Mở đầu bài viết trên nói: “Theo lẽ thường, Thánh Lễ thường được
cử hành tại Nhà Thờ, tại Nguyện Đường. Có những trường hợp đặc biệt vì
hoàn cảnh nào đó thì Thánh Lễ được cử hành tại tư gia. Chiều hôm nay,
một Thánh Lễ hết sức đặc biệt được cử hành ở một nơi hết sức đặc biệt đó
là tại một ngôi chùa. Chuyện đặc biệt này xảy đến vì lẽ người quá cố là
người trụ trì ngôi chùa thân yêu mang tên Quan Âm (Bình Hưng - Bình
Chánh) này…”.
Chúng tôi đọc bài viết trên ở nhiều website Thiên Chúa giáo khác
nhau, nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ hình ảnh nào về ngôi chùa Quan
Âm, cũng như vị “sư cô trụ trì” được gọi là “chân tu” này.
Đây là một điều khác thường trong thông tin khi cần chỉ đích danh một ai đó, hay một địa chỉ nào đó để thuyết phục người đọc.
Lật giở quyển “Danh mục tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường TP. Hồ Chí Minh”,
chúng tôi thấy toàn huyện Bình Chánh không có bất cứ ngôi chùa nào mang
tên “Quan Âm”, trong khi thông tin của bài báo trên chỉ cho biết “ngôi
chùa” ở Bình Hưng, Bình Chánh.
Chúng tôi tìm đến xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, với quyết tâm dù đi
hết xã cũng phải hỏi cho ra gốc tích của “ngôi chùa” và vị “sư cô trụ
trì” này.
Ban đầu, chúng tôi tìm đến Thượng tọa Thích Nhựt Ấn tại chùa Long
Thạnh - Văn phòng Ban đại diện Huyện Bình Chánh trước đây tại Tỉnh lộ
10, Thượng tọa không rõ về chùa Quan Âm, nên hướng dẫn chúng tôi tìm đến
hỏi Thầy Thiện Lạc ở chùa Tam Bửu.
Trên đường đi, chúng tôi quyết định không đến chùa Tam Bửu nữa mà tìm
đến xã Bình Hưng, nếu gặp bất cứ chùa nào ngụ trên xã này cũng sẽ ghé
vào hỏi thử xem có biết gì về “chùa Quan Âm” và “sư cô trụ trì” cải đạo không.
Thật may mắn, trong lần hỏi một chú chạy xe ôm, chúng tôi được biết có “ngôi chùa Quan Âm” gần cạnh chùa Viên Minh do Ni sư Như Hương trụ trì ở Ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Để không bất ngờ, chúng tôi ghé chùa Viên Minh tìm hiểu thông tin trước về sự thật của ngôi chùa “Quan Âm” và vị “sư cô trụ trì” vừa qua đời kia.
Sau khi chúng tôi giới thiệu về mình và nói đến tin đồn thổi có một “sư cô trụ trì”
chùa Quan Âm ở xã Bình Hưng cải đạo theo Chúa và tổ chức Thánh lễ trong
chùa, Ni sư Như Hương, trụ trì chùa Viên Minh hết sức ngạc nhiên và phủ
bác các thông tin kể trên.
Rất tế nhị, Ni sư đưa chúng tôi đến một số gia đình gần đó để hỏi
chuyện, gặp ai họ cũng nói đó chỉ là một cái am nhỏ, người dân vẫn gọi
là “chùa Quan Âm”, chùa do tư nhân tự lập, nên không được Giáo
hội Phật giáo Việt Nam công nhận, không được phép đặt bảng hiệu chùa, và
người làm chủ ngôi am đó là cô Lương Thị Phụng, người dân ở đó vẫn gọi
là cô Năm, cô thường bỏ bánh bán cho một cái quán gần đó.
Cô Năm không phải người xuất gia và cũng không phải trụ trì gì cả. Từ lâu, một số người dân ở đây vẫn quen gọi cô Năm là “Nữ Chúa”.
Ni sư Như Hương còn cho biết thêm, sau khi cô Năm (Phụng) mất, chẳng
hiểu sao thấy rất đông các bà Xơ và tín đồ đạo Chúa tìm đến, làm cho bà
con trong xóm không hiểu gì hết, bàn tán xôn xao, và sau ngày cô Năm
mất, có mấy đại đức được cử về ngôi am này, còn nội tình trước đó ra sao
thì không rõ.
Chúng tôi hỏi một người dân, hôm nay (ngày Rằm tháng Giêng) có vị xuất gia nào ở đó không? Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi nói “có”, và dẫn chúng tôi đến “ngôi chùa” này.
Trong khi đến gần ngôi chùa, chúng tôi vẫn còn chút ái ngại vì thứ
nhất đã xác định rõ đây không phải là một ngôi chùa của Giáo hội quản lý
và cô Năm cũng không phải người xuất gia, trong khi bài viết được bên
Thiên Chúa giáo lan truyền nói: “Thánh Lễ được cử hành hết sức trang
nghiêm và sốt sắng cùng với lời ca tiếng hát thánh thiêng của các xơ và
cả sự thành tâm của tang quyến, của Phật tử”.
Quả tình với những thông tin bịa đặt, tung hoả mù đó, chúng tôi cũng hơi nghi ngại về cái gọi là “Phật tử” tại “ngôi am” này.
Nhưng muốn tìm hiểu sự thật thì không có cách nào khác là phải tiếp cận những người thân trong gia đình của cô Năm.
Tuy nhiên, bước vào ngôi am, chúng tôi yên tâm hơn khi thấy có khoảng
4 đến 5 vị xuất gia, vị thì đang tụng kinh, vị thì tiếp Phật tử, vị thì
đang chấp tác, đúng là không khí bận rộn của một ngày Rằm lớn nhất
trong năm.
Đón tiếp tôi là Đại đức Thích Thiện Luật, Tăng sinh Học viện Phật
giáo TP. HCM khoá 7, Khoa Phật giáo Việt Nam. Sau khi nghe tôi trình bày
những dư luận xôn xao về vị sư cô trụ trì chùa Quan Âm cải đạo. Như
biết trước điều này, Đại đức vui vẻ mời tôi vào bên trong và giới thiệu
tôi với cô Trần Thị Hường, người trực tiếp chăm sóc mẹ Năm (theo cách
gọi của cô Hường) trong suốt nhiều năm nay cũng như lúc mẹ Năm nằm điều
trị ung thư tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Khi nghe tôi tóm tắt về những thông tin đang đồn thổi trên mạng
internet về cô Năm, cô Hường rất bức xúc, cô khóc và bắt đầu kể lại câu
chuyện trong những ngày cô Năm nằm viện.
Cô rất kính trọng và thương mẹ Năm, nên cô không có ý làm cho mẹ Năm
buồn điều chi hết lúc cuối đời. Khi ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, có mấy
xơ thường hay vào bệnh viện cầu nguyện cho những bệnh nhân tín đồ đạo
Chúa vào các ngày Chủ nhật.
Cô xác nhận là thời gian mẹ Năm nằm viện cũng có tình cảm với các xơ, vì các xơ cũng quan tâm đến bệnh tình của mẹ Năm.
Lúc bệnh mẹ Năm ở giai đoạn cuối, có những lúc mẹ Năm vô cùng đau
đớn, không được minh mẫn thì các xơ đến nói gì đó và đọc kinh cầu nguyện
cho mẹ Năm, để mẹ Năm hết đau đớn.
Nhiều lúc, cô Hường không biết họ trao đổi với nhau những gì để mà
can thiệp, chỉ thấy có một ngày (cô Hường không rõ) xơ Hằng và một xơ mà
cô không biết tên dụ mẹ Năm theo đạo Chúa và báo cho một vị Cha tới,
lúc đó mẹ Năm làm thinh, sau đó xơ Hằng đọc kinh cho mẹ Năm đọc theo,
rồi họ cho cái bánh gì đó vào miệng mẹ Năm, nhưng sau đó mẹ Năm nhả ra
và xơ kia mới vứt miếng bánh đi. Rồi họ đặt tên Thánh cho mẹ Năm.
Sau đó, cô Hường ngạc nhiên hỏi mẹ Năm thì mẹ Năm nói: “Tại sao lại để cho mẹ ăn bánh đó?”. Cô Hường bảo: “Do mẹ đó chứ, khi không sao mẹ lại làm thinh?”. Mẹ năm nói không nhớ được mình đã đọc những gì và vì sao họ lại nhét bánh vào miệng mẹ.
Cô Hường lại khóc và nói rằng, con thề với quý Thầy, trong suốt hơn
40 năm mẹ Năm của con chỉ một lòng hướng Phật, còn họ đọc kinh cho mẹ
lúc nằm viện thì chỉ là tình cảm thôi, không ngờ họ lại lợi dụng lúc mẹ
đau đớn mà làm chuyện cải đạo gì đó để nhằm bôi xấu Phật giáo, dù phải
làm chứng, hay hi sinh con cũng chứng minh với mọi người mẹ Năm một lòng
với Phật.
Tôi hỏi, “Vậy lúc cô Năm lâm chung, có người đạo Chúa ở bên cạnh không?”. Cô Hường trả lời: “Không!”,
và nói thêm rằng, sau ngày mẹ Năm về nhà (chùa Quan Âm), xơ cũng có tới
thăm, nhưng lúc mất thì toàn các Phật tử tụng kinh hộ niệm.
Tôi lại hỏi: “Thế thì tại sao họ nói, họ tổ chức Thánh lễ cùng với Phật tử ở trong chùa?”.
Cô Hường nói, ở đây không ai báo cho họ cả, nhưng có Ngộ Thanh Phước
(còn gọi là Linh) có điện thoại của các xơ, không biết Thanh Phước có
điện báo cho họ tới không mà họ kéo đến rất đông và đọc kinh.
Mọi người chỉ nghĩ, họ có tình cảm với mẹ Năm, nên nghe tin mẹ mất
thì đến viếng bình thường thôi, chứ có biết Thánh lễ gì gì đó ở trong
chùa đâu.
Cô Hường cho biết thêm, Linh là con nuôi của mẹ Năm, nhưng mẹ không
giao ngôi am này lại cho Linh, mà mẹ Năm muốn giao lại cho Thầy Thích
Thiện Luật. Trước kia mẹ Năm thỉnh thoảng cũng xuống tóc, hình thờ của
mẹ cũng xuống tóc, nhưng không phải mẹ xuất gia, mẹ không có pháp danh
và không giữ giới chi cả.
Lúc mẹ Năm nằm viện, mẹ không xuống tóc, khi bệnh viện trả về, mẹ yêu
cầu được Thầy Thích Thiện Luật xuống tóc cho mẹ, bởi mẹ cho rằng thầy
Thiện Luật có đủ đức độ để xuống tóc cho mẹ và thay mẹ chăm sóc cho ngôi
chùa nhỏ này, mong một ngày nào đó, ngôi chùa này được Giáo hội Phật
giáo Việt Nam công nhận cho sinh hoạt thì mới mong phát triển.
Để cho hết nhẽ, tôi hỏi thêm cô Hường: “Có khi nào trước kia gia
đình cô Năm theo đạo, nên qua trò chuyện ở bệnh viện, họ mới có thể mượn
cớ gì đó và dụ đạo một cách sống sượng, giống như đi cướp vội niềm tin
của người khác như vậy?”.
Ngay lập tức cô Hường điện thoại về gia đình cô Năm ở Bình Dương. Sau
một lúc trao đổi với cô Huệ (cháu của mẹ Năm), cô Hường nói: “Gốc
cả gia đình là theo đạo Phật. Nhưng ba của mẹ Năm có người bạn thân theo
đạo Chúa. Khi ông ngoại mất, làm lễ theo đạo Phật, nhưng bên đạo cũng
kéo qua làm lễ có vẻ như giành giật. Con có chị dâu là người theo đạo
Chúa, con quá hiểu bên đó họ giành giật người như thế nào?”.
Chúng tôi hỏi chuyện đến đây, thì Đại đức Thiện Luật trở vào nói: “Thưa
Thầy, hôm chôn cô Năm xong, tôi cho họp Phật tử chùa ngay lập tức để
phê bình Thanh Phước, vì sao lại báo cho bên đạo họ đến để làm ra những
chuyện tai tiếng như vậy. Khi ấy, tôi đề nghị không cho Thanh Phước được
tiếp tục ở lại chùa bất cứ ngày nào. Còn người dân ở đây thì rất bức
xúc với cảnh bên đạo kéo tới chùa một cách không bình thường như vậy.
Hôm qua (14 tháng Giêng) có hai vị xơ mang bài viết đến chùa xin lỗi và
nói không biết ai đã viết ra bài báo với một số thông tin sai lệch như
vậy, nhờ bên phía tôi sửa lại giùm”.
Câu chuyện về “sư cô trụ trì” cải đạo theo Chúa đến đây đã
quá rõ ràng. Chúng tôi không cần phải hỏi thêm nữa, mà chỉ thông cảm với
những người thân của cô Năm, mong cô Năm sớm siêu thoát.
Ai đó dựng ra câu chuyện “sư cô trụ trì” cải đạo theo Chúa
là người có tâm lý cạnh tranh tôn giáo kém lành mạnh, nếu không muốn nói
là hành vi thiếu lương thiện, và những người lợi dụng tình cảnh đau
đớn, lúc mê lúc tỉnh của bệnh nhân để đạt mục đích cưỡng đoạt niềm tin
tôn giáo là phi đạo đức.
Đáng nói hơn là với thông tin thiếu kiểm chứng, các web Thiên Chúa
giáo lại thay nhau tung tin đồn giật gân, nói quá sự thật, làm nhiễu
loạn dư luận, gây bất bình trong giới Tăng Ni, Phật tử, làm tổn hại đến
uy tín và danh dự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như của cá nhân
người đã mất vì căn bệnh ung thư hoành hành.
Với trường hợp tung tin đồn thất thiệt gây hại cho tổ chức Giáo hội
Phật giáo Việt Nam kiểu này, rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật nhà
nước Việt Nam sớm ban hành luật tôn giáo.
Chúng ta hoàn toàn có cở sở pháp lý và nhân chứng để yêu cầu tất cả
các website Thiên Chúa giáo đã đăng tải bài viết trên phải xin lỗi độc
giả, cải chính trước dư luận, đồng thời tháo toàn bộ nội dung bài viết
đó xuống, vì danh xưng “Sư cô” là giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam, tên chùa và chức vụ “trụ trì” là do Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ
nhiệm và công nhận.
Nếu cần thiết, Giáo hội, hay đại diện Tăng Ni, Phật tử có thể nhờ đến
các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc trước những thông tin bịa đặt với
ý đồ không lương thiện như đã kể trên.
Tự do ngôn luận là quyền do Hiến pháp quy định. Quyền này
cho phép mọi công dân được phát biểu, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của
đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tôn
giáo… một cách công khai, rộng rãi, nhưng không vì thế mà lợi dụng việc
phát biểu, bày tỏ ý kiến để thực hiện hành vi trái pháp luật, xuyên tạc
thông tin, gây hại cho uy tín, danh dự của tố chức, cá nhân.
Điều 258 Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung quy định: “Người
nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín
ngưỡng… và các quyền tự dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải
tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội
trong trường hợp nghiêm trọng thì phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”.
Nếu viết sai sự thật, xúc phạm, gây ảnh hưởng đến quyền
lợi của cá nhân, tổ chức thì người đưa thông tin đó hoàn toàn phải chịu
trách nhiệm. Cá nhân, tổ chức bị xúc phạm, vu khống trên mạng internet
có quyền yêu cầu các trang web chấm dứt việc xúc phạm, và có quyền khởi
kiện buộc trang web đó xin lỗi, bồi thường thiệt hại nếu có.
Nếu những thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng, vu
khống làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì cá nhân,
tổ chức đó có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng khởi tố hình sự với tội danh
xúc phạm, vu khống.
Nếu web đưa những thông tin với nội dung sai sự thật, vu
khống hay xúc phạm, ảnh hưởng thiệt hại đến người khác thì tùy theo tính
chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm
hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường (điều 24 Nghị định
97/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 7/2008/TT-BTTTT của
Bộ thông tin truyền thông).
|
Một số hình ảnh về ngôi chùa Quan Âm (chưa được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận):