Bồ tát Quán Thế Âm (Phạn ngữ: Avalokiteśvara) trong tín ngưỡng người Việt là một vị Bồ tát có tâm đại bi – đại từ được đề cập trong kinh văn Phật giáo Đại thừa; và tín đồ Phật giáo Đại thừa đều tin kính Ngài là một vị Bồ tát biểu trưng cho sự thương yêu và cứu độ. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt thì hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ là phổ biến nhất, có lẽ đây là phương thức thờ phượng chính yếu của người Việt đối với đức Quán Thế Âm từ ngàn xưa.
THÂN TƯỚNG NỮ NHÂN CỦA BỒ TÁT
Biểu hiện thông qua kinh điển
Bồ tát Quán Thế Âm với đại nguyện tùy duyên hóa độ và cứu giúp, từ đó Ngài tùy cảnh mà hóa thân, vậy nên việc định hình Ngài trong một thân tướng cố định là điều nghe chừng có vẻ phi lý, nhưng có thể nói tâm tư của người Việt chỉ quen gắn liền Ngài với thân tướng người nữ có tôn dung hiền từ bi mẫn của một người mẹ, cũng từ đó mà Ngài còn có tên gọi dân dã là “Mẹ Quán Thế Âm”. Sự kiện này có thể xuất phát từ nội dung kinh văn Diệu Pháp Liên Hoa khi mà Phật thuyết về Bồ tát Quán Thế Âm với đại nguyện: “Đức Phật dạy Bồ tát Vô Tận Ý, thiện nam tử, người ở thế giới nào nên hóa độ bằng thân hình Phật thì Quan Âm đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp;… Những người nên hóa độ bằng thân hình phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, tể quan và Bà-la-môn, thì đại sĩ biến thể những thân hình phụ nữ ấy mà thuyết pháp” [1]. Việc Ngài hóa hiện nhiều thân tướng là điều dễ hiểu, bởi chúng sanh có vạn tướng mà tâm tính lại chẳng đồng; như vị lương y tùy bệnh mà cho thuốc, Bồ tát Quán Thế Âm cũng vì chúng sanh mà hóa hiện thân tương hợp. Nhưng cũng không phải vô tình mà dân Việt ta lại thường có nhiều thiện cảm với Bồ tát qua thân tướng nữ nhân; và hình ảnh Bồ tát trong sự biểu hiện của tay cầm “tịnh bình và cành dương liễu” đã trở thành biểu tượng che chở như người mẹ hiền trông xa những đứa con ở nhân gian… Lý giải cho biểu hiện này chính là do văn hóa dân ta vốn đề cao người mẹ, người mẹ như linh hồn của con cái, của gia đình và của đất nước.
Nói về “Mẹ” thì theo chiết tự chữ Nôm, “Mẹ (媄) thuộc bộ nữ (女): người đàn bà, ghép với chữ mỹ (美) nghĩa là đẹp hay đức hạnh. Vậy đối với con cái, mẹ (媄) là người phụ nữ đẹp và đức hạnh” [2]. Có thể thấy, về văn tự, đức hạnh của người mẹ cũng đã thể hiện qua lối viết của dân tộc, đó là một người phụ nữ đẹp và đức hạnh, đó là khởi điểm của sự sinh, của dân tộc mà biểu hiện rõ nhất là hình ảnh mẹ Âu Cơ – Tổ Mẫu của dân tộc ta. Với những giá trị cao quý của hình ảnh “người mẹ” như vậy, việc dân ta tôn sùng đức Quán Thế Âm trong đức tướng của người phụ nữ là lẽ tất nhiên, bởi với thân tướng đó, Bồ tát trở nên gần gũi với quần chúng hơn bao giờ hết.
Biểu hiện thông qua tính hỗn dung với tín ngưỡng bản địa
Tính hỗn dung giữa tôn giáo ngoại sinh và tín ngưỡng bản địa là một đặc tính quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Có thể lý giải, chính sự ôn hòa trong đức tính của người Việt đã tạo nên tính hỗn dung này, nhờ đó mà tôn giáo được truyền vào có cơ hội hòa mình và phát triển cùng với nền tâm linh Việt, như nhận định: “Các tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam nếu muốn tồn tại và phát triển đều tìm cách bản địa hóa để phù hợp với tâm thức tôn giáo đa thần, có tính phiếm thần của cư dân nông nghiệp” [3]. Vậy nên, việc phổ quát sự phụng thờ Bồ tát Quán Thế Âm trong thân tướng người nữ không nằm ngoài biểu hiện của sự hỗn dung đó, bởi văn hóa Việt thường đề cao vai trò người phụ nữ trong lĩnh vực tín ngưỡng tâm linh. Sự thần tính hóa thân tướng nữ nhân xuất hiện trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo người Việt, biểu hiện qua tục thờ Nữ thần và Mẫu thần cổ xưa. Về Nữ thần có thể kể đến các vị nữ thần thiên nhiên Mây – Mưa – Sấm – Chớp, sau này kết hợp với tư tưởng Phật giáo để tạo nên thần Pháp Vân, Pháp Phong, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện; về tín ngưỡng nhân thần có biểu tượng nữ thần Âu Cơ là Tổ Mẫu của dân tộc; hệ thống thờ Mẫu Tam phủ có Mẫu thần Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Mẫu Thoải; hệ thống Tứ phủ bao gồm thứ tự Mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và cuối là Mẫu Địa Phủ. Điểm đặc biệt của các Mẫu đều có chức năng chủ quản các miền, các địa vực của Tổ quốc bao gồm: Vùng trời, vùng đất, vùng nước, vùng rừng. Những chức vụ quan trọng này nếu ở thế gian thường giao cho người nam, nhưng trong tín ngưỡng tâm linh lại thuộc về người nữ. Đây là điều rất đặc biệt bởi việc cai quản này đối với người Việt là “… hết sức quan trọng trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp lúa nước” [4] và nó quyết định đến an ninh lẫn vận mệnh đất nước.
Như vậy, trong nhận thức tâm linh người Việt, người nữ giữ vai trò rất quan trọng. Việc tôn kính Bồ tát Quán Thế Âm với hình tướng nữ không những không hạn chế phẩm chất của Ngài; ngược lại, còn giúp khẳng định tâm thế của Bồ tát trong tâm tư người Việt rất quan trọng và cao quý. Bởi thân tướng nữ của Bồ tát đã hòa vào hình ảnh người phụ nữ thiêng liêng của dân tộc Việt – đó là “người mẹ” của Tổ quốc từ ngàn xưa.
ĐỨC TÍNH CỦA BỒ TÁT TRONG THÂN TƯỚNG NỮ NHÂN
Tâm bi hùng mạnh như sấm – Lòng từ hiền dịu như mây
Trước nhất, cần nhìn nhận Phật giáo đã từ lâu dung hợp với văn hóa Việt để trở thành tín ngưỡng của số đông quần chúng và trở thành tôn giáo của dân Việt với bản sắc riêng. Vì vậy, việc hình nhi hạ một hình tượng nào đó trong Phật giáo cũng không ngoài việc tiếp cận và phổ biến Phật giáo một cách đa dạng trong xã hội người Việt. Cụ thể ở đây là việc hình nhi hạ về đức Bồ tát Quán Thế Âm trong biểu tượng của một người nữ, không những vậy, người nữ đó còn là “người mẹ” riêng biệt của dân Việt tự bao đời.
Từ một nhân vật có nghĩa vượt thoát mọi hình tướng của Phật giáo, là phạm trù của hình nhi thượng mang nghĩa “Siêu hình ly tướng”, Bồ tát Quán Thế Âm được dân gian gọi một cách giản dị nhưng rất thiêng liêng là “mẹ”. Cũng chính danh xưng “mẹ” lại rất phù hợp đức tính của Quán Thế Âm với “Tâm bi hùng mạnh như sấm, lòng từ hiền dịu như mây”, người mẹ của sự yêu thương và bảo bọc liên lỉ không bao giờ dứt như mạch nước “trong nguồn chảy ra”. Khi hình nhi hạ Bồ tát với hình ảnh của người mẹ, có thể thấy sự hình dung về Bồ tát trở nên dễ dàng hơn trong nhận thức quần chúng. Đây vừa là công việc nhập thế tích cực cũng vừa là quần chúng hóa đức tin về đức Quán Thế Âm. Bởi nhờ vị thế của một Bồ tát có tầm thế rất quan trọng trong triết học Phật giáo Đại thừa với những kinh điển liên quan mang đậm tính siêu việt, rất khó để quần chúng có thể tiếp cận một cách rộng rãi, nhất là với quần chúng xuất thân bình dân trong xã hội cũ. Hơn hết, khi người Việt tôn kính “người mẹ” như hồn quê linh thiêng, như nước non quý trọng, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm trong nhận thức người Việt xưa cũng được tôn kính như thế.
Trong dân gian, nếu ai có nguyện ước gì đều đến tôn tượng của Ngài để cầu xin, và Bồ tát trong tư thế đứng lộ thiên với “tay cầm tịnh bình chứa cam lộ thủy” đã là biểu tượng kinh điển trong tín ngưỡng thờ phượng Ngài. Vì lẽ đó, tôn dung Thánh tượng của Ngài được biểu hiện qua nhiều hình trạng như: Quán Âm Tống Tử, Quán Âm Thị Kính,… Những hình tướng này là để phù hợp với từng đức tính của Bồ tát tương ứng với ước nguyện của tín đồ.
Mặt khác, Bồ tát trong dân gian cũng thường được tôn kính vì tâm đại bi của Ngài. Không gì là Bồ tát không nghe – không gì là Bồ tát không giúp trong hạnh nguyện của Ngài và lẽ tất nhiên, sự linh ứng với Ngài không thể nào có được với một tâm tạp nhiễm, với một sự ích kỷ hẹp hòi của người cầu xin. Đó cũng là lý do tín ngưỡng nguyện cầu đến Ngài có lúc bị hiểu lầm là sự đổi chác đức tin thấp kém bởi một số người. Trong kinh văn, tâm đại từ – đại bi của Ngài được biểu đạt qua đoạn Phật ngôn, “Thiện nam tử! Nếu có vô số trăm ngàn vạn ức chúng sanh đang chịu đựng các điều khổ não, hết lòng xưng danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, Ngài liền lắng nghe theo âm thanh đó mà giải thoát cho hết thảy” [5]. Điều này xác chứng, muốn được ơn cứu độ của Bồ tát đòi hỏi phải có lòng chí thành tôn kính, nhất nguyện khẩn cầu mới có thể được linh ứng.
Cũng lưu ý, những đức tính từ – bi của Bồ tát đã bao hàm mọi biến thể thân tướng của Ngài. Chỉ là trong văn hóa tâm linh, người Việt thường ưu ái đức tính này của Bồ tát trong thân tướng người nữ.
Những hình ảnh tiếp biến của Bồ tát trong dân gian với đức tính kham nhẫn
Bồ tát Quán Thế Âm với hạnh nguyện độ sanh vô ngại của mình đã được dân gian tiếp nhận và truyền tụng với những thân tướng khác nhau, điển hình là Bồ tát Quán Âm Nam Hải, Quán Âm Diệu Thiện hay Quán Âm Thị Kính,… Đặc biệt, sự tích Quán Âm Thị Kính được phóng tác thành truyện thơ và lưu hành rộng rãi trong nhân gian. Thị Kính có chồng là Thiện Sĩ, vì bị hàm oan hại chồng mà bà phải trải qua nhiều tủi nhục. Trong tích truyện, sau khi chịu oan khuất thì được Đức Phật thọ ký làm đức Quán Thế Âm. Truyện đã lột tả bể khổ cuộc đời nhưng cũng biểu đạt chân lý “khổ tận cam lai” mà Thị Kính đã nhận lãnh.
Hay tích truyện Quán Âm Diệu Thiện nói về cuộc đời của cô công chúa vốn xuất thân hoàng tộc nhưng lại nung nấu ý chí xuất gia, khước từ vinh hoa, chán nơi cung ngọc nhưng lại bị vua cha ngăn cấm việc xuất trần. Trong sự tích, công chúa đã vượt qua vô vàn gian khổ mới có thể tu hành và chứng đắc.
Qua hai sự tích điển hình đó, có thể thấy, ngoài tín ngưỡng và sự cầu xin vào năng lực cứu độ của Bồ tát, dân gian còn có niềm tin mãnh liệt vào những công hạnh tu tập của Ngài. Việc lưu truyền những công hạnh của Ngài qua những hình ảnh trên đã thể hiện tinh thần học hỏi của tín đồ với Ngài, xem gương hạnh của Ngài qua những hành động và cuộc đời cụ thể là bài học trực quan sinh động để dân gian học theo. Như vậy, tín ngưỡng về Quán Thế Âm Bồ tát không những mang nghĩa nguyện cầu tâm linh mà còn mang ý nghĩa giáo dục thực hành trong quần chúng. Điều đó chứng tỏ tính truyền thông của Thánh hiệu Bồ tát được phổ quát rộng rãi trong nhịp sống tinh thần của nhân dân; đã đáp ứng mục đích “… làm cho con người tiếp nhận cặn kẽ thông điệp và có những hành động tương tự”[6]. Điều này mang tính giáo dục cộng đồng cao thông qua việc tôn thờ Bồ tát trong thân tướng nữ – đó chính là nỗ lực thực hành theo đức tính Bồ tát.
Tóm lại, những đức tính kham nhẫn của Bồ tát được dân gian lưu truyền dưới nhiều biến thể chính là sự phản ánh ước mơ và khả năng không ngừng vươn lên trong nghịch cảnh của người Việt; cũng như có chức năng xoa dịu những tâm hồn yếu thế và tổn thương bằng chính sự từ bi kham nhẫn của Bồ tát Quán Thế Âm.
Kết luận
Bồ tát Quán Thế Âm chính là hiện thân của sự bảo hộ tâm linh toàn diện trong tâm thức của tín đồ Phật giáo và cũng là một phần văn hóa tín ngưỡng trong nền tâm linh của người Việt. Danh xưng “Phật Bà” hay là “Mẹ Quán Thế Âm” chính là minh chứng rõ nét nhất thể hiện niềm tin kính sâu xa và mãnh liệt của tín đồ Phật giáo Việt dành cho Ngài. Bất kể Ngài được biểu hiện ở nhiều thân tướng, người Việt vẫn ưu ái tôn thờ Ngài trong thân tướng người phụ nữ. Đó là sự tôn kính cao nhất mà người Việt dành cho Ngài và đức tính của Ngài. Vì chính những thần linh mà người Việt kính ngưỡng từ ngàn xưa đều được tôn xưng là “Mẫu”, và con trai trưởng đi theo Tổ Mẫu Âu Cơ lên núi mới chính là vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang. Từ đó mới thấy được giá trị thiêng liêng trong thân tướng nữ nhân của Bồ tát đối với nền tâm linh Phật giáo Việt.
Chú thích:
[1] Kinh Pháp Hoa (tập 2) Tỷ kheo Trí Quang dịch, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn, 2010, tr.1096 – 1099.
[2] Nguyễn Hạnh, Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb. Trẻ, 2019, tr.99.
[3] Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đa dạng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay – những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Phương Đông, 2016, tr.79.
[4] Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Giáo Dục, 2000, tr.134.
[5] Kinh Phổ Môn (Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải), Nxb. Tôn Giáo, tr.34 – 35.
[6] Dương Xuân Sơn, Các loại hình báo chí truyền thống, Nxb. Thông Tin Và Truyền Thông, 2016, tr.13.