Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:
Ở đây, này các Tỷ kheo, có người thân
không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn
hẹp, nhỏ nhen. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn và nghiệp ác ấy đưa
họ vào địa ngục.
Ở đây, này các Tỷ kheo, có người thân được
tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có
hạn hẹp, rộng lượng. Người như vậy, có làm việc ác nhỏ mọn tương tợ,
nghiệp ác ấy đưa họ đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng
không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
Này các Tỷ kheo, vì như có người bỏ nắm
muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén ấy vì nắm muối trở
thành mặn và không uống được. Nhưng có người bỏ nắm muối vào nước sông
Hằng, khối nước ấy rất lớn không vì nắm muối này mà trở thành mặn và
không uống được.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩn Hạt muối,
VNCPHVN ấn hành 1996, tr.451)
LỜI BÀN:
Khi chưa dự phần vào Thánh vị thì
không ai tránh khỏi lỗi lầm, Tuy nhiên, những lỗi lầm tác động đến tự
thân của họ hoàn toàn khác nhau. Điều ấy phụ thuộc và mức độ vi phạm và
công đức tu tập của mỗi người. Nếu người nào tu tập như pháp, công đức
sâu dày thì công đức ấy sẽ hóa giải một phần nào những lỗi lầm lớn và có
thể triệt tiệu những lỗi lầm nhỏ. Ngược lại, nếu người nào không tu tập
như pháp, không tích lũy được nhiều công đức thì sẽ gánh chịu hoàn toàn
những hậu quả do lỗi lầm mình gây ra, dù đó là lỗi nhỏ.
Giống như người giàu mất một số tiền
nhỏ thì không ảnh hưởng gì đến kinh tế của gia đình nhưng người nghèo
đánh mất số tiền ấy thì có nguy cơ nợ nần, đói khát. Hoặc như nắm muối
bỏ xuống sông Hằng, nước sông không vì nắm muối mà trở thành mặn và
không uống được nhưng cũng nắm muối ấy mà bỏ vào một chén nước nhỏ thì
nước trong chén sẽ mặn chát và không thể uống.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa
những người có nhiều công đức muốn làm gì thì tùy ý. Vì công đức được
tạo ra vô cùng khó khăn, phải tích lũy lâu dài và vun đắp liên tục nhưng
nếu sơ suất phạm vào lỗi lầm, đặc biệt những lỗi lầm lớn thì có thể
tiêu tan công đức, trở thành trắng tay. Do vậy, phải nỗ lực tu tập, tạo
phước, trưởng dưỡng công đức, tránh khinh suất để bảo tồn thành quả tu
tập. Và nếu không may tạo ra lỗi lầm nhỏ thì không vì thế mà dẫn đến đọa
lạc hay chịu hậu quả nghiêm trọng vì công năng tu tập sẽ hóa giải làm
thiểu giảm đến thấp nhất những ảnh hưởng và tác động xấu đến tự thân.
Nguồn: www.thuvienhoasen.org