Trên thượng nguồn dòng Nậm Nơn (xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An) có một ngọn
tháp cổ sừng sững tự thuở nào không ai biết nó có từ đâu.
Cổ tích tháp cổ
Ngọn tháp này nằm đầu nguồn dòng Nậm Nơn
chảy từ Lào sang, để đến được đó bắt buộc phải qua được con sông này.
Được sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng đồn Mỹ Lý, chúng tôi cưỡi sóng
ngược dòng Nậm Nơn khoảng 10km mới đặt chân đến bản Yên Hòa, một bản
của xã Mỹ Lý giáp tỉnh Xiêng Khoảng (nước bạn Lào). Lênh đênh trên
chiếc ghe bóng dáng của ngọn tháp cổ đã xuất hiện xa xa. Bản Yên Hòa
bình yên như chính cái tên của mình, sát với bản là dòng nước trong
xanh, lặng lẽ.
Đi quanh bản, gặp những cụ già cao niên
nhất bản để hỏi nguồn gốc của ngọn tháp cổ này được xây dựng từ bao
giờ, các già cũng đều lắc đầu biết rằng, từ khi sinh ra biết nhìn mọi
vật đã thấy ngọn tháp này mọc lên ở đấy, còn nó được xây dựng tự lúc
nào khi hỏi cha mẹ, ông bà cũng đều nói như thế. Chậm rãi, già Lô Văn
Minh kể: “Khi sinh ra già đã thấy tháp cổ mọc lên chỗ nớ rồi, lớn lên
già hỏi ông nội thì được ông già cũng trả lời, ông lớn lên cũng đã thấy
tháp mọc lên ở đó rồi. Nên không ai biết là tháp có từ bao giờ, do ai
dựng lên hay thờ ai, cúng ai…”.
Dưới nắng chiều, mặt trời núp sau ngôi đền
lóe lên sáng rực rỡ, trên bốn bức tường tháp cổ có nhiều hoa văn, thân
tháp gắn phù điêu, tượng Phật, La Hán… Tất cả đều đã bị rêu phong phủ
mờ hoặc cây dại che khuất. Nhiều bức tượng đã bị con người và thiên
nhiên tác động làm cho sứt mẻ, đứt gãy, hoa văn đã bị mất hoặc khuyết
đi rất nhiều. Hiện trạng tháp cũng đang xuống cấp, nhiều lỗ thủng như
vết bạn bắn, nhiều chỗ gạch đã rơi xuống chân đền được mọi người gom
lại, vết bị con vật bới đào, vết bị ai đó đục khoét...
Tuy rằng, xuất xứ và lai lịch của tháp cổ có từ bao giờ thì không ai
biết, thế nhưng vẫn có những điều bí ẩn mà người dân bản gọi là “lời
nguyền” chưa giải đáp. Theo lời ông Lô Văn Thắng, trưởng Công an xã Mỹ
Lý, ngày trước tháp còn nguyên vẹn ngày lễ, tết bà con khắp các bản
làng lũ lượt kéo nhau về thắp hương xin lộc, cầu an, cầu tài, cầu mưa
thuận gió hòa...
Những đêm hội đuốc sáng rực cả một khúc sông, hát hò, tổ chức các
trò chơi dân gian rộn ràng cả một góc rừng. Đốt lửa nhảy múa xung quanh
tháp đến sáng đêm. Sau một sự cố, ngôi tháp cổ này đã rơi vào “quên
lãng”. Những lễ hội không còn được dân bản tổ chức nữa, bà con trong
bản cũng không tổ chức cúng tế, cầu khấn như trước đây.
Ngọn tháp bị bỏ hoang
Sự cố đó, theo lời kể của già Lô Văn Minh, trước đây, trên đỉnh tháp
có một “mắt ngọc” vào hằng đêm cứ khi màn đêm buông xuống lại phát
quang sáng như “mắt thần” rực đỏ giữa rừng núi. Ánh sáng hào quang
người ta có thể lấy đó làm hướng chỉ dẫn hay là kim chỉ nam cho những
người lạc đường hay làm định vị khi đi đánh cá trên sông Nâm Nơn về
đêm.
“Khoảng vào năm 1981, một người sống trong bản thấy “mắt ngọc” trên
đỉnh tháp phát sáng ban đêm liền vác súng lên đạn ngắm và bắn vỡ mất
“mắt ngọc”. Thế nhưng, nghe đâu chẳng bao lâu chính người bắn vỡ “mắt
ngọc” đó bị mù đi mất một con mắt”, trong gia đình cũng lục đục vợ đòi
li dị…”, một người cho biết. Ngôi tháp từ đó không ai dám đến gần.
Ngày trước, dưới chân tháp, đêm đến trai
gái tụ tập để múa hát, nhiều mối tình bén duyên từ dưới chân tháp. Theo
lời kể của già Lô Thanh Ngọc (87) tuổi: “Sau khi “mắt ngọc” bị bắn
rơi, tháp ít được mọi người chú ý hơn. Một số thanh niên trong bản thấy
xung quanh tháp có nhiều tượng phật, lợi dụng đêm tối đến lấy đi bán.
Nhưng tất cả những người đó sau này đều có kết cục không tốt, người thì
chết đuối, người thì bị điên, người thì gia đình không êm ấm…”.
Tương truyền rằng, quanh ngọn tháp có 6 bức tượng là tượng trưng có 6
vị thần linh ban phước lành cho dân bản, 6 vị thần là những vị thần
hoàng làng của bản được mọi người tin yêu và thờ cúng. Sau khi chết, họ
được đúc thành các bức tượng quanh tháp để bảo vệ sự bình yên cho dân
bản trước sự tàn phá của thiên nhiên, sự xâm chiếm bờ cõi của giặc
ngoại xâm… cũng như bảo vệ cho mùa màng tốt tươi, tránh nguy hiểm từ
những con thú giữ tấn công…
Sau một thời gian, có 5 thanh niên ở bản khác biết trong tượng có
đúc đồng đen nên nảy sinh ý định cướp của quý đi bán, nhưng mọi chuyện
không như ý muốn. Mọi người bảo đấy là sự trừng phạt của các vị thần
linh vì đã đụng đến sự linh thiêng nơi mọi người tôn kính đã dâng lên
cho họ.
Sau cái chết của 5 thanh niên lạ mặt, một cục đồng đen còn sót lại
trong một bức tượng, dù đã được nhiều người đồn đại về sự linh thiêng
của tháp nhưng một người đàn ông trong bản vẫn không tin vào điều đó.
Đêm đến, khi dân bản đã đi ngủ cho buổi lên nương sáng sớm mai thì
người đàn ông này đã lén lút đến tháp và đục phá bức tượng lấy đi cục
đồng định đưa đi bán lấy tiền tiêu.
Chưa đầy 5 ngày sau, gia đình gặp chuyện chẳng lành, vợ chồng lục
đục đòi ly dị, con cái đau ốm khám không ra bệnh gì. Lúc đó người đàn
ông đó mới mang cục đồng đen quay lại tháp trả và làm lễ cầu khấn xin
tha tội mất một ngày một đêm rồi bỏ đi biệt xứ từ đó đến nay không dám
quay lại.
Dù những câu chuyện được người dân truyền
miệng nhau hết đời này qua đời khác là những câu chuyện đồn đại, khó có
thật, nhưng nhiều người vẫn e ngại về tháp cổ. Đã từ lâu dân bản không
còn thờ tự hay làm lễ cúng bái nhiều như trước nữa vì cho rằng “mắt
ngọc” bị bắn vỡ, tượng đồng bị ăn cắp mất nên các thành hoàng làng giận
dữ không còn bảo vệ dân bản. Ngọn tháp “mất thiêng”, ngày càng hoang
vắng.
Theo Ngô Toàn - PLO