Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) (1866-1925) là người lãnh đạo
cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) tại Trung Quốc, lật đổ vương triều Mãn
Thanh, chấm dứt hàng mấy ngàn năm thống trị của chế độ phong kiến tại
Trung Quốc, thành lập chế độ dân quốc (1912), là tổng thống của Trung
Hoa Dân Quốc trong nhiều năm.
Tôn Dật Tiên được nhà cầm quyền của lãnh thổ Đài Loan
tôn là lãnh tụ số một của Trung Hoa hiện đại và cũng được chính phủ và
nhân dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn kính như một nhà cách mạng tiên
phong ở Trung Hoa. Ông là một bác sĩ, một nhà lý luận chính trị. Ông có
một vị trí đặc biệt trong lòng nhân dân toàn Trung Quốc (đại lục, lãnh
thổ Đài Loan và Hoa kiều). Tôn Dật Tiên cũng được xem là một vĩ nhân của
thế giới hiện đại.
Sự kiện cải đạo
Phần lớn tài liệu nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc hiện đại và Tôn Dật
Tiên đều chỉ nhắc qua sự kiện Tôn Dật Tiên chịu phép rửa tội để trở
thành một tín đồ Cơ Đốc giáo lúc ông 20 tuổi, trong thời gian sống ở
Hồng Kông, nương nhờ vào một cơ sở Cơ Đốc giáo có bệnh viện riêng và
chuẩn bị việc nhập học vào trường Y khoa do một nhóm các thừa sai Cơ Đốc
sáng lập. Trong một hoàn cảnh chịu sự giúp đỡ từ tổ chức Cơ Đốc giáo
như vậy, ông trở thành tín đồ Cơ Đốc cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, một số ít tài liệu sử học do người Cơ Đốc giáo biên soạn đã
hết sức chú ý đến sự kiện này và xem đó là một vụ “cải đạo”, thay vì chỉ
là việc Tôn Dật Tiên theo đạo Cơ Đốc.
Việc nhấn mạnh đến khía cạnh cải đạo đã được các đoàn truyền giáo Cơ Đốc
tại Trung Quốc nhưng năm đầu thế kỷ XX khai thác triệt để, nhất là từ
khi Tôn Dật Tiên trở thành là lãnh đạo cách mạng, rồi tổng thống của
nước Trung Hoa Dân Quốc. Việc “cải đạo” của Tôn Dật Tiên đã được thổi
phồng như một biểu tượng của tinh thần duy tân, cách mạng chống lại nước
Trung Hoa phong kiến dưới sự cai trị của vương triều Mãn Thanh sùng bái
Phật giáo Lạt-ma: Việc khai thác, thổi phồng, biểu tượng hóa đã có tác
động đến nhiều triệu thanh niên Trung Hoa thời bấy giờ và nhiều thập
niên sau đó, khiến cho họ từ bỏ tôn giáo truyền thống của Trung Hoa là
Phật giáo để cải đạo thành tín đồ Cơ Đốc. Trong số thanh niên chịu tác
động đó, thành phần chiếm một tỉ lệ lớn là trí thức, sinh viên, học
sinh. Có lúc, việc cải đạo “theo gương” Tôn Dật Tiên trở thành cái mốt
của trí thức trẻ Trung Hoa sau cách mạng Tân Hợi. Cơ Đốc giáo được các
nhà truyền giáo vẽ nên như là tôn giáo của thời dân quốc, của duy tân,
đối lập với Phật giáo truyền thống ở Trung Quốc, biểu trưng cho sự lạc
hậu, mê tín, thủ cựu.
Cái cách lập luận này vẫn còn tồn tại, ngay cả ở một số nước chịu ảnh
hưởng của văn hóa Trung Quốc, trong đó có Việt Nam (chẳng hạn, tại Việt
Nam, việc theo Phật giáo truyền thống, thờ cúng ông bà bị cho là đồng
nghĩa với chuyện thờ cúng “bụt thần ma quỷ”, mê tín, quê mùa, chậm tiến,
không được “văn minh”). Thế nên, chúng tôi chọn trường hợp “cải đạo”
của Tôn Dật Tiên là một trường hợp điển hình để nghiên cứu, từ đó góp
phần tìm hiểu vấn đề đạo Phật với tuổi trẻ, một vấn đề lớn của Phật giáo
hiện đại.
Trong số nhiều tài liệu do người Cơ Đốc giáo viết về Tôn Dật Tiên, quyển Tôn Dật Tiên, người giải phóng Trung Hoa1
của Giám mục Henry Bond Restarick, quốc tịch Anh, hoạt động tôn giáo
tại Honolulu, Hawai, nơi mà Tôn Dật Tiên đã đến học tập trong một số
năm, là tài liệu đề cập tương đối nhiều đến sự kiện “cải đạo” của Tôn
Dật Tiên, có thể lấy làm cơ sở để tìm hiểu quan niệm của ông về đạo Phật
truyền thống Trung Hoa, cái nhìn của ông về tôn giáo mới, động cơ “cải
đạo” của ông, từ đó góp phần tìm hiểu vấn đề Phật giáo và giới trẻ.
Tìm hiểu việc cải đạo của Tôn Dật Tiên
Có lẽ vì sự tế nhị, Giám mục Henry Bond Restarick không đề cập đến Phật
giáo mà nói tránh đi rằng tôn giáo truyền thống của Tôn Dật Tiên là thờ
cúng hình tượng và Khổng giáo. Như vậy, chúng ta đều biết, Khổng giáo là
một học thuyết chính trị, không phải là một tôn giáo đúng nghĩa. Một tỷ
lệ lớn tín đồ Cơ Đốc giáo người Trung Quốc vẫn giữ gìn, tuân thủ những
nguyên tắc của Nho học và đó không phải là tình trạng hai tôn giáo hay
cải đạo gì cả. Chuyện tín ngưỡng hầu như không gồm Khổng giáo trong đó.
Còn thờ cúng “hình tượng” tất nhiên là ám chỉ đạo Phật bản địa, có phần
pha tạp với tín ngưỡng dân gian địa phương. Theo miêu tả của Henry Bond
Restarick thì Tôn Dật Tiên đã sớm đối kháng với kiểu tín ngưỡng đó. Một
thứ tín ngưỡng thờ cúng “những hình tượng”, tồn tại để nhận đồ cúng,
hương khói, khấn vái. Có thể hình dung đó là một dạng “Phật giáo đa
thần”, kiểu mà chúng ta vẫn còn thấy ở các chùa quê Việt Nam hiện nay,
lai tạp, lộn xộn, trống rỗng về giáo lý, nặng về mê tín, là đối tượng để
vái van, mặc cả khi cúng kiếng, an ủi khi tang ma. Tôn Dật Tiên khi đó
mang tên Đế Tượng đã nghĩ rằng “chừng nào Trung Hoa không chịu từ bỏ các
mê tín sùng bái hình tượng, thì chẳng có một tiến bộ nào có thể thực
hiện cho tiền đồ dân tộc được”2. Như
vậy, tín ngưỡng Phật giáo bản địa cổ truyền của Trung Hoa được coi là
nguyên nhân của việc trì trệ, chậm tiến, hủ bại. Tất nhiên, để xây dựng
một nước Trung Hoa phát triển, canh tân, tiến bộ thì phải loại trừ thứ
tôn giáo đó và thay bằng một tôn giáo khác thích hợp với yêu cầu cảu
thời đại.
Còn Cơ Đốc giáo xuất hiện trong mắt của Tôn Dật Tiên ra sao? Đó là tôn
giáo của văn minh Tây phương. Sách của Henry Bond Restarick viết như sau
về thời gian Tôn Dật Tiên du học ở trương Iolam, Hawai, Hoa Kỳ: “do sự
tiếp xúc thường xuyên với những người Cơ Đốc và do nền học vấn tôn giáo
dịnh giới thuyết mà cậu đã lãnh hội cùng với các bạn học, những nhân tố
ấy giúp cậu hiểu rõ về sự ngu dại của việc sùng bái hình tượng. Nhờ đó,
cậu tin rằng nhiều cổ tục Trung Hoa còn là sự mê tín cũng như sự sợ hãi
của những khối óc kém lành mạnh chi phối các thời kỳ của đời người, từ
sơ sinh cho đến khi chết,chô đến những lễ lạc tang ma…
Cộng thêm vào nền học vấn tôn giáo, những người trẻ tại Iolam còn bị bắt
buộc tham dự lễ cầu kinh sớm chiều trong ngôi nhà thờ nhỏ của trường,
và ngày chủ nhật thì tất cả được hướng dẫn tới nhà thờ lớn Sai-Andre.
Giám mục Willis cũng như bà Willis đều rất chăm sóc đến học sinh, dùng
bữa trưa trong cùng phòng ăn với họ. Giám mục còn dạy cậu ta giáo lý Cơ
Đốc nữa. Trong sự chung đụng mật thiết thường ngày với các giáo viên và
bà hiệu trưởng, Đế Tượng không cảm trước sự dịu dàng và dễ mến của những
người chăm nom cho cậu về thể xác lẫn linh hồn.
Cho nên, không lạ gì khi thấy cậu thâm nhiễm óc bài xích những mê tín
sùng bái hình tượng, và chấp nhận lòng tin vào một vị chúa duy nhất là
đức Chúa trời. Điều đáng ghi là tất cả những người Trung Hoa theo học ở
Iolani thời ấy đều theo Đạo (Cơ Đốc) cả, và vài người thời gian sau còn
đạt tới địa vị trưởng sở các nhà thời ở Honolulu hoặc những nơi khác.
Khi Đế Tượng thấy các bạn học chuẩn bị làm lễ rửa tội, lẽ tự nhiên cậu
cũng mong muốn vào đạo Cơ Đốc cùng thể như chúng bạn”3.
Nhưng ý muốn được rửa tội để vào đạo Cơ Đốc ở Hoonolulu, nơi ông du học,
không thực hiện được vì gia đình phản đối. Mãi đến khi đến Hồng Kông
sửa soạn vào trường thuốc, Tôn Dật Tiên mới trở thành tín đồ đạo Cơ Đốc.
Bình luận và liên hệ đến vấn đề quan hệ giữa Phật giáo và giới trẻ
Nếu chúng ta là Tôn Dật Tiên, trong hoàn cảnh như vậy, chúng ta có từ bỏ
tôn giáo truyền thống để theo tôn giáo mới, biểu tượng cho văn minh Tây
phương không? Đó là vấn đề đặt ra trước hàng triệu triệu thanh niên
Đông Á, Đông Nam Á, v.v… Chúng ta không thể trách Tôn Dật Tiên, vì sự
lựa chọn là đương nhiên đối với ông. Trong hoàn cảnh như vậy, không thể
khác được.
Vấn đề là một hoàn cảnh như vậy vẫn còn, sau gần 100 năm kể từ trường
hợp của Tôn Dật Tiên. Tại Việt Nam chúng ta, bao nhiêu thanh niên lớn
lên từ làng quê, tiếp xúc kiểu đạo Phật mà không khác gì kiểu đạo Phật ở
làng quê Trung Hoa mà Tôn Dật Tiên đã từng tiếp xúc. Họ nhìn nhận đạo
Phật qua các hoạt động như van vái, cúng sao hạn, dâng sớ, đội sớ cầu
nguyện, bói toán, xem ngày giờ… Rồi lớn lên, học hành tấn tới, họ đi Mỹ,
đi Anh du học, tu nghiệp như Tôn Dật Tiên một thế kỷ trước, để rồi tiếp
xúc với những tôn giáo biểu tượng của văn minh Tây phương. Họ có hành
động như Tôn Dật Tiên? Rất có thể như vậy. Vì sau 100 năm vẫn còn một
kiểu đạo Phật như thời Tôn Dật Tiên và không chỉ ở các làng quê xa xôi,
hẻo lánh.
Trường hợp Tôn Dật Tiên là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng là một
trường hợp đặc biệt, vì ông là nhà cách mạng vĩ đại của đất nước đông
dân nhất thế giới, là tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Cái
cách mà ông lựa chọn đã làm hình mẫu cho nhiều thế hệ thanh niên Trung
Quốc thuộc thành phần ưu tú nhật, tinh túy nhất. Tưởng Giới Thạch trở
thành một con chiên ngoan. “Hình mẫu” Tưởng Giới Thạch lại tác động đến
thanh niên Trung Quốc, và sau đó, lãnh thổ Đài Loan.
Khi từ trần, lễ tang Tôn Dật Tiên được tổ chức long trọng tại Bắc Kinh
theo nghi lễ Cơ Đốc giáo và sau đó lễ truy điệu được tổ chức tại điện
Thái Hòa của Kinh thành, nơi ngày xưa các tăng sĩ Phật giáo Lạt-ma cử
hành các nghi lễ tôn giáo cho Thanh triều.
Có thể nói, diện mạo tôn giáo của Trung Quốc thay đổi nhiều với một nhà
lãnh đạo cải đạo, từ bỏ tôn giáo truyền thống như Tôn Dật Tiên. Tất
nhiên, các nhà lãnh đạo Phật giáo Trung Quốc có tầm nhìn cũng sớm ý thức
được vấn đề. Cùng lúc đó là phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa.
Phong trào này đã nhanh chóng lan sang Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX.
Nhưng, như đã trình bày ở trên, vấn đề vẫn còn đó với thanh niên trí
thức Việt Nam, sau hàng trăm năm chấn hưng Phật giáo. Vì vẫn còn một
kiểu Phật giáo mà thanh niên trí thức Châu Á ngày xưa như Tôn Dật Tiên
coi là mê tín, hủ tục và cần phải đến với một tôn giáo đại diện cho nền
văn minh cao hơn.
Do vậy, theo chúng tôi, một trong những vấn đề lớn nhất đặt ra trong
quan hệ Phật giáo với thanh niên trí thức là vấn đề làm sao để không còn
hoàn cảnh mà anh sinh viên Tôn Dật Tiên (khi đó mang tên Đế Tượng) gặp
phải trước đây đã một thế kỷ.
Cần phải nhìn thấy rằng Phật giáo cần phải được tiếp tục chấn hưng vì
kết quả của chấn hưng vẫn chưa đạt tới hoàn toàn: trong con mắt thanh
niên Á Đông ngày nay vẫn còn một đạo Phật là tôn giáo truyền thống giống
với hình ảnh mà người thanh niên sau này là lãnh tụ của nước Trung Hoa
nhìn thấy.
Có lẽ vấn đề phải cần đến hàng trăm năm nữa để giải quyết. Và nếu không
nhận diện và quyết tâm giải quyết nó, thì đạo Phật dần dần sẽ chỉ là tôn
giáo của những cụ già đến chùa để van vái, cầu cúng, bói toán, xin xăm,
rút quẻ, xem ngày giờ, thỉnh sư làm đám…
Trường hợp cải đạo của Tôn Dật Tiên thiết tưởng cần được xem là một
trường hợp đặc biệt cần được nghiên cứu và rút kinh nghiệm. Tổn thất cho
Phật giáo Trung Hoa từ sự kiện “cải đạo” của Tôn Dật Tiên là không nhỏ.
Không phải là cường điệu khi xem đây là bài học có ý nghĩa đặc biệt
trong việc mang đạo Phật đến với giới trẻ trí thức.
Chú thích:
1. Người dịch: Nguyễn Sinh Duy, Nxb Đà Nẵng, 2000.
2. Sách đã dẫn
3. Sách đã dẫn
Theo: Phapluanonline