Nhân dịp các tượng Phật có kích thước khổng lồ ở núi Sam, tượng Phật ở núi Tà Cú, Bình Thuận, tượng Phật cao 49m ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là
những pho tượng lớn được thiết lập kỷ lục, điều đó thật đáng mừng. Song
để có những pho tượng Phật được để ở những điểm công cộng, các khu đông
dân cư thì gần như chưa có.
Mới đây, một người bạn tôi do có người
thân đang trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu nửa đêm trong bệnh viện, đã
nhờ tôi đưa đến chùa Xá Lợi để cầu nguyện. Nhưng chùa Xá Lợi đã khóa cửa.
Trên đường về, do khủng hoảng tinh thần, dù theo đạo Phật anh bạn tôi
ghé xe vào… tượng đài đức Mẹ ở sân nhà thờ Chúa Cứu Thế, cũng trong Quận
3, lúc đó còn mở cửa và có đông người cầu nguyện dưới đài. Người bạn
tôi lấy nhang đốt xá vái đức Mẹ như Bồ tát Quan Âm, trong khi không theo
đạo Chúa.
Khoảng gần 10h, số người đến đài đức Mẹ cầu nguyện khoảng 40 lượt. Mỗi
đợt cầu nguyện chừng 5-10 phút, trước đài đức Mẹ có khoảng 10 người/lượt
cầu nguyện. Ngoài ra, có vài người vào cầu nguyện ở tượng đức Mẹ ở tu
viện bên cạnh. Khi chúng tôi đi ra, số người đến cầu nguyện vẫn tiếp tục
tăng lên.
Tôi thấy ở đây quả có vấn đề!
|
Tượng Phật Di Lặc tại Núi Cấm, An Giang |
Người theo đạo Phật ở Tp.HCM chẳng hạn
trong đêm có nhu cầu tâm linh cần nơi cầu nguyện thì đến đâu? Có lần, 1
giờ sáng, tôi thấy có người thắp nến cầu nguyện trước tượng đức Mẹ trên
quảng trường Công Xã Pari, Quận 1.
Một địa điểm như vậy không có trong Phật giáo. Nếu kể công viên Bồ tát
Quảng Đức thì có phần không thích hợp. Vì khi mong được cứu khổ cứu nạn,
người ta tìm đến Quan Thế Âm Bồ tát.
Ở Tp.HCM, một tượng Bồ tát Quan Thế Âm nơi công cộng hiện nay không có.
Trước đây, nghe nói trên đường Phổ Quang, Quận Tân Bình có một tượng Bồ
tát Quan Âm mà người cầu nguyện có thể đứng ngoài đường 24/24. Tuy
nhiên, nay tượng này đã dời đi.
Đi trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10 về khuya, có khi cũng thấy có người cầu nguyện ở tượng
Bồ tát Quan Thế Âm
trước chùa Giác Ngộ. Tượng này dựng sát hàng rào sắt chấn song, nhìn ra
đường, nên dù cách hàng rào, người cầu nguyện vẫn có thể tiến sát bên
tượng và nhìn thấy rõ tượng qua hàng rào (nên trước đây đã có ý kiến
trên mạng nên dỡ đi một đoạn hàng rào ngắn).
Nay thì do chùa xây dựng mới, tượng cũng đã không còn.
Các chùa thường đóng cửa sớm lúc 21h.
Từ đó tới sáng, phật tử có nhu cầu nguyện không biết đến đâu. Như thế,
trong khi dựng nhiều tượng Phật ở nơi rừng cao núi thẳm, thì người dân ở
các thành phố lớn vẫn thiếu tượng Phật trong nhu cầu sinh hoạt tâm linh
như thế. So sánh với tôn giáo khác qua trường hợp cụ thể ở trên, thì rõ
ràng đây là điều còn thiếu của Phật giáo chúng ta.
Dựng tượng Phật nơi công cộng là điều
khó khăn, vì lý do tôn giáo tế nhị. Được nghe nói lại, ngày trước, Đức
Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích
Thiện Hòa đã hướng đến mục tiêu này mà thành công tiêu biểu là tượng Bồ
tát Quan Âm trên đường Hậu Giang, Phú Lâm (nay tượng này không còn do mở
đường). Tuy nhiên, vì không tìm được địa điểm, nên chương trình không
được tiếp tục.
Nay, trước bối cảnh đổi mới trong sinh
hoạt tôn giáo, liệu có thể nghĩ đến khả năng tiếp tục chương trình của
Hòa thượng Thích Thiện Hòa?
Câu hỏi này tất sẽ có ý kiến cho rằng
không tưởng, không thực tế. Thời Hòa thượng Thích Thiện Hòa còn làm
không có kết quả, nữa là đến bây giờ tính chuyện dựng tượng Phật nơi
công cộng khu dân cư.
Thực ra vấn đề không hoàn toàn bế tắc. Dưới đây, xin đề xuất những cách có thể hướng đến:
1. Gắn việc dựng tượng Phật với dựng
tượng đài truyền thống dân tộc. Cụ thể là tượng Phật xin dựng nơi công
cộng sẽ không chỉ là tượng Phật đơn thuần, mà phải là phiên bản của
những tác phẩm nghệ thuật là cổ vật lưu giữ trong viện bảo tàng. Công
việc dựng tượng Phật nơi công cộng là công việc sao chép và phóng đại
những bảo vật quốc gia để trưng bày nơi công cộng. Đó sẽ không phải là
công việc tôn giáo, mà là việc làm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân
tộc.
Hiện nay các viện bảo tàng lớn ở nước
ta có rất nhiều mẫu tượng Phật bảo vật có giá trị nghệ thuật cao, thể
hiện truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là tượng
Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên Nhãn.
Việc xin dựng những bức tượng sao chép những bảo vật quốc gia nơi công
cộng là điều có thể nghĩ đến. Nó giống như việc xây dựng bản sao chép
tháp Chàm ở công viên Tao Đàn chẳng hạn, mà không ai nghĩ đó là một việc
làm tôn giáo, dù tháp chàm thực chất là một đền thờ và nguyên mẫu vẫn
là một cơ sở tín ngưỡng.
Nay nếu xét riêng về tôn giáo, thì chỉ
có tượng Phật là bảo vật quốc gia có thể sao chép và dựng nơi công cộng
tương tự tháp Chàm. Điều này không làm khó cho cơ quan cấp phép, và
cũng dễ cho Phật giáo khi đặt vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa
truyền thống dân tộc.
2. Phá dỡ một số đoạn tường rào ở
những ngôi chùa nơi đường phố lớn, đưa một phần diện tích trước đây là
trong chùa gắn vào với diện tích công cộng (dĩ nhiên phần diện tích đó
vẫn thuộc về nhà chùa, chỉ dỡ hàng rào). Trên phần diện tích liên thông
với không gian công cộng, nhà chùa dựng tượng Phật làm điểm cầu nguyện
công cộng 24/24h. Bệ tượng chỉ cần diện tích vài mét vuông là đủ.
3. Mỗi một thành phố lớn chọn một ngôi
chùa có thể mở cửa cho người vào cầu nguyện trước tượng Phật ngoài sân
chùa trong đêm. Như vậy, chỉ cần một người công quả trực mở cửa chùa.
Đây là dạng theo hoạt động của nhà thờ Chúa Cứu thế Tp.HCM, một điểm cầu
nguyện 24/24h đã được nói đến. Đây không phải là chúng ta bắt chước tôn
giáo khác, mà nhu cầu cầu nguyện suốt mọi thời gian trong ngày là nhu
cầu chung của tất cả tín đồ tôn giáo, được các cơ sở tôn giáo đáp ứng
tùy hoàn cảnh cụ thể.
4. Hướng đến xây dựng công viên Phật
giáo ở các thành phố lớn, tương tự công viên Bồ tát Quảng Đức, nhưng thờ
Phật. Đây là dạng chùa Phật giáo có chánh điện lộ thiên, không có hàng
rào (như dạng các công viên hiện nay) phật tử có thể vào công viên chùa
cầu nguyện 24/24h. Đề xuất này không có gì lạ, vì chùa đã vốn là nơi
công cộng. Có khác là chùa đóng cửa vào ban đêm, còn công viên Phật giáo
là nơi mọi người lui tới tín ngưỡng, cầu nguyện 24/24h.
Minh Thạnh