Một “đại gia” (Phật tử) tài trợ cho sự kiện văn hoá
(rước xá lợi Đức Phật) của tôn giáo mình, thì bị chính những người quan
tâm đến việc: Chưa có “đại gia” cho phát triển văn hoá đánh đòn phủ đầu.
Đây liệu có phải là đòn “gậy ông đập lưng ông” hay chỉ là sự nối dài
của câu chuyện “nơi đây có bán cá tươi” trong đời sống ứng xử Việt Nam?
Chưa có “đại gia” cho phát triển văn hoá. Đây là vấn
đề mà báo VietNamNet từng đặt ra và có ý muốn để các “đại gia” (tương
lai) trả lời.
Trong những năm gần đây, người giàu có ngày càng gia tăng cùng với
chỉ số tăng trưởng kinh tế của đất nước. Để kêu gọi tầng lớp này đóng
góp vào những lĩnh vực cụ thể không phải dễ, đặc biệt phải tạo được niềm
tin tưởng của họ.
Và khi đạt được sự tin tưởng, những “đại gia” này sẽ không ngần ngại
chi ra những khoản tiền không nhỏ từ lợi nhuận trong kinh doanh cho
những công việc liên quan đến văn hoá, chính trị, xã hội…
Và quả thật, mỗi khi những “đại gia” này xuất hiện trên sân khấu, những
bó hoa tươi và những tràng pháo tay lại vang lên sau khi tấm bảng tượng
trưng, kèm theo một con số tài trợ ấn tượng được tay trao tay. Người ta
còn gọi những “đại gia” này là những “nhà tài trợ”, và nghe nhắc đến
“nhà tài trợ” hầu như ai cũng thấy hân hoan, phấn khởi trong lòng.
Trong xã hội, các tổ chức, cá nhân có uy tín thường vận động không
mệt mỏi các “nhà tài trợ” này nhằm triển khai những dự án cụ thể của tố
chức.
Việc giữ chân nhà tài trợ cũng được xem là một “nghệ thuật”, bởi có
không ít các dự án xã hội đã phải ngừng lại vì không còn tiếp tục nhận
được sự quan tâm của “nhà tài trợ”.
Xin mượn lại câu chuyện Chưa có “đại gia” cho phát triển văn hoá,
để liên hệ đến 1,9 tỉ đồng do một “đại gia” tài trợ cho cuộc rước xá
lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Việt Nam thông qua con đường ngoại giao của nhà
nước, khi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sang thăm Ấn Độ năm 2009.
Bao nhiêu tiền để đổi được sự hoan
hỷ, lòng thành hướng Phật?
Trên báo VietNamNet, họa sĩ Lê Thiết
Cương hỏi: “Không biết tiền thuê chuyên cơ và thuê 3 xe hơi hạng
sang tổng cộng là bao nhiêu? Ai bỏ ra? Nếu giả sử đây là tiền của mấy vị
nào đó cung tiến thì cũng không được hay lắm bởi vì tham quá”.
Cứ tưởng là họa sĩ bảo “đại gia” kia tham vì “tham tài trợ”, không biết
cho người khác hùn công đức với. Ai dè, họa sĩ Lê Thiết Cương lại đổi
giọng “thiền” để lên lớp người Phật tử: “những người bình thường thì
cho rằng đây là một sự kiện văn hóa, những Phật tử thì cho rằng duyên.
Những người biết thì bảo, cái sự kiện rước xá lợi Phật đắt đỏ, lãng phí,
tốn kém nêu trên nếu soi bằng giáo lý nhà Phật thì không đúng, không
sai nhưng nó là biểu hiện của vô minh”.
Thích nói chuyện “thiền” nhưng không làm chủ được chính những điều mình
nói. Không hiểu hết những thuật ngữ thiền, nhưng cứ sính dùng. Đó cũng
là cái bệnh thích lấy “thiền” làm sang của một số “nghệ sĩ”, “trí thức” ở
Việt Nam hiện nay.
Một “đại gia” chi 1,9 tỉ đồng cho hoạt động của một tôn giáo mà bị
nói là vô minh, vậy thử hỏi việc rước xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Việt
Nam có phải là một sự kiện văn hóa không?
Nếu Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch không thể trả lời được cho câu hỏi
này thì có lẽ phải đi hỏi người nước ngoài chăng?
Thật đáng buồn nếu điều đó xảy ra. Nhưng nếu có người trả lời đó đúng
là “sự kiện văn hoá”, liệu người đó có ngại khi bị họa sĩ Lê Thiết
Cương bảo là “người bình thường” để phân biệt với “người biết” không?
Trên diễn đàn VietNamNet, có người đã không ngại với tính từ “người bình
thường” để nói: “Đấy quả thật là một sự kiện tâm linh lớn lao cho
những Phật tử Việt Nam nói riêng và cho văn hoá của đất nước nói chung”
(Thư của một Phật tử gửi Đại đức Thích Thanh Thắng). Và có người lại
bảo: “Thiết nghĩ đó cũng là sự kiện mang ý nghĩa đối ngoại khi những
viên ngọc xá lợi đã được phía bạn trao cho Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị
Doan khi bà sang thăm Ấn Độ”; “Tôi nghĩ rằng bình thường, ít
ai lại có thái độ khắt khe và so đo trước một sự kiện tôn giáo có ý
nghĩa lớn lao như vậy” (Phật ở tại tâm – đâu cần sắp mâm cao cỗ
đầy).
Có bao giờ những người như ông Nguyễn
Anh Tuấn (Tổng biên tập Vietnamnet, họa sĩ Lê Thiết Cương, "Phật tử" Lê
Minh Hiếu... đặt mình vào vị trí những người Phật tử này chưa?
Thử hỏi các nhà kinh tế, văn hóa, chính
trị hàng đầu của Việt Nam, rước xá lợi Đức Phật là “một sự kiện đối
ngoại”, “một sự kiện tôn giáo có ý nghĩa lớn lao”, “một sự kiện tâm linh
lớn lao cho những Phật tử Việt Nam nói riêng và cho văn hoá của đất
nước nói chung”, mà chi ra hơn 1,9 tỉ đồng, quý vị có nghĩ đó là “lãng
phí” hay không?
Nếu tất cả các phép so sánh được đưa ra trong sự kiện này cũng không
thể trả lời được câu hỏi “lãng phí hay không?”, có phải Việt Nam đang
thiếu các tiêu chí định tính, định lượng cho các sự kiện liên quan đến
văn hóa?
Thật không ngờ sự kiện có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt
Nam, có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với một tôn giáo nhiều đời nay vẫn
được xem là gắn bó với dân tộc, chỉ vì có một người Phật tử tự nguyện
cúng 1,9 tỉ đồng cho lễ rước xá lợi Đức Phật lại nhận phải những lời
nhận xét thiếu tôn trọng như vậy?
Còn nhớ, trên diễn đàn Chưa có “đại gia” cho phát triển văn hoá, họa sĩ
Lê Thiết Cương từng nói: “Thập loại chúng sinh thì có thập loại nhu
cầu. Tôi cũng không lấy làm buồn vì công chúng nghe nhạc cổ điển ở VN
quá ít. Nước mình trải qua mấy chục năm chiến tranh, mới đổi mới hơn 20
năm, đời sống còn rất nhiều khó khăn, sao có thể đòi hỏi có được nhiều
người yêu nhạc cổ điển như các nước khác. Chưa kể giá trị của văn hóa ở
VN vẫn còn quá rẻ. Ngay tranh của tôi cũng có bán ở VN đâu. Kêu tranh
tôi đắt nhưng tại sao người ta có thể mua được rất nhiều cái nhà, đổi
rất nhiều xe hơi mà không ai kêu rằng chúng đắt?”.
Vâng, “thập loại chúng sinh thì có thập loại nhu cầu”, “giá trị văn hoá ở
Việt Nam vẫn còn quá rẻ”. Nhưng chắc chỉ có tranh của họa sĩ mới xứng
đáng được “đắt đỏ”, và nếu ai có bỏ nhiều tiền ra mua tranh của họa sĩ
thì cũng chớ cảm thấy lãng phí. Và lỡ có người bỏ 100.000 USD mua tranh
của họa sĩ Lê Thiết Cương, không biết khi ấy hoạ sĩ có bảo người ta vô
minh không?
Và nếu đúng như “nhu cầu” mà họa sĩ Lê Thiết Cương phân chia, thì làm
sao có thể bảo người xây ngôi biệt thự hàng chục triệu USD hãy xây nhà
vài trăm triệu đồng thôi, chi số tiền “lãng phí” còn lại cho những người
đang ở nhà cấp 3, cấp 4. Vân vân. Các nhu cầu có ý nghĩa khác nhau
trong xã hội nếu cứ đưa bài toán “làm từ thiện”, “lãng phí”, “đắt đỏ”,
“tốn kém” vào thì chắc chắn Việt Nam là một nước gương mẫu trong tiết
kiệm mà cả thế giới phải ngả mũ ngưỡng mộ.
Chỉ tiếc rằng đó là câu chuyện “hà tiện mồm người”, bởi những gì
chính quyền hội hè linh đình, “kỷ niệm” quanh năm suốt tháng thì không
thấy hoạ (sĩ) nào lên tiếng về sự lãng phí cả.
Gần đây nhất là sự kiện liên quan đến Phật giáo, gần 400 tu sĩ Làng
Mai bị đánh đuổi khỏi Bát Nhã sao không thấy những người như họa sĩ Lê
Thiết Cương ra tay trượng nghĩa giảng một bài học về văn hoá, về lãng
phí sức lực, tiền của để thuê du côn hành xử?
Hay vì xã hội Việt Nam bỗng trở nên có văn hoá hết rồi sau khi các
gia đình đồng loạt được gắn biển văn hóa?
Và thật không ngờ, hiện thực xã hội còn có biết bao nhiêu điều cần phải
quan tâm thì người ta lại mất quá nhiều thời giờ để bàn luận về vấn đề
“thập loại chúng sinh thì có thập loại như cầu”. Trong khi có vô vàn
chuyện nhức nhối, vi phạm pháp luật, lãng phí ngân sách của nhà nước,
lãng phí tiền đóng thuế của nhân nhân, lãng phí công sức cho những việc
làm vô bổ lại không được người ta chụm đầu vào bàn tán.
Và nếu nhìn sự kiện rước xá lợi Đức Phật là vô minh, chê “đại gia” tự
nguyện “tài trợ” đó là tham lam, phải chăng nên mở thêm một diễn đàn:
Thế nào mới gọi là một sự kiện văn hoá?
Một “đại gia” (Phật tử) tài trợ cho sự kiện văn hoá (rước xá lợi Đức
Phật) của tôn giáo mình, thì bị chính những người quan tâm đến việc:
Chưa có “đại gia” cho phát triển văn hoá đánh đòn phủ đầu. Đây liệu có
phải là đòn “gậy ông đập lưng ông” hay chỉ là sự nối dài của câu chuyện
“nơi đây có bán cá tươi” trong đời sống ứng xử Việt Nam?
Theo: Talawas (PTVN)