Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah
Pong của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một
câu truyện về làm thế nào để hái một trái xoài.
Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những
cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức
Phật. Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng
theo lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta
cũng không cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng
xuống. Chúng ta chỉ cần ngồi yên dưới cây, với hai bàn tay mở rộng, và
rồi trái xoài chín sẽ rơi vào trong lòng bàn tay mình. Ajahn Chah nói đó
là một lời dạy đầy tuệ giác và tình thương của đức Phật.
Và ngài Ajahn Chah cứ kể đi kể lại câu truyện ấy rất nhiều lần
cho các thiền sinh. Thầy Ajahn Brahm nói là ông không thể nào chấp nhận
được câu truyện ấy, ông cho rằng lời dạy ấy rất là vô lý và không thực
tế. Nếu như ta cứ ngồi yên dưới một cây xoài chín trái, thì có lẽ ta
phải chờ rất lâu mới có trái rụng, Có thể những con chim cũng sẽ ăn hết
trước ta. Và nếu như có trái chín nào rụng xuống đi chăng nữa, thì dễ gì
mà nó sẽ rơi đúng vào trong tay mình.
Nhưng sau một thời gian dài tu tập, thầy Ajahn Brahm chợt nhận ra
rằng câu truyện ấy là một ví dụ rất chính xác và sâu sắc về vấn đề giải
thoát, giác ngộ. Ông hiểu được rằng bấy lâu nay ông mới chính là kẻ ngu
khờ, không hiểu được lời dạy ấy. Trên con đường tu học, ta sẽ không bao
giờ đạt được bất cứ một điều gì bằng những sự cố gắng “công phu” hay
“rèn luyện” theo một ý đồ nào đó. Ta không thể nào “trèo lên cây” hay
“lấy cây sào vói hái” hay “rung lắc cây”, để khiến cho một việc gì đó
xảy ra theo ý mình muốn. Nhưng khi ta biết ngồi yên, bỏ hết sự mong cầu,
và mở rộng lòng ra tiếp nhận những gì đang xảy ra với một tình thương,
thì quả trái giác ngộ sẽ nhẹ nhàng rơi vào trong bàn tay ta.
Trọn vẹn với nơi này
Tôi nghĩ, câu truyện ấy muốn nhắc nhở chúng ta rằng quả trái của tu
tập chỉ đến với một tâm không mong cầu. Nếu như ta đừng tìm kiếm và tạo
tác thêm, biết có mặt trọn vẹn với những gì đang xảy ra, thì ta sẽ thấy
rõ được những gì mình cần làm mà không bị ảnh hưởng bởi một sự mong muốn
nào hết.
Vì thật ra những gì đang có mặt, mưa hay nắng, thành công hay thất
bại, an vui hay khổ đau… chúng đều cần thiết cho một hành trình chuyển
hóa của ta. Nếu như ta thấy rõ được sư thực ấy, và hiểu rằng tất cả đều
là những giai đoạn khác nhau cho sự chín tới của hoa trái tuệ giác, thay
vì cứ lăng xăng tìm cầu một cái gì khác…
Tại nhà thờ Chartres Cathedral ở Pháp, được xây vào khoảng thế kỷ 12, có một kiến trúc gọi là labyrinth. Labyrinth là một kiến trúc cổ trong huyền thoại Hy Lạp, nó gồm có một con đường vòng vo như một mê đồ. Nhưng trong labyrinth thì
chúng ta chỉ đi trên một con đường duy nhất, tuy lối đi vòng vo và
quanh co, nhưng cuối cùng con đường ấy sẽ dẫn ta vào đến trung tâm của
kiến trúc.
Khi đi, có nhiều lúc ta tưởng như mình sắp sửa vào đến trung tâm,
thì con đường ấy lại dẫn ta đi ra tận ngoài bìa, như là mình đã lạc
lối. Rồi có khi đang ở bên ngoài, qua một khúc quanh, nó lại dẫn ta vào
ngay bên trong. Và cuối cùng thì ta cũng bước vào được ở nơi trung tâm.
Con đường ấy tượng trưng cho một hành trình tâm linh, mà bất cứ nơi nào
ta đang có mặt cũng là một giai đoạn hoàn hảo và cần thiết. Nó nhắc nhở
ta hãy có mặt trọn vẹn và tiếp nhận những gì xảy ra với một tâm rộng mở.
Có thể bao dung được
Trong kinh có ví dụ về một chén nước nhỏ. Nếu trong một chén nước mà
người ta thả vào một nắm muối thì nước sẽ trở thành mặn và không uống
được. Nhưng nếu có một người đứng trên thuyền mà đổ một bát muối xuống
dưới sông, thì nước sông ấy vẫn không hề bị mặn. Nước sông không mặn,
không phải tại vì trong ấy không có muối, nhưng tại vì lòng sông quá
lớn, nó có thể bao dung được tất cả.
Cũng vậy, khi ta tiếp xúc với những điều bất như ý với một tâm rộng
mở, trong sáng, thì chúng sẽ không đủ sức để trở thành nỗi khổ niềm đau
cho ta. Ta cũng không cần tránh né hay mong cầu cho nó được khác hơn.
Giữa một đại dương bao la sóng gió, có những chiếc tàu chở hàng nặng cả
trăm ngàn tấn, nhưng vẫn nhẹ nhàng nổi được trên mặt nước, đó là nhờ ở
cái rỗng không trong lòng tàu.
Thật ra thái độ ấy không phải là một sự tiêu cực, mà nó chỉ có
nghĩa là ta cho phép ngày nắng được nắng, ngày mưa được mưa, và không
bắt sự việc phải xảy ra theo ý riêng của mình. Sóng gió có đó chứ không
phải là không có, nhưng như một chiếc thuyền lớn giữa đại dương, ta vẫn
có thể an ổn đi tới. Sự rộng mở và có mặt trọn vẹn là một thái độ rất
tích cực, nó giúp ta thấy rõ được những gì ta cần làm và có thể làm
được, chứ không phải chỉ nỗ lực cho một sự thành đạt nào đó.
Hãy buông xả tự nhiên
Thiền sư Suzuki có lời dạy như vầy cho các thiền sinh của ông, “Đôi
khi phương pháp hữu hiệu nhất để điều khiển một việc gì là để cho nó
được tự nhiên. Và lúc ấy sự việc sẽ nằm dưới sự kiểm soát của ta, theo
một nghĩa rộng. Cũng như muốn kiểm soát một con cừu hay một con bò, bạn
hãy thả nó vào một cánh đồng cỏ rộng bao la. Làm ngơ không biết đến là
một phương pháp tệ hại nhất, và kế đến là cố gắng điều khiển chúng. Chỉ
có phương cách hữu hiệu nhất là thấy biết chúng, ta chỉ cần thấy biết
thôi, và không cần phải điều khiển một việc gì hết.”
Và thiền sư Suzuki cũng khuyên chúng ta nên áp dụng thái độ ấy vào
việc ngồi thiền của mình. Nếu lần tới trong giờ thiền tập, thay vì cố
gắng công phu “làm” một cái gì đó, hoặc “điều khiển” tâm ý theo một
phương cách nào đó, bạn hãy thử ngồi yên thư giãn và buông xả. Hãy ngồi
trọn vẹn tỉnh thức và cảm nhận rõ hết tất cả, toàn thân như thế nào thì
thấy như vậy. Cảm nhận một cách tự nhiên, không cố gắng, không mong cầu
gì khác.
Ta cũng không cần tìm kiếm một phương cách nhất định nào, chỉ trở
về với sự thấy biết tự nhiên của mình. Ta ngồi với một sơ tâm trong
sáng, những gì xảy ra thì xảy ra. Vì thiền tập không phải để ta “quán
chiếu” một vấn đề nào, mà là để yên và thấy rõ được sự đến và đi tự
nhiên của những gì đang có mặt.
Lặng im như hoa cúc
Tôi
thấy, trong cuộc sống hằng ngày, nếu muốn thành tựu một việc gì đó, thì
người ta cảm thấy cần phải toan tính, tìm phương án, lập kế hoạch, để
đạt đến những gì mình mong muốn. Và nhiều khi ta đạt được những gì mình
muốn, nhưng trong quá trình ấy ta lại đánh mất đi chính mình.
Trên con đường tu học thì như thầy Ajahn Brahm chia sẻ, thật ra ta
không cần phải “trèo lên cây” hay “lấy cây sào vói hái” hay “rung lắc
cây” cho được trái chín rụng. Ta chỉ cần trở về với sự tĩnh lặng trong
sáng sẵn có, buông bỏ những mong cầu của mình, và mở rộng lòng ra tiếp
nhận những gì xảy ra với một tình thương. Rồi thì một ngày quả trái giác
ngộ sẽ nhẹ nhàng rơi xuống trong tay.
Buổi sớm mai này trên con đường đi đến sở làm tôi thấy một vầng
trăng tròn sáng trên cao, tĩnh lặng giữa một bầu trời vắng không, chợt
nhớ đến tách trà của thiền sư Basho …
Uống trà sáng
Nhà sư
Lặng im như hoa cúc.
Basho (Thái bá Tân dịch)
nguyễn duy nhiên