Bảy bước đi an lạc
24/03/2016 13:53 (GMT+7)




Kinh Thiện pháp (Trung A-hàm) có nêu lên bảy pháp mà bất kỳ một Tỳ-kheo nào thành tựu cũng có an lạc, đem đến lợi ích cho mọi người. Kinh ghi: “Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền Thánh, thẳng đến lậu tận”. Bảy pháp đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết người.





                                                                                                                                                                    Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách thực tập bảy pháp này cho người Phật tử tại gia.

1. Biết pháp 

Biết pháp tức là biết thể loại của mười hai bộ kinh. Kinh ghi: “Thế nào gọi là Tỳ-kheo biết pháp? Nghĩa là Tỳ-kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa”. 

Như vậy, pháp ở đây được hiểu là tất cả những lời Phật dạy được trình bày, sắp xếp thành 12 loại, mà chúng ta quen gọi là “thập nhị bộ chân kinh”. Đức Phật đề nghị một vị Tỳ-kheo phải nắm vững 12 thể loại kinh điển này, như vậy mới được gọi là Tỳ-kheo biết pháp, ngược lại là không biết pháp. Kinh Tăng nhất A-hàm (quyển 50) đề nghị chúng ta phải đọc tụng kinh pháp nếu muốn đạt được bổn nguyện, đồng thời còn đề nghị trong 12 bộ kinh ấy phải chọn lấy một kinh để hành trì tu tập.

Người Phật tử tại gia với cuộc sống gia duyên ràng buộc không có nhiều thì giờ để học và biết hết tất cả Phật pháp, cho nên chỉ cần học và biết pháp mà Đức Phật đã dạy riêng cho người cư sĩ. Pháp ấy được ghi rõ trong kinh Người áo trắng, là kinh Đức Phật dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc cùng với năm trăm vị cư sĩ khác. Kinh ghi: “Này thầy Xá-lợi-phất, thầy có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng đạo hạnh biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới) thì có thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và các nẻo ác khác trong tương lai. Một người như thế là đã đắc quả Dự lưu, không sợ còn bị rơi vào đường ác, chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác. Người ấy chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ”.

Như vậy, pháp của người Phật tử tại gia cần biết chỉ đơn giản là năm giới (không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu) và bốn tâm cao đẹp. Pháp này, như Đức Phật đã nói ở trên, rất dễ dàng thực tập và rất dễ dàng đưa tới hạnh phúc ngay trong hiện tại, thoát hẳn ba đường khổ và tương lai sẽ đạt được giải thoát hoàn toàn. Hẳn nhiên, một người Phật tử có khả năng vẫn có thể học thêm kinh sách khác để sở tri sở hành không bị chướng ngại, nhưng đừng để cái sở tri sở học làm cho tăng thượng mạn.

2. Biết nghĩa

Kinh điển là những lời chỉ dẫn để thực hành. Nếu tụng kinh mà không biết nghĩa thì cũng vô ích. KinhTăng nhất A-hàm nói: “Tuy tụng tập pháp ấy mà không hiểu nghĩa lý, do không quán sát nghĩa lý cũng không thuận theo pháp ấy nên pháp đáng tuân theo lại không tuân theo, pháp không đáng tuân theo lại tuân theo”. Như vậy, tai hại của việc không hiểu nghĩa lý kinh điển Phật nói và không biết phải hành trì thế nào; mà không biết hành trì thì tự thân không có lợi lạc làm sao có thể hướng dẫn người khác tu học? Đó là chưa nói đến do không hiểu nghĩa lý kinh điển nên giảng giải sai lời Phật dạy, mang tội phỉ báng Tam bảo, còn gây nên tội phá kiến nữa. Cho nên, “phải biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này” (Tăng nhất A-hàm). Nếu không hiểu phải lập tức thưa hỏi những bậc cao minh, những vị có kinh nghiệm tu chứng.

Đối với người Phật tử tại gia, chúng ta không nhất thiết phải biết hết tất cả các pháp và nghĩa như một thầy Tỳ-kheo. Dĩ nhiên, nếu có thể, người Phật tử cũng nên thành tựu pháp và nghĩa như một người xuất gia, điều đó rất có ý nghĩa. Nhưng nếu người tại gia học, hiểu pháp của người tại gia và ứng dụng chúng vào trong cuộc sống hàng ngày thì đã có thể nâng cao vị thế xã hội và thành tựu sự nghiệp một cách chân chính, có thể giúp bản thân, gia đình, xã hội vượt thoát những bế tắc, thiết lập một đời sống cân bằng, vững chãi và thảnh thơi.

Chẳng hạn, khi chúng ta học tập Phật pháp, chúng ta có hiểu biết chân chính những lời Phật dạy (biết pháp, biết nghĩa), đem ứng dụng vào trong đời sống hàng ngày, như thực hành năm nguyên tắc đạo đức, thì chắc chắn bản thân chúng ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc. Nếu chúng ta hiểu đúng giáo lý Vô thường, Vô ngã… sẽ giúp chúng ta đối diện với những biến chuyển, đổi thay của cuộc đời. Nếu chúng ta thấy được tự tánh của các pháp, thành tựu được trí tuệ sắc bén, cứng rắn như kim cương, chúng ta sẽ không bao giờ bị lung lạc trước những cạm bẫy của cuộc đời, và cũng không có khó khăn nào khuất phục được chúng ta. Thấy và hiểu được luật nhân quả, chúng ta sẽ biết điều nào nên làm, điều nào không nên làm. Biết sự sống không bao giờ chấm dứt (luân hồi), chúng ta sẽ không bao giờ sợ hãi trước cái chết, mà chỉ nỗ lực sống làm sao để đời sống của chúng ta ngày một trở nên cao đẹp hơn, hạnh phúc hơn… Đó là những pháp và nghĩa mà người tại gia đều có thể thực hành được trong đời sống trần tục của mình.

3. Biết thời

Biết thời, theo lời Phật dạy, là biết lúc nào nên tu pháp thấp, lúc nào nên tu pháp cao, lúc nào nên tĩnh chỉ; biết lúc nào nên thuyết pháp, lúc nào nên pháp đàm, lúc nào nên tu tập, lúc nào nên thiền định. Đây là kỹ năng sắp xếp thời khóa tu học sao cho hợp lý, phân bố thời gian tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, nghe pháp sao cho hài hòa, thích hợp.

Không chỉ người tu mới cần sử dụng thời gian hợp lý, mà ai cũng phải biết sử dụng thời gian thích hợp để không hoang phí thời gian vào những việc vô ích và có hại cho sức khỏe. Nhiều người thường không biết quý trọng thời gian, cứ để thời gian trôi qua một cách uổng phí, hoặc sử dụng thời gian cho những việc không đâu. Vì vậy, người Phật tử cần phải học cách sắp xếp thời gian cho thích hợp, giờ nào, việc gì nên làm trước, nên làm sau… để công việc trôi chảy, hiệu quả và không mệt mỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải biết dành thời gian để quán chiếu, đánh giá lại bản thân mình; dành thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời, để biết đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc sống; và dành thời gian để chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình…

Chúng ta cứ than thở không có thời gian, nhưng lại tiêu phí thời gian vào những chuyện không đâu, như xem truyền hình, hay đi hàng xóm ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, hoặc lướt hết trang web này đến trang web khác để tìm kiếm thông tin, mà toàn là những thông tin làm cho mình mệt, làm cho mình nhức đầu và không giải quyết được gì hết. Trong khi đó chỉ cần một ngày mười lăm phút để ngồi thiền, để niệm Phật, để quán chiếu bản thân mình… thì đã đủ để giúp mình bớt khổ đi nhiều lắm!

4. Biết tiết độ

Người xuất gia cũng phải ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng… nhưng tất cả mọi hành vi cử chỉ sinh hoạt hàng ngày ấy đều được tiết độ, chừng mực và luôn trong trạng thái chánh niệm tỉnh giác, tức là thực hiện đời sống thiểu dục tri túc, (phải ‘tam thường bất túc’, tức đối với ba việc ăn, mặc, ngủ phải cực kỳ đơn giản, không nên quá tiện nghi, quá đầy đủ). Phật dạy: “Tỳ-kheo biết tiết độ là tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí”. Đây là bài pháp thoại không lời, mà ta gọi là thân giáo. Những sinh hoạt hàng ngày, từ cử chỉ hành động đến lời nói, có thể biểu hiện được sức tu tập của một người xuất gia. Do đó, thân giáo là bài học có giá trị giáo dục cao cả và thâm thúy nhất mà chúng ta không thể tìm thấy ở ngôn ngữ văn tự, sách vở hay từ trường lớp mà có được. Chỉ điều này thôi cũng đủ tạo cho người xuất gia một thế đứng trong lòng Phật tử rồi.

Đối với người Phật tử tại gia, sự tiết độ trong sinh hoạt cuộc sống cũng vậy. Ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí, du lịch, mua sắm… tất cả đều cần phải có tiết độ thì mới giữ gìn được sức khỏe, mới đảm bảo được kinh tế gia đình.

Tiết độ cũng có nghĩa là sống chừng mực, không quá cố gắng và cũng đừng quá lười biếng. KinhTrung A-hàm có kể chuyện của thầy Sona. Trước khi đi tu, thầy Sona là một người chơi đàn, đi tu được một thời gian, với nỗ lực tinh tấn hết mức mà không đạt được giải thoát, thầy cảm thấy buồn và muốn hoàn tục. Đức Phật biết được ý nghĩ của thầy, cho gọi đến và hỏi:

- Ngày trước, hồi chưa xuất gia, thầy chơi đàn mười sáu dây, phải không?

- Bạch Thế Tôn, phải.

- Khi đánh đàn, nếu dây chùng thì sao?

- Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn chùng thì tiếng đàn chưa đúng mức.

- Còn nếu dây quá căng?

- Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn quá căng thì tiếng đàn biến thể và dây đàn có thể đứt.

- Còn nếu dây đàn được lên vừa phải?

- Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn được lên vừa phải thì bản nhạc sẽ hay.

Thế Tôn kết luận:

- Đúng như vậy đó, Sona! Giải đãi và lười biếng thì đạo nghiệp không thành, mà cố gắng quá sức mình thì sẽ đưa tới sự mệt mỏi và thối chí. Thầy phải biết lượng sức mình, đừng ép uổng thân và tâm quá mức, như vậy thầy mới mong thành tựu được đạo nghiệp.

Lãnh thọ ‘nghệ thuật lên dây đàn’ của Đức Phật dạy rồi, thầy Sona sống một mình ở nơi xa vắng, giữ tâm thăng bằng, không buông lung, tu hành tinh tấn vừa sức, chẳng bao lâu, thầy chứng quả A-la-hán.

‘Giữ tâm thăng bằng’, như ‘dây đàn vừa phải’ là một kinh nghiệm vô cùng quý báu trong tu học.


5. Biết mình

Đây là kỹ năng tự đánh giá. Đức Phật liệt kê một số tiêu chuẩn để các Tỳ-kheo tự đánh giá mình, đó là: “Tỳ-kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện tài, a-hàm và sở đắc”. Nói cách khác là chúng ta phải tự biết khả năng, năng lực của chính bản thân mình, biết mình có sở trường, sở đoản, chuyên môn… trong lĩnh vực nào để dấn thân phụng sự hiệu quả. Trong những tiêu chuẩn mà Đức Thế Tôn đưa ra, điều nào chúng ta cũng thấy quan trọng và cần thiết phải “phản quan tự kỷ”, nhất là lãnh vực a-hàm và sở đắc, tức là phải tự biết mình am hiểu bao nhiêu kinh, luật, luận, có sở đắc được pháp nào hay không? Rồi phải biết mình có biện tài hay không, tức là có năng khiếu thuyết giảng hay không.

Biết mình, tâm lý học hiện đại gọi là khả năng tự ý thức, tự đánh giá. Ngành giáo dục nói chung, tâm lý học nói riêng, làm công việc giáo dục bắt đầu từ việc dạy một người chưa biết ý thức cho đến khi người đó biết ý thức, và mục đích cuối cùng của giáo dục là đào luyện thành công một người biết tự ý thức. Công việc giáo dục đó, Đức Phật dạy đơn giản hơn nhiều: “Này các Tỳ-kheo, các thầy hãy tự biết mình”. Mình còn không biết, không hiểu mình thì làm sao hiểu được người khác, việc khác?

Kinh Tạp A-hàm kể rằng, vào thuở quá khứ, có một tiên nhân với biệt danh là Ngựa Đỏ, sau khi tu luyện được các phép thần thông, ông khởi lên ý nghĩ: “Nếu ta có thể nhìn thấy tận cùng biên tế của thế gian này thì cũng có thể nhìn thấy tận cùng biên tế của sự khổ”. Nghĩ như vậy rồi ông liền thực hiện cuộc hành trình đi tìm cái vô hạn. Một bước của ông, đi từ bờ bên này biển Đông đến bờ bên kia của biển Tây; với khoảng thời gian nhanh gấp bội tốc độ của một cung thủ siêu hạng bắn mũi tên xuyên qua cái bóng của một chiếc lá đa-la. Ông đi suốt, trừ khi ăn, khi ngủ, khi đại tiểu tiện. Ông đi suốt cả tuổi thọ của mình, lâu không biết bao nhiêu: trăm năm hay nghìn năm. Nhưng hết cả tuổi thọ, vẫn không nhìn thấy thấp thoáng đâu là biên tế cùng cực của thế giới.

Đó là câu chuyện quá khứ của một thiên thần, mà ông tự kể lại cho Phật nghe. Rồi ông tự kết luận: “Không thể bằng đôi chân mà đi đến tận cùng biên tế của sự khổ”.

Phật đồng ý, và nói: “Ta cũng không nói rằng, không đi đến tận cùng biên tế của thế giới này mà lại có thể đi đến tận cùng biên tế của sự khổ”. Rồi Ngài nói thêm: “Nhưng, chính ngay nơi cái thân có tưởng, có ý này, chỉ cao chừng một tầm này, Ta có thể chỉ cho thấy thế giới, thấy sự sinh khởi và diệt tận, cùng con đường dẫn đến sự diệt tận của thế giới”.

Thế giới vô lượng vô biên, từ khi sinh khởi cho đến khi diệt tận, tất cả đều biết một cách hoàn hảo, toàn diện từ sự tự nhận biết bản thân mình.

6. Biết hội chúng

Là kỹ năng nắm bắt được thành phần, đối tượng thính pháp, đối tượng mình tiếp xúc, hay nơi mà mình đến, chỗ mà mình ở… có những người xuất thân từ giai cấp, hoàn cảnh, tôn giáo, dân tộc nào để tùy thuận và có phương pháp giáo hóa thích hợp. Kinh ghi: “Tỳ-kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy”.

Đây là một trong những yếu tố căn bản của Phật giáo đã giúp hoằng truyền đạo pháp rộng khắp năm châu, bốn biển. Đạo Phật không áp đặt niềm tin của tôn giáo mình lên tín đồ của tôn giáo khác, cũng không đả phá, bôi nhọ hay thực hiện những cử chỉ, lời nói, hành động, nghi thức xúc phạm đến tín ngưỡng của tôn giáo khác. Vì vậy, nhà hoằng pháp phải trang bị cho mình những kiến thức về tôn giáo cần và đủ để đi đến đâu mình cũng có những văn hóa ứng xử thích hợp. Phải nên nhớ rằng trong quá khứ, thầy tổ của chúng ta đem đạo Phật đi đến đâu cũng dễ dàng hội nhập, dễ dàng được chấp nhận. Lịch sử phát triển của đạo Phật đã cho thấy rõ điều đó. Ở bất cứ quốc gia nào đạo Phật đi tới đều trở thành một phần của nền văn minh, một nét đẹp của nền văn hóa, như thêm một loài hoa đẹp vào trong vườn hoa, làm cho xứ sở đó trở nên đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc mà không hề khập khiễng, lai căng, dị dạng hay chống trái.

Người Phật tử sống trong xã hội, đi nhiều và tiếp xúc nhiều với cuộc sống, chắc chắn có cơ hội tiếp xúc với đủ mọi thành phần giai cấp, tôn giáo, dân tộc… thì cần phải trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết để ứng xử thích hợp.

7. Biết người

Biết người là kỹ năng nắm bắt được căn cơ trình độ, tâm lý đối tượng mình đang tiếp xúc. Kinh ghi: “Biết người là biết người hơn kẻ kém, người thắng kẻ liệt, người đáng được khen ngợi, kẻ đáng bị chỉ trích…”.

Biết như vậy không phải để phân biệt đối xử, mà để biết cách dùng phương tiện giáo hóa thích hợp. Trong quá trình giáo hóa, hướng dẫn một đoàn thể tu học, người hướng dẫn cần phải nắm rõ và hiểu rõ đối tượng mình hướng dẫn, để có phương pháp giáo hóa thích hợp. Người đáng được khen cần phải khen ngợi để sách tấn, nhưng người đáng bị khiển trách cần phải khiển trách nghiêm khắc để răn đe. Nhưng quan trọng hơn hết, biết người là hiểu rõ được tâm tư, tình cảm, vướng mắc, khó khăn, khổ đau… của từng người, nhất là người tu tập, trong đời sống tâm linh có những vướng mắc và khó khăn gì để kịp thời hướng dẫn, giúp họ chuyển hóa. Đối với Phật tử, Đức Phật đề nghị chúng ta phải biết có hai hạng người: hạng người có niềm tin và hạng người không có niềm tin. Người có niềm tin cần nuôi dưỡng, người không có niềm tin cần gieo trồng hạt giống niềm tin cho họ. Nhưng người có niềm tin cũng có hai hạng: thường đến gặp Tăng Ni và không thường đến gặp Tăng Ni. Người đến gặp Tăng Ni lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính lại có hai hạng: có thưa hỏi Phật pháp và không thưa hỏi Phật pháp. Có thưa hỏi Phật pháp lại có hai hạng: nhất tâm nghe giảng và không nhất tâm nghe giảng.  Nhất tâm nghe giảng cũng có hai hạng: nghe rồi thọ trì và nghe rồi không thọ trì pháp. Thọ trì pháp cũng có hai hạng: pháp có quán sát nghĩa và pháp không quán sát nghĩa. Nghe pháp có quán sát nghĩa lại có hai hạng: biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy pháp thuận, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng đến pháp tùy pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng đến pháp tùy pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian, không cầu nghĩa lợi và lợi, không an ổn khoái lạc cho trời và người.

Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa lợi và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người, người ấy là bậc nhất, là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quý, là tuyệt diệu giữa mọi người khác.

Tựu trung những điều trên là nói đến kỹ năng nhận biết một người Phật tử có bốn đức tính dự lưu hay không. Bốn đức tính đó là: thân cận thiện sĩ (gần gũi Tăng Ni), thính văn Chánh pháp (tức nghe, học giáo lý), như lý tác ý (chiêm nghiệm, quán chiếu ý nghĩa của pháp) và pháp tùy pháp hành (ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống). Nhận biết về một Phật tử như vậy không phải để rồi nghiêng về bên này bỏ bên kia, hay đề cao người này xem nhẹ người kia… mà để có những phương pháp cụ thể để hướng dẫn cho họ tu tập, làm tăng thượng tâm cho người đã phát tâm và khiến cho người chưa phát tâm được phát tâm tu học.

Như vậy là bảy pháp, gồm biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết người - mà bất kỳ một ai, nếu thành tựu, đều được sống hoan hỷ và an lạc trong Chánh pháp.


GN 

Các tin đã đăng: