Trong các bài trước, chúng tôi đã đề cập đến hai vấn đề nói xấu và
dùng tiền để cải đạo tín đồ Phật giáo do một số tôn giáo tiến hành.
Bài này sẽ đề cập đến việc cải đạo tu sĩ Phật giáo trong mưu toan cải
đạo tín đồ Phật giáo
Tất nhiên, vẫn có người nghĩ rằng, có cải đạo thì cải đạo tín đồ, vì
là điều dễ làm. Cải đạo tu sĩ Phật giáo là chuyện khó khăn hơn nhiều,
sao lại bận tâm?
Nhưng chính những khó khăn đó lại làm nên những tác động lớn lao đối
với việc cải đạo người tín đồ đạo Phật. Chinh phục những đỉnh cao rồi,
thì những ngọn đồi thấp còn có trở ngại gì?
Cải đạo được một tu sĩ Phật giáo là phá hoại thành trì Phật giáo ở
những khâu trọng yếu nhất. Một tu sĩ Phật giáo cải đạo sẽ có tác động
lớn đối với đông đảo Phật tử mà vị tu sĩ đó đã hóa độ.
Nếu người tu sĩ đó quay lại làm người xung kích cải đạo tín đồ Phật
giáo thì hậu quả thật khôn lường.
Chính vì vậy, người tu sĩ Phật giáo, đặc biệt là người tu sĩ trẻ,
nhạy cảm với những khó khăn trên con đường tu học , dễ va vấp, dao động,
là đối tượng số một của việc cải đạo tín đồ Phật giáo. Đây là một hoạt
động có kế hoạch tinh vi, nham hiểm.
Trước hết, người ta khai thác việc dễ tiếp xúc đối với người tu sĩ.
Chỉ cần giả vờ khoác lên chiếc áo muốn tìm hiểu Phật học thì những người
có khả năng cải đạo lão luyện có thể nói chuyện được ngay đối với tu sĩ
Phật giáo trẻ.
Để rồi, khi trở nên thân mật hơn, đã “lắng nghe” những kiến thức Phật
học đủ liều lượng cần thiết cho cuộc nói chuyện, người ta sẽ lái dần
những ý kiến trao đổi sang lãnh vực tâm linh để rồi…rao giảng!
Một lần, điều chắc chắn là chưa đủ, thì nhiều lần gặp gỡ nữa. Sau
cuộc tiếp chuyện trên xe lửa, xe đò hay trong lớp học Anh văn, trong nhà
sách…, những người, có thể là được phân công, có thể là tự nguyện nhận
lấy nhiệm vụ mở rộng cộng đồng dân cư của “nước thiên đàng”, sẵn sàng
tìm tới chùa để… “học Phật” thêm nữa.
Đối với người tăng sĩ, từ bỏ cuộc sống đua đòi thế tục, để xuất gia
tu học, thì người ta rất thận trọng khi dùng đến tiền.
Nhưng không loại trừ việc dùng tiền, một phương tiện quen thuộc và
hiệu quả của việc cải đạo.
Do đó, những vấn đề có tầm vóc “trí tuệ”, triết học thường được đề
cập: cội nguồn của cuộc sống, bản chất cuộc sống, giá trị của cuộc
sống…Rồi cuối cùng mục tiêu sẽ được đề cập: tiêm cho người tu sĩ Phật
giáo một nhãn quan mới theo tính toán.
Có thể không cần người tu sĩ đó rời bỏ tăng đoàn làm người cải đạo
ngay. Mục tiêu trước mắt có thể chỉ là cách nghĩ đạo nào cũng như đạo
nào, theo đạo nào cũng tốt và làm lây lan cách suy nghĩ đó trong một tập
thể Phật giáo.
Người ta không cần loại bỏ ngay những giá trị Phật giáo nơi vị tăng
sĩ trong tầm ngắm cải đạo đó, mà điều cần là du nhập them những cách
nghĩ mới, tạo môi trường thuận lợi cho việc cải đạo. Đến lúc nào đó thì
cải đạo cũng không muộn.
Cách nghĩ, không bận tâm gì đến sự thịnh suy hưng phế của đạo Phật,
Phật tử có cải đạo sang đạo khác thì âu cũng là không có duyên, để khi
thuyết pháp thì biểu diễn luôn cả đôi điều giáo lý thần học mới mẻ vừa
trao đổi được…, cũng là mục tiêu đầu độc tu sĩ Phật giáo của những người
đang thực hiện nhiệm vụ cải đạo “đặc nhiệm”.
Một người tu sĩ đã nghĩ như thế, thì có thể hàng trăm, hàng ngàn Phật
tử cũng nghĩ như thế. Việc cải đạo không tiến hành dứt điểm ở từng đơn
vị, mà tiến hành dần dần ở cấp độ tập thể, theo hướng gặm nhắm, tạo một
sự đồng hóa. Để rồi, có khi chỉ cần một cú hích nhỏ, là việc cải đạo
hoàn tất, trên phạm vi số đông.
Nói việc cải đạo tu sĩ Phật giáo là mắt xích quan trọng trong tiến
trình cải đạo là vì vậy. Cái giá của sự khó khăn được được trả bằng kết
quả ở diện rộng hơn, ở chiều sâu hơn.
Nếu người tu sĩ Phật giáo cải đạo đó quay lại nói xấu đạo Phật, thực
hiện nhiệm vụ cải đạo như trường hợp đã được đề cập ở bài viết trước
đây, thì cũng là điều dễ thấy và những thuận lợi của hoạt động cải đạo
của tín hữu tân tòng đó là việc hiển nhiên. Họ từ trong ruột đạo Phật đi
ra mà!
Cũng không hiếm người được phân công ở vai trò trung gian. Chẳng hạn,
tự xưng là “vô thượng sư”, giảng đủ thứ đạo phương Tây lồng vào đạo
Phật.
Nguồn gốc ni cô của vị “vô thượng sư” đó, có thể có thật, có thể là
lời đồn đãi, bịa đặt, nhưng những khái niệm Phật giáo, đặc biệt Phật
giáo Đại thừa như “nghiệp báo”, “nhân quả”, “từ bi”, “bình đẳng chúng
sinh”, “ăn chay”, “sát sinh”…đích thị là gốc Phật giáo.
Thế nhưng, vị “vô thượng sư” lại nói luôn cả những khái niệm “cứu
rỗi”, “thiên đàng”, “ban phước lành”, “ân điển bề trên”…
Và không biết vô tình hay hữu ý, thỉnh thoảng, đột nhiên xuất hiện
trên kênh truyền hình của vị “vô thượng sư” này hình ảnh chính “vô
thượng sư” trong áo tràng vàng với chiếc mũ y như những “sư thái” trong
phim chưởng Đài Loan.
Nếu thực sự “vô thượng sư” xuất thân từ tu sĩ Phật giáo, thì điều đó
vô cùng lợi hại. Dường như người ta cũng muốn trình bày như thế. “Vô
thượng sư”, được làm cho mọi người hiểu là, đã đạt được mức độ cao hơn
cả đời sống tu hành của người xuất gia Phật giáo, vì vậy nên từ bỏ cuộc
sống xuất gia.
Còn nếu không, thì cứ cho đồn đại hư hư thực thực thế. Đăng đàn, “vô
thượng sư” cũng cố ý chứng tỏ cái gốc Phật giáo của mình, nhưng giờ đây
nói chuyện “thiên đàng”, “cứu rỗi”…Có phải chính là một dạng cải đạo
tinh vi, lấy cái gốc tu sĩ Phật giáo làm lợi thế không?
Chúng tôi nghĩ rằng chỉ một thí dụ mà mọi người đều có thể ghi nhận,
kiểm chứng trên đây là đã đủ chứng tỏ sự hệ trọng của vấn đề cải đạo tu
sĩ Phật giáo.
Quay về với Phật giáo Việt Nam chúng ta, thì có lẽ, phía sau sự thản
nhiên, vô tâm, bàng quan của một số không nhỏ tu sĩ Phật giáo trước thực
trạng các chiến dịch cải đạo tín đồ Phật giáo đang bùng phát, có phải
là thành quả bước đầu của hoạt động cải đạo nhắm vào người tu sĩ Phật
giáo?
Phattuvietnam.net