Tại
hội thảo “Phương án tăng cường công tác quản lý khai thác, tôn
tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử” ở Quảng Ninh
mới đây, UBND TP Uông Bí đề xuất tái “bán vé” cho khách thập phương
đến Yên Tử.
Trong báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phố - chủ tịch UBND
TP Uông Bí (Quảng Ninh) - đề nghị: “Triển khai thu phí tham quan khu
di tích Yên Tử nhằm mục đích “tạo nguồn kinh phí chủ động chi
cho công tác hoạt động quản lý, bảo tồn và một phần để đầu
tư trùng tu, tôn tạo khu di tích danh thắng Yên Tử”.
Nhận định về những khó khăn của công việc tại khu di
tích và danh thắng này, ông Phố cho rằng với việc di chuyển nhiều trong
điều kiện núi rừng hiểm trở, đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù để trả phụ
cấp di chuyển trên núi cao cho ban quản lý...
Chờ tỉnh phê duyệt
Ông Nguyễn Thành Phố cho biết trong hội nghị (gồm
khoảng 60 đại biểu thuộc các ngành, các cấp của TP Uông Bí) cũng có ý
kiến đồng thuận, có ý kiến phản bác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là báo cáo
đề xuất của UBND TP Uông Bí, còn việc quyết định mức thu bao nhiêu, vào
thời điểm nào còn chờ UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
Theo thống kê từ UBND TP Uông Bí, từ năm 1997 đến nay
tổng số tiền tôn tạo và xây dựng tại Yên Tử do Nhà nước đầu tư là 41
công trình với tổng số tiền 142 tỉ đồng, trong khi đó chỉ từ năm 2007
đến nay, số công trình xã hội hóa là 12 công trình với tổng số tiền lên
tới 402 tỉ đồng với các công trình tiêu biểu: dự án trùng tu và
xây dựng chùa Đồng, dự án đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
nặng trên 100 tấn đặt tại đỉnh An Kỳ Sinh dự kiến hoàn thành
trong năm nay, xây dựng con đường hướng thượng từ chân núi Yên
Tử lên đến chùa Đồng...
Cũng theo UBND TP Uông Bí, số lượng khách đến với Yên
Tử đã tăng từ 100.000 lượt (năm 2006) lên 2 triệu lượt (năm 2011). Có
thể thấy rất rõ là từ khi dừng việc thu phí tham quan Yên Tử
thì số lượng du khách tăng đột biến, thêm nữa là các công
trình văn hóa tâm linh được xây dựng quy mô, đầu tư có hiệu quả
hơn mà hoàn toàn chỉ dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa (do
người dân đóng góp).
Du khách thưởng ngoạn khung cảnh ở chùa Đồng - một trong những công trình xã hội hóa đầu tiên tại Yên Tử -Ảnh: Khả Linh
Đáng buồn nếu thu phí
Hiệu quả của việc trùng tu một khu đệ nhất
danh thắng Phật giáo Việt Nam từ chính sự quyên góp của người
dân đã chứng minh cho một quyết định đúng đắn của UBND tỉnh
Quảng Ninh và Tỉnh hội Phật giáo trong việc không thu vé tham
quan từ năm 2006. “Khi người dân thành tâm công đức trùng tu chùa
thì họ sẽ giữ gìn chùa bằng chính tâm của mình” - một phật tử
đến thăm Yên Tử nói.
Không ủng hộ đề xuất “bán vé” thăm Yên Tử, sư thầy
Thích Khai Bi - phó trưởng Ban quản lý Tôn tạo di tích Yên Tử nói
với Tuổi Trẻ: “Đây không chỉ là một địa chỉ tâm linh mà còn là nơi để
mọi tầng lớp nhân dân hướng về nguồn cội. Cá nhân tôi cũng như nhiều
tăng ni phật tử của chùa cho rằng việc thu phí như vậy là không hợp lý.
Suy xét kỹ hơn, việc bán vé này đánh vào ai? Nếu là tầng lớp lãnh đạo
thì thường có giấy mời, cán bộ công chức đi theo cơ quan cũng được đài
thọ. Chỉ còn lại dân nghèo là phải mua vé”.
Một phật tử ở Hà Nội cũng phản biện: “Phật hoàng Trần
Nhân Tông không chỉ là một vị vua đáng kính, mà còn được nhân dân tôn
là Phật. Hướng về cội nguồn tiên tổ, hành hương viếng Phật mà phải trả
tiền thật không ra sao...”.
Ngay tại Hà Nội, không một chùa nào thu phí tham
quan. Chùa Bái Đính ở Ninh Bình do doanh nghiệp địa phương đầu tư
cũng không bán vé. Huế là thành phố của du lịch, chỉ tính
riêng nội thành Huế có 500 ngôi chùa lớn nhỏ nhưng cửa Phật
là để khách thập phương tùy duyên đến.
“Mọi người vẫn coi Yên Tử là nơi xuất xứ của
một dòng thiền mang tinh thần của người Việt. Vậy mà ở một
mảnh đất tổ của Phật giáo Việt Nam, người ta lại bắt gặp
hình ảnh dựng gác chắn để thu phí những tấm lòng thành tâm
đến nơi “phúc địa” này thì quả thật đáng buồn” - chị Khánh Hạ
(Hà Nội) đã trả lời như thế khi được hỏi về việc bán vé thăm Yên Tử.
Theo tìm hiểu của phóng
viên, từ năm 2006 khi UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định ngừng thu phí
thăm Yên Tử, mọi chi phí hoạt động của Ban quản lý di tích Yên
Tử được ngân sách nhà nước hỗ trợ cộng thêm 20% số tiền
trích từ tổng số tiền công đức. Chi phí đảm bảo vệ sinh môi
trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự do Công ty cổ
phần phát triển Tùng Lâm - đơn vị hiện đang đầu tư và thu
phí các dịch vụ trong khu di tích Yên Tử - chịu trách nhiệm.
Việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng chùa chiền, đường đi bộ
trong khu di tích nằm trong phần xã hội hóa do Ban Quản lý di
tích Yên Tử và Tỉnh hội Phật giáo đứng ra chịu trách
nhiệm.
Chi phí phục vụ lễ
hội - tuyên truyền quảng bá do Nhà nước, Tỉnh hội Phật giáo
và Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm cùng phối hợp chịu
trách nhiệm.
|
Theo Hoàng Điệp - Thụy Khanh - TTO