Lộ diện chân tướng chủ thể muốn 'ôm' tài sản của các cơ sở tôn giáo
06/07/2013 08:02 (GMT+7)

Báo VietNamNet sáng nay (25-6-2013) đưa tin chính quyền Quảng Ninh đã tiên phong ra "văn bản dự thảo quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo". Trong đó quy định việc thành lập ban quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, với "trưởng ban là đại diện chính quyền địa phương, phó ban là người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các ủy viên.

Văn bản dự thảo này đã lộ ra cho biết chân tướng chủ thể quản lý tiền công đức (tài sản) của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là các quan chức chính quyền, còn chức sắc, nhà tu hành đứng đầu các cơ sở tôn giáo là bù nhìn, là người làm thuê, làm mướn cho các quan chức ấy.

Tuy nhiên, văn bản dự thảo này, theo VietNamNet, đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của tăng, ni, phật tử Quảng Ninh, và đại diện chính quyền đã "thừa nhận sai sót và xin lỗi về những từ ngữ thiếu phù hợp trong bản dự thảo", cũng như "thừa nhận việc chưa nghiên cứu kĩ về Phật giáo cho phù hợp trước khi đề ra bản dự thảo."

Sự kiện này cho thấy cái gọi là dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tiền công đức, được núp dưới chiếc vỏ bọc "THÔNG TƯ LIÊN TỊCH Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo" do Bộ VH-TT-DL phối hợp với Bộ Nội vụ soạn thảo" sắp sửa ra đời (?), không ngoài mục đích tạo khung hành lang pháp lý để các quan chức chính quyền nhảy vào 'ôm' tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, và thao túng nội bộ tôn giáo.

Vấn đề đặt ra là thông tư này hầu như nhấn mạnh đến việc quản lý/ nắm giữ/ ôm tiền công đức (tài sản) các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư và của các cơ sở Phật giáo, vậy còn của các tôn giáo khác như: Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo v.v thì sao? Các quan chức chính quyền có đến các giáo xứ, giáo họ, Tòa Giám mục, đền Hồi giáo, nhà thờ Cao Đài v.v lập ban quản lý/ nắm giữ tiền công đức (tài sản) của họ không?  Các tôn giáo này chẳng nhẽ không sống và hoạt động bằng tiền công đức do các tín đồ hiến tặng/ tiến cúng? Tại sao chỉ có cơ sở tín ngưỡng dân gian và cơ sở Phật giáo là các quan chức chính quyền muốn đến 'ôm" tiền công đức? Hay 'tiền chùa' thì dễ 'quản' hơn?

Một nghịch lý là chùa chiền do các công ty tư nhân lập nên và làm chủ đầu tư đang có xu hướng phổ biến hiện nay nhằm kinh doanh thì chủ thể quản lý tiền công đức của các ngôi chùa này là ai? Công ty tư nhân hay quan chức chính quyền? sao không thấy nói đến?

Nếu tiền công đức của các ngôi chùa này là do công ty tư nhân quản lý thì tại sao các chùa thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam do sư trụ trì lao tâm nhọc trí cộng với uy tín cá nhân vận động tín đồ đóng góp xây dựng nên thì các quan chức chính quyền lại muốn nhảy bổ vào quản lý/ nắm giữ/ ôm tài sản của các cơ sở tôn giáo này?

Chủ thể đích thực quản lý tiền công đức tại chùa di tích Côn Sơn ở tỉnh Hải Dương là chính quyền,

không phải là sư trụ trì do Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm như người ta lầm tưởng.  Ảnh: Quần Anh

Từ một hiện tượng sai trái của trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - một cơ sở tín ngưỡng dân gian - do chính quyền lập nên, người ta đã và đang cố ý tạo công luận đánh đồng khái niệm giữa cơ sở tín ngưỡng - vốn do cộng đồng dân cư địa phương quản lý, và cơ sở tôn giáo - vốn do giáo hội và chức sắc, nhà tu hành quản lý, được pháp luật bảo hộ, để từ đótạo cơ sở pháp lý cho các quan chức chính quyền chiếm đoạt quyền quản lý các cơ sở tôn giáo của các chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo một cách hợp pháp, biến cơ sở tôn giáo thành cơ sở thu tiền của nhà nước, tạo cơ hội cho các 'con sâu' tham nhũng dễ bề đục khoét tài sản tôn giáo.

Trước đây, với quan niệm 'tôn giáo là liều thuốc phiện', là mê tín dị đoan, đang tâm ra tay đập phá không thương tiếc nhiều di sản văn hóa Phật giáo của tổ tiên. Ngày nay, với cơ chế thị trường, lòng tham nổi dậy, năm nào cũng rậm rật muốn thò bàn tay lông lá của thế tục vào 'ôm, giữ' tài sản tôn giáo vốn trang nghiêm thanh tịnh, có nguồn gốc từ các tín đồ làm ăn lương thiện hiến cúng. Thật là vô lý ngoài sự tưởng tượng.

Quần Anh

--------

Dưới đây là toàn văn bài báo về quản lý tiền công đức trên VietNamNet:

Loay hoay tìm cách quản lý tiền công đức (xuất bản lúc 00:02 GMT+7, ngày 25/06/2013)

Minh bạch tiền công đức thu được tại chùa chiền đang là vấn đề làm nóng dư luận thời gian qua, Tuy nhiên quản lý tiền công đức thế nào lại là vấn đề không hề dễ.

Quảng Ninh được biết đến là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh và các di tích đền chùa nổi tiếng cả nước. Trong những năm qua việc khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh tại địa bàn tỉnh được đánh giá là khá tốt.

Với vai trò tiên phong, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động thí điểm việc quản lý tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng bằng văn bản dự thảo quy định về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, bản dự thảo đã đối mặt với nhiều ý kiến không đồng tình trong giới tăng ni, phật tử ngay trên địa bàn tỉnh. Vietnamnet đã có mặt trong cuộc hội nghị lấy ý kiến về bản dự thảo giữa các bên ngày 23/6 để ghi nhận thông tin.

Nóng vội

Nội dung chính của bản dự thảo này bao gồm việc thành lập ban quản lý tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo. Trong đó trưởng ban là đại diện chính quyền địa phương, phó ban là người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các ủy viên. Ban quản lý sẽ cử người có chuyên môn làm công tác kế toán và thủ quỹ để quản lý nguồn thu.

Tuy nhiên, di tích Phật giáo khác hẳn với các di tích khác bởi chùa chiền là tài sản do các vị Tổ Sư và Phật tử đóng góp để lại qua nhiều thời kỳ, là cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo do trụ trì và tín đồ Phật giáo làm chủ. Việc đặt người đại diện chính quyền địa phương làm trưởng ban đã khiến nhiều tăng ni bức xúc khi cho rằng đã không coi trọng chủ thể của cơ sở tín ngưỡng.

Hội nghị lấy ý kiến đã thu hút được rất nhiều tăng lữ, phật tử.

Dự thảo cũng công bố các quy định về nguồn thu của ban quản lý tại cơ sở tín ngưỡng. Các sư tăng cho rằng nguồn thu từ tiền công đức là tài sản của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), chỉ có Tam Bảo mới có công đức. Vì vậy cũng chỉ có Tam Bảo trong đó có Tăng, Ni là người đại diện mới có quyền tiếp nhận và sử dụng nó.

Vì tiền công đức là do nhiều người đem đến một cách tự nguyện nên ban quản lý mà trưởng ban là đại diện chính quyền sẽ đứng ra quản lý và nhận số tiền này thay vị trụ trì liệu có hợp lý? Và liệu người đến chùa khi góp công đức thì tiền sẽ đến tay ban quản lý hay nhiều người sẽ phát tâm tận tay các vị sự trụ trì?

Chưa kể trong bản dự thảo cũng nói đến cụm từ dịch vụ tín ngưỡng bao gồm các hoạt động như khóa trọng lễ, lễ cầu an, lễ giải hạn, cầu siêu… đã vấp phải sự không bằng lòng của nhiều nhà sư. Lí giải về điều này, các nhà sư cho rằng các chùa, sư không bao giờ làm dịch vụ tín ngưỡng mà đây là nghi lễ tôn giáo thiêng liêng đúng đạo lý Vì vậy dự thảo viết là dịch vụ tín ngưỡng là xúc phạm tới Phật giáo.

Chưa kể trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt đã ghi rõ tiền công đức là tài sản của Tam Bảo. Như vậy nếu đại diện chính quyền xã cầm chìa khóa như vậy đã hợp lý? Có ý kiến cho rằng làm như vậy có khác cho đại diện chính quyền xã nắm chìa khóa két bạc của từng gia đình, từng doanh nghiệp?

Thiếu thực tế

Trong bản dự thảo cũng nêu lên vấn đề định giá các hiện vật công đức theo giá trị thị trường để theo dõi sổ sách cũng bị cho là thiếu thực tế. Các hiện vật như tượng Phật, chuông đồng… nếu quy ra theo giá trị thị trường thì không ai có thể định giá chính xác vì đó không chỉ là hiện vật mang giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa, mỹ thuật… Vì vậy để quy đổi ra giá trị thị trường không phải là chuyện đơn giản.

Bản dự thảo cũng đề ra các khoản chi từ các nguồn thu của cơ sở tín ngưỡng rất chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc quy định các khoản chi này một cách chi tiết là quá ảo tưởng. Vì không phải cơ sở tín ngưỡng nào cũng có đủ tiền công đức để chi cho từng đấy hạng mục. Và làm như vậy thì không khác nào biến các vị sư trụ trì thành người làm thuê cho ban quản lý.

Thêm một vấn đề được nêu ra là các di tích chùa chiền đã xếp hạng thì bắt buộc phải lập ra ban quản lý, còn các di tích chưa xếp hạng chỉ khuyến khích thực hiện theo. Điều này đã khiến không ít người tham gia hội nghị phản ứng.

“Có nhiều nơi, có một số cá nhân cứ đi khảo sát rồi gạ gẫm nhiều di tích lập hồ sơ xếp hạng di tích để hàng năm được nhà nước cấp kinh phí xây dựng, trùng tu. Tuy nhiên trước đó phải đóng 50, 70 triệu thì mới được xếp hạng. Nay đề ra dự thảo này thì việc xếp hạng di tích sẽ vô hình trở thành cái thòng lọng vào cổ.

Di tích thật thì chả cần yêu cầu vẫn xếp hạng, di tích không có giá trị thì sao phải gạ gẫm? Mà nếu dự thảo này thành hiện thực thì liệu những di tích chưa được xếp hạng và những di tích được xếp hạng rồi có muốn làm hồ sơ và được công nhận nữa hay không?”, một đại biểu nêu ý kiến.

Ngoài ra nhiều ý kiến cho rằng bản dự thảo đã không tuân theo quy định của Hiến Pháp khi đối tượng áp dụng của dự thảo này chỉ nhắm vào các cơ sở của Phật giáo trong khi các tôn giáo khác thì không. Điều này hoàn toàn trái với hiến pháp khi đã ghi rõ các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Thừa nhận sai sót

Có mặt tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Minh người trực tiếp kí vào bản dự thảo trên đã phát biểu nhận sai sót và xin lỗi về những từ ngữ thiếu phù hợp trong bản dự thảo. Ông cũng thừa nhận việc chưa nghiên cứu kĩ về Phật giáo cho phù hợp trước khi đề ra bản dự thảo.

Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh thừa nhận sai sót và xin lỗi tăng ni, phật tử

Ông Minh cũng thanh minh rằng vấn đề quản lý nguồn thu này là xuất phát từ ý định tốt nhằm công khai, minh bạch, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng danh nghĩa tổ chức, cá nhân cơ sở tín ngưỡng để trục lợi. Tuy nhiên vì còn nhiều vấn đề chưa nghiên cứu kĩ lưỡng nên bản dự thảo đã có quá nhiều vấn đề, Sở Tài chính xin tiếp thu ý kiến và xem xét lại vấn đề này.


Theo Tùng Nguyên - VietNamNet

Các tin đã đăng: