Bài viết chỉ đưa vài dòng tin
ngắn ngủi nhưng sức chấn động của nó quá lớn, khiến bất kỳ ai còn có
lương tri đều không khỏi cảm thấy đau lòng. Đôi khi đọc báo, ta lại thấy
có những tin về con giết cha trong cơn say hoặc cơn giận đến mất cả trí
khôn, hoặc đọc lịch sử, ta thấy trong các vương triều phong kiến vẫn có
chuyện con giết cha để tranh giành quyền lực; điều đó đã là quá khủng
khiếp rồi, nhưng nó hoàn toàn khác hẳn với kẻ giết cha nhân danh một tổ
chức, một lý tưởng.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại,
trên con đường đấu tranh để đạt đến lý tưởng, thì sự xung đột giữa gay
gắt tình và lý, giữa cá nhân và tập thể, giữa đạo lý và công lý, giữa
hạnh phúc và trách nhiệm, giữa phương tiện và cứu cánh vẫn luôn xảy ra.
Đây là những vấn nạn thường đặt ra trong nền văn hóa nhân loại, để con
người phải tìm ra được sự điều hòa chân thực giữa đạo trời và đạo người,
làm sao cho xã hội vẫn tốt đẹp mà lương tâm con người vẫn thanh thản,
vì nền đạo lý vẫn được duy trì. Tìm được sự điều hòa cho mối tương xung
tưởng chừng như bất khả vãn hồi đó sẽ là con đường dẫn con người đến với
vẻ đẹp nhân văn, giúp con người sống đẹp đẽ hơn.
Giết người trong cơn nóng giận là sân,
giết người để tranh giành quyền lực là tham, còn giết người vì lý tưởng
là si. Huống gì kẻ bị giết đó là đấng sinh thành? Lý tưởng mà người
chiến binh kia đang nỗ lực kiến tạo hoàn toàn được xây dựng trên nền
tảng của Tham–Sân–Si; phương tiện thì đầy bạo lực mà lại muốn kiến tạo
nên một xã hội tốt đẹp thì quả là vô minh quá đỗi.
Xây dựng nên một xã hội lý tưởng để tất
cả mọi người đều sống hạnh phúc luôn là một cứu cánh vô cùng cao cả, một
ước mơ của toàn thể nhân loại, nhưng liệu “chân diện mục” của
xã hội đó sẽ ra sao, khi con đường dẫn đến xã hội lý tưởng đó được kiến
tạo bằng quá nhiều bạo lực, và cả máu của người thân? Nếu tổ chức của
người chiến binh kia mà thành công thì điều gì sẽ chờ đón nhân loại? Có
gì có thể biện minh được cho một nền công lý, một thế giới lý tưởng được
xây dựng trên máu của người cha? Liệu có loài hoa thanh bình nào có thể
đơm bông trên nền đất của tội ác? Một người có thể thản nhiên giết cha
để bảo vệ cho cái gọi là lý tưởng thì đối với người đó, liệu những người
đồng loại còn có một giá trị nào chăng, hay chỉ được xem là một thứ
chất liệu, một loại phân bón cho lịch sử, cho lý tưởng? Một tôn giáo hay
một học thuyết nào cổ vũ cho điều đó chỉ có thể đưa xã hội đến sự băng
hoại đạo đức, và dẫn đời sống tinh thần con người đến chỗ lụi tàn.
Lý tưởng mà ta muốn hướng đến dĩ nhiên
được coi là cao đẹp, nhưng nếu để đạt đến cứu cánh cao đẹp đó ta lại
phải hủy hoại không thương tiếc những điều thiêng liêng khác trong cuộc
sống thì cái lý tưởng kia liệu có còn mang một giá trị nhân bản gì
chăng, hay là nó đã thực sự băng hoại từ tận nền tảng? Văn hào Nga
Dostoievsky cho rằng địa ngục là tâm hồn không còn biết yêu thương. Đem
cái tâm hồn không còn biết yêu thương đó để nỗ lực đấu tranh cho một xã
hội lý tưởng thì cái xã hội đó chỉ có thể là địa ngục, hoặc là xã hội
của những con robot vô cảm đã được lập trình.
Người ta thường nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện”.
Đây là cách lập luận rất được ưa dùng để biện minh cho những phương
tiện mang tính bá đạo được dùng trong quá trình tiến tới cứu cánh. Lý
luận vẫn luôn là con dao hai lưỡi mà con người thường vẫn dùng để bào
chữa cho tội ác và thủ đoạn, nhằm đánh bạt tiếng nói của lương tri. Câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện”
mới nghe tưởng chừng như rất hợp lý, nhưng thử hỏi một khi chưa đạt đến
cứu cánh thì cái gì sẽ biện minh cho cứu cánh? Khi nóng lòng muốn đạt
đến cứu cánh mà ta phải dùng mọi phương tiện, bất chấp thủ đoạn theo
kiểu “vô sở bất chí” thì cứu cánh tự nó đã bị thối rữa rồi.
Muốn đánh giá cứu cánh tốt đẹp hay không thì cách đơn giản nhất là nhìn
vào bản chất của phương tiện. Nếu phương tiện đầy bạo lực và máu lửa,
đầy những hành động tham sân si thì làm sao ta có thể tin rằng nó sẽ đưa
đến một cứu cánh thanh bình an lạc?
Chỉ có những phương tiện mang tinh thần
bất bạo động và thấm nhuần lòng từ bi mới có thể giúp con người đạt đến
lý tưởng chân chính, đạt đến cứu cánh tốt đẹp thực sự để giải thoát cho
con người. Cuộc đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động của thánh Gandhi
dẫu không dẫn đến thắng lợi hoàn toàn như mong muốn, nhưng phương tiện
đầy tính nhân bản dùng trong cuộc đấu tranh đó đã mở ra những phương
trời mênh mông cho tâm thức nhân gian. Người xưa hy sinh bản thân để
thành tựu đạo nhân (sát thân dĩ thành nhân) hay Mạnh Tử bảo rằng “Làm một chuyện bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được cả thiên hạ đều không nên làm” (Hành nhất bất nghĩa, sát nhất bất cô, nhi đắc thiên hạ, giai bất vi dã. Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng) cũng nằm trong tinh thần đó.
Con người, trong suốt dòng lịch sử, luôn
cho rằng dùng bạo lực để hủy diệt những cái được cho là xấu trên đời
này, là cách đúng đắn duy nhất tạo ra tiền đề cho sự xây dựng nên cái
mới tốt đẹp. Tư duy đó đã đem máu và lửa rải khắp đông tây, gây nên biết
bao thảm họa cho nhân loại tự cổ chí kim. Biết bao nhiêu chuyện bất
nghĩa đã diễn ra, biết bao nhiêu máu người vô tội đã đổ xuống cho tham
vọng tranh giành thiên hạ. Dùng bạo lực –và do đó, thù hận – để kiến tạo
cái mới thì bản thân cái mới cũng là một hình thức bạo lực mới mang đầy
sự thù hận. Và sự thù hận đó sẽ là nguyên nhân để làm khởi phát sự thù
hận khác. Giống như để loại bỏ cây đinh ra khỏi một khúc gỗ, ta phải
dùng một cây đinh khác. Khi cây-đinh-cần-loại-bỏ đã bị trục ra ngoài thì bản thân cây-đinh-dùng-để-trục-cây-đinh-kia
lại trở thành một chướng ngại mới trong khúc gỗ. Phương tiện được sử
dụng để đạt đến cứu cánh lại tiếp tục trở thành cho chướng ngại mới cho
một phương tiện khác. Và như thế cứ tiếp tục đến vô cùng. Đó là sự diễn
tiến của dòng lịch sử được kiến tạo trên nền tảng của bạo lực.
Muốn kiến tạo nên một xã hội lý tưởng
thấm nhuần vẻ đẹp nhân văn, như cảnh giới Tịnh Độ, thì phương tiện duy
nhất chỉ có thể là Từ Bi và Trí Huệ. Đôi khi chính những người dẫn đắt
các cuộc tiến hóa lịch sử đó phải hy sinh để khơi lại dòng lịch sử. Máu
của tổng thống Lincoln, của mục sư Luther King, của thánh Gandhi… đổ
xuống đã tô thắm cho những trang lịch sử đen tối của nhân loại.
Viễn cảnh con chim bồ câu vui đùa cùng sư tử như mong ước của Dostoievsky, cảnh tượng “lão giả an chi, thiếu giả hoài chi”
của đức Khổng Tử, hay kiến lập được một nhãn quan bình đẳng giữa sinh
tử với Niết Bàn để đưa con người đến giải thoát của Phật giáo … vẫn mãi
mãi là điểm hướng đến của mọi nền chính trị, mọi tôn giáo và triết học.
Biện pháp mà Dostoievsky đưa ra là dùng cái Đẹp để cứu chuộc thế giới,
đức Khổng Tử dùng lễ nhạc, đức Phật dùng vô vàn phương tiện thiện xảo để
từng bước dìu con người về bến giác.
Thay vì nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, ta phải nói “phương tiện minh họa cho cứu cánh”. Điều này hiện rõ nét trong tinh thần Phật giáo chân chính. Kinh Giáo giới Phú lâu na
có lẽ là một minh họa đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc về tinh thần này.
Kinh thuật lại chuyện tôn giả Phú lâu na [Punna], muốn xin phép đức
Phật để đến xứ Sunaparanta (Tây Phương Du-na Quốc) để sống và truyền
giáo.
Sau đây là cuộc đối thoại giữa ông và đức Thế tôn [bản dịch của T.T. Thích Minh Châu]:
“Này Punna,
người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là
thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ
Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy,
con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này!
Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay
đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đây con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ,
tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con
sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật
là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục
đất ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện
Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy,
con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta!
Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy
ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ,
tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Punna… lấy gậy đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con… ‘… Vì rằng họ không
lấy đao đánh đập ta’… Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.”
“Nhưng này Punna,… lấy đao đánh đập Ông… Ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con… ‘… Vì rằng họ không
lấy đao sắc bén đoạt hại mạng ta’… Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ
như vậy.”
“Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông… Ông nghĩ thế nào?”
“Bạch Thế Tôn,
nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con;
thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền
và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta
khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ
như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.”
“Lành thay, lành
thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi
Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy
làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.”
Đoạn kinh văn trên đây phản ánh tinh
thần Từ Bi chân chính của Phật giáo khi hoằng pháp. Người xưa không chỉ
xả thân cầu pháp mà còn xả thân hoằng pháp. Chỉ cần nhìn vào “phương
tiện” là tinh thần xả thân hoằng pháp của Punna, thì “cứu cánh” là chính
pháp chưa cần nghe giảng, ta cũng có thể hình dung được rồi. Cũng như
Niết Bàn là gì, “đáo bỉ ngạn” là gì, đó là cứu cánh ta khoan
vội bàn, nhưng chỉ cần nhìn vào phương tiện để đạt đến cứu cánh đó, là
Từ Bi và Trí Huệ, là lục độ thì ta cũng có thể hình dung cứu cánh đó sẽ
là phương trời giải thoát bao la.
Theo: Talawas