Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)Mùa hoạt động “bội thu” nhất của đám bán tăm dạo như của H. “chó” là
thời điểm thí sinh khắp nơi đổ dồn về các địa điểm thi. Nhiều thí sinh
lần đầu tiên ngơ ngác lần đầu ra phố, rất dễ sa vào bẫy
Một ngày đi bán tăm...lừa
Trước khi "khởi nghiệp" hành nghề bán tăm, tôi cũng hơi run vì thời gian
gần đây, chỉ cần hành nghề sơ suất sẽ bị các bác xe ôm báo công an truy
quét. Đưa ánh mắt dò xét, H. “chó” trấn an: “Mày sợ hả? Có tụi tao
“giám sát” công an rồi, phát hiện có “động” thì sẽ có tín hiệu để mày
chạy, nhớ là phải đua thật nhanh, không bị tóm đó nghen!".
H. “chó” còn dặn thêm: “Nhìn mặt bắt hình rong”, đó là tiêu chí đầu tiên
bước vào nghề, mày phải chú ý đến những người có dáng vẻ bên ngoài “nhà
quê” thì mới dễ kiếm ăn được”.
Được "động viên", tôi cùng mấy thằng trong nhóm hôm qua nhậu tìm đến khu
vực gần trường ĐHSP Kỹ Thuật TP HCM, ở phường Linh Chiểu, Thủ Đức hành
nghề. "Đồ nghề của chúng tôi gồm mấy chục gói tăm, một quyển sổ màu đen,
trong đó đã được đám “chíp hôi” ghi nhăng nhít danh sách sinh viên
trường này, trường nọ, người dân “đóng góp” ký tên ủng hộ. Thực tế, bản
danh sách nói trên chỉ là do đám H. “chó” bày sẵn để qua mặt các tấm
lòng hảo tâm.
Danh sách "tấm lòng hảo tâm" do H. "chó" lập ra để đánh lừa mọi người
Vị khách đầu tiên của tôi và mấy thằng trong nhóm là một sinh viên vừa
xuống xe buýt, tôi nhìn biết đây là “con gà” mới nhập trường. Lại gần
làm quen, một đứa trong nhóm kỳ nèo: “Anh ơi, cầm hộ em gói tăm nha?”.
Không được hồi đáp, thằng này tiếp tục bám theo: “Cầm hộ em gói tăm đi
anh, anh cứ cầm đi”. Vẫn nhận được cái lắc đầu, đối tượng bán tăm dạo
quyết không tha “con mồi”: “Anh ơi, mua giùm em vài gói tăm cho trẻ em
khuyết tật, sinh viên trường này ai cũng mua hết đó anh, em đi bán tăm
thế này cũng chỉ mong giúp các em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được
thêm bữa cơm, mong anh giúp đỡ”.
Sau phút lưỡng lự, sinh viên này cũng đồng ý cầm tăm, khỏi cần suy tính,
đối tượng mừng như mở cờ trong bụng, lấy vội quyển sổ mang theo, giọng
ôn tồn: “Ít người như anh lắm, anh ký hộ em mấy dòng chữ để em về báo
cáo, ghi nhận tấm lòng hảo tâm của anh”.
Chỉ chờ sinh viên này ký xong, hỏi giá, đối tượng bán tăm dạo mà tôi đi
theo mạnh dạn lấn tới: “Anh cho em xin 100.000 đồng nha”. “Con mồi” hét
toáng: “Làm gì mắc dữ vậy cha nội, gói tăm này tui mua ngoài có 1000
đồng chứ bao”.
“Anh hai, tụi em làm từ thiện là chính, bên Trung tâm quy định vậy rồi,
anh hai có thương thì thương cho trót. Đây nè, anh nhìn xem, tụi em cũng
đã ghi giá tiền hẳn, nhiều người cũng mua và đóng góp rồi đó”- lên
giọng.
Sinh viên này cãi cố: “Vậy tui trả lại”. “Làm gì có chuyện đó cha nội,
tui nói rồi nghe, đã ký vào là phải đưa tiền, nếu không thì đừng….”, đối
tượng bán tăm hất hàm nhìn về “con mồi”, đồng thời vẫy tay cho tôi và
vài đối tượng “chíp hôi” lại hăm doạ. Bị cô lập và sợ đánh, “con mồi”
ngoan ngoãn rút ví, đưa tiền, mặt nhìn như muốn khóc
Sau một ngày với các chiêu thức bán “tăm quyên góp từ thiện”, nhóm bán
tăm dạo mà tôi đi theo chứng kiến cũng gạ được 3 “tấm lòng hảo tâm”.
Chạy bán sống bán chết vẫn không sợ
Theo điều tra của tôi, đằng sau những tấm danh thiếp, sổ ghi chép “từ
thiện” là cả một đội quân bát nháo được một vài “đại ca” thu nạp làm “đệ
tử”, truyền đạt và phân bố ra khắp nơi để hành nghề.
Với những "trải nghiệm" thực tế, tôi phát hiện, không chỉ có đám đồ đệ
của “đại ca”, H. “chó” hoạt động, mà còn rất nhiều đối tượng khác cũng
“cải tà đội lốt” hành nghề.
Những đối tượng này luôn mạo danh những tổ chức từ thiện, nhân đạo, hội
người mù, hội khuyết tật.. lợi dụng lòng tốt của mọi người, những kẻ lừa
đảo tìm mọi cách để mời mọc, chèo kéo khách mua tăm.
Địa bàn hoạt động của các đối tượng là các cổng trường đại học, cổng
chợ, điểm chờ xe bus, bến xe, thậm chí còn len lỏi vào tận các xóm trọ
sinh viên và nhà dân.
Bác Hậu, lái xe ôm từng nhiều lần đối đầu với các
đối tượng bán tăm lừa đảo và bị bọn chúng đe dọa đánh.
Đồ nghề của chúng đơn giản chỉ vài gói tăm nhỏ, một cuốn sổ, một cái bút
và bài nói êm tai đã được lập trình sẵn trong đầu. Cứ thấy người qua
lại, đặc biệt là sinh viên, chúng chạy ngược chạy xuôi chèo kéo, mời mọc
đon đả. Điều đáng nói là có khi chúng còn mặc những chiếc áo xanh tình
nguyện và độ tuổi rất sinh viên (18-22 tuổi).
Những cám dỗ lợi nhuận khiến các đối tượng này dấn thân hơn. Theo tìm
hiểu của tôi, nhiều đối tượng dù bị truy đuổi, “bỏ của chạy lấy người”
nhưng vẫn đeo bám, trung thành với nghề này.
Thậm chí, tại khu vực trước cổng trường ĐH Sư phạm kỷ thuật TP.HCM, phía
C.A Quận Thủ Đức đã nhiều lần truy quét, tình hình tạm ổn thời gian rồi
sau đó tiếp tục tái phát. Trong đó, có cả lái xe ôm cũng tham gia “giám
sát”, bảo vệ người dân khỏi trò lừa bịp. Tuy nhiên, nhiều bác xe ôm
cũng vạ lây, bị đe doạ.
Bác Hậu, lái xe ôm ở ngã 4, Q.Thủ Đức cho biết: Thấy tụi nó ăn hiếp dân
lành quá đáng, tui đã nhiều lần báo cáo C.A, tụi chúng thù, có lần kéo
đến đánh. Vì vậy, phía sau lưng tôi bao giờ cũng chuẩn bị sẵn gậy gộc để
đáp trả.
Khi tấm lòng hảo tâm bị bóp méo
Hiện nay, nhiều trung tâm nhân đạo, nhiều tổ chức nhân đạo có cử người
đi bán tăm, dưới tấm danh “Quyên góp từ thiện” là có thật. Tuy nhiên,
điều dễ nhận thấy là họ hoạt động rất nghiêm túc, không chèo kéo người
dân bằng bất cứ giá nào phải mua tăm ủng hộ. Đồng thời luôn có giấy tờ
tuỳ thân, giấy giới thiệu có đóng dấu của nơi Trung tâm nhân đạo đó cử
đi.
Ngược lại, những đối tượng hành nghề bất chính thì luôn sử dụng mọi thủ
đoạn “dúi tăm”, có khi ép, dùng thủ đoạn đe doạ người dân mua bằng được,
trong đó đối tượng thường bị nhắm đến là sinh viên mới nhập học.
Bạn Lê Anh Đức, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Thông tin nhắc lại chuyện
mua tăm, mặt méo xệch: “Em cũng bị tụi nó lừa mà không biết. Tụi nó hét
giá 100.000 đồng, em kêu không đủ tiền, nó bảo được từng nào đưa từng
đó, miễn là ghi nhận có tấm lòng “hảo tâm”.
Bạn Lê Anh Đức cũng từng bị lừa mua tăm từ thiện
Chiêu thức đánh lừa sinh viên còn rất quái chiêu, bạn Phạm Văn An (ĐH
Kinh tế Luật) bức xúc: "Nhiều đối tượng còn lừa là sinh viên trường này,
trường nọ đi bán tăm ủng hộ từ thiện, mang theo giấy giới thiệu của hội
người mù, Hội khuyết tật… thậm chí còn bảo mình lưu số điện thoại của
nó vào, khi nào cần thì gọi. Tin tưởng, mình cũng rút tiền ra mua tăm,
cũng ký vào danh sách ủng hộ, ai ngờ ký xong, tụi nó “chặt” mình 100.000
đồng".
Theo Zing