Trung Quốc: Tu viện Tây Tạng tận hiến nhân lực, tài lực cho trận động đất tại huyện Ngọc Thụ
27/04/2010 03:08 (GMT+7)

Ngọc Thụ, Trung Quốc: Ngày 23-4, một tu viện Tây Tạng tọa lạc tại tỉnh Tứ Xuyên đã ủng hộ huyện Yushu (Ngọc Thụ) - địa phương vừa hứng chịu thảm họa động đất nặng nề - 11.27 triệu nhân dân tệ, trong đó có 10 triệu NDT của Lạt-ma Tripa Rinpoch, viện chủ tu viện.

“Chúng tôi đã dự định dùng khoản tịnh tài này để trùng tu lại ngôi chùa, nhưng hiện nay, trách nhiệm của chúng tôi là hiến cúng nó”, Lạt-ma Tripa Rinpoch nói với China Daily. “Tôi trông thấy rất nhiều người Hán và người Tây Tạng tham gia vào các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ, nên tôi rất xúc động”.

 

Tu viện Serhul, tọa lạc tại Ganzi, giáp với tỉnh Tứ Xuyên và cách huyện Ngọc Thụ 110km, đã cung cấp hàng cứu trợ, gồm 200 lều, thực phẩm và nước, trị giá khoảng 1.2 triệu tệ. Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn vị Lạt-ma mặc y hậu và áo jacket đỏ thẫm đã tham gia cứu hộ cùng với binh lính và nhân viên cứu hộ sau trận động đất ngày 14-4.

 

Các vị Lạt-ma tham gia cứu hộ

 

“Cả thảy có 900 vị Lạt-ma trong chùa chúng tôi tham gia công tác cứu hộ và cứu trợ. Nhóm Lạt-ma đầu tiên đến hiện trường lúc 4 giờ chiều, vài giờ sau khi động đất xảy ra. Chúng tôi đã cứu sống hơn 700 nạn nhân, và giúp tìm thấy hơn 1.000 thi thể dưới đống đổ nát”, Lạt-ma Tripa Rinpoch thổ lộ. “Các vị Lạt-ma hiện đang tụng kinh cầu siêu hàng ngày cho các nạn nhân động đất và sẽ tiếp tục cho đến hết 49 ngày, vốn được coi là thời điểm quyết định để thần thức đi đầu thai chuyển sang hình thức của đời sống khác theo giáo lý Phật giáo”.

 

Theo thống kê của trung tâm cứu hộ, tính đến ngày 23-4, 9 ngày sau khi xảy ra trận động đất cường độ mạnh 7.1 độ Richter, số người chết đã tăng lên 2.187, mất tích còn 80 người, và bị thương là 12.135 người.

 

Chia sẻ với China Daily, Lạt-ma Tây Tạng Genpo Gya, 20 tuổi, nằm trong nhóm các vị Lạt-ma đầu tiên đến huyện Ngọc Thụ nói: “Trên con đường đi đến huyện Ngọc Thụ, chúng tôi vừa đi vừa cầu nguyện cho các nạn nhân. Chúng tôi không mang thực phẩm vì chúng tôi cố gắng mang nhiều lều trại cho các nạn nhân đêm hôm đó. Tôi ngủ cùng với 17 vị Lạt-ma khác trong cùng một lều đêm hôm đó, vì chúng tôi muốn dành thật nhiều lều trại cho các những người bị mất hết nhà cửa trong trận động đất”.

 

Lạt-ma Ngawang Kunkyap, 19 tuổi, tu tại chùa Sershul, đã không biết những ngón tay của mình đang chảy máu sau nhiều giờ tìm kiếm các nạn nhân dưới đống đổ nát. “Tôi dùng tay đào bới trong các đống đổ nát, và tôi tiếp tục công việc tìm kiếm ấy mặc dù biết chắc những người nằm bên dưới đã chết. Tìm thấy thi thể nạn nhân là nguồn an ủi cho thân bằng quyến thuộc của họ”, Lạt-ma Ngawang Kunkyap kể.

 

Trao đổi với Xinhua, Lạt-ma thâm niên Dampa Rinchen nói: “Chính phủ đã biểu thị cho thấy tính hiệu quả cao trong công tác cứu hộ, cứu nạn sau động đất. Các vị Lạt-ma Tây Tạng đã tích cực trong việc giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào họ có nhu cầu. Các vị Lạt-ma cũng đang tụng kinh cầu nguyện và xoa dịu nỗi đau tinh thần cho các nạn nhân.”

 

Trận động đất đã phá hủy nghiêm trọng một tu viện Tây Tạng ở Gyeyu, làm chết 8 Lạt-ma và làm bị thương 22 Lạt-ma khác. Sau khi tái thiết, tu viện này sẽ là trung tâm nuôi dưỡng các trẻ em bị mồ côi sau động đất và người già neo đơn.

 

Huyện Ngọc Thụ có 238 tự viện. Một trong 3 ngôi chùa lớn nhất là chùa Gyegu có hơn 500 Lạt-ma. Ngọc Thụ là một trong 10 huyện của Khu tự trị Tây Tạng thuộc Trung Quốc. Hơn 90% trong số 350.000 cư dân của huyện này là người Tây Tạng và hầu hết tin theo Phật giáo Tây Tạng.

Tân Nguyễn (Theo China Daily)

Theo GNO

Các tin đã đăng: