Trong kinh Hiền Ngu, có kể chuyện tiền thân của Phật
là thái tử Ma Ha Tát Đỏa đi vào rừng thấy một con hổ
mẹ và hai hổ con đang chết đói, thái tử động lòng
thương nên hy sinh thân mạng, tự lấy cây nhọn đâm
vào cổ họng cho máu phọt ra để mấy mẹ con hổ liếm và
sau đó ăn thịt ngài.
Nghe qua câu chuyện trên, chúng ta chỉ biết lắc đầu
lè lưỡi, tấm tắc bái phục ngài hoặc xem đó là chuyện
phong thần, không thể làm được.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí huệ, và trong hai cái
này thì từ bi cần trước. Tu hành mà chỉ lo trau dồi
kiến thức, bỏ xót lòng từ bi thì không đúng tôn chỉ
đạo Phật. Vì nhờ có lòng từ bi thương chúng sinh
trôi lăn trong sinh tử với khổ sinh, già, bệnh, chết,
mà thái tử Siddharta mới xuất gia tu hành và giác
ngộ thành Phật. Động cơ xuất gia của ngài là lòng
đại bi và thành tựu của ngài là trí tuệ (giác ngộ).
Một hành giả đại thừa phát tâm theo Bồ tát đạo cần
phải tu tập sáu ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Trong sáu ba la
mật, ta có thể gom lại thành 3 nhóm: làm lành, lánh
dữ, và thanh lọc tâm ý.
1/
bố thí = làm lành
2/ trì giới, nhẫn nhục = lánh dữ
3/ thiền định, trí huệ = thanh lọc tâm ý
tinh tấn = áp dụng cho cả 3 phần trên.
Trong các việc lành, bố thí đứng hàng đầu, động cơ
của sự bố thí là lòng từ bi, muốn chia xẻ và cứu
giúp người khác. Chính đức Phật đã trải qua vô lượng
kiếp thực hành bố thí đầu mắt tay chân, vợ con, nhà
cửa, thành quách, v.v...
Bố
thí có 2 loại: ngoại thí và nội thí.
- Ngoại thí là bố thí những đồ vật mình có bên ngoài
như tiền bạc, nhà cửa, đồ ăn, thức uống, v.v... để
cứu kẻ khác qua cơn nghèo đói.
- Nội thí là bố thí những thứ bên trong thân thể của
mình như đầu, mắt, tay, chân, thận, gan, v.v... để
cứu sống mạng người.
Giữa 2 sự bố thí thì nội thí khó làm hơn ngoại thí,
vì người ta có thể cho tiền bạc, của cải nhưng không
ai dám cho đầu, mắt, tay, chân. Chúng ta vẫn thường
nghe nói trong kinh đức Phật đã từng bố thí như vậy
trong nhiều kiếp, chẳng lẽ chúng ta không bao giờ
thực hiện được nội thí hay sao?
Có
2 cách nội thí mà chúng ta có thể làm được là:
-
hiến máu.
-
làm giấy hiến các bộ
phận trong cơ thể khi mình chết.
1/ Bố thí máu:
Danh từ ngoài đời gọi là hiến máu hay cho máu. Đây
là cách nội thí dễ làm nhất, không tốn đồng xu nào
mà công đức vô lượng, vì nó cứu sống mạng người, và
người cho máu cũng không sụt mất ký lô nào, chỉ sau
vài giờ là lượng máu trong người được tái thiết trở
lại. Ngoài ra ở Âu Mỹ, người cho máu còn được cơ sở
y tế báo cáo tự động, miễn phí về sự thử nghiệm máu.
Có
nhiều người thích làm việc phóng sinh như thả tôm,
cá, chim, giun, dế, v.v... Đây là một việc rất tốt,
cứu mạng nhiều chúng sinh nhỏ bé sắp bị giết. Nhưng
không bằng so với công đức của sự bố thí máu, bởi vì
phóng sinh thuộc ngoại thí, trong khi cho máu thuộc
về nội thí. Cứu mạng 1000 con cá không bằng cứu mạng
một người, vì con người là loài tiến hóa và có khả
năng tu hành giải thoát nhiều hơn các loài thú khác.
Trong Kinh 42 chương, đức Phật dạy "đãi 100 người ác
ăn không bằng đãi một người thiện ăn. Đãi 1000 người
thiện ăn, không bằng đãi một người trì ngũ giới ăn.
Đãi 10.000 người trì ngũ giới ăn, không bằng cúng
dường cho một vị Tu đà hoàn ăn..." đoạn kinh này cho
ta thấy công đức của sự bố thí nhiều hay ít tùy
thuộc vào đối tượng. Nếu đối tượng bố thí là người
đạo đức, tu hành, có trình độ tiến hóa cao thì công
đức bố thí càng tăng trưởng. Như vậy thì cứu sống
1000 tôm cá không bằng cứu sống một mạng người.
Hàng ngày trên thế giới luôn xảy ra tai nạn, và
trong nhà thương có rất nhiều trường hợp cần phải mổ
như nghẹt tim, ung thư, xơ gan, tai biến mạch máu,
v.v... Khi mổ thì chắc chắn mất nhiều máu, có bác sĩ
giỏi mà không có máu tiếp cho bệnh nhân thì họ cũng
chết. Do đó hiến máu, cho máu là cách cứu sống mạng
người hay nhất và dễ làm nhất. Nếu muốn cho máu thì
bạn nên liên lạc các nhà thương là nơi lúc nào cũng
cần máu.
Ngoài ra ai dám bảo đảm là trong suốt cuộc đời chúng
ta (hoặc người thân của ta) sẽ không bao giờ phải
vào nhà thương và nằm trên bàn mổ. Khi lâm vào hoàn
cảnh như vậy thì ta mới thấy mình rất cần máu của
những người khác. Nếu mình biết thọ nhận của người
thì tại sao lại không biết bố thí cho người?
2/ Bố thí bộ phận khi
chết:
Bên trong thân thể con người có những bộ phận như
tim, gan, phổi, thận, lá lách, ruột, đởm, bao tử,
bàng quang, v.v... chúng hoạt động một cách đều đặn,
nhịp nhàng để duy trì sức khỏe và sự sống. Nhưng
ngày nào chúng hư hoại thì chúng ta mang bệnh và
mạng sống bị đe dọa. Thời xưa thuật giải phẫu chưa
tiến bộ như ngày nay nên những ai bị hư tim, gan,
phổi, v.v... thì đành chịu chết, nhưng ngày nay khoa
học có thể mổ và thay thế chúng, nhưng với điều kiện
là phải có bộ phận tốt để thay vào.
Khi vợ chồng hay con cái của ta bị hư thận, một tuần
phải đi lọc máu 3 lần và đang chờ đợi một trái thận
thì chắc chắn chúng ta sẽ cầu nguyện ngày đêm để
mong sớm có được một trái thận của ai đó mới chết.
Khi sống chúng ta không thể tự móc mắt cho kẻ mù,
nhưng khi chết thì cặp mắt của ta có thể giúp cho
người mù tìm lại ánh sáng. Khi sống chúng ta không
thể tự rạch bụng moi tim cho kẻ khác, nhưng sau khi
chết, tim của ta có thể cứu sống người khác. Khi
sống ai nấy đều phải duy trì bảo vệ lục phủ, ngũ
tạng của mình để sống không bệnh tật. Nhưng sau khi
chết thì thân thể của ta chỉ là cái xác không hồn,
sau vài giờ là nó lạnh cứng, các tế bào, bộ phận sẽ
tan hoại và sình thối. Như vậy có gì đáng bám víu
luyến tiếc? Trong khi đó nếu biết bố thí bộ phận thì
sau khi chết, chúng ta vẫn làm phước, cứu sống được
bao nhiêu người khác.
Cần nói thêm ở đây là không phải ai chết cũng cho
được bộ phận, vì nếu chết già hoặc bệnh nặng thì các
bộ phận cũng không xài được. Chỉ khi người chết còn
trẻ, khỏe mạnh, các bộ phận còn tốt thì mới có thể
cứu giúp người khác. Nhưng nếu còn trẻ và khỏe mạnh
thì làm sao chết được? Đây là trường hợp chết do tai
nạn xảy ra, thường là tai nạn xe cộ.
Người có tâm nguyện bồ tát, muốn ban vui cứu khổ thì
nên làm giấy hiến bộ phận để cứu sống kẻ khác. Luật
hiến bộ phận có thể khác nhau tùy theo quốc gia, thí
dụ như ở Pháp thì phải xin một thẻ riêng (carte de
donneur d'organes), còn ở Mỹ thì khi lấy bằng lái xe,
nếu đồng ý cho bộ phận thì sẽ được ghi ngay trên
bằng lái.
Những người còn bám víu, cưng chiều cái thân của
mình quá nhiều thì không nên làm giấy hiến bộ phận,
vì thân thể là cái mà con người bám víu nặng nhất và
cho đó là Ta, là mình. Những người này sau khi chết,
nếu thấy ai mổ xẻ lấy bộ phận của mình thì sẽ tức
giận, oán hận và khó siêu thoát. Đây cũng là lý do
tại sao không nên sờ mó, đụng đậy thân xác người
chết trong vòng 8 tiếng (để thần thức có thì giờ ra
khỏi xác và ý thức được mình đã chết). Nhưng đối với
người có tâm nguyện bồ tát, xem thân thể như chiếc
áo, chiếc bè, hoặc chiếc xe, dùng tạm trên cõi đời
để giúp người thì không cần phải chờ 8 tiếng, vì
càng chờ lâu thì các bộ phận sẽ hư, không cứu giúp
được ai. Bồ tát thấy thân thể, bộ phận của mình cứu
giúp được người khác thì tâm càng hoan hỷ.
Làm giấy hiến bộ phận
không có nghĩa là các bộ phận của ta sẽ được lấy
dùng vì các lý do đã nói trên, nó chỉ là một tâm
nguyện từ bi, muốn giúp ích cho người khác. Nếu bạn
thấy đúng thì làm và khuyến khích người quen làm
theo, nhưng không nên quá khích, ép buộc mọi người
phải làm giống mình. Một việc tốt mà cứ quảng cáo,
ép buộc người khác thì họ sẽ bực mình và đâm ra ghét
việc tốt đó. Vô tình muốn làm tốt mà trở thành xấu.
Ngoài ra bạn cũng nên báo cho gia đình biết ý nguyện
hiến bộ phận của mình, để khi lâm sự thì họ không
phản đối hoặc ngăn cản phiền phức. Hiến bộ phận
không có nghĩa là cho luôn thân xác, sau khi lấy
được bộ phận nào đó, xác chết sẽ được trả lại cho
người nhà để làm lễ mai táng.
Tóm lại trong hai cách nội thí trên thì cho máu là
cách tốt nhất, dễ làm và quả báo đương nhiên của sự
cứu mạng là trường thọ và khỏe mạnh.