho Đồng bóng phát triển,vàng mã đốt thả phanh sao được (!!!? ).
Xin cảm ơn BBT đã đưa tin .

Source: phattuvietnam.net

Các tin đã đăng: