Đạo tràng tự phát: nên hay không?
09/10/2013 14:52 (GMT+7)

Hình thức và mục đích thành lập đạo tràng cũng rất đa dạng. Có đạo tràng chuyên đi làm từ thiện, có đạo tràng niệm Phật, có đạo tràng để tham gia khóa thiền, đạo tràng chuyên đi làm phóng sinh; có cả đạo tràng trên các trang mạng xã hội với các tiêu chí khác nhau...

Nếu các đạo tràng đó được sự dẫn dắt của một vị tăng, ni; hay nam nữ cư sĩ, phật tử thuần thành thì rất tốt. Vì đều là những mục đích tốt đẹp của đạo Phật là làm việc thiện, truyền bá chánh Pháp...

Nhưng để không đi sai hướng, các đạo tràng cần phải có người hướng dẫn, cần phải có địa điểm sinh hoạt chính thức.

Bản thân tên gọi đạo tràng là chỉ đến các hình thức sinh hoạt cộng đồng Phật giáo của một nhóm người theo một mục tiêu cụ thể đặc thù nào đó. 

Nhưng trong thực tế, có không ít nhà "ngoại cảm", một số vị ở các hình thức thờ cúng khác như thờ Mẫu, thờ Tứ Phủ, thầy cúng ở các Điện thờ tại gia cũng thành lập đạo tràng. 

 "Đạo tràng" tự phát trong một buổi sinh hoạt... 

Khi thu hút tín đồ thì họ vẫn dùng những hình thức của Phật giáo như chuông, mõ, vẫn đọc Kinh Phật để gây niềm tin. 

Trong thực tế có rất nhiều người tham gia các đạo tràng tự phát khi hỏi sâu về giáo lý Phật giáo thì không biết, nhưng nói đến đạo Phật thì họ rất tin. Có lẽ vì vậy, một số đạo tràng tự phát không lấy việc thực hành chánh pháp làm kim chỉ nam trong hoạt động, mà chỉ mượn hình ảnh mang tính tôn giáo là Phật giáo để thu hút tín đồ. 

Trong số các đạo tràng tự thành lập mà không thuộc sự quản lý của GHPGVN, có lẽ cũng chỉ có một số đạo tràng hoạt động đúng chánh Pháp, nhưng số đó có lẽ không nhiều.

Đa số các đạo tràng còn lại đúng như danh xưng - đạo tràng tự phát, hoạt động rất ngẫu hứng. Thậm chí nghe họ giảng giải thì không thể hiểu họ thuộc một tôn giáo chính thức nào trong các tôn giáo được Nhà nước công nhận chính thức?!

Các đạo tràng tự phát khi thì dùng Phật Pháp để thu hút tín đồ, khi thì xuyên tạc ly gián quần chúng với Tăng - Ni, với Phật Pháp, để tự ca ngợi mình là con đường tâm linh chân chính?

Lập “đạo tràng”, thích thì làm và 'tự phong"...

Tháng 05/2012 báo Gia Lai điện tử đăng bài “Đạo tràng niệm Phật vãng sanh - Một hiện tượng mê tín dị đoan”, bài đăng ở chuyên mục Tòa soạn – Bạn đọc: “Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện nhiều “Ban hộ niệm” hay còn gọi là “đạo tràng niệm Phật vãng sanh” (tự phát) “Đạo tràng niệm Phật vãng sanh” này hoàn toàn khác với các Ban hộ niệm ở các chùa lâu nay về cách thức hộ niệm tuy họ cũng mặc áo tràng lam, cũng gõ khánh, cũng lạy Phật, cũng phóng sinh. 

Đây chính là cái làm cho mọi người lẫn lộn khi họ đến nhà xin hộ niệm. Ai mà không mừng khi nhà mình có hữu sự lại có đạo tràng đến hộ niệm cho. Ai cũng tưởng đây là Ban hộ niệm của các chùa, tịnh xá, niệm phật đường… nên mời vào rồi… đau khổ. Ai muốn tham gia đạo tràng này cũng được, không phân biệt, không cần học giáo lý, không tụng kinh nên không khó khăn lắm khi tham gia hoạt động”. (một trích đoạn bài viết).

 Một kiểu đạo tràng tự phát. Ảnh minh họa

Thật dễ dàng. Chẳng cần biết đạo Phật cũng làm được. Vì có cần đến giáo lý, có cần đến Kinh sách, tụng Kinh chú gì đâu. Chỉ cần hội tụ đủ một nhóm, càng đông càng tốt.

Nếu ai chưa biết, có dịp thấy, chắc khó phân biệt, bởi “đạo tràng” quy củ, hàng ngũ, lề lối đầy đủ. Lại một đoàn mặc “áo nhà chùa”; mấy ai dám nghĩ đó là “đạo tràng” tự phát. Chẳng có pháp nhân, mà cứ thế tự phân vai, phân việc, rồi… “hành đạo”. 

Những người chưa có duyên biết đến đạo Phật, mê muội đã đành. Nhưng những “đạo tràng” kiểu “rắn không đầu” này còn có cái tài là biến sự mê muội (chỉ là chưa biết, nhưng sâu thẳm vẫn có thành kính nơi tín ngưỡng) thành “mê tín dị đoan”. Rằng, họ đã ra quân, là hái “quả”. Quả ở đây, đương nhiên là lộc lá, tiền tài, vật chất của đại chúng thập phương.
Những “đạo tràng” này non tay, thì “hành đạo” một thời gian ngắn, sẽ nảy sinh mâu thuẫn nội bộ, rồi rã đám dần. Tất cả cũng vì “cơ chế ăn chia”. 

“Đạo tràng” nào có “lãnh đạo” hiểu biết, nhận thức có tầm nhìn, sẽ ổn định được bộ máy chủ chốt, còn thì thành viên râu ria “ra, vào” tùy ý. Và hoạt động tương đối dài hơi, ổn định, tất nhiên có chút “tiếng tăm”, có quan hệ, thu nhập khá.

Sở dĩ nói “rắn không đầu”, bởi không có, và chẳng cần người hướng dẫn. Người hướng dẫn ở đây, nếu đạo tràng đúng nghĩa, thì phải có quý Sư, quý Thầy chân tu; hoặc chí ít được sư Thầy chứng minh thành lập Đạo tràng ở chùa, và trưởng đạo tràng là cư sĩ, phật tử tinh tấn, thuần thành.

Nói đến “rắn không đầu”, ngày 09/04/2013 vừa rồi, nhân chuyến về Hưng Yên viếng một bác trai, bác họ xa, chúng tôi đã gặp chị Vũ Thị Hiến, pháp danh Diệu Bằng, thường sinh hoạt đạo tràng ở chùa Liên Tố, Yên Mỹ, Hưng Yên. 

Chị Hiến chia sẻ: “Giờ nhiều người tự xưng nhiều lắm, giảng đạo nhiều lắm, chị chẳng hiểu sao lại thế nữa. Về phía chị, mới đầu hội chị cũng là tự phát, tự thành lập một hội những người yêu đạo Phật, hướng đạo, cùng nhau niệm Phật nhưng là tự phát nên theo một thời gian  thành ra hoang mang, không biết đâu là đúng, đâu là sai, lợi thì ít mà thấy "hại" và mệt mỏi thì nhiều.

May cho chị, duyên lành đến, Tháng Giêng vừa rồi (trong ba ngày 20-21-22 tháng Giêng năm Quý Tỵ ), hội chị có duyên đến dự lễ ở chùa Đại Từ Ân, Đan Phượng, Hà Nội. Được gặp Thượng tọa Thích Tiến Đạt trụ trì chùa Đại Từ Ân.  Được Thầy khai Pháp, rồi gieo duyên cho cả hội, chứng minh thành lập đạo tràng, thầy đặt tên “Tịnh Độ Đạo Tràng” em ạ. 

Ai cũng mừng lắm, rất hoan hỷ. Em à, con đường học Phật luôn gian nan, nhiều ma chướng. Chị nhận thấy, dù là mục đích tốt, khởi nguyện lành, cũng không thể tự phát, tự tung tự tác. Như thế sẽ không thể tu tập được. Nhất thiết phải có Thầy hướng dẫn, phải có nơi sinh hoạt cố định, để cùng nương nhờ Tam Bảo, nương nhờ Đạo hạnh quý Thầy, nương nhờ Đạo lực, Pháp lực của Chư tổ, của quý Thầy nơi chùa mình sinh hoạt. Có thế mới đạt được thành tựu”.

Trong suốt thời gian nói chuyện, tôi cũng hiểu được tâm trạng và kinh nghiệm khi trải qua sinh hoạt tại các đạo tràng tự phát của chị trước đây.

Các tin đã đăng: