Kỳ VI: Sói gửi chân chùa !
Nói đến Nam Định là nói đến một vùng đất giàu văn hóa truyền thống, ở đây
có hàng nghìn ngôi chùa, đền, miếu. Cũng giống như các vùng khác, một
số ngôi chùa cũng bị chúng sinh phá hoại, từ việc mượn đất chùa chuyển
sang cướp đất, kiện cáo vô tội vạ, bất chấp lòng nhân từ của các nhà sư.
Nhà bà Liên mở quán cà phê, hàng phôtô trên khu đất chùa.
Mượn đất mưu sinh
Làm việc với chúng
tôi, ông Nguyễn Văn Sài - Trưởng BQL khu di tích lịch sử văn hóa chùa
đền Diêm Điền cho biết: Quần thể chùa Diêm Điền hay còn gọi là “Linh
Quang tự” bao gồm cả chùa và đền thờ Thập nhị tiên tổ (Đền thượng), mà
bà con thường gọi là đền Diêm Điền. Việc gia đình bà Nguyễn Thị Liên -
một người dân ở xã Bình Hòa ra đây mượn đất và chiếm luôn đất chùa đã
gây bất bình trong dư luận đã lâu. Tuy nhiên UBND huyện Giao Thủy “ậm ờ”
không giải quyết, thậm chí UBND thị trấn Ngô Đồng cùng cán bộ Phòng
TN&MT huyện Giao Thủy còn kéo nhau đến chùa định “chia đất” khiến
cho bà con làng Diêm rất bất bình, đơn thư khiếu nại gửi lên UBND tỉnh,
các cơ quan chức năng địa phương đã lâu, nhưng chẳng thấy hồi âm.
Điều tra, chúng tôi
được biết, nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ năm 1977, tỉnh Nam Định
có triển khai dự án khai thác dầu khí 36N. Để nhường đất cho dự án, một
loạt hộ dân sinh sống gần chùa Diêm Điền phải di dời. Lúc đó, “thiếu
nữ” Nguyễn Thị Liên - con gái ông Nguyễn Văn Khích có đến đặt vấn đề với
ni trưởng Thích Đàm Khương - trụ trì chùa để xin được ở nhờ khu đất
phía tây chùa, giáp ngay huyện lộ để mở quán mưu sinh. Thấy hoàn cảnh cô
Liên đáng thương (“chân tươi chân héo” và chưa chồng), ni trưởng Thích
Đàm Khương với tình cảm “vô ngã, vị tha” đã đồng ý cho mượn 144m2 đất
chùa để cô Liên mở quán bán hàng. Mọi giấy tờ mượn đất vẫn còn. Sau đó,
bà Liên cũng lấy được chồng là ông Nông Văn Khiêm - một công nhân dầu
khí. Từ một cái quán nhà tranh vách đất mượn của nhà chùa, bà Liên ngang
nhiên xây dựng nhà cấp 4 rồi sinh con đẻ cái trên đất chùa.
Sau này, thấy
“chướng tai, gai mắt” trước cảnh sinh sống bừa bãi, gây ô nhiễm môi
trường, cảnh quan cửa thiền, Ban Khánh tiết, BQL khu di tích lịch sử văn
hóa chùa đền Diêm Điền đã nhiều lần nhắc nhở gia đình bà Liên sống cho
đúng mực, đồng thời yêu cầu gia đình bà Liên sớm tìm nơi ở mới, chuyển
khỏi khu đất trên để BQL lấy đất xây dựng, kiến thiết quang cảnh chùa
cho đẹp hơn. Thấy BQL nhắc nhở, bà Liên bắt đầu “giở mặt”. Bà ta cho xây
dựng một nhà vệ sinh vào ngay trước lầu Quan Âm Bồ Tát; lén lút sang
chùa định “bắt ép” ni trưởng Thích Đàm Khương, năm nay gần 100 tuổi,
không còn tỉnh táo, minh mẫn ký, điểm chỉ vào tờ giấy của mình, hòng mưu
lợi cá nhân. Rất may, trong lúc định làm “trò bậy” đã bị sư ông Thích
Thông Đạt phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Cố tình phá hoại
Sau khi ép ni
trưởng gần 100 tuổi ký giấy bất thành, bà Liên đã tìm mọi cách trả thù.
Một “cơn bão” chửi bới ngày ngày được nhằm vào chùa và sư ông Thích
Thông Đạt với đủ các loại ngôn từ cặn bã. Không những vậy, mỗi khi nhà
chùa làm lễ, bà ta cũng chửi gây khó chịu cho người đến viếng cảnh chùa.
Sau nhiều lần làm đơn xin cấp sổ đỏ nhưng không có xác nhận của chùa,
của BQL di tích nên bà Liên đã viết nhiều đơn thư đi… kiện nhà chùa.
Không những thế, mấy ngày gần đây, bà Liên tập kết nguyên vật liệu gửi
nhờ tại Phòng NN&PTNT huyện Giao Thủy để chuẩn bị xây nhà. Việc làm
này đã gây phẫn nộ trong nhân dân địa phương. BQL di tích lại tức tốc
gửi đơn kêu cứu xâm hại di tích đi khắp nơi.
Trao đổi với phóng
viên, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phạm Quang Tuyền cho biết: “Việc BQL khu
di tích lịch sử văn hóa chùa đền Diêm Điền trình bày nội dung tố cáo
việc “cướp đất” của khu di tích là đúng sự thật. Đất này là đất mượn của
chùa, rồi cướp luôn. Tuy nhiên, UBND xã không thể đứng ra phân xử được.
Cái khó nữa là về địa giới hành chính thì quy hoạch đã “cắt” đất chùa
về thị trấn Ngô Đồng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị UBND huyện và các cơ
quan chức năng vào cuộc để trả lại đất cho nhà chùa, xử lý nghiêm những
kẻ làm sai, phá hoại di tích theo đúng pháp luật”.
Theo luật sư Hà Thị
Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội) thì: Với các hồ sơ, giấy tờ hiện có cho thấy
đất đai do bà Liên đang sử dụng không có đủ bằng chứng, căn cứ pháp
luật để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi bà Liên còn hai
văn bản lưu giữ bút tích thừa nhận mình mượn đất của chùa là 144m2. Ngay
trong bản đồ địa chính cũng không thể hiện đất nào là của nhà bà Liên.
Việc UBND thị trấn Ngô Đồng “hăm hở” đo đất, định đề nghị cấp trên cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Liên đã thể hiện tinh thần vô
trách nhiệm. Lý do cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo xác nhận
của ông Phan Văn Mao - nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Hòa năm 1977 là điều
bất hợp lý, bởi thời kỳ đó ông Mao đã ký văn bản “hùa” theo tờ đơn xin
mượn đất chùa là “đồng ý cấp đất cho bà Liên” (viết dưới tờ đơn) không
có giá trị pháp luật. Cấp đất phải có quyết định rõ ràng chứ không thể
dựa trên mấy chữ làm cơ sở. Thêm nữa, khu đất này là của di tích quốc
gia chứ không phải của cá nhân nào, nên phải hết sức thận trọng. Gia
đình bà Liên nên biết ơn nhà chùa, nơi đã cho mình nương nhờ khi khó
khăn trong suốt hơn 30 năm qua. Hành vi cướp đất chùa này chẳng khác gì câu
chuyện cổ tích “sói gửi chân”, vào nhà rồi chẳng muốn ra. Căn cứ theo
Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, UBND huyện Giao Thủy cần sớm có biện
pháp ngăn chặn ngay nạn xâm hại di tích trước khi quá muộn…
(Còn nữa)
Đà Giang - Nam Long