Tay trong tay, họ cùng nhau cúi đầu cầu nguyện.
Buổi cầu nguyện của nhóm người này được tổ chức nhằm “đánh thức” nhận
thức của xã hội về tình cảnh của những người nghiện ma túy đang bị xa
lánh. Họ cầu nguyện để cho những người nghiện ma túy có được cơ hội
tiếp cận với những biện pháp cai nghiện thích hợp. Nhưng không phải
những lời cầu nguyện của họ sớm được đáp lại.
Mặc dù, theo các quan chức Campuchia cho biết, hiện nay
ở nước này có tới 11 trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện, nhưng chỉ
có 1-2% những người sử dụng ma túy lựa chọn đến cai nghiện ở những cơ
sở này. Một vài ngày trước khi lễ cầu nguyện này diễn ra, một người sử
dụng ma túy 23 tuổi cho biết, anh ta đã trốn khỏi một đồn cảnh sát vì
sợ rằng sẽ bị đưa đến một trong những trung tâm cai nghiện.
Vì 4 tháng trước, trong một chiến dịch truy quét các
điểm nóng ma túy, chính người này đã chứng kiến cảnh một quan chức cảnh
sát cáo buộc một con nghiện ma túy giấu thuốc trong má và dùng dùi cui
điện để khống chế con nghiện này. Sau đó con nghiện này được đưa đến
trung tâm phục hồi. Tại đây, anh ta bị cô lập với những người khác.
Những con nghiện ma túy cho rằng, những liệu pháp cai nghiện như lao
động và luyện tập là có tính cưỡng bức và nặng nhọc đối với họ. Chính vì
vậy, nhiều người mắc nghiện không muốn đến các trung tâm cai nghiện tự
nguyện.
Năm 2008, khoảng gần 2.400 lượt người được cai nghiện
tại các trung tâm cai nghiện trên toàn quốc, tăng 40% so với năm 2007.
Những người quản lý các trung tâm cai nghiện và các quan chức cảnh sát
cho biết, con số người nghiện đến các trung tâm cai nghiện ngày một tăng
hơn trong những năm gần đây. Và trên thực tế, ngày càng có nhiều trung
tâm cai nghiện được thành lập nhờ có sự hợp tác, giúp đỡ của các nước
trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Việt Nam cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật đối với một
trung tâm cai nghiện mới cho Campuchia, có thể điều trị cho khoảng
2.000 người nghiện. Tháng 12-2009, chính quyền Campuchia và các chuyên
gia Việt Nam đã tiến hành 10 ngày cai nghiện thử nghiệm đối với 17 người
nghiện ma túy Campuchia bằng loại thuốc có tên là Bông Sen, một loại
thuốc giải độc thảo dược được sản xuất tại Việt Nam. Bông Sen là bài
thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy.
Bệnh nhân nghiện ma túy hoàn toàn cắt cơn nghiện 100%
sau 8 ngày dùng thuốc cai nghiện này, thậm chí với người “thâm niên”
nghiện từ 5-10 năm cũng khỏi hẳn. Thuốc được bào chế dưới dạng nước,
tính an toàn cao, không gây phản ứng phụ. Điều quan trọng là một liều
thuốc cắt cơn nghiện tức khắc trong vòng 8 ngày giá chỉ vài trăm nghìn
đồng, trong khi điều trị ở nước ngoài không dưới 2.000 USD.
Song hành cùng với nạn nghiện ma túy là nguy cơ lây
nhiễm HIV/AIDS. Cuộc chiến chống HIV/AIDS ở Campuchia đã có thời kỳ gặt
hái được những thành công nhất định. Tỷ lệ nhiễm HIV nước này đã giảm
từ 2% năm 1997 xuống 0,8% một thập kỷ sau đó. Nhưng tỷ lệ này lại đang
có nguy cơ tăng cao trở lại. Do thói quen quan hệ tình dục không an
toàn với gái mại dâm và sử dụng kim tiêm chung của giới nghiện ma túy
khiến nguy cơ lây lan HIV/AIDS tăng cao.
Mối quan hệ giữa cai nghiện tự nguyện và tỷ lệ nhiễm
HIV là rất rõ. Số người nghiện tự nguyện cai nghiện tăng sẽ khiến cho tỷ
lệ nhiễm HIV thấp đi. Điều này đã được minh chứng ở một số nước lân
cận. Hiện nay, ở Malaysia, có tới hơn 150 trung tâm cai nghiện ma túy
cộng đồng. Những trung tâm này thường xuyên phải hoạt động tới 70% khả
năng. Kết quả là nhiều người cai nghiện tự nguyện thì càng có ít người
sử dụng kim tiêm ma túy.
Số trường hợp nhiễm HIV mới ở Malaysia do sử dụng kim
tiêm đã giảm hơn 40% năm 2008 so với 4 năm trước đó. Tỷ lệ tái nghiện
sau cai vẫn còn cao, số người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở
Campuchia còn nhiều, hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS còn hạn
chế. Một trong những khó khăn lớn nhất của Campuchia trong công tác
phòng, chống ma túy và HIV/AIDS là các trung tâm cai nghiện còn thiếu và
yếu, các cơ sở y tế điều trị dự phòng lây nhiễm HIV quy mô còn nhỏ lẻ.
Hiện nay, Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên
hiệp quốc (UNODC) cũng đang nỗ lực cùng với Chính phủ Campuchia xây dựng
hệ thống trung tâm cai nghiện ma túy cộng đồng và tự nguyện. Chính phủ
Việt Nam cũng cam kết giúp đỡ Campuchia khắc phục những mặt hạn chế
nói trên thông qua các chương trình hợp tác xây dựng các trung tâm cai
nghiện, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, tăng
cường cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin trong phòng, chống tội phạm
ma túy xuyên quốc gia, quốc tế. Đặc biệt là giúp Campuchia kinh nghiệm
xây dựng, quản lý, điều hành các trung tâm cai nghiện ma túy.
Theo: An Ninh Thủ đô