Ngày nay, bất kỳ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào cũng có cơ quan ngôn luận của mình, lên tiếng nói, hay phản hồi những ý kiến của mọi người. Phật giáo tuy là một tôn giáo nhưng vẫn có cơ quan ngôn luận của mình. Có thể xem giacngo.vn và những trang Phật giáo khác là nơi đăng tải tiếng nói của Tăng Ni Phật tử trong nước. Gần đây, người học Phật cũng nhiều, người không hiểu đạo cũng không ít và do đó có một vài cá nhân, tổ chức có những nhận định không đúng về Phật giáo, gây hoang mang dư luận.
Phật giáo không phải là một tôn giáo hoàn vũ, tông truyền, không thể sai lầm nên cũng có đôi phần hạn chế, khuyết điểm. Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, nhận ra những sai lầm yếu kém của mình, tiếp thu những lời góp ý chân thành đúng đắn. Còn trước những luận điệu xuyên tạc kinh điển, truyện tích Phật giáo, bôi nhọ Phật giáo, Tăng Ni Phật tử thì chúng ta cần có những bài phản hồi, yêu cầu lời xin lỗi từ các cá nhân, tổ chức nhận định sai lầm của mình để rộng đường dư luận, góp phần xiển dương Phật pháp, tôn trọng sự thật, lấy lại lòng tin nơi quần chúng nhân dân.
Có ý kiến cho rằng, đạo mình coi trọng tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, không chấp nhất ai làm gì, vì chúng sanh thì vô lượng mà căn tính thì bất đồng. Mỗi người có cách nhìn nhận sự việc khác nhau nên không thể áp đặt theo suy nghĩ của mình, thôi thì mặc kệ người ta nói, mình tu cứ tu. Lại có người cho rằng, ai cũng có Phật tính, mình cứ chê bai qua lại thì sẽ làm mất dần Phật tính của mình và của người, kiến người ta quay lưng lại với đạo Phật. Nhưng cũng còn tùy trường hợp cụ thể mà áp dụng vì từ bi phải đi kèm trí tuệ. Thấy người ta sai thì mình phải chỉ bảo, đưa đường chỉ lối cho họ chứ không phải là mình cứ làm ngơ cho họ đi vào sai lầm, vô minh, còn mình cứ lo tu trước, ai tu nấy chứng còn người khác kệ họ. Suy nghĩ như vậy là hơi ích kỷ, và không phù hợp với tinh thần của đạo Phật bởi lẽ: đời không có đạo lấy ai để sửa, đạo không có đời biết sửa cho ai.
Như vậy, đạo Phật giáo dục con người, sửa chữa những sai lầm trong nhận thức và hành động của con người để đưa họ đến bờ giác ngộ, đến các giá trị chân, thiện, mỹ chứ không phải a dua theo những suy nghĩ của người đời. Đức Phật dùng ánh sáng trí tuệ của mình để phá tan màn vô minh tăm tối của nhân loại. Khi còn tại thế, Đức Thế Tôn đã chỉ cho môn đồ đệ tử của mình thấy những điều không đúng, vô lý của các ngoại đạo bấy giờ và không ít những người ngoại đạo này đã giác ngộ, trở thành đại đệ tử của Phật.
Trong suốt những năm hoằng hóa của mình, Đức Phật luôn dạy đệ tử những đạo lý tốt đẹp, chứ Ngài có bao giờ làm ngơ, cho qua trước những tư tưởng sai trái, bất công, phân biệt đẳng cấp của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đức Phật chẳng khuyên chúng sanh không được nói lưỡi đôi chiều là gì. Phật giáo cần bày tỏ chính kiến rõ ràng của mình, cần tồi tà hiển chánh, đúng sai rõ ràng, không thể lấy bụng dạ của mình mà suy ra bụng dạ của chư Phật được. Không thể mình nghĩ sao thì bắt Phật phải như vậy. Không thể mình thay mặt Đức Phật để nhận xét các hiện tượng xã hội, các sự kiện chính trị… Không thể mình ăn mặn rồi bắt Phật phải ăn mặn, phải cho phép xả thịt thú rừng ngay trước cổng chùa, rồi dâng thịt, rượu cúng Phật…Không thể vin vào lý do tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, mà tôi nghĩ phải như thế này, phải như thế kia. Trước những hình ảnh này, Phật giáo không thể không lên tiếng, phải có tiếng nói rõ ràng để nâng cao nhận thức của người dân.
Trở lại vấn đề ngôn luận, truyền thông của Phật giáo, chúng ta phải thành thật mà thừa nhận rằng còn quá yếu, còn mang tính chất nội bộ và không có trọng lượng. Tăng Ni bị đánh đập, Pháp nạn Bát Nhã thì chỉ lác đác vài trang Phật giáo thông tin, các tờ báo xã hội thì ngại động chạm đến vấn đề tôn giáo. Trong khi đó, các trang hải ngoại chống Cộng, trang tôn giáo bạn thì tha hồ thêu dệt, thổi phồng làm ảnh hưởng lớn đến Phật giáo, làm hoang mang dư luận xã hội. Phật giáo cũng không có tiếng nói chính thức để rộng đường dư luận. Hiện trạng sư giả xuất hiện tràn lan như nấm mọc sau mưa, thì Phật giáo chả mấy quan tâm lên tiếng, đến khi các tờ báo khác viết phóng sự thì Phật giáo mới đưa tin, thông báo về tình hình khất thực, bán nhang là việc làm mà Giáo hội không cho phép, mọi người cần nâng cao cảnh giác, không tiếp tay…Rồi đến việc tranh chấp đất đai với nhà chùa thì lại càng ít thấy đăng tin mặc dù thực trạng vấn nạn này là khá nghiêm trọng. Gần đây nhất là việc một tác giả khuyết danh PV, và ông họa sĩ Lê Thiết Cương tự nhận là từng đọc kinh Kim Cương (mà không biết có hiểu không) có bài viết về Phật giáo mang nặng tính đả kích, chê bai. Việc này mọi người đã có ý kiến phản hồi, tôi xin phép không đi phân tích vào sâu. Và còn nhiều, nhiều việc, nhiều chuyện, nhiều bài viết khác viết về đạo Phật dưới con mắt thiên kiến, đầy sai lệch mà nguyên nhân vì đâu thì tôi không rõ.
Thế nhưng điều đáng bàn, đáng quan tâm ở đây là sự lên tiếng phản hồi từ phía Giáo Hội Phật Giáo, các Tăng Ni Phật tử, các cơ quan ngôn luận Phật giáo. Chỉ trừ phattuvietnam.net là đông đảo ý kiến còn các trang tin khác thì không thấy đăng. Việc Tăng Ni, các cơ quan ngôn luận của Giáo hội lên tiếng phản hồi thì lác đác như sao buổi sớm, như lá mùa thu và thường xuất hiện cho có, khá muộn màng. Nhớ khi xưa, hết “Quái tình nơi cửa Phật” rồi vở cải lương được sân khấu hóa hiện đại, hoành tráng “Lan và Điệp” khiến nhiều người phải lên tiếng thở dài trong khi Giáo hội và các trang web Phật giáo lại khá im lìm. Trong khi đó, ở Thái Lan và Campuchia những phim ảnh, ca nhạc có nội dung không tốt về Phật giáo thì chư Tăng và Phật tử liên tiếng mạnh mẽ, chính quyền phải can thiệp, đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên phải xin lỗi quần chúng. Gần đây, ở Singaro, một quốc đảo đa tôn giáo, một mục sư Tin lành phải lên tiếng xin lỗi giới Phật giáo, người dân nước này vì những lời truyền giảng Kinh Thánh sai lầm của ông, bôi nhọ Phật giáo. Còn ở ta thì sao? Đây là một thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề.
Người dân, người mới sơ cơ học đạo thì hoang mang nghi vấn, Phật tử mộ đạo lên tiếng thì chỉ có ta với ta, mình nói mình nghe. Rõ ràng mặt ngôn luận của Phật giáo vừa mang tính yếu , kém vừa mang tính nội bộ và dẫn đến hệ quả tất nhiên là tiếng nói của giới Phật giáo không có trọng lượng, Phật giáo mất dần vị thế, uy tín trong xã hội, bị nhiều người nghi ngờ, hiểu lầm.
Về nguyên nhân, có lẽ do Tăng Ni Phật tử quá thụ động, cứ dễ dãi xuề xòa, không dám lên tiếng vì sợ vọng ngữ, sợ mang tiếng sân si với mọi người…Về phía chư Tăng, có lẽ do Phật sự quá đa đoan nên không để ý đến những tờ báo khác, kể cả những trang Phật giáo, hay sợ liên quan đến người này, mất lòng người kia. Chư Tôn đức lãnh đạo thì lại càng ít tiếp thu thông tin ngoài xã hội, một số vị còn xa lạ với mạng internet, cứ mãi lo “chứng minh” các Phật sự, các buổi lễ mà quên đi, bỏ qua phần “chứng minh thế sự” cũng không kém phần quan trọng này. Chư Tăng Ni lại ít thuyết giảng cho Phật tử nên phần đông tín đồ còn hiểu về đạo mơ hồ, nhận thức thiếu đúng đắn. Quý Tăng Ni còn có khoảng cách với mọi người, không hiểu rõ về tín đồ của mình, không ghi nhận tâm tư, suy nghĩ của tín đồ, của người dân sở tại, không lắng nghe tiếng nói của dư luận, của Phật tử…
Còn phía Phật tử lại hiểu biết, suy nghĩ có giới hạn, có nhận thức về Phật giáo còn hạn chế nên không dám lên tiếng, hay lại phát biểu linh tinh, sai lầm, chủ quan. Có một số người thì coi sự im lặng là vàng, không dám mở lời vì sợ đắc tội với quý Thầy, sợ vọng ngữ, sợ mang lấy nghiệp chướng… Do có những suy nghĩ như vậy, do sự im lặng đó mà nhiều vấn nạn không được giải quyết rốt ráo, lại phát sinh nhiều tiêu cực, tạo lỗ thủng lớn làm nguy cơ đắm con thuyền Phật pháp. Ngoại đạo càng lợi dụng điều này, xuyên tạc, phá hoại làm mọi người có những suy nghĩ sai lầm, xa lìa Phật pháp. Lỗ thủng cứ lớn dần, con thuyền Phật giáo lại thêm phần lao đao, nguy cấp.
CHÚNG TA PHẢI GIẢI BÀI TOÁN NÀY NHƯ THẾ NÀO ?
Sau đây là vài ý kiến riêng của cá nhân tôi, chắc chắn cũng còn có phần hạn chế, xin quý Tăng Ni, Phật tử góp ý bổ sung để góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam ngày càng khởi sắc, vững chải trong thời buổi nhiễu loạn thông tin này.
Thứ nhất vẫn phải là công tác hoằng pháp, thuyết giảng Phật pháp, phổ biến giáo lý nhà Phật ra sâu rộng khắp mọi tầng lớp xã hội. Vì nếu trình độ hiểu biết về Phật pháp càng tăng lên thì những tiếng nói xuyên tạc kinh điển, bôi nhọ Phật giáo, Tăng Ni sẽ giảm xuống. Và trước những thông tin sai lệch, bóp méo, mọi người vẫn đủ kiến thức để nhận ra, đủ lý lẽ để phản bác, đối thoại, và không bị tung hỏa mù. Làm được như thế là chúng ta góp phần hoằng dương Phật pháp, dùng ánh sáng trí tuệ để đối thoại với ma quân.
Thứ hai, chúng ta cũng cần dành chút thì giờ, công sức ra để nghiên cứu các Tôn giáo bạn, từ lịch sử hình thành, vài nét về kinh điển, lịch sử truyền đạo như thế nào, ưu khuyết điểm ra sao. Việc làm này theo tôi là không thừa trong thời đại ngày nay. Tôi xin lưu ý là biết để tránh, để biết người biết ta chứ không phải để chê bai, đả kích, bôi bác vì Phật giáo không có truyền thống như thế. Thực tế, chúng ta đã không biết người, chỉ biết ta, nên nhiều trường hợp bị ngoại đạo tung hỏa mù, quy chụp, bóp méo Phật giáo mà không mấy ai có thể phản bác, giải hoặc, làm sáng tỏ. Số người làm được điều này thì quá ít ỏi, lại không thấy các trang Phật giáo đưa tin, băng đĩa, sách báo, tài liệu Phật pháp loại này lại càng ít thấy phổ biến. Nếu Phật giáo chú trọng đến mảng này thì tốt biết bao, kiến thức, lý luận của Phật tử được nâng cao, ngoại đạo làm sao lung lạc được, làm sao xuyên tạc bóp méo được. Người Phật tử dễ gì làm miếng mồi ngon bị ngoại đạo nhắm đến cải đạo.
Thứ ba, Tăng Ni Phật tử cần tỉnh táo nghe những lời nhận xét về mình, không buồn khi bị chê bai, cũng không mừng khi được khen ngợi. Chúng ta cần nhìn thấy rõ ưu, khuyết điểm của mình để sửa chữa sai lầm, phát huy mặt tích cực. Quý Thầy cần lắng nghe tiếng nói Phật tử nhiều hơn nữa, xóa bỏ khoảng cách không đáng có giữa thầy trò, tránh tình trạng Thầy nói Thầy nghe, mình nói mình nghe, việc ai nấy làm. Phật tử thì bàn bạc, thảo luận sôi nổi với nhau về chấn hưng Phật giáo, về việc Phật tử bị cải đạo do nhiều nguyên nhân khác nhau. Diễn đàn sôi nổi là thế, ý kiến đưa ra cũng lắm, thế nhưng có được mấy trang web Phật giáo đang tải, có được mấy vị Tôn Túc lãnh đạo nghe được, quan tâm tìm hiểu sự tình. Các Thầy, các Cô cần giải tỏa những khúc mắc, tâm tư của Phật tử. Thầy trò có hiểu nhau thì Phật sự mới hanh thông, người ngoài làm sao chia rẽ được nội bộ.
Thứ tư, quý Tăng Ni Phật tử cần có tiếng có tiếng nói chính kiến của mình trước những điều sai trái, xuyên tạc sự thật. Mọi người không nên có suy nghĩ im lặng là vàng, sợ nếu mình lên tiếng thì sẽ bị tổn phước, vọng ngữ, còn sân si… Đức Phật dạy hàng đệ tử của Phật là phải cần có chính kiến của mình để nhìn nhận sự việc, Phật đâu có khuyên chúng ta thờ ơ, im lặng, thụ động trước những điều sai trái, phi lý. Mọi người cần làm sáng tỏ chân lý, bác bỏ những ý kiến xuyên tạc bóp méo kinh điển, giáo lý Phật giáo. Làm được như thế là chúng ta góp phần hoằng dương chính pháp, xiển dương chính nghĩa, hiển chánh tồi tà. Mọi người cần có chính kiến và chính tư duy để nhìn nhận sự việc, vấn đề, tránh bị người khác lợi dụng.
Thứ năm, các trang web, báo chí truyền thông Phật giáo cần có sự đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau khi cần. Đối với các thông tin Phật sự, những bài viết bình thường thì không nên đăng lại nội dung của nhau. Nhưng đối với những vấn đề sự kiện nóng bỏng như: sư giả; Tăng ni bị hành hung; chuyện tranh chấp đất đai với nhà chùa; chuyện một số cá nhân, tổ chức nhận xét sai trái về Phật giáo; chuyện hành xử sai pháp luật, giới luật của Tăng Ni… thì cần phải phổ biến rộng khắp, để rộng đường dư luận, cho mọi người thấy được vấn đề sai đúng ở chỗ nào. Không thể có những suy nghĩ là trang này, trang kia đăng rồi mình không được đăng lại, hay đăng như thế là làm mất uy tín của Tăng Ni, là vạch áo cho người xem lưng… Suy nghĩ như thế theo tôi là ích kỷ, không vì sự phát triển của Phật pháp, dung túng một số cá nhân mượn đạo tạo đời làm mất danh dự của Phật giáo, làm suy giảm hình ảnh tu sĩ Phật giáo trong xã hội. Người xưa có câu : “ Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng”. Chúng ta đừng vì sự phật lòng với người này, mất lòng người kia mà không dám dũng cảm uống bát thuốc đắng để chữa bệnh cho chính mình. Có được như thế thì Phật giáo mới phát triển được, mới loại bỏ những kẻ lợi dụng chiếc áo cà sa làm điều sai trái. Trước những việc làm sai trái, những bài viết bôi nhọ đạo Phật, hiểu sai kinh điển, giáo lý nhà Phật thì các trang báo Phật giáo, các chùa, các tự viện, trang web của Giáo hội, các Ban Trị sự phải đồng loạt đăng tin, và đưa ra tiếng nói của mình. Về việc này thì trước nay không có, mọi người cần lưu ý. Đây là mặt hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận.
Và điều cuối cùng, tôi nghĩ là nên thành lập một ban, hay một tổ chức do các Thầy và các Phật tử tham gia để đọc, theo dõi những tờ báo, truyền thông đại chúng, các trang web của tôn giáo bạn… nhận xét, tìm hiểu Phật giáo. Ngày nay, những bài viết loại này không hiếm trên internet, sách báo, tạp chí. Những bài viết loại này đúng cũng có, mà sai cũng không ít. Vậy mà Phật giáo lại chả thèm quan tâm, cải chính, tìm hiểu và đưa ra tiếng nói, nhận xét của mình. Người mới sơ cơ học đạo lại chẳng bất ngờ, ngạc nhiên khi ai đó truyền giảng là Phật và Chúa là anh em, Bổ Tát Quan Thế Âm là hiện thân của bà Maria,… Tôi thấy là Phật tử cần lập nên một ban chuyên trách về đọc báo và phản hồi về những vấn đề xuyên tạc Phật giáo trên các tờ báo đời, những cá nhân, tổ chức, tôn giáo…nhận xét xuyên tạc, bóp méo về đạo Phật, nhào nặn, pha trộn các tôn giáo khác vào Phật giáo.
Việc này theo tôi là dành cho các cư sĩ Phật tử đảm trách, các Thầy sẽ tổng hợp, góp ý, sẽ phản hồi, lên tiếng. Vì các Phật tử thường xuyên tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nên dễ cập nhật thông tin hơn, các Phật tử muốn đối thoại tốt cần phải có kiến thức Phật học uyên thâm, phải nỗ lực tăng cường sự hiểu biết về Phật pháp và hơn nữa chúng ta góp phần chung tay với quý Thầy hoằng dương Phật pháp, hiển chánh tồi tà, chia sẻ bớt công việc cho quý Thầy, Cô. Và người Phật tử sẽ trưởng thành hơn, hiểu Phật pháp hơn khi cọ sát với những cuộc đối thoại như thế. Tôi cũng mong Chư Tôn Đức Giáo hội cần quan tâm giúp đỡ Tăng Ni Phật tử về mặt truyền thông, lắng nghe ý kiến của mọi người phản ánh, và ra tiếng nói kịp thời đúng lúc, làm cho tiếng nói của Phật giáo có trọng lượng hơn trước, cho phù hợp với tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo hơn 2000 năm qua.
TPHCM, ngày 25/3/2010.
Minh Ngọc.