Lợi dụng sự đồn thổi hoang đường về "ma thuốc độc", trong thời gian
qua, tại một số nơi ở tỉnh Hà Tĩnh, nhiều kẻ giả danh xưng thầy để chữa
bệnh thu tiền. Điều đáng nói là cách chữa bệnh này hoàn toàn mang tính
mê tín dị đoan và không thể chữa được bệnh mà khiến nhiều người lo sợ. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
Ông Nguyễn Văn Nghĩ, Trưởng CA xã Đức Lâm, Đức Thọ, Hà Tĩnh cho phóng viên xem đơn của bà P. gửi CA xã.
Soi áo, ngửi mồ hôi để phán bệnh
Một thầy diệt trừ "ma thuốc độc" nổi tiếng tại Hà Tĩnh
đã bị cơ quan công an lật mặt là Nguyễn Văn Long, ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên
đã hiện nguyên hình là kẻ lừa đảo, tung tin thất thiệt gây hoang mang lo
lắng cho nhân dân để trục lợi.
Công an huyện Cẩm Xuyên đã mời nhân dân đến đối chất
với "thầy" Long, lúc bấy giờ mới biết đó là kẻ lừa đảo, khiến họ tiền
mất tật mang. Lực lượng công an huyện, công an xã Cẩm Lạc đến tận các
thôn xóm tuyên truyền vận động nhân dân không tin vào lời đồn nhảm nhí
của kẻ xấu.
Đồng thời triệu tập Nguyễn Văn Long đến để điều tra làm
rõ. Long khai, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, Long đã bày
ra trò như soi áo, ngửi mồ hôi trên áo, châm kim vào tay, vào bụng rồi
phán rằng: người dân Cẩm Lạc đã mắc phải "ma thuốc độc".
Trước cơ quan công an, Nguyễn Văn Long cho biết: Cách
"khám" của Nguyễn Văn Long là kéo áo bệnh nhân lên, dùng tay vỗ vào
bụng, hoặc vào ngực họ 3 cái làm "bệnh nhân" đau điếng; lấy kim khâu
chích nhiều cái vào khắp cơ thể "bệnh nhân" để "đuổi tà"; vứt chiếc áo
mà họ đang mặc lên bàn thờ gia tiên, ít phút sau, Long lấy áo xuống và
phán rằng: "Con bị ma thuốc độc ám hại, ta sẽ ra tay cứu giúp con!".
Sau khi khám xong, Long bốc thuốc trừ "ma thuốc độc"
cho bà con, giá "mỗi thang" từ 20 đến 30 ngàn đồng! Các cơ quan chức
năng ở huyện Cẩm Xuyên đã kiểm nghiệm 10 "thang thuốc" của Long bán cho
người bệnh gồm: 7 ngọn ngải cứu, 7 ngọn cây ích mẫu, 1 cây hương
(nhang), 1 quả cau, 1 ngọn trầu và 1 lá... bùa. Cả 6 thứ hổ lốn nói
trên, người "bệnh" mang về nhà sắc uống.
Người nào trực tiếp đưa áo đến nhà, Long thu 20.000đ,
người gửi quần áo nhờ Long soi phải nộp 10.000đ. Sau đó Long đã bán cho
mỗi người bệnh 3 thang thuốc với giá từ 70.000đ - 100.000đ.
|
Danh sách bệnh nhân chữa “ma thuốc độc” mà cơ quan công an thu giữ được - Ảnh: NM. |
Bài thuốc của Long, chúng tôi xem được từ một số người
chưa kịp uống gồm: Cây ngải cứu, cây ích mẫu, rễ cây muồng, và một tờ
giấy Long viết lên đó 3 chữ ngoằn ngoèo mà theo Long có những cái đó dân
mới tin.
Người đến khám là đàn ông thì Long phán là do uống phải
rượu, phụ nữ thì ăn phải canh, uống phải nước chè, trẻ nhỏ thì ăn phải
rau thịt, trái cây có “ma thuốc độc” làm cho ai đến nghe cũng tái mặt,
lo sợ. Thế nên, tin lời thầy bà con đã mất nhiều tiền để thoát bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên cho biết đã cử Đoàn
thanh tra do ông Nguyễn Gia Chiến vào kiểm tra sức khỏe cho số người
bệnh có triệu chứng như trên và đã có kết luận: Do thay đổi thời tiết
khí hậu bất thường, vệ sinh môi trường quá kém (nhiều gia đình ở đây làm
chuồng trâu, bò, lợn trước cửa nhà), thời điểm này xuất hiện dịch cảm
sốt trên diện rộng.
Đoàn đã về xã nghiên cứu, tổ chức khám bệnh cho nhân
dân, không phát hiện bất cứ một dấu hiệu nào khác lạ về sức khỏe của bà
con và đã có đề xuất hướng giải quyết, vận động nhân dân khi đau ốm phải
đến bệnh viện khám và điều trị. Đồng thời tham mưu cho Đảng bộ, chính
quyền xã làm tốt vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Còn tại huyện Đức Thọ, nơi cũng có nạn "ma thuốc độc"
hoành hành thì BS. Hoàng Thư, Giám đốc Bệnh viện huyện Đức Thọ cho biết,
bệnh "ma thuốc độc" không hề có trong bất cứ tài liệu nào. Việc người
dân mệt mỏi là do suy nhược cơ thể, đặc biệt xuất hiện nhiều vào thời
điểm giao mùa khi thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Khi bị suy nhược, chỉ cần bệnh nhân ăn uống, ngủ nghỉ
đầy đủ là tự khỏi bệnh. Nếu người nào sức đề kháng yếu có thể truyền
thêm đạm, thêm nước. Việc số lượng người nhiều như hiện nay được giải
thích là phản ứng dây chuyền.
|
Loại thuốc được dùng để chữa "ma thuốc độc". |
Chính quyền cần quyết liệt hơn?
Để tìm hiểu rõ sự thực, chúng tôi đã liên lạc với Sở Y
tế Hà Tĩnh, trao đổi với chúng tôi về vấn đề "ma thuốc độc", bà Phan Thị
Ninh, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định đó chỉ là "lời đồn đại, không
hề có thật. Về mặt khoa học, cũng không có bằng chứng nào chứng minh có
căn bệnh này".
Về sự xuất hiện của những ông lang vườn tự xưng là chữa
được "ma thuốc độc", chúng tôi được biết: Các ông lang vườn không hề
được cấp phép nhưng tự cho mình là chữa được cái gọi là "ma thuốc độc".
Năm nào Sở Y tế cũng có văn bản chỉ đạo các Phòng y tế
kiểm tra chứng chỉ hành nghề của các đối tượng này. Phối hợp với công an
để xử lý các đối tượng hoạt động chui theo quy định. Cách đây không
lâu, ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có hẳn cả một đường dây chuyên thông tin đồn
đại về "ma thuốc độc" để lừa người dân đã bị dẹp bỏ".
Tiến sĩ, dược sĩ Đặng Mậu Thiệu - Phó Chủ
tịch Hội Đông y Hà Nội đã kiểm nghiệm những bài thuốc chữa bệnh "ma
thuốc độc" mà phóng viên đem về từ Hà Tĩnh cho biết: "Các loại thuốc hầu
hết đều là những thứ dược thảo thông thường như: Bạch nhĩ, bạch thược,
táo tàu, cây huyết, thiên niên kiện. Nguy hiểm là có vị chưa gặp bao
giờ, không thể xác định được. Không được uống vì hầu hết các thứ thuốc
ấy đều sao tẩm qua loa và mất vệ sinh, một số đã bị mốc, gây hậu quả
khôn lường". |
Thế nhưng trên thực tế, đến cuối tháng 5 năm 2010,
chính quyền địa phương cấp tỉnh, huyện, xã xử lý thầy này thì lại “mọc”
lên thầy khác, họ lại tiếp tục có những hành vi phao tin đồn "ma thuốc
độc" dưới nhiều hình thức tinh vi xảo quyệt hơn như thầy Khang ở xã Xuân
Viên, H. Nghi Xuân; thầy Dũng ở Hương Khê... hầu như ở đâu xuất hiện
nạn "ma thuốc độc" là ở đó có thầy nổi lên chữa, bán thuốc và không quên
bắn tin thất thiệt.
Thậm chí phản ứng dây chuyền còn lan sang cả các tỉnh khác... cũng đã có thầy nổi lên hành nghề "moi tiền" của nhân dân.
Thiết nghĩ, việc đẩy lùi sự đồn thổi gây hoang mang và
phi sự thật này phải được xử lý triệt để mặc dù "diệt được con ma" vô
hình này không phải một sớm một chiều.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh,
nghiêm trị những thầy dởm tung tin "ma thuốc độc". Bên cạnh đó, cần
tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để bà con hiểu "ma thuốc độc" là không có
thật, chỉ là tin đồn thất thiệt. Có như thế cuộc sống nhân dân ở vùng
Hà Tĩnh và các địa phương lân cận mới sớm được ổn định.
Ngọc Minh
Theo Sức khỏe&Đời sống