Những ngộ nhận về Quy Y & việc tự nhận mình là kẻ "vô đạo".
Thích Tâm Hiệp
28/05/2011 10:09 (GMT+7)


Đi lại nhiều, tiếp xúc với mọi người tôi thấy có những ngộ nhận đáng tiếc về việc quy y. Phần đông hiểu việc đến chùa quy y là như đi tu, phải từ bỏ nhiều thứ để trở nên “người nhà chùa”, phải biết tụng kinh gõ mõ, khoác lên mình bộ đồ nâu đi lễ, mắt lim dim mơ màng ngồi lần tràng hạt niệm Bụt. Từ ý đó nên khi tôi nói với những người đàn ông 40 tuổi trở lên nên quy y là họ vội tìm cách từ chối, cho rằng mình còn trẻ. Có một câu nói này nữa cản trở đáng kể vào quyết định đi chùa của nhiều người trẻ và đàn ông Miền Bắc: “trẻ vui nhà, già vui chùa”, không biết từ lúc nào mà đã ăn sâu vào não trạng mọi người. Đáng tiếc cho ngộ nhận, rằng trên 50 tuổi mới “đi quy”.

Nhớ hồi mới ra Bắc, gặp phật tử tôi nghe họ hỏi: có phải đi quy y là phải quy y ba lần không? Tam quy, theo họ hiểu là ba lần quy. Tam là ba. Có người còn khoe với tôi là con đã quy y hai lần rồi. Phần đông cho rằng già mới được quy y, nên họ cực lực phản đối việc người trẻ đến chùa quy y. Tuổi trẻ còn lo kiếm ăn và sinh hoạt vợ chồng nên không sạch sẽ, đến chùa sẽ làm uế và có tội.

Tôi từng biết nhiều người nam giới, sau những lần trò chuyện làm quen và giảng giải đạo Bụt cho họ, họ hiểu và có tâm mến đạo. Có việc gì nhờ vả là họ sẵn lòng giúp cho chùa tận tụy. Thế nhưng bảo vào dự lễ là họ cực kỳ ngại ngùng và cố tìm đủ lý do để lẩn tránh ngay. Phần đông người miền Bắc là nam giới nghĩ rằng: đi chùa đi lễ, lo hương khói cúng bái cho Tiên Tổ là việc của phụ nữ. Nên là đàn ông, họ thấy ngại ngùng và sợ người ta cười mình khi đứng dự hàng vào việc lễ lạy cúng bái.

Tôi có thói quen, khi tình cờ gặp ai đó nói chuyện, nếu đi vào trao đổi thân hơn tôi liền hỏi họ: xin lỗi anh (chị) sinh hoạt theo Tôn giáo nào? Tôi gặp không ít câu trả lời ở thái độ tự nhận của họ: “Tôi gần như là kẻ vô Đạo”. Theo họ hiểu, vì mình không đi chùa quy y, không đi nhà thờ, vậy nên họ thấy mình không thuộc Đạo nào cả. Thái độ tự xác định mình là kẻ “vô Đạo’ được trả lời một cách rất tự nhiên. Đó là tôi gặp người trí thức trả lời hẳn hoi đấy. Ngay cả những người có đi lễ các Chùa và Đền Phủ mà không quy y họ cũng không tự nhận mình là người theo Đạo Bụt.

Có phải quy y là dành cho người già cả không? Có phải Tam quy là quy y ba lần? Có phải để trở thành phật tử mọi người chỉ cần quy y mà không nhất thiết phải thọ trì năm giới? Có phải không đi chùa, không đi nhà thờ là thuộc người vô Đạo?

- Quy y là trở về với nền văn hoá thức dậy của cha ông.

Cha ông chúng ta có hẳn 2000 năm văn hoá tâm linh đạo Bụt. Quy y là trở về với nếp sống ấy. Đạo Bụt là đạo tỉnh thức. Nên ta gọi nền văn hoá ấy là nền văn hoá tỉnh thức. Tỉnh thức hay thức dậy để biết ta thuộc về nền văn hoá nào? Ta đang đi về đâu? Quy y, là một lần ta thực sự xác tín bằng tất cả tâm hồn của ta trong niềm thiêng liêng cao cả trước sự chứng minh của Tam Bảo, rằng: “Con đã trở về, con không còn đi hoang nữa, con thuộc về gia tài tâm linh 2000 năm của đất nước này”.

Nếu ta không xác định ta thuộc về nền văn hoá nào cả, thì ta là đứa con đi hoang. Ta không tiếp nhận đựợc gia tài truyền thống của cha ông ta. Ta không mang dược dấu ấn tâm linh Việt trong cách sống của ta. Do vậy, cái gọi là 4000 năm văn hiến chẳng có giá trị gì đối với ta cả. Ta mất gốc. Ta bị đồng hoá bởi văn hoá vật dục, sống và hưởng thụ trên chính bản ngã đầy ham muốn của ta mà thôi. Loài vật cũng ăn để sống, cũng bị ham muốn giống đực giống cái chi phối trong nhu cầu truyền giống. Hiểu thế, ta biết, quy y không thể để về già mới quy.

- Còn Tam quy, là ba phép quy y. Tam là Tam Bảo, là ba Ngôi báu giữa thế gian. Quy là quay về, Y là nương tựa. Quay về nương tựa nơi Bụt, Pháp và Tăng, thì gọi là quy y Tam Bảo, hay gọi tắt là Tam quy.

- Quy y Tam Bảo mà không thọ trì năm giới, ta có thể ví dụ như người đi học mà không muốn lên lớp. Ta trưởng thành trong phẩm chất của người học phật nhờ tu tập năm giới. Không đón nhận năm giới để thực tập ta không đem hạnh phúc đến cho ta và cho mọi người. Năm giới là chí hướng sống vì người của người đệ tử Bụt. Chí hướng vị tha. Năm giới cần thiết cho người học phật, giống như lưỡi cày và con trâu cần cho người nông phu trên mảnh ruộng của mình. Không cày xới đất tâm bằng năm giới, lòng từ bi không có nơi để ươm mầm sinh trưởng.

Đạo Bụt là đạo hiếu. Người dân Việt từ khi tiếp nhận đạo Bụt đã xây dựng nên giá trị hiếu đạo mang bản sắc riêng của người Việt, ảnh hưởng đậm tư tưởng Phật giáo. Nhiều người Việt thường tự nhận mình thuộc đạo Lương, tức đạo thờ ông bà tổ tiên. Tự nhận như vậy không sai, nhưng chưa hẳn đã đúng. Vì trước khi có đạo Bụt, là vùng cư dân nông nghiệp từ nền văn minh lúa nước, người Việt chỉ biết thờ thần. Trước các hiện tượng không thể giải thích của thiên nhiên, con người chỉ biết quy cho là do sự điều khiển từ các vị thần; thần sông, thần núi, thần mặt trời, thần lúa nước.v.v. và v.v. Ta không thể tìm thấy một giải thích nào từ việc thờ cúng ông bà tổ tiên và bổn phận hiếu đạo của người con được quy định như thế nào của người Việt xưa. Xưa ở đây là trước 2000 năm, trước khi phật giáo vào nước ta. Chỉ từ khi có đạo Chúa vào Việt nam, người Việt mới bị phân chia ra Lương và Giáo. Theo sự phân biệt miệt thị từ những nhà truyền giáo buổi đầu của đạo Chúa, họ nhìn thấy người Việt thờ cúng tổ tiên cũng chính là người theo Bụt, nhưng họ không thừa nhận có Đức Thích Ca, nên chỉ có người thờ cúng Ông bà tổ tiên, người Lương. Và Giáo, là người tin Chúa. Đó là vào thời điểm 400 năm trước, khi Thiên Chúa giáo truyền vào Việt Nam. Rồi trong vòng 100 năm trở lại đây, khi ý thức hệ vô thần xâm nhập Việt Nam, một cao trào bài xích thờ cúng tổ tiên và đạo Bụt tái diễn. Một thế hệ người Việt nữa được sinh ra và lớn lên mà không thấy mình thuộc về nền tâm linh truyền thống của tổ tiên. Rồi văn minh Tây phương như cơn lũ quét vào mọi thành trì văn hoá truyền thống, gây nên sự xáo trộn lớn trong nhìn nhận về văn hóa gốc của mình.

Chừng đó đủ thấy gốc rễ tâm linh bị trở thành xa lạ với bao lớp người Việt. Sau nhà Trần suy thoái, quân Minh xâm chiếm Việt nam, tội ác muốn xoá bỏ Văn hoá Việt để đồng hoá dân ta của nhà Minh vô cùng thâm độc. Tất cả sách vở, thư tịch trong văn khố… những gì liên hệ đến chuyện ghi chép về văn hoá và lịch sử của dân tộc ta đều bị quân Minh thu gom thiêu huỷ toàn bộ. Các văn bia thì bị đập phá để không còn dấu vết gì. Thế là từ sau nhà Trần, con cháu Việt hoàn toàn mất liên lạc với quá khứ của cha ông. Người Việt từ đó chỉ học và biết được những ghi chép bằng Hán văn của nhà Minh đưa từ Trung Quốc sang cho dân ta học. Tội ác Hán hoá dân ta từ xa xưa vẫn còn tác dụng.

Cái đau nhức nhói tim gan ngàn năm của dân Việt. Bao lần binh biến điêu linh giặc giã ngoại xâm, là bấy nhiêu lần dân Việt bị đào xới bật khỏi gốc rễ của chính mình, xa lạ với quá khứ cha ông. Một đất nước có chiều dài 2000 năm văn hoá tâm linh đạo Bụt, 4000 năm văn hiến, nhưng nhìn vào cách người Việt sống và nhìn nhận gốc rễ, cứ ngỡ như là mới lập quốc 100 năm trở lại. Tiện nghi thì đến từ văn minh Phương tây, tâm linh thì trống vắng hoàn toàn. Thờ cúng tổ tiên thì không tìm hiểu để biết đến tường tận. Tôi từng chứng kiến nhiều đám tang, người thân bao quanh là những người lớn tuổi. Bảy tám mươi tuổi đời, vậy mà có mặt trong những lúc trọng đại của đời người tôi thấy thương cho sự lớ ngớ của họ. Đúng là họ lớn lên hoàn toàn không được thừa hưởng nếp sống văn hoá Việt qua nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Họ cũng là một lớp người mất gốc.

Các làng nghề truyền thống đã khôi phục hẳn. Các làn điệu dân ca ba miền cũng được dần khôi phục chỗ đứng trong quần chúng. Nhưng nếp sống thì vẫn còn xa lạ đối với bao lớp người Việt. Chiếc khăn đống áo dài vẫn còn là cái gì xa lại với cả lớp người tám chín mươi tuổi tôi từng gặp. Nhìn những cụ già nông thôn đất Bắc ăn vận khi đi lễ mà thấy thương cho họ. Chứng kiến một số người Việt đến chùa, bước vào Tam Bảo mà đứng nghiêm như chào cờ. Lễ hai lạy nhưng đâu có phân biệt “lạy” và “vái” khác nhau. Đạo thờ ông bà, thờ cha kính mẹ nhưng nào có biết lễ lạy ra làm sao!

Có lần tôi đã nói thế này với một anh trạc tuổi trung niên khi anh ta từ chối chuyện hương khói lễ bái trên bàn thờ gia tiên nhà mình: Nếu anh không thấy mình có bổn phận với trên gia tiên, thì anh đừng bảo con anh sinh ra mang họ bố. Trên lư hương nhà anh đâu thờ gia tiên nhà vợ anh. Ở quê tôi, việc nhang khói thờ cúng trên gia tiên là trách nhiệm của người đàn ông.

Đất nước chúng ta có cả một chiều dài tâm linh, trải các triều đại, vua quan thứ dân đều có niềm tin sâu vào Phật giáo. Nói đến nghìn năm Thăng Long là nói đến yếu tố Đạo Bụt. Phật giáo và văn hoá Phật giáo là dấu ấn nghìn năm của Thăng Long Hà Nội, đã làm nên những thời đại thuần từ nhất trong lịch sử. Có người Việt tin Chúa, có người Việt trở thành nhà bác học, có người Việt học sống theo tư tưởng macxit .v.v. nhưng không có người Việt vô đạo. Vì tất cả người Việt đều có cái gốc niềm tin nơi Đạo Bụt. Nếu bạn chưa quy y thì nên quy y. Vì quy y là trở về với cái gốc ấy.


Tỳ kheo Thích Tâm Hiệp
(Tập san Hương Hiếu Hạnh - Am Thụy Ứng - Quảng Trị)

Các tin đã đăng: