Ý tưởng về một kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam
Minh Thạnh
07/02/2010 00:02 (GMT+7)

Bất cứ ai có trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc đều không khỏi giật mình chỉ sau vài giờ xem kênh truyền hình SMTV. Hàng đoàn người đủ màu da quỳ mọp vái lạy trước một người phụ nữ ăn mặc diêm dúa, sặc sỡ.


Từ đài truyền hình “Supreme Master” TV

Theo nội dung một trang quảng cáo cỡ lớn đăng trên bìa 3 một tờ báo Phật giáo ở TP.HCM, chúng tôi vào trang web được giới thiệu:

www.suprememastertv.com để xem TV. Hóa ra, đó là đài truyền hình Thanh Hải “Vô Thượng Sư” (SMTV). Trước đây, Pháp Luân cũng đã có bài phê bình việc xem đài trên. Nay có dịp tiếp xúc trực tiếp với đài này qua internet, chúng tôi xin có một số phân tích đi vào chi tiết để từ đó trở lại ý tưởng PGVN trong và ngoài nước cần có một đài truyền hình phục vụ việc hoằng pháp và tu học của Phật tử, đồng thời làm đối trọng với đài truyền hình của “đạo” Thanh Hải, một đạo đang tìm kiếm tín đồ từ giới Phật giáo.

Tên trang web của đài được công bố rộng rãi trên sách báo chính thức, bạn đọc dễ dàng truy nhập để xem và nhận định về nội dung chương trình. Vì vậy, ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu vào cách làm chương trình truyền hình và các tổ chức kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng đến khán giả.

Xét về cách làm chương trình thì đài SMTV có một kiểu cấu tạo chương trình rất đặc biệt. Chương trình ngắn, đơn giản, lặp đi lặp lại một số nội dung giáo lý cơ bản. Chỉ cần người xem lướt qua vài chục phút/ ngày là đạt yêu cầu. Nó khác với cách làm chương trình thường thấy là có nhiều chuyên mục, chương trình chia ra rõ ràng, mỗi chương trình tùy theo nội dung mà có thời lượng từ vài chục phút đến hơn một giờ. Chương trình truyền hình SMTV nói tiếng Anh, đôi khi nói tiếng Việt, tiếng Hoa và một số thứ tiếng khác. Nhưng điều đáng lưu ý rất hiếm thấy, nếu không muốn nói là trường hợp đặc biệt, là các chương trình truyền hình SMTV có đến hàng chục phụ đề đủ thứ tiếng khác nhau: Tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nga, Tây Ban Nha, Việt Nam, Ả Rập, Đức, v.v… chiếm cả một phần đáng kể màn hình. Kết hợp với cách làm chương trình ngắn gọn, lặp đi lặp lại kể trên, có thể thấy chương trình truyền hình SMTV hướng đến đối tượng là khán giả toàn thế giới từ trình độ biết đọc trở lên. Chương trình thiếu hẳn một bề dày trí tuệ, nhưng lại có khả năng lan tỏa, khắc sâu.

Cách thức làm chương trình của đài SMTV còn thể hiện sự đặc biệt ở chỗ giảm vai trò của hình ảnh video, tăng cường vai trò của ảnh chụp kết hợp với động tác lia camera (zoom in, zoom out, lia máy trên ảnh chụp), khai thác triệt để đồ họa vi tính. Đây là cách làm chương trình tiết kiệm chi phí, không cần nhiều phóng viên hoạt động bên ngoài mà chỉ cần một số ít biên tập ngồi bên máy vi tính, với hình ảnh tĩnh có sẵn và không nhiều hình ảnh video. Hình ảnh video có khác biệt về chất lượng, một số đoạn quay công phu trau chuốt, nhưng một số đoạn chỉ quay với mức độ nghiệp dư. Duy chỉ có cách tổ chức đường dây chương trình là khá chuyên nghiệp. Điều này cho thấy chương trình đài SMTV không phải do các tín đồ thực hiện, mà chỉ thuê công ty truyền thông bên ngoài làm theo một số yêu cầu nhất định về mặt nội dung. Như vậy, đài SMTV có một chương trình truyền hình như vậy không có gì khó khăn, không tốn công, tốn sức. Đầu tư chương trình như vậy là nhẹ hơn rất nhiều so với một đài truyền hình địa phương ở Việt Nam.

