Năm nay, 2010, một tôn giáo lớn ở Việt Nam cử hành “năm Thánh” quốc
gia, kỷ niệm một chặng đường truyền đạo tại Việt Nam. Cách nay chẵn mấy
trăm năm đó, họ thiết lập những cơ sở truyền giáo đầu tiên.
Mấy trăm năm đó, tưởng chỉ là chuyện của người, nhưng cũng là chuyện
của Phật giáo Việt Nam. Đó là thời điểm đạo Phật bắt đầu quá trình chấm
dứt sự hiện diện tại Việt Nam với tư cách tôn giáo duy nhất.
Trước đó, cách chúng ta vừa đúng 1000 năm, khi vị vua xuất thân từ
cửa Phật Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, mở đầu thời kỳ phát triển mới
của dân tộc Việt, cũng là mở đầu thời kỳ Phật giáo phát triển đỉnh điểm
tại Việt Nam. Phật giáo ở Đại Việt khi đó được coi là Quốc giáo. Nhà
vua từ bỏ cung điện đi tu, quan lại là người tinh thông Phật học, người
dân cả nước đều là Phật tử.
Các đạo khác cũng đều nói đến, nhưng chỉ là những tư tưởng, không
phải tôn giáo. Lão là một trong ba đạo ở Đại Việt, nhưng ở Đại Việt
dường như không có một “quán” (cơ sở thờ tự Lão giáo) cũng như vị “chân
nhân” nào đáng được nhắc đến. Toàn bộ cơ sở tôn giáo ở Đại Việt hầu như
đều là chùa chiền.
Chỉ vài trăm năm sau thời Lý – Trần, con cháu đã không giữ được di
sản mà tổ tiên để lại. Đạo Phật bắt đầu đi vào con đường suy thoái, tuy
vẫn là tôn giáo đa số, nhưng không còn là tôn giáo duy nhất.
2010 chính là lúc Phật giáo Việt Nam hoài niệm về quá khứ vàng son
bắt đầu từ 1010, khi giới trí thức tinh hoa Việt Nam, sau một quá trình
tiếp thụ đạo Phật, đã chuyển hóa đạo Phật thành một hình thái tư tưởng
Việt Nam trác tuyệt.
2010, cũng chính là lúc Phật giáo Việt Nam hoài tưởng đến những sự
kiện tròn mấy trăm năm sau đó, khi đạo Phật bước vào quá trình suy thoái
do tác động từ các tôn giáo phương Tây.
Từ đó, con cháu của những người trước đây theo đạo Phật cải đạo ngày
càng nhiều. Để rồi đến 1885, sau khi nền độc lập mất về tay người Pháp,
đạo Phật chấm dứt tiến trình là một tôn giáo do nhà nước hậu thuẫn. Đã
xuất hiện xu thế bài trừ Phật giáo, phá chùa, cải đạo có cưỡng ép (khác
với trước đây chỉ là chiêu dụ, thuyết phục, có thể đánh đổi…).
Quan sát từ góc độ tôn giáo, thì sau 1885, có một khúc quanh, khi
Việt Nam lần đầu tiên có một hoàng hậu không theo đạo Phật, dù tôn giáo
của hoàng gia hư vị bù nhìn vẫn còn là Phật giáo. Hoàng đế vẫn theo đạo
Phật, với một phép cưới phải thông qua cả đầu não tôn giáo ở nước ngoài.
Nhưng một tôn giáo khác cho vương triều đã được trông chờ ở thế hệ kế
vị, khi lúc đó, dù thế nào đi nữa, Phật giáo Việt Nam vẫn thụ động trước
việc cải đạo thế hệ con trong hôn nhân khác tôn giáo.
Việt Nam không có ông vua cải đạo. Nhưng quá trình gây suy thoái cho
Phật giáo chuyển biến mạnh ở miền Nam dưới chế độ Ngô Đình Nhiệm, đỉnh
cao là những sự kiện năm 1963.
Quá trình cải đạo tín đồ Phật giáo vẫn không được chặn đứng trong
suốt thời gian sau đó. Tức là quá trình thiểu số hóa Phật giáo vẫn đang
tiếp tục. Ngay bây giờ đây, tiến trình đó đang vẫn diễn ra, không chỉ
ngấm ngầm, mà sôi động lên cả bề mặt.
Như vậy, có phải Phật giáo Việt Nam vẫn chưa hồi phục lại vị trí hưng
thịnh, mà vẫn tiếp tục theo hướng “thiểu số hóa”, tức là vẫn đang ở
trạng thái suy vong?
Trước thềm 2010, trong tuần lễ Noel – tết dương lịch, chúng ta đã có
những ghi nhận khách quan về những con số, đồng thời, có thể cảm nhận
chủ quan về những không khí chung quanh chúng ta, không khí báo rằng đạo
Phật đang trở thành thiểu số.
Gần Noel, gặp lại một vài người quen cũ, một vài người trước đây ít
đi chùa nhưng vẫn ăn chay, chợt nhận ra là họ đã đeo thánh giá. Hỏi ra,
có người… đeo chơi vì được bạn “tặng”, nhưng có người vừa mới cải đạo.
Rồi đi ăn chay, tiệm ăn chay phát nhạc thánh, cứ tưởng mình đã sang
nước Thiên Chúa giáo nào đó như Philippin chẳng hạn.
“Thánh nhạc” không chỉ vang lên trong quán cơm chay, trên những kênh
truyền hình cáp…, mà nó vang vọng cả trên đại lộ Nguyễn Huệ, trước Ủy
ban Nhân dân TPHCM, từ những chiếc loa thùng đặt dọc phố đi bộ, hay từ
một số hang đá, cây thông đặt dọc hai bên đường. Những thanh niên đi
trên đường đầy cảm hứng với những bài nhạc thánh. Có ai trong số đó đặt
câu hỏi, khi nào thì những giai điệu không lời này chuyển thành những
bài thánh ca?
Trên đường từ TPHCM đến Đà Lạt dự lễ hội hoa, thánh ca, chứ không còn
là thánh nhạc, vang vọng, khi xe chạy qua những ngôi nhà thờ trên đường
ở Đồng Nai, rợp bóng cờ đạo, mà cũng là màu cờ của một quốc gia khác.
Chợt nhận ra trên xe, người ta cũng trang trí cây thông và gắn hình Đức
Mẹ, và đang phát bài “Đêm thánh vô cùng”.
Hy vọng rằng quanh các bạn đọc, có không khí khác, cảm nhận cũng
khác, một cảm nhận rằng đạo Phật Việt Nam không phải đang đi vào thiểu
số.
Chúng ta có thể kể những câu chuyện khác, những cảm nhận khác, trao
đổi những ý kiến khác về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Trong lòng vẫn mong rằng, những suy nghĩ không lạc quan về một đạo
Phật Việt Nam vẫn trên con dốc trở thành tôn giáo thiểu số, là suy nghĩ
sai!
MT
Phattuvietnam.net