Buổi sáng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM), một sư cô mặc áo
cà sa vàng nâu, tay cầm bát đồng, chuỗi hạt và cây gậy nâu, chân đi dép
lào, khoan thai chậm rãi bước đi. Cứ đi được một đoạn, sư cô lại quỳ
xuống giữa đường cúi đầu chạm đất. Khi người dân cho tiền vào chiếc bát
đồng, sư lại tiếp tục bước đi.
Ni cô tự xưng pháp danh là Thích Nữ Liên Nghiêm, khoảng 29 tuổi. Tay
chỉ lên trời và bảo: "Ở chùa trên núi Cấm, tỉnh An Giang, mới xuống đây
hôm qua". Tuy nhiên khi được hỏi về giấy giới thiệu của Hội Phật giáo
và mục đích của việc khất thực thì sư cô chỉ ậm ừ ngạc nhiên: "Giấy nào? Mình làm mọi thứ là từ tâm, có Phật biết, không cần ai biết...".
Một người dân quỳ xuống giữa đường sụp lạy
và cho tiền sư khất thực trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM). Ảnh: Thi Ngoan.
Thấy sư mồ hôi nhễ nhại, bước đi khoan thai, mặt cúi xuống đất, từ
các em học sinh, bác xe ôm, bà bán vé số cũng đứng lại cho tiền. Theo
quan sát của PV, cứ khoảng 5 phút lại có người lại gần bố thí,
ít thì 5.000 đến 10.000, nhiều thì 20.000 đến 50.000 đồng. Sư cô đứng
dậy, ngước mắt lên trời thở, miệng "Nam mô A di đà Phật" rồi lại gom
tiền bỏ vào tay nải và đi.
Đến 11 giờ trưa, ở ngã tư Sư Vạn Hạnh - Lý Thái Tổ có một thanh niên
đi xe máy đến đợi sẵn và sư cô trèo tót lên xe rồi lao đi mất dạng.
Khất thực vốn là truyền thống tốt đẹp của nhà Phật,
song hiện nay đang bị nhiều kẻ lười lao động lợi dụng. Ảnh: Thi Ngoan.
Quan sát cảnh này, ông Tư Thắng, làm nghề chở xe ôm 10 năm ở đây cho
biết, cứ vài ngày lại thấy một hòa thượng khất thực như vậy xuất hiện.
"Cũng nghe nói là giờ sư giả nhiều, tụi tôi đâu có cho tiền, nhưng
người dân mình tốt bụng lắm, thấy động lòng là cho thôi. Mà lạ lắm nha,
sư gì mà cho bánh mì hay thức ăn là không lấy đâu", ông kể.
Xem ni cô dởm vừa "tam bộ nhất bái" vừa chìa bát xin tiền. Quả là chiêu lừa quá tinh vi của sư dởm thời nay.
Trao đổi với PV, Đại Đức Thích Phước Nguyên, phó Thư ký kiêm
Chánh văn phòng Ban Hoằng pháp trung ương, Ủy viên Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, khất thực là truyền
thống từ ngàn đời của các tu sĩ Phật giáo. Trong giáo lý dạy rằng, tu
sĩ không được ở yên một chỗ mà phải hàng ngày dậy sớm đi vào xóm làng
để xin đồ ăn. Họ đi chân đất, mặt chỉ nhìn xuống chiếc bát đồng, không
vào chợ hay đô thị và chỉ được phép nhận thức ăn từ người dân đủ để
dùng trong ngày, đến khi mặt trời đứng bóng thì trở về.
"Mục đích của việc này vừa để khơi dậy lòng từ thiện bố thí nơi mỗi
con người vừa là để truyền giảng đạo giáo cho chúng sinh. Và quy định
chỉ xin thức ăn đủ dùng trong ngày để các tu sĩ tránh tính tư hữu tư
lợi", Đại Đức nói.
Chỉ nên cho thức ăn, không nên cho tiền khi gặp sư khất thực. Ảnh: Thi Ngoan.
Đồng thời Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP HCM cũng khẳng định, từ
sau năm 1975 việc khất thực của nhà sư gần như không còn và không được
cấp phép. Song vài năm trở lại đây, truyền thống tốt đẹp ấy của đạo
Phật đang bị một số kẻ lười lao động lợi dụng để "hành nghề" mưu cầu tư
lợi. Thậm chí một số nơi còn có cả một "lò" đào tạo sư giả. Vì thế các
chư tôn đức khuyến cáo người dân, để tránh bị kẻ gian lợi dụng lòng từ
thiện, tốt nhất không nên cho tiền sư khất thực.
Bên cạnh đó, các tăng ni Phật tử còn cung cấp những đặc điểm của tu
sĩ thật để phân biệt với sư giả như: mặc quấn y màu vàng nâu, bước đi
chậm rãi, mắt nhìn xuống đất, không chú ý đến xung quanh, hai tay ôm
bát đồng, không nhận tiền mà chỉ nhận đồ ăn người ta cho... Tuy nhiên
theo Đại Đức Phước Nguyên thì càng ngày những thủ đoạn của kẻ lợi dụng
càng tinh vi nên dễ qua mặt người dân Việt vốn tốt bụng và yêu kính các
vị tu sĩ.
"Mặc dù việc bà con bố thí là tích đức và những người mạo danh kia
làm tội thì bản thân họ phải gánh tội. Nhưng trong tình hình hiện nay,
để tránh kẻ gian lợi dụng, người dân có lòng tốt chỉ nên cho thức ăn
chứ không cho tiền khi gặp sư khất thực (dù là thật hay giả). Điều này
là phù hợp với đạo lý Đức Phật đã dạy", ông khuyên.
Theo Thi Ngoan - VNE