Giới - Định - Tuệ
22/10/2017 20:59 (GMT+7)

Thật vậy, chính từ thân tâm của Đức Phật đã tỏa ra lực cảm hóa một cách kỳ diệu khiến cho người thấy phải kính trọng và phát tâm  tu theo Ngài và gia đình trưởng giả Da Xá là giới tại gia đầu tiên đã tiếp nhận được năng lượng cảm hóa vi diệu của Phật, họ liền phát tâm sống đời phạm hạnh theo Phật.

Sau đó, với trí tuệ siêu tuyệt, Đức Phật đã chỉ dạy các vị La-hán đệ tử mỗi người nên đi một hướng để truyền bá Chánh pháp. Có thể khẳng định rằng chỉ có người đắc Thánh quả mới có khả năng diễn dương Chánh pháp và thay Phật độ đời. 


Đức Phật giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như - Tranh PGNN

Chúng ta sanh ra đời cách Phật quá xa, nên việc đắc Thánh quả vô cùng khó khăn, nhưng nếu chúng ta không tuyên thuyết pháp Phật thì giáo pháp không tồn tại được. Vì vậy, chúng ta nỗ lực tu hành, có được những sở đắc, chia sẻ cho nhau để cùng thăng tiến trên con đường đạo hạnh.

Thiết nghĩ giáo pháp Phật tuy có nhiều pháp môn, nhưng không ngoài ba điều chính yếu là giới, định và tuệ. Dù chúng ta tu theo tông phái nào, pháp môn nào mà rời giới, định, tuệ, chúng ta đã biến Chánh pháp của Phật trở thành tà pháp.

Một người muốn học, muốn tu và muốn truyền bá Chánh pháp, phải tu giới và từ giới chuyển hóa thành đức hạnh, thì người này nói năng hay yên lặng vẫn là Chánh pháp. Thực tế cho thấy những vị không học nhiều, nhưng chuyên tu có đức hạnh dễ dàng thuyết phục người và giữ gìn Chánh pháp dài lâu.

Giới quan trọng nhất trong đời tu của chúng ta. Khi chuyển hóa được giới thành đức hạnh, sẽ có được sức cảm hóa người một cách kỳ diệu, làm cho người được an lạc.

Thật vậy, xưa kia, Tỳ-kheo Mã Thắng vâng lời Phật dạy đi vào thành Vương Xá trong yên lặng, trong tỉnh giác. Xá Lợi Phất, người lãnh đạo giáo phái Bà-la-môn thời bấy giờ trông thấy Mã Thắng, nét ung dung tự tại của ngài đã thu hút Xá Lợi Phất đi theo về tịnh xá. Mã Thắng và Xá Lợi Phất đều đi trong yên lặng, nhưng tâm của Mã Thắng và tâm của Xá Lợi Phất đã truyền thông với nhau trong tĩnh lặng.

Về đến tịnh xá, Đức Phật thấy Xá Lợi Phất, chỉ nói đơn giản rằng “Lại đây, Tỳ-kheo”. Một lời nói đơn sơ như vậy, nhưng toát ra năng lực của Chánh pháp khiến cho Xá Lợi Phất liền đắc quả A-la-hán. Vì vậy, Chánh pháp chúng ta khó nắm bắt, khó thực hành và khó truyền cho người khác. Chỉ hành giả nào ở cùng một tần số với người nói Chánh pháp thì mới nghe được, nhận được mà thôi.

Ngày nay, chúng ta tu trong giáo pháp Phật không phải chỉ dùng lời nói suông, nhưng đó là giáo pháp mà chúng ta tu chứng được trong thân tâm thanh tịnh, từ đó mới phát sinh trí tuệ gọi là thiền.

Thiền có nghĩa là sự sáng suốt trong tâm yên tĩnh, trong tâm trong sạch là giới đức. Và từ thiền, người ta mới phát hiện được Diệu pháp liên hoa; nghĩa là người tu được giới đức, thân và tâm thanh tịnh như hoa sen (Liên hoa) không bị nhiễm trần và trong thân tâm thanh tịnh đó có viên ngọc quý là Diệu pháp.

Có thể khẳng định rằng mọi pháp tu của Phật đều nhằm làm cho thân và tâm hành giả được thanh tịnh và phát sinh trí tuệ; không có pháp nào hơn pháp nào.

 Chúng ta trì tụng Diệu pháp liên hoa thường nghĩ rằng đó là bộ kinh để chúng ta tu đắc đạo, nhưng quên rằng Diệu pháp liên hoa phát xuất từ tâm thanh tịnh của Tỳ-kheo mới có viên ngọc bên trong là trí tuệ. Vì vậy, trên bước đường tu, làm sao cho thân tinh khiết như hoa sen không nhiễm trần, không có gì trên cuộc đời này hấp dẫn chúng ta, chi phối chúng ta được.

Và muốn tu cho thân tâm thanh tịnh như hoa sen, không thể rời bỏ 37 Trợ đạo phẩm. Chúng ta tụng Pháp hoa mà không thực tập 37 Trợ đạo phẩm, không thể chuyển thân ô uế thành hoa sen, không thể chuyển tâm phiền não thành viên ngọc trí tuệ.

Thực hành 37 Trợ đạo phẩm, chúng ta đạt đến đỉnh cao là Bát Thánh đạo và Bát Thánh đạo chính là sự thể hiện của thân và tâm thanh tịnh; nói cách khác, thân khẩu ý thanh tịnh là Bát Thánh đạo.

 Thân chúng ta có chánh nghiệp và chánh mạng. Vì vậy, nếu không có nghề nghiệp chân chánh và cuộc sống chân chánh sẽ bị người đời đánh giá thấp, người này không thể là Thánh.

Thân thanh tịnh trước nhất chỉ cho thân tứ đại ngũ uẩn do xã hội đánh giá chúng ta thanh tịnh hay không, đánh giá chúng ta là người tốt hay không. Còn chúng ta tốt ở trên mây, mà ở đây không tốt, cũng coi như không tốt. Trước kia, tôi cũng lầm tưởng rằng trên bước đường tu, mình bất chấp dư luận xã hội, nhưng thực ra dư luận xã hội cũng quan trọng.

Đầu tiên, chúng ta phải thanh tịnh trong xã hội chúng ta sống mới được an ổn. Nếu bị người coi không tốt, coi là tệ nạn, làm sao yên được. Người đánh giá chúng ta tốt, họ mới bảo vệ chúng ta, từ đó đời sống vật chất yên ổn mới tiến đến đời sống tâm linh thanh tịnh là định và huệ. Vì vậy, thân thanh tịnh sẽ phát được huệ và huệ phát thì lời nói của chúng ta luôn khế lý và khế cơ.

 Khế lý và khế cơ rất khó đi đôi với nhau, vì hai điều này luôn mâu thuẫn nhau. Thật vậy, khế cơ là phù hợp với căn cơ, trình độ của chúng sanh, nhưng căn cơ chúng sanh thì không đồng mà chúng ta đi theo căn cơ chúng sanh, làm sao phù hợp được với chân lý.

 Chính vì vậy, chúng ta chỉ khế lý khi chúng ta tu giới định tuệ và tuệ sanh, Đại thừa gọi là Bát-nhã Ba-la-mật, nghĩa là chúng ta tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nhưng phải sanh được Bát-nhã, hay có trí tuệ, chúng ta mới thấy được chân lý và chân lý này là chân lý phổ biến, thì tất cả muôn sự muôn vật chúng ta thấy nó muôn màu muôn vẻ.

Khi Đức Phật tu ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng Bát nhã Ba-la-mật trước, từ đó Ngài quan sát trình độ căn cơ của chúng sanh hoàn toàn sai khác, cho nên nếu nói cho người này nghe được thì người kia không bằng lòng. Vì vậy, Phật nhận thấy pháp của Ngài chứng là chân lý quá cao siêu mà trình độ của mọi người đang bị nghiệp chướng ngăn che, không thể thấy, không thể nghe được. Bấy giờ, Phật mới nghĩ đến “Độ thứ bảy” là phương tiện (kinh Hoa nghiêm nói Thập độ là muốn nói ý này), nghĩa là có trí tuệ nhưng thiếu phương tiện huệ thì không thể làm được.

Hiểu biết của Phật và hiểu biết của chúng ta cách nhau quá xa. Ta không thể hiểu Phật, làm sao Ngài truyền cho chúng ta và chúng ta không được Phật truyền, làm sao tu. Nghĩ đến khó khăn vô cùng như vậy, Đức Phật muốn vào Niết-bàn. Bấy giờ, Phật nghe lời khuyên của chư Phật mười phương và lời thỉnh cầu của Phạm Thiên, Ngài mới trở lại thế giới hiện thực ở Ta-bà và dùng trí phương tiện để giáo hóa độ sanh.

Đức Phật có vô số phương tiện, mà theo tinh thần kinh Hoa nghiêm là “Đại dụng tại tiền, quyền tại thủ”. Trí Bát-nhã nhìn thấu suốt Pháp giới là đại dụng, cho nên mở trí này ra thì bao la cả thái hư. Nhưng “Quyền tại thủ” là mặc dù có trí tuệ, nhưng nếu thiếu phương tiện huệ thì cũng bó tay. Vì vậy, người tu phải có trí Bát-nhã trước, rồi mới có phương tiện huệ. Có phương tiện huệ thì nhìn thấy sự thật, thấy ta đang ở Niết-bàn hay đang ở địa ngục, ở Ta-bà hay ở Tịnh độ.

Phật tu chứng Niết-bàn, hưởng được quả của Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoàn toàn an ổn. Nhưng Phật chứng Niết-bàn đồng với chư Phật mà Ngài còn có thân tứ đại của Phật Thích Ca.

Chúng ta cũng có hai phần là phần chân linh phát triển, nhưng vẫn tồn tại thân vật chất này, nói rõ là thân vật chất này đang ở trong xã hội loài người. Mỗi người tu chúng ta đều có sở đắc riêng, nếu theo Nguyên thủy, chúng ta có Sơ quả đến Tứ quả; theo Bồ-tát đạo có Sơ địa đến Thập địa, cho đến Đẳng giác. Nghĩa là mỗi người đều có một pháp để an trụ và sống an lạc trong đó.

Có thể nói ban ngày chúng ta sống ở Ta-bà trong thân tứ đại ngũ ấm, nhưng ban đêm chúng ta thiền định thì đó là thế giới riêng của chúng ta. Gần như tất cả người tu đều có tâm đắc này. Sống ở Ta-bà có đủ thứ, ta tùy thuận theo đó mà sống, thì đó chỉ là phương tiện; còn tâm linh chúng ta, ai biết, ai hiểu được.

Vua Trần Thái Tông đã nói lên ý này rằng:

Phong đã tùng quang nguyệt chiếu đình

Tâm đầu cảnh sắc cộng thê thanh

Cá trung tư vị vô nhơn thức

Đương dữ sơn Tăng lạc cộng minh.

“Tư vị” trong tâm giải thoát của ngài thì ai biết được, chắc chắn chỉ có nhà vua, hay người tu chứng hưởng thụ được mà thôi; vì vua Trần Thái Tông đã thức suốt đêm với Đại Đăng quốc sư mà ngài không hề mệt mỏi, chán nản. Ngày nay chúng ta tu, cố tập một đêm không ngủ, nhưng lại phải tìm chuyện để nói.

 Một đêm thức trắng là sống trong thiền định mới không mệt và tâm hoàn toàn sáng, nên họ hiểu nhau được. Tâm Trần Thái Tông muốn ở lại núi để tu với Đại Đăng quốc sư, nhưng Trần Thủ Độ nói nếu bệ hạ ở trên núi thì triều đình cũng dọn lên núi. Đại Đăng mới khuyên vua rằng “Tâm bệ hạ thanh tịnh, ngồi trên ngai vàng cũng thanh tịnh, như vậy ngài và ta đã tương giao với nhau rồi”.

Thông thường muốn tâm thanh tịnh phải ở trong núi sâu, nhưng Đại Đăng dạy rằng tâm thanh tịnh là ngọc Ma ni thì để vào chỗ nào cũng có công năng lắng được nước trong, tức làm cho tâm người khác thanh tịnh. Nghe lời dạy của Đại Đăng, tâm thanh tịnh của nhà vua đã tương thông với Đại Đăng, cho nên từ đó, vua đã chuyển đổi ngai vàng thành Niết-bàn, nghĩa là tất cả mọi chống đối, phiền hà trong triều đình tự động được hóa giải.

Tâm thanh tịnh tác động cho người buồn phiền gặp ta, họ cũng thanh tịnh theo. Tác động của pháp hành này đã có từ buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Xá Lợi Phất và Mã Thắng vào thời Phật còn tại thế và pháp hành đó cũng đã được thể hiện ở nước ta từ thời vua Trần Thái Tông gặp Đại Đăng quốc sư. Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.     

Từ tâm thanh tịnh, huệ phát sinh, thấy được mình đang ở đâu và sử dụng trí phương tiện để xác định ta đang đối diện với Tỳ-kheo, hay với ngoại đạo. Nếu đang ở Niết-bàn, Cực Lạc, không có gì để nói; nhưng chúng ta đang ở trong xã hội của Ta-bà, nghĩa là ở Nhà lửa thì phải giải quyết bằng trí tuệ phương tiện, không thể ở chùa này mà nói chuyện chùa khác.

 Vì vậy, khi tôi sang Ý dự hội nghị trong nhà thờ, tôi tự xác định mình đang ở trong Tòa thánh La Mã và đang đối diện với Hồng y; đừng mơ màng mà tưởng rằng mình đang đối diện với tín đồ Phật giáo. Và từ sự nhận biết chính xác như vậy mà dùng phương tiện huệ để lý giải Phật pháp sao cho người nghe hiểu và chấp nhận được.

Tôi trao đổi với những vị này rằng chúng ta ở thế kỷ XX, các tôn giáo nên hiểu biết lẫn nhau và chia sẻ cho nhau, không phải đối lập nhau; vì mỗi tôn giáo đều có nét hay riêng. Bấy giờ, các Hồng y rất hoan hỷ đáp rằng họ cũng tập thiền. Và gặp Hồng y Phạm Minh Mẫn ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết ông cũng học thiền. Thiết nghĩ pháp Phật có vô số điều hay có thể giúp người ta thăng hoa cuộc sống thì họ cũng phải tìm học và chúng ta sử dụng pháp thích hợp với họ để chia sẻ.

Với trí phương tiện, chúng ta biết mình đang ở đâu và ở thời đại nào. Nếu ở thời kỳ thần quyền mà chúng ta bác bỏ vấn đề cúng bái, dễ chuốc họa vào thân. Thực tế cho thấy xưa kia, chư vị Tổ sư của chúng ta hoằng pháp đến những vùng mà dân địa phương thờ bà Hỏa, bà Thủy, các ngài cũng đốt nhang thăm họ, chứ không bài bác.

Nhưng sau khi có sự hiện diện của các vị Tổ sư, dân chúng nhận thấy rõ rằng bà Hỏa hay bà Thủy không thể trả lời những thắc mắc của họ, trong khi các nhà sư giải đáp được tâm trạng của họ. Vì vậy, nhà sư hay con người đóng vai trò quyết định, cho nên kinh Pháp hoa khẳng định rằng Phật pháp tồn tại trong con người, khi nào con người còn tin Phật pháp thì Phật pháp tồn tại, gọi là thế gian tướng thường trụ. Nếu con người không tin Phật pháp nữa, Phật pháp sẽ bị hoại diệt.

Dùng trí phương tiện để thấy được con người ở thời kỳ nào chỉ hiểu biết như vậy và chấp nhận như vậy, thì mình nói khác, họ sẽ không nghe. Cho nên, Phật tử có việc buồn phiền, đến gặp Thánh tăng thanh tịnh, họ được thanh tịnh theo; hay gặp vị có trí tuệ, đưa ra lời giải đáp giúp họ yên tâm. Nhưng nếu không là Thánh tăng hay không có trí tuệ, mà chỉ có phàm tăng, chúng ta giải quyết bằng cách nào.

 Chúng ta cũng tụng kinh, lạy Phật, cầu nguyện thì họ cũng được yên tâm. Thật vậy, tôi thường làm như thế; vì mình không phải là Thánh, nên không làm cho họ an lạc được, nhưng họ nghĩ mình cầu nguyện được nên nhứt thời họ yên tâm, còn kết quả cao hay thấp chưa biết.

Vì vậy, nếu đệ tử Phật tự bác bỏ, chê bai lẫn nhau là phạm sai lầm lớn, vì tất cả đều là phương tiện độ đời, người dùng phương tiện này, người có phương tiện khác. Thực tế chúng ta thấy trên lộ trình tự hành hóa tha, có vị Thiền sư bốc thuốc, chữa bệnh, có vị dạy về nông nghiệp, có người cầu đảo kêu mưa làm gió.

Tất cả những phương tiện mà đệ tử Phật sử dụng tuy khác nhau, nhưng đều nhằm mục tiêu làm an lạc cho người. Có những phương tiện sử dụng được ở thời kỳ thần quyền, nhưng đến thời kỳ văn minh, không được người trí thức chấp nhận, nên chỉ sử dụng được giới hạn. Thí dụ như vấn đề cúng sao chiếu mạng để được bình yên, điều này vẫn còn một số người tin theo.

Thiết nghĩ bằng tuệ giác, chúng ta có cái nhìn khác. Trong cuộc sống con người, vấn đề thần giao cách cảm ngày nay vẫn được khoa học chấp nhận, dù không chứng minh được. Nói cách khác, bằng tánh linh mà người ta có thể bắt gặp được từ trường của người khác khi hướng về họ. Giả sử như từ trường của tôi mạnh, mà tôi nghĩ đến Thượng tọa Bửu Chánh, khiến cho sư này phải cảm thấy sốt ruột, muốn về thành phố gặp tôi. Đối với người tu, thực tập điều này không khó.

 Vì vậy, trên bước đường tu, từ trường hay niềm tin của chúng ta hướng về một vị La-hán nào, ngài sẽ tới với ta. Riêng tôi rất thích thú với sở đắc này, mỗi ngày tôi lạy Phật, tụng kinh là hướng tâm, hay đưa từ trường đến với Phật, thì cảm nhận được niềm an lành kỳ diệu, tất nhiên đó không phải là mê tín. Trong thế giới vô hình bao la, có những điều mà chúng ta không thấy được bằng mắt, nhưng bằng niềm tin thanh tịnh, chúng ta tiếp nhận được.

Trên bước đường hành đạo, dùng trí phương tiện thấy biết điểm đứng của mình và thời kỳ mình đang sống. Đang ở Ta-bà, điều quan trọng mà chúng ta phải chấp nhận Ta-bà là Nhà lửa đang cháy đỏ. Kinh Pháp hoa gọi là Tam giới vô an du như hỏa trạch. Ý này có gì mới hay không. Hoàn toàn không có gì mới cả, vì ý này đã phát xuất từ kinh Nguyên thủy.

Phật thuyết Nhà lửa tam giới trong kinh Pháp hoa, phẩm Thí dụ, nhưng thực ra Phật đã thuyết về Nhà lửa cho ba anh em Ca Diếp khi Ngài đến độ họ. Thật vậy, từ khi Đức Phật từ giã 50 Tỳ-kheo thuộc dòng họ Da Xá và bảo mỗi người đi một phương để giáo hóa và bằng trí tuệ, Phật thấy nhân duyên của Ngài với 1.000 tu sĩ đạo Thần lửa. Ngài mới quyết định đến gặp Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là giáo chủ ngoại đạo nổi tiếng thời bấy giờ. Ông luôn tự coi mình là Thánh, vì ông được 500 đồ chúng quá tôn sùng ông là Thánh. Đức Phật khởi tâm đại bi đến độ ông, vì thấy ông có trí tuệ, nhưng vấp phải sai lầm mà trở thành tăng thượng mạn sẽ hủy diệt cuộc đời ông. Vì vậy, Phật đến đó một mình với một bình bát, xin tá túc ở tu viện của ông này một đêm, nơi đây chuyên thờ rắn và nuôi rắn hổ mang. Ông Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp thấy vậy nghĩ rằng lão Cồ Đàm đã tới số rồi.

Đức Phật muốn cứu ông, nhưng ông lại muốn giết Phật. Hai tâm này hoàn toàn trái ngược nhau mà chỉ có Phật mới hóa giải được. Còn chúng ta phải cẩn thận, nếu người muốn giết thì ta phải tránh; vì mình không có khả năng độ mà đến độ họ là chết liền, ví như không biết bơi mà xuống sông cứu người vậy.

Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp xếp đặt cho Phật ở trong cái miếu có thờ rắn chúa. Ông đã luyện cho rắn giết người, nhưng Phật thản nhiên ngồi thiền và Ngài trải tâm từ đến con rắn chúa khiến nó phải phủ phục dưới chân Phật. Đó là bài pháp vô ngôn mà Đức Phật đã thể hiện chẳng những cảm hóa được loài rắn, mà chỉ sau một đêm thiền định, Ngài không nói gì, còn độ được Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp và 500 tu sĩ ngoại đạo là đệ tử của ông và cảm hóa luôn hai người em của ông là Già Da Ca Diếp và Na Đề Ca Diếp cùng 500 đệ tử của hai ông này.

Sau khi giáo hóa được 1.000 đệ tử bằng tâm từ, Đức Phật mới nói rằng thế giới này là Nhà lửa; đó chính là bài pháp mà Ngài đã nói ở thôn Ưu Lầu Tần Loa. Và sang kinh Pháp hoa, Phật nói đến Nhà lửa trong phẩm Thí dụ.

Trước khi theo Phật, ba anh em Ca Diếp sùng bái thần lửa, vì họ tin rằng lửa quyết định mọi sinh hoạt trên cuộc đời và lửa có thể hủy hoại cuộc sống của mọi loài. Nhưng khi trở thành đệ tử Phật, ba vị này được Phật khai tâm, đã chuyển đổi sự nhận thức về lửa bên ngoài thiêu đốt muôn loài thành lửa tam độc tham sân si bên trong mỗi con người. Chính lửa tham sân si mới có sức mạnh đốt cháy được thân tâm con người.

 Quy y theo Phật, các vị này tỏ ngộ, không còn khiếp sợ lửa bên ngoài do si mê mà sùng bái Thần lửa nữa. Nhưng nhờ thực tập pháp Phật, các vị này đã đoạn diệt được lửa tham sân si, họ được tự do, tự tại trong cuộc sống này, gọi là đạt được Hữu dư y Niết-bàn, đắc quả A-la-hán. Như vậy, Đức Phật đã lấy thực tế cuộc sống mà thuyết pháp, thể hiện tinh thần kinh điển Đại thừa thường khẳng định rằng Phật pháp bất ly thế gian giác.

Từ sự tinh tấn đoạn diệt lửa tham sân si theo kinh Nguyên thủy để ra khỏi Nhà lửa, hình ảnh Nhà lửa được kinh Pháp hoa triển khai thành Nhà lửa tam giới ví như là một căn nhà cũ mục, trong đó có đủ các loài rắn rít, côn trùng tự giết nhau, nhằm chỉ tất cả chúng sanh trôi lăn trong Nhà lửa tam giới hỗn độn này cũng do tam độc tham sân si mà tự tranh giành giết hại lẫn nhau.

Vì vậy, Phật nói thế giới này không có gì an lạc, hạnh phúc cả, Ngài mới dạy phương cách thoát ly Nhà lửa tam giới bằng ba xe là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Lên được ba xe này, đến được bãi đất trống tiêu biểu cho trí Bát-nhã. Bấy giờ, hành giả ra vào Nhà lửa tam giới hoàn toàn tự tại. Nói cách khác, hành giả ra mà không ra, vẫn ở trong tam giới, nhưng không bị lửa tam độc tham sân si đốt cháy, mà trái lại, hành giả có năng lực cảm hóa các loài, giúp mọi người chuyển đổi lửa tam độc của chính họ thành từ bi, trí giác. Như vậy, ý nghĩa Nhà lửa từ kinh Nguyên thủy được kinh Pháp hoa triển khai sâu xa hơn, diễn dịch khác hơn.

Chúng tôi mong rằng sau ba tháng an cư kiết hạ, mỗi hành giả đều có được sở đắc riêng làm hành trang trên con đường giải thoát cho mình và làm phúc lạc cho trần gian. 

HT.Thích Trí Quảng

Giacngo.vn

Các tin đã đăng: