Những thay đổi đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta, những nỗ lực của chúng ta trong việc soạn thảo một hiến pháp mới, và lực đẩy của các nước láng giềng trong việc hướng đến những cải cách kinh tế lớn hơn có thể làm thay đổi xã hội Nepal theo những cách thức chưa từng có…
Sinh viên và người lao động nhập cư là những người đã được áp dụng những ý tưởng mới khi họ ở nước ngoài và tìm cách áp dụng những ý tưởng ấy tại đất nước mình lúc về lại quê hương. Tương tự như vậy, sự tiếp cận với những ảnh hưởng quốc tế và mạng lưới internet cho phép chúng ta góp nhặt những điều hay từ nơi này, nơi kia. Nhưng ngay cả khi chúng ta có thể chọn những gì mình thích từ bên ngoài để thúc đẩy những thay đổi xung quanh chúng ta, để tạo lập Chánh mạng, chúng ta vẫn phải nhìn vào bên trong bản thân mình.
Chánh mạng là cốt tủy của kinh tế học Phật giáo. Bằng cách áp dụng những lời dạy của Đức Phật, kinh tế học Phật giáo, lần đầu tiên được EF Schumacher trình bày trong tác phẩm Nhỏ là đẹp (Small is Beautiful), có thể giúp chúng ta tìm ra con đường độc đáo cho sự thịnh vượng của riêng mình. Kinh tế học Phật giáo tập trung vào việc thanh lọc tính cách của con người chứ không làm gia tăng những ham muốn của con người lên theo cấp số nhân.
Kinh tế học Phật giáo thúc đẩy sự khỏe mạnh về thể chất và sự tận hưởng niềm an vui chứ không phải tham muốn sự khoái cảm. Nhưng làm sao những khái niệm trừu tượng của Phật giáo giúp chúng ta nghĩ về kinh tế? Chúng ta hãy tìm hiểu sự khác nhau giữa kinh tế học Phật giáo và kinh tế học hiện đại và xem điều này có thể mang lại lợi ích như thế nào tại nơi Đức Phật được sinh ra.
Tối ưu hóa chứ không phải tối đa hóa
Kinh tế học hiện đại tập trung vào hàng hóa chứ không phải tập trung vào con người hay khả năng sáng tạo của con người. Do đó, việc tiêu thụ hàng hóa được coi là một chỉ số quan trọng về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo kinh tế học Phật giáo thì việc tập trung vào sự tiêu thụ là không hợp lý. Nó chỉ có thể là một phương tiện để đến đích; mục đích cuối cùng phải là tối đa hóa phúc lợi trong khi giảm thiểu sự tiêu thụ.
Ý tưởng tối đa hóa phúc lợi này có thể hấp dẫn đối với người Nepal cũng như thế giới nói chung. Như Schumacher đã nói: “Kinh tế hiện đại cố gắng tối đa hóa mức tiêu thụ bằng các mô hình tối ưu về sự sản xuất, trong khi kinh tế học Phật giáo cố gắng tối đa hóa sự hài lòng của con người bằng các mô hình tối ưu về sự tiêu thụ”. Rõ ràng, để duy trì một mô hình tối ưu của sự tiêu thụ thì cần ít sức lực hơn so với việc duy trì sự tiêu thụ tối đa. Tuy nhiên, sau khi chuyển từ sự tiêu thụ tối đa qua sự tiêu thụ tối ưu thì có thể sẽ cần đến nhiều hoạt động có ý nghĩa, chẳng hạn như sự cải tiến. Thay vì tiêu thụ hàng nhập khẩu đắt đỏ, chúng ta có thể tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tự hoàn thiện và tăng năng suất, như là đầu tư vào âm nhạc, sáng tạo nghệ thuật, hoặc học một kỹ năng mới.
Hơn nữa, mô hình tối ưu của sự tiêu thụ trong kinh tế học Phật giáo ngụ ý nói đến phương thức sinh sống thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên của địa phương. Đáp ứng nguyện vọng của con người với các nguồn lực từ những nơi xa xôi có thể được coi là một hình thức của sự tham lam và là sự thất bại trong việc điều chỉnh các mối quan hệ của chúng ta đối với môi trường và cộng đồng. Mặc dù một nhà kinh tế học hiện đại có thể bác bỏ lời đề xuất như thế bằng cách trích dẫn những lợi ích của thương mại và quy mô của nền kinh tế, nhưng tự hoàn thiện thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên địa phương có thể hạn chế cán cân thương mại ảm đạm của Nepal.
Ba chức năng của lao động
Một sự khác biệt cơ bản nữa giữa kinh tế học hiện đại và kinh tế học Phật giáo đó là vấn đề lao động. Kinh tế học hiện đại cho rằng, lao động như là một “điều chẳng đặng đừng phải làm”; càng ít lao động trong quy trình sản xuất thì càng tốt. Sự tự động hóa giảm thiểu lao động trong quá trình sản xuất được coi là có hiệu quả. Ngược lại, đối với các nhà kinh tế học Phật giáo, lao động có ba chức năng rất khác nhau để hoàn thành: cho người lao động cơ hội để sử dụng và phát triển khả năng của mình; giảm cái tôi của mỗi người bằng cách cộng tác với những người khác trong một nhiệm vụ chung; và sản xuất hàng hóa, dịch vụ cần thiết đối với nếp sống Chánh mạng.
Các chức năng này có ý nghĩa sâu sắc đối với những sự gắn kết kinh tế và xã hội. Trên thực tế, chất lượng công việc của một cá nhân có thể có tác động sâu sắc đến sự tồn tại của họ. Tuy nhiên, sự tự động hóa và phân chia lao động đã làm giảm ý nghĩa mà một cá nhân có thể nhận được từ công việc của mình. Theo Schumacher: “Công việc được tiến hành một cách phù hợp trong những điều kiện của phẩm giá con người sẽ đem lại hạnh phúc cho những người làm công việc đó, và những sản phẩm của họ cũng thế”.
Hơn nữa, trong nền kinh tế hiện đại, người lao động được cho là phấn đấu cho việc giải trí. Tuy nhiên, giả thiết này thiếu mất một lý lẽ quan trọng liên quanh đến Chánh mạng, rằng: công việc và giải trí là những yếu tố bổ sung cho sự tồn tại của con người, việc chia tách chúng sẽ làm giảm sự hài lòng mà người ta có thể có được từ cả hai việc đó.
Hiện nay, Nepal phải đối mặt với những thách thức trong việc truyền dạy kinh nghiệm kinh doanh cho giới trẻ trong khi vẫn duy trì tính toàn vẹn của hệ thống nông nghiệp. Nếu chúng ta muốn thành công đối với một trong hai nỗ lực này, thì ba chức năng của công việc phải được chú ý một cách nghiêm túc.
Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên
Sự khác biệt thứ ba giữa kinh tế học hiện đại và kinh tế học Phật giáo đó là cách sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Con người phụ thuộc vào sự lành mạnh của hệ sinh thái. Hệ sinh thái cung cấp cho con người và sinh vật khác nhiều dịch vụ. Sự phụ thuộc lẫn nhau này được chuyển thành sự khác biệt cơ bản giữa các nguồn tài nguyên có thể tái tạo và các nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Bằng cách trông cậy vào những nhiên liệu hóa thạch, con người đã sống nhờ vào vốn, chứ không phải là nhờ vào nguồn thu nhập. Người Nepal cũng đang đi theo phương thức đó trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chúng ta cho rằng những con sông của chúng ta là có thể tái tạo được - gió mùa đem đến những trận mưa rào và những ngọn gió Tây làm gia tăng lượng mưa. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu đang dẫn đến những hậu quả nghịch lý về lượng mưa, về các sông băng trên dãy Himalaya, và những suối ở vùng trung du. Cùng với việc khai thác vật liệu xây dựng vô tội vạ tại các sườn đồi và các lòng sông, điều này có nghĩa rằng chúng ta là những ký sinh trùng sống nhờ vào nguồn vốn tự nhiên của chúng ta. Việc quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta sẽ quyết định một cách cơ bản đến cuộc sống và giá trị của chúng ta. Khi những người Nepal như chúng ta đang tìm cách để đạt đến sự thịnh vượng, chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi quan trọng: Chúng ta muốn sử dụng các giá trị của mình để quản lý tài nguyên, hay là để các nguồn tài nguyên của chúng ta quyết định giá trị của mình?
Áp dụng nguyên tắc của kinh tế học Phật giáo không có nghĩa là từ bỏ mô hình kinh tế hiện đại. Thay vì vậy, áp dụng kinh tế học Phật giáo là cải tiến và lựa chọn một con đường độc đáo để phát triển. Trên khắp các xã hội phương Tây, các chuyên gia vĩ đại của kinh tế hiện đại đang đánh giá lại mô hình của họ và áp dụng các yếu tố của kinh tế học Phật giáo để đánh giá lại cách làm việc, tiêu thụ và phát triển bền vững.
Ở Nepal, chúng ta có những cơ hội tuyệt vời, vì chúng ta không chỉ được tiếp cận với kiến thức từ khắp nơi trên thế giới mà còn kết hợp với những giá trị của Phật giáo. Chúng ta có thể bỏ qua những mô hình thất bại, tạo ra những cái mới, và khuyến khích người khác làm theo mô hình của chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta phải đánh giá nghiêm túc các nguồn lực có sẵn của mình, và sử dụng chúng để phát triển ý nghĩa riêng của chúng ta về Chánh mạng. Đi theo Chánh mạng của Phật giáo có thể giúp tối đa hóa phúc lợi cho người dân Nepal.
Minh Nguyên chuyển ngữ
(theo Dixit - Kantipur.com)