Trong một lần đến Thimphu, thủ đô
của Bhutan, tôi đã ngồi đối diện một người đàn ông có tên Karma
Ura và trút hết ruột gan của mình. Có lẽ lý do là vì ông ấy có
tên là Karma (tức ‘Nghiệp’ theo Phật giáo), hay do không khí
loãng hay do hành trình chuyến đi đã làm tôi không e dè gì nữa.
Nghĩ về cái chết
Điều mà tôi quyết định thổ lộ với ông ấy hết sức riêng tư.
Không lâu trước đó, dường như không hiểu từ đâu tôi trải qua một số
triệu chứng khó chịu: khó thở, chóng mặt, tay chân tê cứng. Lúc
đầu, tôi sợ rằng mình đang lên cơn đau tim. Do đó tôi đi đến gặp
bác sỹ. Bác sỹ đã tiến hành một số xét nghiệm và kết luận
rằng...
“Không có gì cả”, Ura nói. Ngay cả khi tôi nói hết câu thì ông ấy đã
biết là nỗi lo sợ của tôi là không có cơ sở. Không phải là tôi
đang chết dần mòn, ít nhất cũng không chết nhanh như tôi lo sợ.
Tôi chỉ bị chứng hoảng loạn mà thôi.
Điều tôi muốn biết là: “Tại sao vào lúc này?” – cuộc sống của tôi
vẫn đang diễn ra tốt đẹp – và tôi có thể làm được gì để thay đổi
tình trạng này?
“Anh cần nghĩ về cái chết năm phút mỗi ngày,” Ura trả lời. “Cách làm này sẽ giúp được anh.”
“Bằng cách nào?” tôi hỏi trong khi cảm thấy chết lặng.
“Chính là nỗi sợ cái chết trước khi chúng ta làm được những gì chúng
ta muốn hay nhìn thấy con cái chúng ta lớn khôn. Đó chính là lý do
khiến anh cảm thấy bất an.”
“Nhưng tại sao tôi lại cần nghĩ về một điều đau buồn đến như vậy?”
“Những người giàu ở phương Tây – họ chưa từng chạm vào xác người
chết, những vết thương còn nguyên hay những thứ thối rữa. Đó chính
là vấn đề. Đó là cuộc sống nhân sinh. Chúng ta cần phải chuẩn bị
sẵn sàng cho giây phút chúng ta từ giã cõi đời.”
Vương quốc bất ngờ
Các địa điểm, cũng như con người, có cách gây bất ngờ cho chúng ta,
miễn là chúng ta đón nhận khả năng bất ngờ và không bị ảnh hưởng
bởi những quan niệm sẵn có.
Vương quốc nằm trên dãy Himalaya này được biết đến nhiều nhất với Chỉ
số Hạnh phúc Quốc gia. Đây là một đất nước mà sự hài lòng được
cho là ngự trị còn nỗi buồn không được phép ghé đến. Bhutan thật
sự là một đất nước đặc biệt và Ura, giám đốc của Trung tâm
Nghiên cứu Bhutan, là một người đặc biệt. Tuy nhiên sự đặc
biệt đó mang nhiều sắc thái.
Thật ra, khi đưa ra đề xuất tôi nên nghĩ về cái chết một lần mỗi
ngày, Ura hơi dễ dãi đối với tôi. Trong văn hóa Bhutan, người ta
phải nghĩ về cái chết năm lần một ngày.
Điều này thật không bình thường đối với bất kỳ nước nào, nhất là đối
với một nước thường được đánh đồng với hạnh phúc như Bhutan.
Liệu đây có phải là đất nước của sự tăm tối và tuyệt vọng mà bên
ngoài không biết đến?
Không nhất thiết phải như vậy.
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy bằng cách nghĩ về cái chết thường
xuyên như vậy, người dân Bhutan sẽ đạt được một cái gì đó.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2007, các nhà tâm lý học Nathan DeWall
và Roy Baumesiter tại Đại học Kentucky đã chia vài chục sinh viên
ra làm hai nhóm. Một nhóm được yêu cầu nghĩ về lần đi khám nha
khoa rất đau đớn và một nhóm được yêu cầu chiêm nghiệm về cái
chết của chính họ.
Cả hai nhóm sinh viên này sau đó được yêu cầu hoàn thành một từ đầy
đủ từ một số chữ cái cho sẵn. Nhóm nghĩ về cái chết đã đưa ra
những từ tích cực hơn nhiều so với nhóm kia, chẳng hạn như từ ‘vui
sướng’.
‘Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc’
Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng ‘cái
chết là một việc đáng sợ về mặt tâm lý nhưng khi chúng ta
chiêm nghiệm về nó thì chúng ta tự động tìm đến những suy nghĩ
vui vẻ’.
Điều này, tôi tin chắc, không hề khiến Ura hay bất kỳ người dân Bhutan nào cảm thấy ngạc nhiên.
Họ biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống dù chúng ta có muốn
hay không và việc không để ý đến sự thật này sẽ dẫn đến một
cái giá nặng nề về mặt tâm lý.
Bà Linda Leaming, tác giả cuốn sách Hướng dẫn Hạnh phúc: Điều tôi học
được ở Bhutan về Cuộc sống, Yêu thương và Sự tỉnh thức, cũng
biết rõ điều này.
“Tôi nhận thấy rằng nghĩ về cái chết
không khiến cho tôi đau buồn. Nó khiến cho tôi sống trọn vẹn từng
khoảnh khắc và nhìn cuộc sống theo cách mà tôi không thường
nhận ra,” bà viết. “Lời khuyên của tôi, hãy đến Bhutan.
Hãy nghĩ những điều bạn không dám nghĩ, điều mà bạn sợ phải nghĩ
một vài lần mỗi ngày.”
Không như nhiều người ở phương Tây, người Bhutan không tách riêng hình ảnh của cái chết.
Chết chóc và hình ảnh cái chết có mặt ở khắp nơi, nhất là trong
những tranh vẽ Phật giáo với những hình ảnh minh họa đầy màu sắc.
Không ai, ngay cả trẻ nhỏ, được giữ tránh xa những hình ảnh này
hay những điệu múa nghi lễ thể hiện cái chết.
Tin vào kiếp sau
Tại sao người dân Bhutan có thái độ như thế đối với cái chết? Một
lý do khiến người dân Bhutan nghĩ về cái chết thường xuyên là vì
nó có mặt ở mọi nơi xung quanh họ. Đối với một đất nước nhỏ bé,
có nhiều cách để chết. Người dân có thể mất mạng trên những cung
đường ngoằn ngoèo, hiểm trở. Bạn có thể bị gấu vồ hay ăn nhầm nấm
độc...
Một cách giải thích khác là niềm tin Phật giáo thấm sâu vào đất
nước này, nhất là niềm tin vào kiếp sau. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ
có kiếp sau, bạn sẽ ít có khả năng lo sợ kết thúc kiếp sống hiện
tại. Như trong Kinh Phật dạy, chúng ta không nên sợ cái chết hơn
là sợ vứt bỏ đi lớp áo cũ.
Điều này không có nghĩa là người dân Bhutan không có nỗi sợ hay nỗi buồn trước cái chết.
Dĩ nhiên là họ sợ và buồn.
Nhưng, như bà Leaming nói với tôi, họ không chạy trốn những cảm giác
này. “Ở phương Tây chúng ta muốn vượt qua nỗi buồn,” bà nói.
“Chúng ta sợ nỗi buồn. Còn ở Bhutan có một sự chấp nhận. Đó là
một phần của cuộc sống.”
Theo Eric Weiner - BBC Việt ngữ