Chuyện cảm động về 'thiên thần' bé nhỏ nơi cửa Phật
Tâm Minh St
18/07/2013 01:13 (GMT+7)


Bé gái của Phật

Trung tuần tháng 6, tôi về chùa Hoàng Xá theo lời mời của sư trụ trì. Sự là, sư thầy muốn giới thiệu cho tôi biết về khóa tu học hè của chùa dành cho thanh thiếu niên. Nhận thấy đây là một chương trình nhân văn và có ý nghĩa với cộng đồng, tôi bắt xe bus về Hưng Yên trong một buổi sáng Hà Nội nắng đến gai người.

Đặt chân vào cổng chùa cổ kính, một vẻ tiêu điều xác xơ khiến tôi có đôi chút ngỡ ngàng. Bước vào ngôi chùa cổ kính, trầm mặc nằm giữa một vùng quê yên ả khiến tôi cảm thấy nhẹ lòng. Một nhóm thanh niên "choai choai" từ phía trong chùa đi ra, gặp chúng tôi, họ chắp tay cúi chào theo kiểu nhà Phật. Người đồng hành với tôi (NSƯT Đức Lưu nổi tiếng với vai diễn Thị Nở - PV) cười nhân hậu: "Trẻ như thế mà biết vào chùa thì đứa nào cũng ngoan". Tôi mỉm cười đáp lại.

Sư bác đang chăm sóc cho bé

Dù đang mải mê xây dựng khu vực lưu trú dành cho các học viên, sư thầy vẫn dừng tay tiếp chúng tôi. Thầy nói nhiều về chương trình tu học hè và thầy nhắc đến em. Ngồi ở chùa cả buổi sáng, tôi không hề nghe thấy một tiếng khóc quấy, mặc dù em nằm ngay phòng bên cạnh. Nghe thầy kể, tôi bỗng thấy tò mò. Tôi xin phép thầy được vào nhìn em, một bé sơ sinh khoảng 1 tháng tuổi, hồng hào, xinh xắn, nằm ngủ một mình trên chiếc giường của sư thầy.

Câu chuyện của chúng tôi chuyển hướng sang em. Em chưa có tên. Sư thầy nói có lẽ mẹ em đã có ý gửi em ở chùa vì nét chữ trong bức thư tay là chữ con gái. Thầy nhớ lại: "Hôm đó là ngày thứ bảy, vào khoảng 4h, thầy nghe thấy tiếng khóc oe oe ngoài cổng, đi ra thì thấy bé được đặt trong một chiếc làn xanh. Thầy đoán mẹ bé cũng mới đặt bé ở đấy được khoảng 10 phút thôi. Có một mẩu giấy để cạnh người bé…".

Nói rồi thầy đọc thuộc lòng những dòng chữ ghi trên đó, nhưng vì lý do an toàn cho em mà người viết không thể đăng tải nguyên văn. Chỉ biết rằng đó là lời gửi gắm em cho các thầy, mong các thầy nuôi dạy em nên người. Trên mẩu giấy không có thông tin gì khác ngoài lời nhắn gửi. Mẹ em đã sinh ra em, cho em vào đời, nhưng đã không kịp đặt tên cho em. Nhà chùa gặp được em chính là "nhân duyên nơi cửa Phật".

Sau khi nhận em vào chùa, sư thầy ngay lập tức liên hệ với chính quyền địa phương để làm giấy khai sinh cho em. Tuy nhiên, theo quy tắc, sư thầy phải chờ một tháng thì mới chính thức có quyền nhận nuôi em. Trong một tháng đó, em vẫn chưa có tên. Cũng vì mẹ em không để lại chút thông tin nào về em nên từ nay về sau, sinh nhật em sẽ là ngày mẹ bỏ em lại chùa.

Từ ngày có em, sư thầy và sư bác đột nhiên trở thành hai người đàn ông có con mọn. Hàng trăm công việc không tên dồn lại: thay tã, pha sữa, bế ẵm, tắm giặt, ru ngủ... nhưng đặng chẳng nghe thấy một tiếng than vãn. Những buổi đầu bỡ ngỡ, các thầy còn phải đi hỏi một số bà mẹ nuôi con cách chăm trẻ sơ sinh. Cảm thông với hoàn cảnh của em, một số người gần đó cũng đến giúp các thầy. Em có thêm vài bộ quần áo mới, có sữa ăn hàng ngày và có tã để thay.

Khi mới đến, trên người em phỏng đỏ những vết rôm sẩy, xanh xao và yếu ớt. Dưới bàn tay chăm sóc của những ông bố bất đắc dĩ, em trở nên khỏe mạnh với làn da hồng hào và đôi má phúng phính. Thầy kể, hàng ngày thầy đun lá cây để tắm cho em, mướp đắng, sài đất, nước dừa non… Người đồng hành với tôi cứ trầm trồ mãi vì các thầy chưa có con bao giờ mà chăm trẻ khéo quá. Cô nói đùa: "Hai thầy cảnh gà trống nuôi con".

Dưới bàn tay chăm sóc của các thầy, em ngày càng kháu khỉnh, đáng yêu

Tình người dưng

Sư thầy chia sẻ, từ khi biết tin các thầy mới nhận nuôi một bé gái, hàng chục người đã tìm đến để xin nhận em về làm con nuôi. Có cặp vợ chồng từ xa đến, có nhà còn đi cả gia đình, thầy từ chối tất thảy. Thầy chỉ suy nghĩ một điều, mẹ em đã tin tưởng gửi em cho thầy, thầy sẽ chăm em để khi nào có điều kiện, mẹ em sẽ đến đón em về. "Thầy chỉ nghĩ đơn giản thế. Cửa Phật từ bi, luôn mở rộng để tiếp đón mọi người, mẹ bé đã đưa bé đến đây, nghĩa là bé có duyên với Phật, thầy sẽ dốc lòng chăm sóc, nuôi dạy bé", sư thầy tâm niệm.

Em chỉ được nuôi bằng sữa ngoài nhưng rất khỏe mạnh. Dưới bàn tay chăm sóc của các thầy, em ăn ngủ điều độ. Có một điều lạ là mỗi khi ngủ dậy em thường khóc, nhưng cứ nghe các thầy niệm Phật là em nín ngay, hai mắt tròn xoe ngước nhìn, vô cùng đáng yêu. "Được nghe tiếng cười, tiếng khóc của "thiên thần" mỗi ngày, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi. Có nhiều người thấy thương, đến xin nhận nuôi bé nhưng bé đến đây với chùa thì nhà chùa sẽ gắng nuôi nấng bé trưởng thành. Tôi chỉ mong sao một ngày nào đó bố mẹ bé về có thể nhìn lại con cái mình", sư thầy cười nhân hậu.

Tôi thấy em tuyệt nhiên không quấy, dễ ăn, ai bế cũng được. Người đồng hành cùng tôi nhận xét: "Những bé bị bố mẹ bỏ như thế này thường rất ngoan và có điều lạ là rất xinh". Em chẳng biết mọi người đang nói về mình, cứ liu riu ngủ trong vòng tay của những người dưng... Tôi liên tưởng đến câu nói của NSƯT Đức Lưu: "Trẻ như vậy mà vào chùa thì đứa nào cũng ngoan"... Em chưa đủ nhận thức để biết vào chùa, nhưng mẹ em đã biết làm điều đó, hy vọng mẹ em còn biết rằng: Em sẽ chờ mẹ ở đây...        

Sẵn sàng từ chối ba, bốn mươi triệu đồng

Sư thầy cũng cho biết, đã có người đến dúi vào tay thầy ba đến bốn mươi triệu đồng để xin bé về nuôi. Thầy từ chối thẳng thừng và trả lời ngay rằng thầy không buôn người. Bé bây giờ chỉ có hai thầy làm điểm tựa, thầy quyết không giao bé cho người ngoài vì bất kì lý do gì. Thầy hy vọng em sẽ hay ăn chóng lớn, cho em ăn học, sau này trở thành nhân tài cho đất nước. "Vừa là mẹ, là cha của bé lại vừa phải trông nom việc chùa, nhiều lúc tôi tưởng rằng mình không cáng đáng nổi. Nhưng tôi thương bé vô cùng. Số phận bất hạnh đã biến sinh linh bé nhỏ này thành trẻ bị bỏ rơi, bé đã có duyên với chùa thì tôi sẽ tận lực chăm sóc", sư thầy tâm sự.

Theo: phattuvietnam.net

Các tin đã đăng: