Làm thế nào để chế ngự được những âu lo, sợ hãi? Bằng cách
nào để chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau? Con đường nào đưa ta đến
cuộc sống thảnh thơi, an lạc, ngập tràn hạnh phúc và tình yêu thương?
Chỉ có một con đường duy nhất, đó là nghệ thuật chánh niệm, là ý thức
hơi thở, là nghệ thuật lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ ái ngữ…
Với
thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó chính là những phương pháp chánh niệm có
công năng trị liệu đặc biệt, mang lại cho chúng ta tuệ giác và tình yêu
thương đối với chính bản thân mình và đối với mọi người, mọi loài mà
thiền sư đã chia sẻ trong buổi nói chuyện về chủ đề “nghệ thuật chuyển
hóa khổ đau” tại Khách sạn Boston Park Plaza (Mỹ) ngày 12 tháng 9 vừa
qua...
Ý thức hơi thở - Hạnh phúc hiện ra ngay bây giờ và ở đây.
Buổi
nói chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do trường Đại học danh tiếng
hàng đầu nước Mỹ Harvard tổ chức tại tiền sảnh của Khách sạn Boston Park
Plaza đã thu hút đông đảo giới mộ điệu nước Mỹ, trong đó, phần lớn là
giới trí thức, thượng lưu, doanh nhân, chính trị gia, trong đó, có cả
gia đình cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy.
1.200 vé đã bán hết
veo trong vòng 3 ngày với giá cao ngất ngưởng: 450 đô-la/vé đã chứng tỏ
sức hút đặc biệt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Song điều đó cũng cho
thấy phần nào tảng băng chìm trong đời sống tâm linh nước Mỹ.
Dường
như người Mỹ cũng đang phải đối diện với những khổ đau, những căng
thẳng, âu lo và sợ hãi. Dường như chính họ cũng đang bế tắc trong việc
truy tìm bến bờ của hạnh phúc, của an lạc.
Một bác sĩ tâm lý trị
liệu tham dự buổi nói chuyện tâm sự với tôi: “Tôi đã tư vấn, trị liệu
thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, u uất, đau khổ.
Nhưng chính tôi nhiều lúc cũng bị căng thẳng, lo sợ, hoang mang. Tôi đến
đây là để nghe một trong những vị thiền sư danh tiếng nhất thế giới nói
về phương pháp chánh niệm để vận dụng trong công việc tâm lý trị liệu.
Song trước tiên, tôi muốn trị liệu tâm lý cho chính tôi”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi an nhiên trong tư thế kiết già trên bục
giảng sân khấu. Khuôn mặt thầy bình thản, đôi mắt sáng, tinh anh, giọng
thầy nhỏ nhẹ, đều đều như hơi thở. Thầy bắt đầu câu chuyện bằng việc
theo dõi hơi thở.
Mọi người ở dưới ồ lên. “Tưởng thiền là điều
gì khó khăn ghê gớm chứ theo dõi hơi thở của mình thì đơn giản quá”.
Thầy mỉm cười. Cái cười độ lượng, nhân từ. “Ta thở vào và theo sát hơi
thở xuống dưới bụng. Trong khi thở, ta nhủ thầm “Con đã về”. Rồi ta theo
dõi hơi thở ra từ đầu cho đến cuối trọn vẹn, thỏa mái, đồng thời nhủ
thầm “Con đã tới”. Chỉ bằng một động thái đơn giản như thế, tâm ta lập
tức sẽ trở về với thân, tiếp xúc với một sự thật màu nhiệm tuyệt vời là
ta đang còn sống trong giây phút hiện tại và đây là giây phút hạnh
phúc”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi đó là hơi thở có ý thức, hơi thở
chánh niệm.
Mọi người ở dưới chậm rãi thực hành theo. Thân thể
thả lỏng, mắt từ từ nhắm lại. Chậm rãi theo dõi hơi thở. Thở vào: “con
đã về”. Thở ra: “con đã tới”. Và ngay lập tức, dường như mọi người đã
nhanh chóng thoát ra khỏi những lo toan, ồn áo huyên náo trong đầu, và
bước vào một trạng thái thức tỉnh khác lạ. Khuôn mặt ai cũng trở nên thư
thái. Có lẽ, họ đã hiểu, thế nào là giây phút hiện tại.
Thiền
sư giảng giải: “Chúng ta thường bị mắc kẹt trong những ưu sầu vì nuối
tiếc quá khứ và lo lắng, sợ hãi cho tương lai. Chúng ta cho rằng hạnh
phúc chưa thể có trong hiện tại và chúng ta cần phải có nhiều điều kiện
hơn nữa mới thực sự có hạnh phúc. Đó chính là lý do khiến chúng ta khổ.
Theo lời dạy của Đức Thế Tôn, tất cả những gì chúng ta đang cần tìm đều
có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta biết thực tập hơi thở ý
thức và định tâm thì chúng ta có thể đi ra khỏi những khổ đau này và
chạm tay vào những màu nhiệm của sự sống ngay trong giây phút này. Quá
khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có duy nhất giây phút mà ta
có thể thực sự sống. Đó là giây phút hiện tại.
Trong Kinh quán
niệm hơi thở, Bụt đã chỉ dạy cho chúng ta những bài tập cụ thể để tạo
dựng niềm vui, hạnh phúc, an lạc. Đó là một giáo pháp rất rõ ràng và sâu
sắc. Nếu chúng ta biết cách tạo ra năng lượng niệm và định thì chúng ta
có thể tiếp xúc với vô vàn hạnh phúc đang có mặt với ta ở đây, ngay bây
giờ.
Chẳng hạn như chúng ta tiếp xúc với hai mắt. “Tôi đang thở
vào và ý thức về hai mắt của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với hai
mắt của tôi”. Khi ta thực tập như vậy thì tuệ giác sẽ nảy sinh. Chỉ
trong hai, ba giây là ta có thể nhận thấy rằng: đôi mắt của mình vẫn còn
sáng. Một thiên đường của màu sắc, hình ảnh đang hiện ra trước mặt. Đối
với những người bị khiếm thị, thiên đường ấy, chưa một lần họ nhìn
thấy. Vì vậy mà đôi mắt là một trong những điều kiện căn bản để có hạnh
phúc. Ta chỉ cần thở vào thể thắp sáng ý thức rằng, mình đang có một đôi
mắt sáng.
Buổi nói chuyện đã thu hút đông đảo giới mộ điệu nước Mỹ.
Ta cũng có thể thực tập tiếp xúc với trái tim mình: “Tôi đang thở vào
và ý thức về trái tim của tôi. Tôi đang thở ra và tiếp xúc với trái tim
của tôi”. Khi chúng ta sử dụng năng lượng chánh niệm, chúng ta sẽ khám
phá ra rằng: trái tim mình đang đập bình thường trong khi biết bao người
bị hở van tim, rối loạn động mạch vành. Họ có thể bị đột quỵ bất cứ lúc
nào. Nếu ta cứ tiếp tục thực tập như vậy thì ta sẽ tiếp xúc được với vô
vàn hạnh phúc đang có mặt trong ta, quanh ta. Đó là tập chánh niệm,
nghĩa là đem tâm trở về với thân và an trú trong giây phút hiện tại.
Nếu
mình hoàn toàn có mặt trong giây phút này, mình có thể nhìn sâu hơn để
bước một bước chân ý thức trên hành tinh đẹp đẽ này hay thở vào một hơi
để ý thức là ta đang sống trong cõi niết bàn, tịnh độ. Và khi ta ở trong
cõi thiên đàng thanh tịnh đó rồi thì ta đâu cần phải mệt nhọc chạy theo
những danh tiếng, tiền tài, địa vị hay những dục lạc khác. Bình an,
niềm vui, hạnh phúc có thể đạt tới ngay. Và sự thực tập này đủ đơn giản
cho tất cả mọi người”.
Không có bùn, không có sen và nghệ thuật chuyển hóa khổ đau
Sảnh
khách sạn đông nghẹt người mà im phăng phắc. Có thể nghe thấy tiếng thở
chánh niệm đều đều của những người ngồi kề bên. Trên bục giảng, thiền
sư Thích Nhất Hạnh vẫn thuyết pháp với giọng điệu nhẹ nhàng, thong dong.
Những lời giảng của ngài như những giọt sương trong vắt cứ nhẹ
nhàng rơi, nhẹ nhàng thấm từng giọt, từng giọt vào những tâm hồn cằn khô
vì lo toan, phiền muộn, sầu khổ. “Ai trong chúng ta cũng chẳng có ít
nhiều khổ đau. Nhiều người thường sợ phải đối diện và chìm đắm trong
biển khổ đau của mình nên tìm mọi cách trốn chạy. Đọc sách báo, xem ti
vi, uống rượu, hút thuốc phiện… hoặc vùi đầu trong công việc chồng chất.
Chúng ta không biết làm cách nào để đối diện và chuyển hóa
những khổ đau ấy. Chính vì điều này mà trong Kinh quán niệm hơi thở, Bụt
khuyên chúng ta trở về và nhận diện những khổ đau trong ta.
Nếu
chúng ta biết cách thực tập hơi thở có ý thức, thực tập đi chánh niệm,
lái xe chánh niệm và ăn chánh niệm mỗi ngày thì năng lượng chánh niệm
trong ta sẽ đủ mạnh để giúp ta trở về, ôm ấp, vuốt ve những lo lắng, sợ
hãi, buồn khổ trong lòng và chỉ vài phút sau, những niềm đau, nỗi khổ sẽ
vơi đi nhiều. Giống như một bà mẹ bỗng nghe tiếng con khóc. Bà sẽ chạy
đến, ôm đứa con vào lòng với tất cả sự trìu mến. Bà mẹ chưa biết chuyện
gì xảy ra với đứa bé nhưng cử chỉ yêu thương ấy sẽ làm cho nó hết khóc,
hết khổ ngay lập tức. Năng lượng chánh niệm cũng vậy. Chúng ta chưa biết
gốc rễ của những niềm đau, nỗi khổ trong ta nhưng nếu ta ôm lấy niềm
đau ấy một cách dịu dàng với năng lượng chánh niệm, ta có thể làm dịu đi
nhanh chóng cơn đau nhức ấy.
Trong Kinh về Bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ Diệu Đế), Bụt đã chỉ cho ra
cho ta sự thật thứ nhất là khổ. Sự thật thứ hai là bản chất của khổ. Nếu
chúng ta biết cách lắng nghe sâu những khổ đau trong chính mình và nhìn
sâu vào bên trong với năng lượng của chánh niệm và chánh định thì chúng
ta sẽ hiểu được những gốc rễ đưa tới khổ đau đó và thoát khỏi nó. Cái
hiểu sẽ làm phát khởi tình thương ngay trong trái tim ta.
Nếu ai
đó hỏi tôi rằng: “Làm thế nào để chế tác tình thương yêu?”. Tôi sẽ nói
rằng: Chỉ có một cách duy nhất là hãy nhìn sâu vào niềm đau, nỗi khổ của
chính mình và tìm cách hiểu chúng. Nếu không, ta không thể hiểu được
những khổ đau của người khác và không thể thương yêu ai được”.
Trong
các phương pháp tu tập mà Bụt chỉ dạy, có một phương pháp gọi là lắng
nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái. Lắng nghe với tâm từ bi có
thể giúp nối lại sự truyền thông.
Nhiều người trong chúng ta
luôn tìm cách trốn chạy khỏi chính mình, bởi vì chúng ta không biết cách
lắng nghe nỗi khổ của chính mình. Khi chúng ta bắt đầu hiểu được niềm
đau của chính mình thì chúng ta có thể truyền thông được với chính mình
dễ dàng hơn, nhờ đó, chúng ta sẽ dễ dàng truyền thông với người khác.
Ta
có thể nói với người vợ đang khổ đau của ta rằng: “Em ơi! Anh biết em
đã chịu nhiều đau khổ. Vậy mà, nhiều năm qua, anh đã làm những điều
không phải khiến em khổ thêm bởi anh đã không hiểu được những khổ đau
của chính anh và cả của em nữa. Hãy giúp anh em nhé! Hãy nói cho anh
biết tất cả những khó khăn của em. Ạnh không muốn tiếp tục phạm phải
những sai lầm trước đây và làm cho em khổ thêm nữa”. Nếu mình có thể nói
với người thương của mình bằng ngôn ngữ như vậy thì người đó có cơ hội
mở lòng mình ra. Khi đó ta có thể áp dụng phương pháp lắng nghe với tâm
từ bi. Người thương của ta sẽ bớt khổ liền.
Khi ta đau khổ, ta có
xu hướng nghĩ rằng khổ đau của ta là do một người khác gây ra. Chúng ta
muốn trừng phạt người đó bởi vì họ đã làm cho ta khổ. Nhưng khi chúng
ta thực tập hơi thở có ý thức và nhìn sâu vào nỗi khổ, niềm đau của
người đó thì ta sẽ thấy rằng người đó cũng chỉ là nạn nhân của chính khổ
đau trong lòng họ nên họ cần được giúp đỡ chứ không đáng bị trừng phạt.
Hoa sen không thể mọc và tỏa hương nếu không có bùn. Hạnh phúc
và khổ đau cũng vậy, chúng nương vào nhau. Chúng ta không thể thấy được
hạnh phúc ngọt ngào nếu như chưa nếm trải vị cay đắng của khổ đau. Nếu
ta chưa bao giờ bị đói, ta sẽ không biết trân quý món ăn. Nếu ta chưa
bao giờ thấy chiến tranh, ta sẽ không thấy được giá trị của hòa bình.
Nếu chúng ta biết áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày
thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Năng lượng
chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc nhưng năng lượng đó không thể mua
được trong siêu thị mà chỉ có thể do chính bản thân ta tự chế tác ra”.
Hơn
ngàn quan khách đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Khuôn mặt ai cũng
ngời lên niềm xúc động, hạnh phúc, hoan hỉ. Trên bục giảng, thiền sư
Thích Nhất Hạnh nở nụ cười rạng rỡ.
Ngài giơ đôi bàn tay lên vẫy
vẫy – cách tán thưởng của ngài, trông đôi tay như hoa nở. Cả ngàn người
bên dưới cũng giơ tay lên vẫy theo trông như một rừng hoa. Rồi ngài
chậm rãi bước xuống, hướng dẫn mọi người đi bộ trong chánh niệm. Ngài đi
trước, bước từng bước chậm rãi, thảnh thơi. Hàng ngàn người thong thả
bước theo. Họ đi trong im lặng. Mỗi bước chân là một niệm cho an lạc,
hòa bình, hạnh phúc, thương yêu.
Những bước đi thong dong, an
nhiên như sen nở đưa dòng người chảy ra đường, hướng đến công viên
Boston. Xe ô tô đang rầm rập chạy trên đường bỗng dừng lại. Những hành
khách đang hối hả sải bước trên hè cũng dừng lại, nhường đường cho dòng
người thiền hành trong im lặng chuyên chở biết bao năng lượng yên bình,
hạnh phúc…
H.A.S
Nguồn: Radio Việt Nam