Chương trình đơn giản, đầu tư giới hạn, nhưng đài SMTV có hệ thống truyền dẫn phát sóng toàn cầu có thể coi vào hàng đầu thế giới. Chuyên gia thiết kế hệ thống truyền hình này đã có một quan điểm đặc biệt hiếm thấy. Mạng phát sóng vệ tinh của đài này, với chương trình thuộc loại đơn giản nhất, lại là mạng đồ sộ nhất. Có thể nói, là đài truyền hình này phát sóng 100% diện tích trái đất có người ở. Nó dùng đến 14 vệ tinh: Galaxy 25, Hyrasat, Intelsat 907, ABS, Astra 1, Asiasat 2, Asiasat 3S, B  Sky B, Intelsat 10 C-band, Intelsat 10 Ku-band, Optus D2, Eurobird, Eurobird 2, Hotbird.

Về quy mô, hệ thống này lớn hơn gấp nhiều lần hệ thống phát chương trình truyền hình VTV4 của Việt Nam, phủ sóng toàn cầu với 6 vệ tinh; lớn hơn hệ thống truyền hình VOATV, thể hiện quan điểm của chính phủ Mỹ, phủ sóng toàn cầu với 6 vệ tịnh; cũng có thể coi là lớn hơn đài truyền hình CNN nổi tiếng của Mỹ về mặt quảng bá, vì CNN dùng 15 vệ tinh (theo www.lyngsat.com) nhưng trong đó có một số vệ tinh radio (XM3, XM4) và nhiều vệ tinh thương mại cho thuê bao (xem phải trả tiền). Các đài truyền hình Phật giáo lớn phủ sóng toàn cầu như kênh Đại Ái (Hội Phật giáo Từ tế Đài Loan), phủ sóng toàn cầu với 8 vệ tinh, kênh DMC (Dhamma Channel, Phật giáo Thái Lan) sử dụng 6 vệ tinh…

Về đặc điểm thiết kế hệ thống thì đài truyền hình SMTV đạt mức độ tinh vi rất cao, vừa tỏa sóng rộng, ở đâu trên trái đất đều có thể thu được, vừa có những điểm nhấn vào những nơi đông đảo người Việt, người Hoa sinh sống. Chẳng hạn, ở châu Á, người thiết kế hệ thống phát sóng cho đài truyền hình này dùng đến 4 vệ tinh. Đài Loan, Việt Nam là các điểm nhấn tập trung sóng vệ tinh. Riêng Việt Nam, khán giả có thể thu xem trên băng C, anten thu có đường kính lớn hơn 1,2m từ vệ tinh Asiasat 3S có công suất phát rất mạnh trên diện rộng, vừa có thể thu xem trên băng Ku, anten thu có đường kính 0,6m từ vệ tinh ABS1 tập trung phủ sóng lãnh thổ Việt Nam. Đối với châu Âu, châu Úc… cũng có những thiết kế đạt mức hiệu quả thu hút khán giả cao như vậy. Hệ thống này được coi là tạo thuận lợi tối đa cho khán giả vào bậc nhất thế giới (trong số những kênh truyền hình phát quảng bá).

Đến ý tưởng về một kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam

Việc đài truyền hình SMTV truyền “đạo” Thanh Hải chắc chắn làm cho cả phía PGVN lẫn nhà nước đều lo ngại.

Tín đồ “đạo” này phần lớn đều từ Phật giáo và việc phát triển tín đồ “đạo” này cũng theo chiều hướng đó. Một số ít điểm trong giáo lý “đạo” này như cấm sát sinh, ăn chay… có điểm giống như Phật giáo, nên rất dễ ngộ nhận.

Phía nhà nước Việt Nam chắc chắn cũng không muốn thấy việc ngày càng có nhiều tín đồ PGVN trong cũng như ngoài nước cải đạo sang “đạo” Thanh Hải, một đạo chưa được phép hoạt động tại Việt Nam và thường bị báo chí coi là một loại tà đạo, có tác động tiêu cực đến xã hội. Sách báo, băng giảng, đĩa hình, đĩa tiếng của “đạo” này từ trước đến nay vẫn được ngăn chận nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, khi “đạo” này sử dụng đến truyền hình vệ tinh, đặc biệt là băng Ku, thu sóng bằng anten 0,6m thì vấn đề đã hoàn toàn thay đổi.

Ngoài ra, còn phải kể đến Phật tử Việt Nam sống ở nước ngoài. Kênh truyền hình SMTV đã tạo một áp lực truyền đạo rất mạnh lên nhóm đối tượng này.

Sự thay đổi của tình hình buộc nhà nước Việt Nam cũng như PGVN có những phương thức khác hơn. Chúng tôi hướng đến ý tưởng một kênh truyền hình của PGVN, và tốt hơn hết, được tổ chức thực hiện trong nước, theo Luật báo chí của Việt Nam, thuê vệ tinh Vinasat-1 phát sóng đến Phật tử Việt Nam trong nước và ngoài nước, hoằng pháp và hướng dẫn tu tập đúng theo tinh thần chánh pháp và truyền thống tốt đẹp của PGVN.

Về phía Tăng Ni Phật tử, nhu cầu về những chương trình video, audio hoằng pháp, hướng dẫn tu học đúng theo chánh pháp có tính chất tâm linh là rất cao. Chúng ta có thể thấy điều này qua việc phát hành đĩa thuyết pháp video, CD, MP3 ở các phòng phát hành kinh sách của các chùa, ở các nhà sách Phật giáo, cả ở những chiếu sách trải bán trước cổng chùa và những xe bán đĩa dạo. Cũng có thể thấy một cách định lượng hơn điều này qua số lượng đĩa hình Phật giáo đã được xuất bản chính thức với mức tăng mạnh và đều đặn hàng năm.

Nhưng, những phương tiện như thế mà PGVN đã có đến nay không thể so sánh được với mạng lưới truyền hình SMTV, mà cường độ sóng của nó trên lãnh thổ Việt Nam xấp xỉ với sóng băng Ku phát đi từ Vinasat-1.

Còn đối với những tín đồ tích cực của “đạo” này, họ không còn bận tâm đến việc nhận băng đĩa từ nước ngoài đưa vào, mà việc tiếp nhận các chương trình truyền đạo đã quá dễ dàng từ vệ tinh.

Chúng tôi có trao đổi ý tưởng về một kênh truyền hình PGVN với một số vị Tăng Ni Phật tử, thì nhận thấy có một số ý lo ngại, cho rằng vấn đề lớn lao, phức tập quá, có thể ngoài tầm tay của PGVN. Chúng tôi xin phép được bàn luận như sau:

Về mặt chủ trương, nếu nhìn vấn đề từ sự xuất hiện của đài truyền hình SMTV phát sóng toàn thế giới và tập trung xuống lãnh thổ Việt Nam, thì giữa nhà nước Việt Nam, PGVN trong và ngoài nước đều dễ dàng thống nhất với nhau về quan điểm đối phó, không phải chỉ ở phạm vi trong nước, mà trên toàn thế giới, nhất là những quốc gia có đông đảo người Việt, mà phần lớn là Phật tử, sinh sống. Vấn đề một đài truyền hình cho PGVN, giữ gìn và phát huy truyền thống và bản sắc PGVN chắc chắn không phải là vấn đề làm các bên chia rẽ, mà trái lại, nó còn tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí giữa các bên liên hệ. Một sự chậm trễ, dù chỉ vài ba năm, vẫn có thể mang lại những hậu quả tiêu cực cho đất nước và cho PGVN.

Ở đây cần nói thêm, “đạo” Thanh Hải về hình thức là một tôn giáo, có giáo chủ, giáo lý, nhưng hoạt động thực tế thì còn có nhiều khuất tất. Xem SMTV, chúng rất bất bình và khó hiểu khi đài này không gọi nước ta là nước Việt Nam, mà lại gọi là “Âu Lạc”. Trong khi lãnh thổ của nước Âu Lạc khác xa với lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

Về mặt truyền dẫn phát sóng, thì không như trước đây, một đài truyền hình cần phải xây dựng tháp anten phát, mua máy phát sóng, mà hiện nay theo chủ trương xã hội hóa truyền hình thì tổ chức, đơn vị, hay công ty truyền thông chỉ có thể lo phần sản xuất chương trình, phần phát sóng có thể liên kết với các đài truyền hình. Để phát toàn thế giới, PGVN có thể thuê một kênh trước hết trên vệ tinh truyền thông quốc gia Vinasat-1. Chi phí thuê một kênh thông qua hạ tầng của một đài truyền hình đã thuê trọn bộ phát đáp (có thể phát đến hơn 20 kênh theo tiêu chuẩn DVB-S2) là 100.000 - 120.000 USD/năm và trong thực tế có thể hạ hơn. Số tiền này là không quá lớn đối với một tôn giáo có nhiều chục triệu tín đồ như PGVN.

Chi phí để đầu tư trang thiết bị cho một kênh truyền hình, tùy theo giá trị thiết bị có thể từ vài chục ngàn USD đến vài trăm ngàn USD. Về mặt này, PGVN có thể thuê các công ty truyền thông phụ trách phần kỹ thuật, không làm bận bịu việc tu học của Tăng Ni. Tại Việt Nam, các công ty dịch vụ truyền thông hoạt động ngày càng nhiều, cạnh tranh ngày càng quyết liệt, nên giá dịch vụ ngày càng giảm. PGVN đã ra báo chí, lập nhà in, trường đại học với quy mô lớn thì không lẽ nào không quản lý được một kênh truyền hình như Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Tích Lan, Phật giáo Đài Loan…

Hàng trăm buổi thuyết pháp, diễn giảng của chư tôn đức khắp cả nước hàng tuần là kho chương trình vô tận của truyền hình PGVN. Nhưng trước hết số lượng các đĩa hình thuyết pháp và các chương trình khác của Phật giáo được xuất bản chính thức trong những năm qua sẽ là những chương trình sẵn có trong bước đầu tiên. Các chùa có thể tự ghi hình các chương trình thuyết pháp gởi đến để phát. Kinh phí làm chương trình truyền hình không phải là gánh nặng. Ngoài ra, chương trình truyền hình Phật giáo từ nhiều kênh trên thế giới đều miễn phí về bản quyền, dành cơ hội khai thác sử dụng gần như vô tận và cũng không tốn chi phí (chi phí phiên dịch so với chi phí sản xuất chương trình truyền hình là không đáng kể).

Cơ sở truyền hình Phật giáo có thể bố trí trong tổ chức những tờ báo Phật giáo chính thức hiện có. Xu thế phát triển thành những tập truyền thông đa phương tiện với nhiều phương thức truyền thông như truyền hình phát thanh, báo giấy, bảo điện tử là xu thế của báo chí thế giới và báo chí Việt Nam. Nhà nước và luật báo chí của Việt Nam cũng hướng tới điều này và trong thực tế một số cơ quan báo chí đã vừa có thể có phát thanh, vừa có truyền hình, vừa có trang báo điện tử, vừa có một hay nhiều tờ báo giấy.

Các chùa, chư vị tôn đức có thể góp phần quan trọng vào kinh phí hoạt động của kênh truyền hình và ngược lại kênh truyền hình sẽ phát sóng chương trình thuyết pháp của chư liệt vị tôn đức từ các chùa.

Hoạt động truyền hình trong thực tế là một hoạt động dễ vận động kinh phí hơn cả. Một chương trình gây quỹ từ thiện của các đài truyền hình lớn tại Việt Nam trong một đêm có thể quyên góp đến hàng chục tỉ đồng. Kênh truyền hình không là một gánh nặng tài chính, mà thực tế nếu khéo sử dụng sẽ là một phương tiện hoạt động từ thiện hết sức hiệu quả.

Hoạt động theo luật báo chí Việt Nam, các kênh truyền hình đều có nguồn thu nhập từ quảng cáo. Nguồn thu này cũng góp phần vào việc trang trải kinh phí hoạt động. Trong thực tế, phần lớn các kênh truyền hình tại Việt Nam đều có lãi. Doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình lớn tại Việt Nam lên đến hàng ngàn tỷ đồng một năm và gia tăng trung bình 20-30% mỗi năm.

Tùy theo phương thức phát sóng, mà phía khán giả đầu tư thiết bị cho việc thu xem có giá trị cao hay thấp. Nếu truyền hình phát sóng qua mạng cáp, thì người xem chỉ trả phí chung cho việc thuê bao nhiều kênh. Nếu phát qua vệ tinh theo tiêu chuẩn DVB-S hay bằng truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn của DVB-T, chi phí cho việc thu xem không đến 1 triệu đồng (luôn cả chi phí lắp đặt). Nếu phát sóng quảng bá analog thì khán giả không tốn kém gì. Tất cả đều nằm trong khả năng tài chính của Tăng Ni Phật tử, kể các các chùa quê, hay vùng còn khó khăn.

Việc truyền dẫn nối dài đến Phật tử ngoài nước tùy hoàn cảnh mà thực hiện. Nếu được sự hỗ trợ cao của các tu viện, tự viện PGVN ngoài nước thì có thể theo hình mẫu của kênh truyền hình VTV4. Việc sử dụng đến 14 vệ tinh như đài SMTV, theo phỏng đoán của chúng tôi, chi phí có thể lên đến hơn một triệu rưỡi USD mỗi năm. Việc thuê vệ tinh để truyền dẫn nối dài, phủ sóng toàn cầu là điều dễ dàng, vì hiện nay, vệ tinh cần kênh truyền hình chứ không phải truyền hình cần vệ tinh.

Thời gian không ủng hộ PGVN trong và ngoài nước cũng như cả đất nước chúng ta. Bất cứ ai có trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc đều không khỏi giật mình chỉ sau vài giờ xem kênh truyền hình SMTV. Hàng đoàn người đủ màu da quỳ mọp vái lạy trước một người phụ nữ ăn mặc diêm dúa, sặc sỡ. Trước đây chúng tôi vẫn nghĩ rằng một kênh truyền hình tôn giáo phủ sóng toàn cầu sẽ là một kênh truyền hình của đạo Thiên Chúa La Mã, hay của một giáo phái Tin Lành Hoa Kỳ. Nhưng mọi việc lại bất ngờ, ngoài dự đoán. Vị giáo chủ của tôn giáo có hệ thống phát hình toàn cầu vào bậc nhất thế giới lại là một người phụ nữ Việt Nam bằng xương bằng thịt, xưng danh theo tiếng Việt như một vị Phật: “Vô Thượng Sư”. Những ai trong số các tín đồ đang quỳ trước vị giáo chủ đó là Phật tử, đã thiền định theo phép tu nhà Phật, rồi nay học thiền theo một kiểu gì đó không hiểu nổi. Và với kiểu truyền đạo với một đài truyền hình phát sóng toàn thế giới bằng 14 vệ tinh này sẽ còn có bao nhiêu Phật tử cải đạo theo vị “Vô Thượng Sư” này, để cứ khăng khăng gọi nước Việt Nam của mình là xứ Âu Lạc một cách đầy khó hiểu.

Theo: Tập san Pháp luân 63

Các tin đã đăng: