Trước khi đề cập đến vấn đề “tùy duyên bất biến, bất
biến tùy duyên”, người viết muốn đề cập đến một hình ảnh thật sống động
qua loài thú bốn chân để gây sự bất ngờ thú vị đến với độc giả. Đó là
loài hổ và loài mèo.
Loài hổ cũng như loài mèo khi bị ném lên trên không
thì nó có khả năng chuyển mình rơi xuống vẫn chạm đất bằng bốn chân.
Chúng không bị thương tổn hay phải chết vì sự rơi xuống, dầu rơi xuống
từ cao. Chúng ta lấy hình ảnh này làm bài học cho con người áp dụng đạo
lý “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” để đi vào cuộc đời mà chúng
ta đang sống bây giờ, và điều quan trọng là chúng ta có chuyển mình qua
đạo lý ấy như loài mèo và loài cọp hay không?
Trong quyển từ điển Phật học thường kiến từ vựng, giải thích rằng: Tùy duyên bất biến nghĩa là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai vạn biệt, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi. Bất biến tùy duyên nghĩa là tuy tùy theo duyên mà hiện ra vạn hữu, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi.
Qua hai câu trên cho chúng ta thấy được hai chữ “tùy
duyên” câu một và hai chữ “tùy duyên” của câu hai nó mang chung một ý
nghĩa là tùy theo “nhân duyên” của mỗi loại. Còn hai chữ “bất biến” của câu một và hai nó đồng nhất với nhau về nội dung là bản thể không thay đổi.
Vậy, bây giờ chúng ta phải thực hiện đạo lý này như thế nào để cho nó
tùy duyên được với bối cảnh văn minh, vật chất và thể chế chính trị mà
mình đang sống đây.
Nhớ khoảng thế kỷ thứ VII có vị tổ tên là Huệ Năng,
sau khi chứng ngộ với ngũ tổ Hoằng Nhẫn rồi thì ngài ở ẩn với bọn thợ
săn hơn mười lăm năm. Mà ở với thợ săn thì phải đi săn, đi săn về thì
phải ăn… không; ngài ở chung với bọn thợ săn để rồi ngài tùy theo đó mà
giải thoát nghiệp, đi săn không phải để bắt giết chúng sanh mà để phóng
sanh và cứu chúng sanh. Còn ăn thì chỉ ăn rau bên thịt chứ không ăn thịt
bên rau. Với cuộc sống khó khăn và khắc nghiệt như thế đó mà ngài vẫn
làm lợi ích rất nhiều cho bọn thợ săn và muông thú.
Trong bối cảnh hiện tại người Phật tử có tâm huyết
với đạo với dân tộc, một mình phải gánh chịu nhiều vòng xuyến đang quay
trên không để chờ chụp xiết chúng ta bất cứ lúc nào vào con đường u mê,
đen tối, tội lỗi. Và ai cũng biết khó khăn lắm mới giữ được cho thuyền
không bị lật úp giữa sóng gió ba đào. Đức Phật dạy: tại gia vì gia duyên
ràng buộc nên khó vượt qua được sóng gió của danh lợi vật chất… còn
hàng đệ tử xuất gia thì có nhiều thuận duyên hơn. Tuy nhiên, tại gia cố
gắng làm được thì rất quí. Và có một điều nan giải khó khăn cho chúng
ta, đó là những người cùng thuyền, cùng hội mà không đồng tâm hiệp lực
để chèo chống, mà ngược lại họ nhảy ra khỏi thuyền, thậm chí còn lấy đó
làm bàn đạp để nhảy cao lên con đường danh lợi một cách như bình an,
nhưng rồi phải gánh chịu hậu quả với lịch sử là lừa thầy, phản bạn và
tội lớn nhất không gì bù đắp lại được đó là phản lại lý tưởng của chính
mình. Thật thấm thía khi nhớ đến lời Phật dạy là, chỉ có con vi trùng
trong con sư tử mới giết hại được con sư tử. Còn vi trùng bên ngoài tuy
vậy mà dễ chữa trị hơn.
Nói như vậy để chúng ta thấy
được tệ hại của hiện tình mà cố gắng nỗ lực hơn lên nhằm tìm ra phương
sách thích hợp để cứu đạo giúp đời, chứ tuyệt đối không nên sân hận bực
tức. Vì chỉ có thương yêu mới xóa bỏ được hận thù mà thôi.
Chúng ta chắc hẳn còn nhớ là vào thời kỳ nhà Trần,
nhân dân ta phải chịu lăm le, đe dọa của đế quốc phương Bắc và còn lo
vua Chàm ở phương Nam. Với một đất nước bé nhỏ như nước ta thời nhà Trần
mà lo ổn định để phòng chống bọn quân phương Bắc lớn mạnh như thế cũng
đã là lấy trứng chọi đá rồi; vậy mà còn phải lo vỗ yên ở phía Nam để mở
mang bờ cõi nhằm ổn định chính sách an bang bền vững thật là một thiên
nan vạn nan. Ấy thế mà với tài năng kiệt xuất của ông vua Phật tử ngàn
đời ghi danh, tên là Trần Nhân Tông (Giác Hoàng Điều Ngự) đã tùy duyên
thích ứng với tình thế để vỗ an yên dân sản xuất kinh tế, tập luyện quân
binh đánh tàu để giữ nước và thương lượng với vua Chàm để mở mang Đàng
Trong.
Chuyện ghi lại, có lần vua cùng con là công chúa
Huyền Trân ngồi bên dòng suối. Ngài bảo: Con hãy đưa cánh tay lên. Nàng
nhẹ nhàng đưa cánh tay trái tròn trịa, mượt mà lên nhìn kỹ thì vua cha
hỏi tiếp con có thấy gì trong cánh tay của con không? Nàng trả lời là
thấy hoàng thượng và hoàng hậu (Từ Khâm). Vua dặn sau này con về với
chồng (vua Chàm), nhớ sống sao cho xứng đáng để giúp dân giúp nước, vì
cha mẹ anh em và đồng bào cả nước đều có đầy đủ ở trong con.
Với lời dạy bảo tuyệt hảo của ông vua Phật tử đối với
đứa con gái của mình trước lúc về nhà chồng thật là thú vị xưa nay chưa
từng có. Chưa nói đến tính chất “duyên sinh” của cuộc trao đổi mang
tính dạy bảo của người cha biết đạo với người con thấu hiểu lý Phật.
Chúng tôi không đề cập đến cái hay cái đẹp ở mẫu đối
thoại ấy nữa mà để dành độc giả tự cảm nhận lấy. Nhưng điều chúng tôi
muốn nói ở đây là đức tính bản lĩnh, dám hi sinh, dám đương đầu và chống
chọi từ quốc ngoại đến quốc nội một cách thật tài tình và uyển chuyển.
Vì nước vì dân mà ngài phải hi sinh đứa con yêu quí ngọc ngà của mình đi
lấy người ngoại bang. Ấy thế mà ngài vẫn bị chỉ trích, chống đối kịch
liệt của một số thần dân trong nước. Họ cho rằng cành vàng lá ngọc mà để
cho thằng “Mường” thằng “Mán” nó lấy thì còn ra thể thống gì. Nhưng vua
không nghĩ bình thường như họ. Nhờ vậy mà trang sử xanh muôn đời vẫn
đậm nét sắc son.
Người Phật
tử sống trong hiện tại, hơn ai hết là phải ý thức trách nhiệm của mình
đối với đời với đạo. Và nói cụ thể hơn là người Phật tử nào ý thức được
vấn đề này thì hãy bắt tay vào công việc cần làm, thì giờ đang còn và
đối tượng có thể chuyển hóa và huấn luyện được để trang bị và làm mới
lại những gì mà mình thấy đúng với lời dạy của Phật là giúp dân giúp
nước, giúp tổ chức của mình.
Đức Phật dạy chúng ta cố gắng tu tập để chuyển hóa những tạp khí còn vướng đọng trong tâm. Và phải nhớ rằng, người con Phật có quyền đau khổ và tủi nhục khi thấy người ngoại đạo hay một thể chế chính trị nào đó lợi dụng, bôi nhọ con đen… nhưng không được xem đó là kẻ thù mà phải khởi tâm thương yêu và nguyện tìm mọi cách để cứu giúp tất cả trở về với con đường đúng.
Mong rằng, với ý kiến này gợi lên được một vài ý nhỏ
giúp cho người có ý thức trách nhiệm với quê hương đất nước, làm món quà
lót dạ đi vào đạo lý “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Và đồng
thời nó cũng khơi dậy được phần nào những tâm hồn đang ngủ yên, chưa
tỉnh thức hay không chịu tỉnh thức.
Thích Thông Việt
(Người gửi bài: Tâm Minh)