Tin sâu nghiệp báo để sống tốt và hạnh phúc hơn
Thích Đạt Ma Phổ Giác
21/10/2015 22:56 (GMT+7)

   Khi chưa biết tu, thân ta có khi làm việc thiện lành tốt đẹp, có lúc ta làm việc xấu ác gây nhiều tội lỗi, miệng có khi nói lời ngọt ngào dễ thương, có lúc nói lời hằn học, cộc cằn, thô lỗ, ý có khi nghĩ điều thánh thiện, có lúc nghĩ điều xấu xa, đê tiện. Từ những suy nghĩ của ta sẽ phát sinh ra lời nói, từ lời nói của chúng ta sẽ trở thành hành động, và từ hành động đó sẽ trở thành thói quen nếu ta lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi đã trở thành thói quen, dù xấu hay tốt, dù đúng hay sai, nó sẽ trở thành nhân cách của một con người. Nếu thói quen đó tốt thì luôn giúp ích cho nhiều người, và ngược lại thói quen đó xấu thì làm tổn hại cho nhân loại.

      Khi biết tu thì ta tránh xa những việc làm xấu ác, mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp. Khi ta biết tu thì nói lời chân thật, vui vẻ, êm dịu, nhẹ nhàng, nói lời cảm thông, và không bao giờ nói lời gian dối hại người. Cái gì tốt thì suy nghĩ, cái gì xấu thì dừng lại, không cho nó phát sinh. Người biết tu thì thân không làm ác, miệng không nói lời ác, ý không suy nghĩ ác, ai làm được như vậy thì gọi là người có nhân cách và đạo đức.

      Trong gia đình, nếu ta không biết kính trên nhường dưới, ta không biết tu miệng, thì tối ngày hễ gặp mặt là cãi vả, chửi bới, gây phiền não, khổ đau cho nhau. Thậm chí gây cãi không nguôi cơn giận thì đánh đập, đánh đập không thỏa mãn cơn giận thì tình nghĩa không còn, mà tình nghĩa đã hết thì vợ chồng ly dị chia tay, gia đình đổ nát. Nếu ai cũng biết tu thì ý vừa khởi nghĩ ác, liền biết đó là nhân xấu làm khổ đau cho nhau, thì ta không bao giờ nói lớn tiếng, đã không nói nặng thì đâu có cãi vả, không cãi thì làm gì có bực tức, đánh đập, không đánh đập thì vợ chồng làm sao ly dị, nhờ vậy gia đình thường sống với nhau an vui, hạnh phúc, vì biết cảm thông và tha thứ cho nhau. 

      Như vậy, nếu người biết tu thì ý không bao giờ nghĩ xấu cho ai, đã không nghĩ xấu thì tâm không bao giờ bực bội, phiền não, nên lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Nếu ý không nghĩ xấu thì miệng không nói lời nặng nề, và thân không hành động thô ác thì đâu có làm cho người đau khổ. Ta không làm khổ người thì được người thương mến, yêu thích, người thương mến thì sẽ giúp đỡ ta mỗi khi gặp khó khăn hay hoạn nạn.

      Khi đã biết tu thì ý nghĩ tốt, miệng nói lời lành, thân làm việc thiện ích, ba nghiệp mà thiện thì ta được an vui, hạnh phúc, trong gia đình trên thuận dưới hòa, ngoài xã hội không tranh chấp hơn thua thì sẽ được trật tự, an bình. Như vậy, người biết tu không làm ai buồn phiền, đau khổ nên được lợi ích, do đó gia đình sống hạnh phúc, xã hội cũng được bình yên. Đó là người biết tu đúng theo lời Phật dạy.

      Về ý nghiệp cũng có phần vi tế hơn, với người biết tu sẽ chuyển được nghiệp xấu ác thành nghiệp thiện lành tốt đẹp. Nếu ta biết áp dụng sự tu hành trong mọi hoàn cảnh, khi đang làm việc khởi nghĩ ganh ghét, buồn giận người, biết đó là ý nghĩ xấu có thể làm tổn hại cho người ta, nên tìm cách không cho nó phát sinh. Ngược lại, ta khởi nghĩ thương người bất hạnh nghèo khó, tôn trọng, quý kính bậc hiền Thánh, tìm cách giúp đỡ người khốn khổ. Đó là ta biết chuyển ý nghiệp xấu ác thành ý nghiệp thiện lành, tốt đẹp.

      Còn nếu ta cho rằng, nếu đến chùa mới tu được thì mỗi tháng được mấy ngày, tu như vậy thì quá ít rồi chứng nào tật đó, khi đến chùa thì tu, khi không đến chùa thì tham lam, sân giận, si mê, ích kỷ vẫn còn nguyên như vậy. Cho nên, Phật dạy ta phải tu trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi thì mới có khả năng chuyển được ba nghiệp xấu ác thành ba nghiệp thiện lành, tốt đẹp. Ba nghiệp đã thuần thục rồi thì ta thong dong đi vào đời tùy duyên giáo hóa chúng sinh mà không sợ khó khăn hay bị chướng ngại. Tu như thế mới thật sự có lợi lạc cho mình và người. Đủ duyên thì ta đi chùa tụng kinh, sám hối, niệm Phật, ngồi thiền, hay làm công quả và các việc phước đức khác.

mà phế bỏ việc nhà, không lo lắng cho gia đình, làm cho người thân mất niềm tin đối với Tam bảo. Khi ta chưa biết tu thì gia đình sống an vui, hạnh phúc.     Ta không nên vì ham tu cho riêng mình để được đến chùa nhiều, vì ham phước cho riêng mình nhiều quá nên ta lén lút lấy tiền chung mà không thông qua gia đình, vô tình ta dính vào tội trộm cướp mà làm cho người thân mất hết tín tâm đối với Phật pháp.

      Có một bà cụ Nhật Bản đã tu niệm Phật gần hơn ba chục năm, nhưng vì không gặp thầy lành, bạn tốt hướng dẫn chỉ dạy, bà ta siêng năng tụng niệm mỗi ngày sáu thời, nhưng càng niệm Phật nhiều chừng nào thì bản ngã lại phình to chừng nấy. Tuy bà tụng kinh, niệm Phật nhiều mà lại không chịu buông xả tâm tham lam, sân giận, si mê, mỗi khi bà dừng niệm Phật thì nạt nộ, rầy la con cháu đủ thứ. Con trai bà thấy mẹ mình tu như thế nên rất buồn mà nói, ”mẹ à, mẹ tu gì mà càng ngày càng sân si dữ vậy”. Bà nói, “tao tu với Phật chớ đâu có tu với tụi bây? Tụi bây là quỷ ma, tao phải trừng trị chứ”. Tu như vậy vô tình phỉ báng lời Phật dạy.

      Phật dạy chúng ta tu là để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, biết mở rộng tấm lòng yêu thương bình đẳng với tất cả mọi người. Tu như thế mới đúng lời Phật dạy, còn bà già trên vì không tìm hiểu kỹ lời Phật dạy, nên tu để ghi công tính sổ thật nhiều để được Phật khen, do vậy càng niệm Phật càng tham lam, sân giận, si mê càng nhiều.

      Chúng ta hãy nên chính chắn suy nghĩ kỹ lại chỗ này kẻo hiểu lầm lời Phật dạy. Ta thờ Phật, tôn kính Phật, lễ lạy Phật vì cái ơn cao cả khó đáp đền trong muôn một. Nhờ Phật ra đời ta mới biết được đạo lý làm người mà sống có nhân cách đạo đức, tin sâu nhân quả biết dấn thân phục vụ vì lợi ích tha nhân. Phật đâu có kêu ta tu với Phật, mà Phật chỉ khuyên ta tu với gia đình, người thân và tất cả mọi người trong xã hội. Vì ta quá tham lam, cứ nghĩ rằng niệm Phật nhiều là Phật mau rước về cõi Cực lạc, nên ráng niệm cho thật nhiều để ghi sổ tính công, có ai tới thì lại đem ra khoe,“tôi một ngày niệm đến ba ngàn câu”. Ta niệm Phật để buông xả tâm tham lam, sân giận, si mê mà sống lại với tính biết thanh tịnh sáng suốt của mình, do đó càng tu càng thấy bình yên, hạnh phúc thật sự. Tu như vậy thì họa may Phật mới rước về cõi Tây phương cực lạc, vì cõi Phật A Di Đà làm gì có tham lam, sân giận, và si mê.

       Cũng vậy, chúng ta sinh ra đời mỗi người mang theo nghiệp riêng của mình mà cùng sống chung với nhiều người khác, mỗi người chấp giữ và làm theo nghiệp riêng của mình mà không thừa nhận nghiệp riêng của người khác, nên mới có sự cãi vả, tranh chấp, bất đồng quan điểm với nhau. Trong một gia đình, ông chồng thì huân tập cái nghiệp của người nam, bà vợ thì huân tập cái nghiệp của người nữ. Hai nghiệp nam nữ tuy có vài điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt nhau.

       Nên có nhiều gia đình vợ chồng gây cãi, chửi mắng, đánh đập, làm đau khổ cho nhau, vì ai cũng chấp cái lý của mình là đúng, vợ chấp cái lý của vợ, chồng chấp cái lý của chồng mà không biết dung hòa, cảm thông cho nhau để cùng vui sống. Cái đúng của người chồng là do thói quen huân tập cái nghiệp của người nam. Cái đúng của người vợ là do theo thói quen huân tập cái nghiệp của người nữ. Thế nên, ta phải biết cảm thông và tha thứ cho nhau để đem lại sự an vui, hòa thuận trong gia đình.

       Khi chúng ta biết mỗi người đều có nghiệp riêng thì ta không chủ quan, không chấp trước mà biết khoan dung, độ lượng để gia đình được sống an vui, hạnh phúc trên tinh thần yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng vô ngã, vị tha.

       Nói tóm lại, ai dẫn ta đi lang thang trong sáu đường luân hồi không có ngày thôi dứt? Chính là hành động của mình được lặp đi lặp lại nhiều lần qua thân, miệng, ý, hay còn gọi là nghiệp báo, tuy là nghiệp nhưng có nghiệp lành, nghiệp dữ. Vậy ta phải khôn ngoan, sáng suốt chọn lựa nghiệp lành để có điều kiện sống tốt hơn mà không bị đọa vào chỗ u mê, tăm tối.

       Sắc thân, tiền bạc, của cải và gia đình, người thân tuy rất cần thiết trong đời sống hằng ngày, nhưng không vì họ mà ta tán tận lương tâm làm những việc xấu ác, để rồi cuối cùng khi gần nhắm mắt lìa đời, ta phải một mình gánh chịu lấy hậu quả đau thương, vì khi sống không biết san sẻ và giúp đỡ một ai.

       Bản thân mỗi con người là nhân tố quan trọng trong nền tảng xã hội, một con người tốt, một gia đình tốt, một xã hội nhiều người tốt biết sử dụng tiền bạc của cải đúng theo nhu cầu cần thiết, để phục vụ lợi ích nhân loại. Con người cần sống có tình thương với nhau nhưng trước nhất là nền tảng gia đình, họ hàng quyến thuộc rồi san sẻ rộng rãi đến các tầng lớp xã hội bằng tình người trong cuộc sống. Ba thứ thân thương nhất mà ta hằng ngày lo lắng, cưu mang, không có thứ nào đi theo ta được, mà chỉ có nghiệp tốt hay xấu sẽ theo ta đến đời này, kiếp kia như bóng với hình.

       Kính mong rằng, người Phật tử chân chính hãy nên thận trọng và ý thức từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình, đừng để làm tổn hại cho ai, thì khả dĩ ta còn có thể đi đến chỗ thiện lành, tốt đẹp để tiếp tục đời sống mới được nhiều an vui, hạnh phúc hơn.

Thuvienhoasen.org

Các tin đã đăng: