Diệt trừ gốc rễ sân hận
Thích Đạt Ma Phổ Giác
01/10/2015 22:49 (GMT+7)


 Một hôm, đức Phật đến giáo hóa tại một làng người Bà La Môn. Một gia đình nọ có bà vợ giỏi tướng số cùng cô con gái xinh đẹp. Vì họ muốn tìm người có đủ 32 tướng tốt về làm rể nên khi người cha vô tình gặp Phật, ông mừng quýnh chạy về báo với vợ, rồi cùng bà đến xem cho chính xác. Khi bà thấy Phật, đúng như người bà bỏ công tìm kiếm, nên bà ưng ý, muốn gã con gái ngay mà không cần điều kiện. Phật nói, ta xưa kia có đầy đủ tất cả cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ, ta còn bỏ lại sau lưng, sống đời đơn giản rày đây mai đó mà hướng dẫn đạo lý giác ngộ giải thoát cho mọi người. Bà vui lòng hãy tìm nơi khác vì ta đã từ bỏ ngũ dục thế gian từ rất lâu.

 Bà buồn quá trở về kể lại cho con gái nghe, làm cô tự ái trước vẻ sắc nước hương trời mà có người dám buông lời từ chối. Kể từ đó, cô ôm lòng oán thù và chờ ngày rửa hận. Vì có nhan sắc mặn mà nên về sau cô được làm hoàng hậu, mẫu nghi một nước. Lần này, Phật đến giáo hóa tại vương quốc đó, bà biết được nên mướn bọn côn đồ, du đãng chặn đường Phật mà chửi mắng thậm tệ. 

 Trên con đường hoằng hóa độ sinh, đức Phật đã gặp nhiều gian nan, thử thách. Nếu ta không kham nhẫn hoặc kham nhẫn sai phương pháp thì tất cả công đức gây tạo sẽ bị thiêu đốt hết. Nếu không có bồ đề tâm kiên cố, tức thành tâm hướng về sự giải thoát, giác ngộ, thiếu lòng từ bi khi làm việc thiện giúp ích cho đời bằng tình thương bình đẳng, không phân biệt đối xử, không vụ lợi cá nhân, thì sự dấn thân ấy dù làm Phật sự đôi lúc có thể trở thành ma sự.

 Cả bọn du đãng ấy cứ vây quanh chửi mắng, khủng bố thậm tệ, nên ngài A Nan mất hết bình bĩnh mà thưa với Phật rằng:

 Kính bạch Thế Tôn, dân ở đây họ không có tâm cung kính, lại thiếu sáng suốt nên ta hãy đến nước khác giáo hóa, vì con bây giờ chịu hết nỗi những lời mắng chửi, sĩ nhục kia rồi.

 Phật hỏi: Vậy thì chúng ta đi đâu?

 Dạ thưa, Thế Tôn đi nước nào cũng được, miễn là không có ai vây hãm chửi bới là tốt rồi.

 Phật nói: Giả sử, chúng ta đi tới chỗ khác cũng bị mọi người mắng chửi nữa thì sao?

_ Nếu vậy chúng ta trở về thành Xá Vệ, Ma Kiệt Đà, nơi Thế tôn đã có nhiều đệ tử thuần thành.

 Phật hỏi: Nếu ông là thầy thuốc giỏi thì có nên đề bảng “ở đây tôi chỉ trị bịnh nhẹ thôi, còn bệnh nặng thì vui lòng đi nơi khác” ?

 A Nan thưa: Dạ đâu được đức Thế tôn, thầy thuốc giỏi thì phải trị những bệnh nan y mới cứu được nhiều người ạ.

 Phật nói: Cũng vậy! Dân ở đây vì chưa biết đạo làm người, nên nhiều người bệnh quá nặng mới có những lời lẽ thiếu văn hóa như vậy. Thôi ta hãy thong thả, từ từ để tìm cách chuyển hóa cho họ.

 Bọn du đãng vẫn tiếp tục chửi hoài, A Nan nói họ chửi hoài làm sao đức Thế Tôn giáo hóa họ được.

 Phật bảo: Khi nào họ không chịu nghe lời nói của ta nữa, thì ta đi nơi khác cũng không muộn màng gì.

 Tên cầm đầu bọn du đãng nghe Phật nói với Ngài A Nan như thế bổng chuyển tâm, hồi ý quỳ xuống nói rằng: Dạ thưa sa môn Cù Đàm, chúng con từ sáng tới giờ vì ngu si, mê muội nên mới có mắt như mù đối trước bậc siêu phàm vượt Thánh như Ngài. Xin Ngài mở rộng lòng từ ở đây thương xót chỉ dạy chúng con.

 Kể từ đó, Phật đã ở lại xứ này giáo hóa.

 Nếu chúng ta muốn gieo tạo công đức trọn vẹn, hạnh phúc, an vui lâu dài thì phải kham nhẫn, kiên chí, bền lòng. Bản thân đức Phật cũng từng gặp rất nhiều trở ngại suốt cuộc đời hoằng hóa độ sinh. Người có đủ 32 tướng tốt, cùng 80 vẻ đẹp. Dung mạo hoàn hảo khiến nhiều người quy kính, nhưng cũng kéo theo những rắc rối sau là nhiều cô gái đem lòng thương yêu, nhớ nhung Ngài say mê, đắm đuối không được mà tìm cách hại Ngài.

 Với tất cả lòng hoan hỷ, từ bi và trí tuệ sự kiên nhẫn nơi đức Phật đã làm cho bao trái tim con người được chuyển hóa. Do đó, ta có thể khẳng định đức kiên nhẫn là chất liệu nuôi lớn lòng từ bi, là điều kiện làm cho tâm ta trở nên diệu mát như nước cam lồ của Bồ tát Quán Thế Âm. Sự kiên nhẫn được định nghĩa như một hạt giống tốt để con đường dấn thân thêm tinh tấn, còn là thành trì để tất cả phiền não, nghiệp chướng trong đời lần hồi rơi rụng. Tuy nhiên, mỗi hành giả cần phải kiên nhẫn với thái độ bình tĩnh, sáng suốt, bằng từ bi và trí tuệ.

 Lòng kham nhẫn trong các Phật sự hay trong sự dấn thân phải bắt nguồn từ nhận thức sáng suốt, tất cả những điều chướng tai, gai mắt diễn ra xung quanh đều có những nguyên nhân sâu xa của nó, không lẽ nào là vô cớ, ngẫu nhiên.

 Nếu không đủ bình tĩnh, sáng suốt và kham nhẫn chịu đựng, con đường hoằng hóa sau lời ngài A Nan góp ý đã đứt đoạn giữa đường. Biết rõ nguyên nhân, Ngài sáng suốt nhận ra đây là cơ hội cuối cùng để chuyển hóa hoàng hậu, và cuối cùng bà cũng quy Phật trong nỗi niềm ăn năn, hối hận. Bà đến đảnh lễ và xin theo làm đệ tử của Ngài. Đức kham nhẫn là sự chịu đựng, chấp nhận, nhẫn chịu trước những điều không hài lòng vừa ý.

 Chúng ta đã biết, đức Phật ngày xưa còn bị nhiều người vì thương yêu không được nên phát sinh đem lòng thù hận. Vì lòng tham lam, ganh ghét, tật đố mà bọn ngoại đạo đã âm mưu, chống phá đủ điều. Chúng vu khống, hủy nhục, dựng chuyện cô gái có bầu để bêu rếu Phật ngay trước mặt quần chúng. Độc ác hơn nữa, chúng giết chết người con gái, chôn trong Tịnh xá, rồi mời vua quan xác minh, làm chứng để hãm hại Phật. Chuyện như vậy mà Phật vẫn bình tĩnh sáng suốt, an nhiên, tự tại.

Như vậy, sự kiên trì, nhẫn chịu để làm lợi ích cho người là cơ hội mang lại niềm an vui, hạnh phúc. Vì nội tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng, nên bợn nhơ không thể nào vẩn đục. Như nước trong ly đã gạn lọc hết chất cáu bẩn, dù có cốtình quậy đục mà nước vẫn cứ trong. Phật cũng lại như thế! Chính nhờ vậy mà hơn 2600 năm qua, chánh pháp Phật đà trường tồn giúp con người thấu triệt chân lý, sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã vị tha.

Thuvienhoasen.org

Các tin đã đăng: