Sự xin lỗi của tay golf số 1 thế giới Tiger Woods mang sự chú ý mới đến với Phật giáo
22/02/2010 22:50 (GMT+7)

Florida, Hoa Kỳ: Khi tay golf số 01 thế giới Tiger Woods nói về đức tin tôn giáo của anh trong buổi xin lỗi công chúng hôm thứ sáu 19-2, thì anh đã sẵn sàng chấp nhận hẳn sẽ có nhiều người ngạc nhiên.

Tiger Woods nói: “Người ta có thể không hiểu rõ đạo Phật, nhưng tôi được giáo dưỡng để trở thành một Phật tử, và tôi đã tinh tấn thực hành theo Phật giáo từ thời thơ ấu cho đến khi tôi buông trôi nó trong những năm gần đây.”

 

 

Tay golf số 1 thế giới Tiger Woods

 

Tuy nhiên, Tiger Woods cho rằng niềm tin Phật giáo của anh là một phần then chốt trong việc hối cải để đưa đời anh quay về tiếp xúc với mọi người, sau khi bị phát hiện ngoại tình mà anh đã thừa nhận ngay từ đầu. Các nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng, sự tóm tắt của Tiger Woods về đức tin truyền thống của anh là chính xác – và rằng những bình luận của anh dường như sẽ mang lại nhiều sự chú ý hơn đến với Phật giáo trong tuần này khi lãnh đạo thuộc hàng giáo phẩm cao cấp của Phật giáo, đức Dalai Lama đang công du Hoa Kỳ.

 

Trong một tuyên bố từ Ponte Vedra Beach, bang Florida, Tiger Woods nói: “Tôi có nhiều việc để làm. Tôi dự định dành phần đời còn lại của  tôi để thực hiện việc này. Một phần kế tiếp của con đường này của tôi là sống thực hành theo đạo Phật, vốn đã được mẹ tôi dạy cho lúc tôi còn thơ ấu. Phật giáo dạy rằng sự sáng tạo mọi thứ bên ngoài bản thân chúng ta là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh và vô nghĩa, thay vì tìm kiếm sự an toàn từ bên trong bản thân chúng ta. Đạo Phật dạy tôi dừng lại sau mỗi xung lực và để học cách kiềm chế. Rõ ràng, tôi đã đi chệch hướng với những gì mà tôi đã được dạy.”

 

 

Tiger Woods xin lỗi công chúng hôm thứ sau 19-2.

 

Một số học giả Phật giáo cho rằng sự trình bày giáo lý Phật giáo của Tiger Woods là rất chính xác. Janet Gyatso, một giáo sư Phật học tại Đại học Harvard nhận xét. “Tigres Woods nói về giáo lý Phật giáo hoàn toàn đúng. Tham ái là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh. Đó chính là tư tưởng nền tảng của Phật giáo.”

 

Báo Sports Illustrated năm 1996 đã miêu tả sơ lược tiểu sử của Tiger Woods rằng Woods – khi đó chừng khoảng hai mươi tuổi – đã giữ đạo rất nghiêm. Vào dịp sinh nhật hàng năm của anh, anh thường theo mẹ lên chùa lễ Phật, ngủ gần tranh mẫu hậu của đức Phật bằng ngọc trai do ông ngoại người Thái của anh cho, cổ đeo tượng Phật vàng. Mẹ của Tiger Woods, bà Kultilda là một Phật tử sinh tại Thái Lan. Tiger Woods nói với Sports Illustrated rằng: “Tôi thích Phật giáo vì đạo Phật hoàn toàn là một lối sống. Phật giáo dựa vào sự hành trì giới luật, sự tôn trọng và trách nhiệm cá nhân. Tôi thích nền văn hóa Á đông hơn nền văn hóa phương Tây chính là vì vấn đề này.”

 

Khi những cáo buộc ngoại tình của Tiger Woods bắt đầu nổi lên sau tai nạn xe hơi ngày 27-11-2009, phân tích gia Brit Hume của truyền hình Fox News đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi bằng việc tư vấn công khai cho tay golf nhà nghề này trở thành tín đồ Ki-tô giáo. Ông Brit Hume  nói: “Người ta nói Tiger Woods là một Phật tử -- Tôi nghĩ tôn giáo ấy không thể cung ứng sự tha thứ và chuộc tội như Ki-tô giáo đã cung ứng. Vì vậy, thông điệp của tôi dành cho Tiger Woods là: Tiger, hãy quay về với Ki-tô giáo; anh có thể tìm thấy sự tha thứ hoàn toàn để làm gương lớn cho thế giới.”

 

Nhưng các học giả Phật giáo nói rằng sự tha thứ và chuộc tội là thành phần cốt lõi của đức tin. John Kornfield, một giáo thọ Phật học xuất sắc có trụ sở ở California nói: “Trong truyền thống Phật giáo, bạn luôn luôn bắt đầu lại từ đầu. Bạn thấy đấy, bạn gây nên sự tổn hại. Bạn ăn năn, hối cải và xin được tha thứ một cách chính thức hoặc không chính thức, nghĩa là bạn đã bắt đầu lại từ đầu rồi.”

 

Một số chuyên gia Phật học cho rằng đó là lý do tại sao Tiger Woods ngày nay, xuất hiện trước công chúng để cố gắng xin lỗi. Nhiều Phật tử hoan nghênh tuyên bố của Tiger Woods. Ông John Kornfield nói: “Thực tế là mọi người có thể nhìn thấy loại hành vi gây ra khổ đau là thông điệp quan trọng đến không ngờ cho tất cả những ai hâm mộ Tiger Woods.”

 

Phật giáo đã thu hút sự chú ý cao của công chúng trong tuần này trước những bình luận của Tiger Woods, cùng với sự kiện lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, đức Dalai Lama hội đàm với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm thứ năm 18-2. Theo báo cáo của Đại học Trinity năm 2009, Phật giáo là một trong số những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, với khoảng 350 triệu tín đồ, trong đó có khoảng 1,2 triệu Phật tử tại Hoa Kỳ. Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm.

Thích Minh Trí (giacngo) dịch theo CNN

Các tin đã đăng: