Thái Độ Phật Tử Tây Tạng Với Thiên Chúa Giáo
Nguyên tác: Lama A. Govinda Chuyển ngữ: Hoà thượng Thích Trí Chơn
21/12/2010 03:56 (GMT+7)

  

Muốn hiểu Phật tử Tây Tạng có thái độ thế nào đối với Thiên Chúa Giáo, trước tiên chúng ta cần biết danh từ “tôn giáo” đối với họ có nghĩa gì? Danh từ Tây Tạng sát nhất với nghĩa tôn giáo (hay Ðạo) là “Cho”, tiếng Phạn là “Dharma”. Nó có nghĩa là một định luật về tâm linh, vũ trụ hay nguyên lý chi phối hết thảy các Pháp. Sống phù hợp với định luật này là ước vọng cao cả nhất của con người và chính đó cũng là những phương tiện giúp con người đạt đến cảnh giới đạo đức và toàn thiện.

Cho nên, theo dân tộc Tây Tạng, tôn giáo không phải chỉ là hệ thống giáo điều cố định mà là một biểu lộ tự nhiên niềm tin trong ý định muốn đạt đến một cuộc sống cao cả của con người hoặc tự cứu mình thoát khỏi bức thành vô minh và bản ngã vị kỷ để thể nhập được chân lý vũ trụ qua sự giác ngộ của tâm linh. Có bao nhiêu hạng người thì có bấy nhiêu con đường và pháp môn. Bởi vậy người Tây Tạng không xem hiện tượng đa giáo như một tai họa hoặc là lý do để con người tranh chấp, thù hận nhau và họ cho đó như điều kiện tất nhiên và cần thiết cho sự tiến bộ tinh thần của nhân loại.

Người Tây Tạng vốn có tinh thần tôn trọng cá nhân khá cao, cho nên họ sẵn sàng chấp nhận và tôn kính hết thảy mọi hình thức tín ngưỡng và tôn giáo. Do đó, ở Tây Tạng, Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo đều có rất nhiều giáo phái. Tuy nhiên, giữa các giáo phái này không bao giờ có sự tranh chấp hay thù ghét nhau. Họ sống hòa bình bên nhau và luôn biết tôn trọng giá trị tôn giáo lẫn nhau. Người theo đạo này không bao giờ hủy báng kẻ theo đạo kia. Tinh thần tôn trọng tín ngưỡng cá nhân ấy đã được thể hiện qua câu ca dao Tây Tạng sau đây:

    “Lung-pa ré-ré ka-lug ré

     Lama ré-ré cho-lug ré”

  “Vùng nào có tiếng nói vùng đó.

   Lạt-ma nào có giáo lý nấy”.

Cho nên với tập tục này, mọi người ai cũng có quyền chấp nhận hay chối bỏ cùng thực hành và công khai bày tỏ ý kiến đối với tôn giáo họ theo. Người ta thường tổ chức những cuộc thảo luận về tôn giáo và ý kiến của quần chúng đưa ra trong những buổi hội thảo đó thảy đều được mọi người tôn trọng. Phần lớn những buổi thảo luận công cộng này thường được sự khuyến khích, giúp đỡ đặc biệt của các tu viện Ðại Học Phật Giáo như Ganden, Drepung và Sera. Người Tây Tạng cũng không quá ngây thơ tin rằng chân lý đạo giáo có thể biểu hiện bằng những lý thuyết hay sự tranh luận. Các nhà sư Tây Tạng vẫn thường xác nhận rằng chân lý tuyệt đối không thể nào diễn đạt bằng ngôn từ, văn tự mà nó chỉ có thể hiện bày ở nội tâm do sự tu chứng của chúng ta. Cho nên điều quan trọng không phải ở nơi giáo lý chúng ta tin tưởng mà là ở chỗ chúng ta kinh nghiệm, thực hành giáo lý đó cùng những kết quả nó đem lại cho chúng ta và mọi người xung quanh. Bất cứ tôn giáo nào hướng dẫn chúng ta đến cảnh giới an lành và giải thoát khổ đau đều là những đạo lý chân chính.

Ở Tây Tạng, dân chúng quý trọng nhà sư hơn ông vua, những người xa lìa được mọi vật dục thế gian hơn những kẻ giàu sang, và ai dám hy sinh mạng sống chính mình để cứu giúp chúng sanh hơn kẻ thống trị toàn thế giới. Cho nên, ngày nay những câu chuyện tiền thân và gương hy sinh của đức Phật thường được mọi người nhắc kể lại trong những buổi lửa trại, các ngày lễ tôn giáo hoặc trong gia đình, các tu viện cũng như giữa những nơi đô thị đông người. Và các câu chuyện này bao giờ cũng gây được nhiều xúc cảm cho người nghe, ngay cả từ anh chàng chăn lừa cộc cằn nhất đến tên gian manh đại bịp ở thành phố. Bởi lẽ chúng không phải chỉ là những mẫu chuyện hoang đường xa xăm, mà là những hình ảnh phản chiếu chân thật cuộc sống của bao nhiêu Thánh Tăng Tây Tạng ở quá khứ cũng như hiện tại.

Do đó, chúng ta dễ dàng hiểu tại sao câu chuyện Chúa Giê-Su chịu đóng đinh trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người vẫn gây được nhiều cảm xúc sâu xa đối với mọi người thường dân Tây Tạng. Tuy vậy, nhưng ví phỏng có ai bảo rằng: “Các anh nên bỏ, đừng theo các vị Thánh Tăng, Lạt Ma nữa mà chỉ nên thờ đức Chúa không thôi” thì họ sẽ không khỏi ngạc nhiên và bực tức trước câu nói như thế. Bởi lẽ theo họ, chân lý bao hàm duy nhất mà xưa nay những vị giáo chủ, Thánh hiền của nhiều dân tộc đã chỉ bày: đó là bức thông điệp của lòng bác ái, từ bi cùng sự nhận thức về cái bản thể chân như, vượt ngoài ngôn từ và định nghĩa, mà Thiên Chúa giáo gọi là Thượng Đế (God), Ấn Ðộ Giáo là Phạm Thiên (Brahman) và Phật Giáo là Toàn Giác.

Nếu Thiên Chúa giáo không chiếm được địa vị độc tôn ở Tây Tạng mặc dù dân chúng đã dành nhiều cảm tình tiếp đón đối với các giáo sĩ đầu tiên đến đây, hẵn có nhiều lý do. Lý do chính không phải vì quần chúng không chấp nhận đức Chúa Giê-Su (Christ) hoặc giáo lý căn bản của Ngài nhưng vì họ nhận thấy những lời dạy của đức Chúa  không có gì cao siêu vượt hơn giáo lý của đức Phật, mà từ lâu các vị Thánh Tăng và Lạt Ma đã thực hành ở Tây Tạng nhiều hơn bất cứ nơi nào tại Âu Châu. Lý do thứ hai vì các giáo sĩ Thiên Chúa trong khi cố gắng giảng truyền giáo lý của Chúa Giê-Su tại Tây Tạng, họ lại chối bỏ không chấp nhận những lời dạy cao siêu của đức Phật và những vị Bồ Tát sống ở xứ này cũng như vốn bởi họ sẵn có nhiều thành kiến tôn giáo và hành động cố chấp vào những giáo điều khác với giáo lý bác ái bao dung của đức Chúa.

Và tưởng không có gì trình bày cụ thể hơn về thái độ của dân chúng Tây Tạng đối với Thiên Chúa giáo bằng đoạn lịch sử ghi chép sau đây:

Vào năm 1625, Padre Antonio de Andrade, vị giáo sĩ Thiên Chúa đầu tiên đến Tây Tạng, đã được vua Guge tiếp đón nồng nhiệt tại Tsaparang (miền tây Tây Tạng). Với tinh thần quảng đại của Phật Giáo, ông đã được nhà vua hết sức trọng nể và cho phép lưu lại để truyền giáo. Vì nhà vua nghĩ, một người đã nguyện đi khắp thế giới để truyền bá cái đạo lý mà họ đang theo, thì giáo lý ấy chắc là có lắm điều đáng nghe và sứ giả đó cũng nên đáng được kính trọng.

Nhà vua cũng tự tin rằng chân lý không bao giờ có thể phá hoại chân lý và bất cứ lời dạy chân chính nào ở tôn giáo ngoại lai cũng chỉ đem lại sự tốt đẹp, phát triển thêm cho giáo lý của các Thánh Tăng, chư Phật và Bồ Tát ở Tây Tạng mà thôi. Ðể bày tỏ thiện cảm của mình vua Guge đã viết một bức thư gởi cho giáo sĩ Antonio de Andrade vào năm 1625, có đoạn như sau: “Chúng tôi rất vui mừng về việc Linh mục Padre Antonio đến xứ sở chúng tôi để truyền đạo. Chúng tôi xem ông như vị Lạt Ma và cho phép ông đủ quyền truyền dạy giáo lý cho dân tộc chúng tôi. Chúng tôi đã ban hành sắc luật cấm chỉ không ai được phép ngăn cản, áp bức ông trong công việc này và chúng tôi sẽ ra lệnh cấp cho ông  một khu đất cùng mọi vật dụng cần thiết để ông xây cất một ngôi nhà giảng”.

Nhà vua còn tặng cho vị tu sĩ Thiên Chúa trên ngay cả khu vườn riêng của ông, trong khi ở Tây Tạng, những khu vườn như thế rất hiếm và đắc tiền. Nhưng tiếc thay là với những thiện chí sẵn có, nhà vua không ngờ rằng nhà truyền giáo xa lạ kia đến không phải chỉ để trao đổi mọi tư tưởng tốt đẹp và chân thật với những ai đang cùng cố gắng để đạt dến những lý tưởng chung cao quý, mà cốt mong huỷ diệt những giáo lý đức Phật và để thay chúng bằng một tôn giáo khác được họ xem như là chân lý độc nhất.

Vì thế, cuộc tranh chấp đã xảy ra, nỗi bất bình của dân chúng mỗi ngày một lan rộng khắp trong nước và sau cùng, những nhà đối lập chính trị với nhà vua đã nổi lên chống lại ông ta. Vào lúc đó, Linh mục Padre Andrade được khích lệ bởi những kết quả truyền giáo tại Tsaparang, ông ta liền tiếp tục đến Lhasa để mong mở rộng phạm vi giảng đạo khắp vùng Tây Tạng. Cuối cùng, vì căm tức, dân chúng miền tây Tây Tạng đã nổi loạn, nhà vua bị đả đảo, kéo theo sự sụp đổ của triều đại Guge với sự hưng thịnh của  miền Tsaparang.

Khoảng một  thế kỷ sau, vào năm 1716, nhà truyền giáo Jesuit Padre Desideri đến vùng Lhasa, ông vẫn được dân chúng cung cấp cho một gian nhà tiện nghi, với mọi nhu cầu cần thiết. Ông được nhà cầm quyền tiếp đón như một người khách quý và cũng cho phép ông có quyền phát triển tôn giáo bằng phương tiện giảng dạy hoặc viết sách để phổ biến. Thật vậy, trong một cuốn sách biện bác một vài điểm giáo lý của đức Phật, giáo sĩ Desideri đã ghi nhận sự kiện sau đây: “Nhà tôi ngẫu nhiên trở thành nơi lui tới thường xuyên của mọi hạng người, đặc biệt là hàng trí thức và giáo sư ở các chùa cũng như các trường đại học Phật giáo; nhất là tại những trường đại học quan trọng ở vùng Sera và Drepung, nhiều người đã mong ước được chúng tôi cho họ đọc các sách đạo”.

Qua những điều trên, chúng ta thấy rằng cùng thời ấy, Tây Tạng thật ra đã văn minh hơn các nước Châu Âu, nơi mà lúc bấy giờ, các tôn giáo ngoại đạo cùng với những kinh sách của họ đều bị ngược đãi hay đốt phá. Và ai cũng có thể tưởng tượng thấy trước được điều gì sẽ xảy ra đối với bất cứ nhà truyền giáo ngoại quốc nào đến La Mã mà dám phản đối công khai những giáo điều của Thiên Chúa.

Cho nên không còn ai lạ gì khi thấy những bậc bề trên Thiên Chúa khó lòng chấp nhận được tinh thần khoan dung xuất hiện như cánh cửa rộng mở để đem lại cho họ nhiều lợi ích tốt đẹp, bằng sự chấp nhận những giá trị tinh thần chung của các tôn giáo. Cũng vì vậy mà biết bao nhiêu cơ hội may mắn để hai tôn giáo lớn cùng hòa hợp đã trôi qua.

Dù thế nào, chúng tôi vẫn hằng mong ước rằng có ngày những tín đồ của chúa Giê-Su cũng như hàng đệ tử Phật sẽ cùng nhau gặp gỡ trong tinh thần thiện chí và hiểu biết, cái ngày mà tình thương của đức Phật và chúa Giê-Su sẽ được chứng thực một cách cụ thể, hầu đoàn kết thế giới trong nỗ lực chung, để cứu loài người thoát khỏi họa diệt vong bằng cách hướng dẫn toàn thể nhân loại trở về với ánh sáng của chân lý.

 

      THÍCH TRÍ CHƠN

       Trích dịch từ tạp chí Maha Bodhi

Các tin đã đăng: