Ta hãy nói lỗi lầm của người khác trên tinh
thần góp ý, xây dựng để cùng nhau dấn thân và phục vụ đời sống xã hội
ngày càng tốt đẹp; không nên nói lỗi lầm ai đó để triệt buộc hoặc hạ bệ
người nhằm trả thù cá nhân. Thông thường thì chúng ta hay ngồi lại với
nhau để nói lỗi lầm của người khác, vì chúng ta nghĩ mình là người tốt
còn người kia là người xấu. Có khi chúng ta nói xấu người khác vì ganh
ghét họ, thấy họ hơn mình về địa vị và quyền lực. Khi chúng ta không làm
chủ bản thân trong cơn tức giận, ta có thể nói xấu người khác. Đôi khi,
chúng ta nói xấu người khác để lôi kéo mọi người về phe của mình.
Nói xấu người khác sẽ dẫn đến tai hại như
thế nào? Chính khi đang nói, ta cảm thấy bực bội, tức tối và dường như
chúng ta cũng bất an khi phanh phui lỗi của người. Khi chúng ta thấy lỗi
lầm của người khác là chúng ta có thể bỏ mất cơ hội hiểu biết và thương
yêu hơn. Một lời nói tốt đẹp có thể đem lại hòa bình cho nhân loại. Một
lời nói thách thức có thể gây ra chiến tranh. Nói xấu kẻ khác có được
lợi ích gì? Thường thì không được lợi ích gì cả mà chỉ khiến ta phải
mang khẩu nghiệp. Khi nói xấu người thì bị người nói xấu lại, cũng có
khi dẫn đến gây gổ, xích mích, hiềm thù nhau. Cho nên, chúng ta nguyện
không nói lỗi lầm của người khác để khẩu nghiệp của ta được thanh tịnh,
do đó ta có thời gian quán chiếu, soi sáng sự vật một cách tốt đẹp. Khi
chúng ta tức giận ai, chúng ta dễ dàng nói xấu người đó để thuyết phục
mọi người đứng về phía mình. Có khi, chúng ta nói xấu người vì ganh
ghét, nói xấu người vì họ hơn mình, nói xấu người để hả cơn giận. Vậy ta
nói xấu người khác để được lợi ích gì? Chắc chắn chúng ta sẽ mang lấy
khổ đau; cũng giống như người đốt đuốc đi ngược chiều gió, người thì
chưa nghe chưa biết nhưng ta đã bốc lửa sân si. Khi nói xấu người khác
chính bản thân ta đã phải chịu bất an, vì khi nói xấu ai tức có sự nóng
giận nên ta cảm thấy mình là kẻ khổ trước tiên.
Để đối trị bệnh nói xấu người khác, ta hãy
nhìn thấy cái hay của họ. Nếu ta để ý điều tốt của họ thì ta sẽ không
thấy lỗi lầm, vì ta thấy việc tốt nên sinh tâm hoan hỷ. Có nhiều người
chỉ thích nói sự thật chứ không thích nói để được lòng thiên hạ, họ tôn
trọng cái thực nên lúc nào cũng thẳng ruột nói đúng mục đích; do đó bị
nhiều người tỵ hiềm, ganh ghét, chờ thời cơ trả thù. Ai cũng biết rằng,
nói sự thật là quý giá nhất trên đời, nhưng “thuốc đắng dã tật, sự thật
mất lòng”. Khó có ai đủ can đảm nhìn nhận sự thật, vì sự thật lúc nào
cũng phũ phàng. Nhất là nói sự thật với những người có quyền thế thì dễ
bị mang họa vào thân, vì người có quyền thì sĩ diện bản ngã lớn hơn ông
trời con. Nói sự thật là một điều tốt nhưng vẫn còn tùy thuận vào môi
trường sống của chúng ta. Nếu chúng ta cứ một bề chấp chặt vào sự thật, e
có ngày ta sẽ gặp hiểm nguy vì kẻ tiểu nhân sẵn sàng chống trả quyết
liệt bằng mọi cách. Như thế, dù nói sự thật cũng chưa hẳn là giải pháp
tốt để giúp mọi người thăng hoa trong cuộc sống; nhưng nếu nói sự thật
để bảo vệ chân lý vì sự sống còn của nhân loại, vì lợi ích cho nhiều
người thì dù có chết ta vẫn phải nói. Nói để làm gì? Nói để đem lại công
bằng cho nhân loại; nhưng nếu nói sự thật làm cho đối phương không còn
cơ hội để được sống yêu thương và tác hại lớn đến cộng đồng, xã hội thì
ta phải khéo léo che giấu bớt.
Tóm lại, nói xấu người khác là căn bệnh
trầm kha của đa số con người, là thói quen thâm căn cố đế do chấp ngã
gây ra. Trong lúc nóng giận dễ phát sinh những lời nói xấu người khác,
hoặc thấy ta đúng người sai nên hay nói xấu người khác, hoặc ta muốn hạ
bệ người để tranh giành quyền lực nên nói xấu kẻ khác để kéo họ về phe
ta. Trong sự tương quan giao tiếp hằng ngày, mọi sự xích mích, bất hòa
đều bắt nguồn từ việc nghĩ xấu và nói xấu người khác. Khi nói xấu người
khác, tức tâm ta có sân hận, bực tức, khó chịu. Ta đang làm tổn thương
mình và người. Vì sao? Vì mình đang đưa khối u ung nhọt vào trong lòng
mình nên lúc nào nghĩ tới người đó là ta khổ não. Ta tự giết chết chính
mình trong lần mòn đau khổ, bởi khi nghĩ xấu và nói xấu người khác tâm
ta bị vẩn đục và gây thêm nghiệp ân oán, thù hằn. Muốn không nói xấu
người khác ta phải tập đừng nhìn thấy lỗi người, vì khi thấy lỗi người
ta dễ dàng bị kích thích tác động bởi thói quen nhiều đời tranh hơn,
tranh thua; nếu hơn thì sinh ngã mạn, còn thua thì sinh oán hờn, tìm
cách nói lỗi của nhau. Không nghĩ xấu và nói xấu người là một hạnh tu
rất khó làm, không phải một sớm một chiều mà chúng ta có thể thành tựu.
Nói là một khả năng đặc biệt của con người,
là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất để chúng ta tiếp nhận những
giá trị sống bằng sự yêu thương hay ghét bỏ. Lời nói rất lợi hại trong
khi giao tiếp với mọi người, một lời nói tốt có thể đem lại thiện cảm
cho nhau và ngược lại sinh ra hận thù. Nghĩ xấu người khác chỉ làm cho
tâm ta tổn thương, còn nói xấu người khác làm cho hai người đều tổn
thương. Nhưng ngược đời thay, có những kẻ phải nói mạnh như thế họ mới
chịu sửa sai, còn dùng lời nói ái ngữ đối với họ chẳng hiệu quả gì. Quả
thật, tâm tính chúng sinh do tạo nghiệp bất đồng nên chẳng ai giống ai,
cũng lời nói đó đem áp dụng với người này thì có hiệu quả tốt, nhưng đem
áp dụng với người kia thì đổ vỡ. Chúng ta có tật hay nói, thích nói, hễ
ngồi lại cùng nhau là nói chuyện phải quấy, tốt xấu, hơn thua, chê bai
người này, chỉ trích người kia. Để chuyển hóa nghiệp nói xấu người khác,
đầu tiên chúng ta tập ý không nghĩ xấu người khác, ý đã không nghĩ xấu
thì miệng không bao giờ nói xấu. Muốn vậy, ta phải học hạnh lắng nghe
của Bồ tát Quán Thế Âm, luôn lắng nghe tiếng nói của tha nhân, lắng nghe
tâm tư của mọi người để trải lòng bao dung đến thiên hạ; hoặc ta học
hạnh lễ xá của Bồ tát Thường Bất Khinh, luôn thấp mình khiêm cung lễ xá
mọi người và thấy ai cũng là Phật hết. Ngoài việc thực tập các công hạnh
của Bồ tát, chúng ta còn học hạnh tùy hỷ khen tặng người khác. Đa số
chúng sinh thích chê hơn thích khen. Khi thấy ai làm một điều xấu gì đó
thì ta phải quán tha thứ, vì họ bị vô minh che lấp, họ đáng thương hơn
đang ghét, nên ta không nói xấu họ. Khi thấy ai làm một điều tốt, ta nên
khen ngợi để khích lệ họ, ta và người cùng vui vẻ với nhau để được sống
có hiểu biết và yêu thương.
GIÁ TRỊ CỦA THÀNH THẬT
Thuở xưa, có một vị vua sống rất nhân từ và
đức độ, giúp dân chúng an cư, lạc nghiệp trên tinh thần đoàn kết, yêu
thương, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống; nhưng ông
không có con trai mà chỉ có đứa con gái duy nhất. Vua và hoàng hậu cùng
bàn nhau để kén chọn hoàng tử kế thừa ngôi vị mai sau. Để kén chọn được
một vị hoàng tử tài đức vẹn toàn, nhà vua cho truyền lệnh khắp tất cả
đất nước ai là con trai hãy đến cung điện để chuẩn bị cuộc thi có một
không hai từ trước tới nay. Cuộc thi này rất khác lạ và có vẻ đòi hỏi
một nhân cách siêu việt của con người tâm linh. Mỗi chàng trai đều được
nhận một gói hạt giống hoa như nhau đem về ươm mầm, người trồng cây hoa
đẹp nhất sẽ được chọn làm hoàng tử và được kết hôn cùng công chúa với
thời hạn ba tháng. Các chàng trai ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi vì việc
kén chọn hoàng tử quá đơn giản, chỉ chịu khó chăm sóc một chậu hoa thật
đẹp sẽ được cưới nàng công chúa xinh đẹp, kiều diễm và sở hữu cả giang
sơn gấm vóc.
Đến kỳ hạn, mỗi chàng trai đều đem đến
những chậu hoa thật xinh đẹp, không thể chê vào đâu được. Người đến xem
ai cũng trầm trồ khen ngợi những chậu hoa đẹp tuyệt vời ít thấy xưa nay.
Vậy mà nhà vua và hoàng hậu vẫn không hài lòng và như còn đang chờ đợi
một điều gì khác. Các chàng trai đều rất hồi hộp và nao nức chờ đợi kết
quả, ai cũng có vẻ mặt hết sức hân hoan. Bỗng có một chú bé vừa khóc,
vừa mếu rất thảm thương ôm chậu đất không chạy vào. Vua mới hỏi, “vì sao
con lại khóc?” Chú bé thật thà thưa, “tháng trước con nhận được gói hạt
giống hoa, con đem về và mua chậu đẹp, đất tốt, bón phân đầy đủ, chăm
sóc hết sức kỹ lưỡng và chu đáo, vậy mà không có một cây hoa nào mọc
lên. Hu! Hu!” Vua và hoàng hậu bấy giờ mới cảm thấy hài lòng vì đã tìm
ra vị hoàng tử tương lai. Vua dẫn chú bé ra trước mặt mọi người tuyên bố
“đây mới chính là hoàng tử của ta”, làm cho tất cả mọi người cảm thấy
khó chịu, bức xúc trước lời tuyên bố đó. Trước những lời xôn xao bàn
tán, nhà vua từ tốn nói, “chú bé này xứng đáng là hoàng tử của ta. Vì
sao? Vì chú bé này rất thành thật, ta đang cần một con người như thế.
Hạt giống mà ta trao cho các ngươi đã bị luộc chín nên không thể nào lên
được”. Các chàng trai nghe nhà vua nói như thế thì tự nhìn lại nhau và
đồng nói lên, “quả thật, tất cả chúng con đều gian dối; vì sợ không có
chậu hoa đẹp nên chúng con đã mua cây hoa khác thế vào”. Cuộc thi đã
chấm dứt, chú bé được chọn làm hoàng tử.
Thành thật có nghĩa là không dối gian.
Thành thật là một đóa hoa thơm của đạo đức, là bản chất tốt của bậc hiền
Thánh. Người thiếu thành thật là người hay dối gạt kẻ khác. Tại sao mọi
người hay gian dối? Khi gian dối như thế chúng ta sẽ được gì! Tuy có
thể ta được lợi trước mắt, nhưng lại gây hại lâu dài cho mình và người
mai sau. Câu chuyện trên đã cho ta một bài học đạo lý hết sức đơn giản
nhưng giá trị của nó không thể nghĩ bàn. Ở đời, ít ai can đảm dám nhận
chịu sự thật và nói lên sự thật. Do đó, ta chỉ sống với nhau toàn bằng
những hình thức giả dối bên ngoài để được lòng nhau. Sự tiến bộ của tiện
nghi, văn minh vật chất làm cho con người càng ngày càng nghiêng về
hưởng thụ nhiều hơn. Vì muốn mọi người chung quanh cung kính và ngưỡng
mộ mình, ít ai ý thức giữ được lòng thành thật. Đó là một sự thật quá
đau buồn của thế nhân trong cuộc sống hiện tại, mặc dù ai cũng biết
thành thật là một đức tính tốt. Từ người thân trong gia đình cho đến
mọi người trong xã hội, ai cũng muốn người khác thành thật với mình,
nhưng thực tế đã cho chúng ta thấy, hầu như mọi người đều sống giả dối
với nhau nhiều hơn. Do đó, dân gian có câu châm biếm, mỉa mai:
Lèo lách, lừa lọc lẹ lên lương,
Thật thà, thành thật thường thua thiệt.
Người sống thành thật rất bị nhiều người
ghét bỏ và kẻ xấu có thể lợi dụng để hãm hại. Tuy nhiên, người có tấm
lòng từ bi rộng lớn và vị tha thì lúc nào cũng thành thật. Chúng ta
không vì thế mà trở nên điêu ngoa, xảo trá vì sợ những tổn thất nho nhỏ
vì quyền lợi mà bỏ đi tấm lòng thành thật của mình. Tiền bạc, lợi dưỡng
mất đi chúng ta có thể làm kiếm lại, một khi lòng thành thật mất đi
chúng ta sẽ trở thành một con người không có nhân cách đạo đức tốt.
Người có nhân cách đạo đức thì luôn được hưởng những đặc ân tốt đẹp dù
kẻ xấu có muốn hãm hại cũng không làm gì được. Chúng ta có thể qua mắt
được pháp luật, dối gạt mọi người, nhưng không thể dối gạt chính mình;
và luật nhân quả rất công bằng, sòng phẳng khi hội đủ nhân duyên. Ngày
nay, trong xu hướng thời đại phát triển, con người mỗi lúc mỗi đông nên
nhu cầu sự sống càng nhiều. Các nhà kinh doanh dựa theo lòng tham của
con người để quảng cáo sai sự thật về sản phẩm của mình nhằm lừa bịp
khách hàng. Cho nên, dân gian có câu “mua lầm chớ không bán lầm”.
Một số người tu vì muốn người khác cung
kính mình để được nhiều lợi dưỡng, tiếng tăm nên chưa chứng đạo lại dối
xưng mình đắc đạo. Vì lợi dưỡng cho chính mình mà chúng ta lạm dụng nói
dối, trong nhà Phật gọi là đại vọng ngữ. Ai phạm vào tội này quả báo về
sau rất nặng nề vì đã lạm dụng sự cung kính, lợi dưỡng của nhiều người.
Chúng ta có thể lừa dối một người hoặc nhiều người trong một thời gian
nào đó chứ không thể lừa dối mọi người mãi mãi. Sự thật vẫn là sự thật,
một lúc nào đó sức mạnh của chân lý sẽ được phơi bày.
Vậy vì sao con người ta hay gian dối; nói
dối như vậy có mục đích gì? Phần lớn con người ta nói dối có hai mục
đích: nói dối để đem lại lợi ích cho mình, nói dối để vu khống hại
người. Thông thường, người tu nói dối để được sự cung kính và lợi dưỡng,
hoặc nói dối để che đậy lỗi lầm của mình. Có năm vị Tỳ kheo vì muốn mọi
người cúng dường nhiều nên đã nói dối mình đắc đạo, do đó sau khi chết
bị đọa vào ác đạo vô số kiếp để trả quả. Đến khi được làm người thì làm
người hèn hạ, thấp kém. Hoàng hậu Mạc Lợi sau khi đảnh lễ đức Thế tôn và
cung kính cúng dường xong mới ngồi sang một bên hỏi rằng, “thưa Thế
tôn, con nhiều đời do gieo nhân gì mà hiện tại được làm hoàng hậu?” Phật
mới nói, “ở nhiều kiếp lâu xa, do hoàng hậu là một Phật tử thuần thành
đã cung kính cúng dường năm vị Tỳ kheo, năm người này đã nói dối mình
đắc đạo nhưng lại không tu hành gì hết, chỉ thọ hưởng cúng dường cho qua
ngày tháng; đến khi chết vô số kiếp bị đọa vào ba đường ác để chịu quả
khổ đau. Trong đời hiện tại được sinh trở lại làm người nô lệ hạ tiện và
trở lại phục dịch cho hoàng hậu”. Nghe đến đây, hoàng hậu hoảng hốt mới
hỏi đức Phật, “vậy năm thầy đó đang làm gì cho con thưa Thế tôn?” Đức
Phật mới từ tốn trả lời, “bốn người khiêng kiệu và một người dọn dẹp,
chà rửa nhà vệ sinh”. Hoàng hậu sau khi biết được nguyên nhân đã tuyên
bố phóng thích năm người đó, nhưng năm người này vì duyên nợ năm xưa
chưa hết nên xin bà tiếp tục làm công việc đó vô điều kiện. Câu chuyện
này là một bằng chứng thiết thực để cảnh tỉnh những người tu hành như
chúng ta hiện nay. Chúng ta là người đang hướng dẫn sự thật của chân lý
cuộc đời, kêu gọi và khuyên nhủ mọi người hay nên sống thành thật, tức
không dối gạt người khác. Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Một lần nói
dối đã làm cho mình mất uy tín thì một vạn lần sau dù chúng ta có nói
đúng, làm đúng nhưng khó có ai tin.
Tuy nhiên, có những chuyện ta cần phải nói
dối để cứu người tai qua nạn khỏi, vì nói sự thật có thể làm hại cho kẻ
khác. Ngày nay, vì nhu cầu sự sống, các dịch dụ quảng cáo thường nói sai
sự thật để kích thích lòng tham của nhân loại. Con người ta vì tham
tốt, tham rẻ nên bị sụp bẫy các nhà kinh doanh. Tán tận lương tâm hơn,
vì lợi dưỡng mà một số người đã dùng hóa chất độc hại để đưa vào thức
ăn, thực phẩm cho con người bất chấp hậu quả bệnh hoạn, chết chóc về
sau. Nhan nhãn mỗi ngày, báo chí thường đăng tin ngộ độc thức ăn tập thể
do lòng tham con người quá đáng, chỉ biết lợi nhuận trước mắt mà không
biết hậu quả về sau. Vậy mỗi người chúng ta hãy nên thành thật như chú
bé ôm chậu đất không mà được làm hoàng tử. Sau đây là bốn trường hợp nói
thật và nói dối, chúng ta phải xem xét từng nguyên nhân để không làm
tổn hại cho tha nhân.
Nói sự thật đem lại lợi ích cho người nghe: Trường
hợp này ta nói sự thật để đem lại lợi ích cho người nghe, như chúng ta
nói về sự công bằng của luật nhân quả và lý duyên sinh, nói cho đủ là
nhân-duyên-quả; ai gieo nhân gì sẽ gặt quả đó, dù trăm kiếp ngàn đời vẫn
không mất, khi hội đủ nhân duyên quả báo hoàn tự hiện. Chỉ có người làm
việc đại thiện hoặc đại ác thì quả báo mới có thể thay đổi theo chiều
hướng khác. Người hay giết hại thì chịu quả báo bị giết hại trở lại, bị
chết yểu hoặc bị bệnh tật triền miên. Người hay bố thí thì được quả báo
giàu sang, có nhiều của cải. Người hay khiêm hạ thì sẽ được địa vị cao,
quyền chức lớn. Người hay siêng năng học hỏi sẽ được thông minh, sáng
suốt. Người sống vô ngã, vị tha, sống vì mọi người thì sẽ được đạo đức
chói sáng như hương thơm bay ngược chiều gió vậy.
Nói sự thật đem đến tác hại cho người nghe: Trường
hợp này là ta nói sự thật có thể đem đến tác hại cho người nghe, nhiều
khi còn gây ra hậu quả không thể lường. Trong nhà Phật có một câu chuyện
về vị Tỳ kheo nguyện chịu đánh đập tàn nhẫn để giữ tính mạng cho con
ngỗng đã lỡ nuốt mất viên kim cương của vị gia chủ nơi ông đến khất thực
mỗi ngày. Vì bị nghi ngờ là kẻ cắp chiếc nhẫn kim cương, ông bị chủ nhà
đánh đập rất tàn nhẫn. Trên đời này có rất nhiều người khi đã ý thức
được lợi ích của lời nói chân thật sẽ dứt khoát không bao giờ nói dối và
cũng không bao giờ nói lên sự thật để hại người, hại vật. Đó là hạnh
chân thật của những vị Bồ tát phát tâm đi vào đời vì lợi ích chúng sinh.
Vị tỳ kheo vì thương chúng sinh nên không dám nói sự thật, chấp nhận bị
gia chủ đánh đập thê thảm, thân đầy thương tích. Đến khi con ngỗng vô
tình bị con trâu điên đạp lên mình chết liền tại chỗ, vị tỳ kheo mới nói
ra sự thật. Gia đình liền cho người mổ con ngỗng và lấy lại được viên
kim cương. Sau đó, cả gia đình đều quỳ xuống lễ lạy để tạ lỗi sám hối,
mong vị tỳ kheo tha thứ. Câu chuyện này nếu nói về lý rốt ráo thì vị tỳ
kheo đã tu theo hạnh nhẫn nhục Ba la mật, nên chấp nhận chịu đau thương
về phần mình, thà mình chịu hy sinh thiệt thòi chớ không để kẻ khác đau
khổ; nếu nói về tình người, vị tỳ kheo khi thấy con ngỗng nuốt chiếc
nhẫn và báo với chủ nhà biết thì mọi việc sẽ êm đẹp, vì phước của loài
vật kém hơn con người. Viên kim cương lại là của nhà vua gửi để làm
nhẫn, nếu thật sự bị kẻ gian lấy đi thì gia đình nọ sẽ chịu họa thê thảm
biết chừng nào. Trong cơn khủng hoảng, lo sợ, thử hỏi làm sao họ không
tàn nhẫn với vị tỳ kheo vì trong nhà lúc đó chỉ có vị tỳ kheo nên ngài
không lấy thì ai lấy. May mà sự việc đã được sáng tỏ, con ngỗng bị trâu
dẫm chết, nếu không thì hậu quả sẽ ra sao?
Chúng ta giả sử, nếu con ngỗng không bị
chết đột ngột như vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra. Vị tỳ kheo sẽ bị bắt đưa
lên vua xét xử, nếu đặt ta vào trường hợp đó thì mình sẽ chỉ ngay con
ngỗng là thủ phạm, coi như mọi việc sẽ êm xuôi. Đằng này, vị tỳ kheo
biết con ngỗng như vậy nhưng tại sao ngài vẫn lặng thinh để bị đánh đập
không một lời than oán. Đây là công hạnh cuối cùng của Bồ tát. Các vị an
nhẫn, chấp nhận mọi thống khổ thế cho chúng sinh; nếu nói sự thật con
ngỗng sẽ bị giết và ngài sẽ không thành tựu hạnh nhẫn nhục Ba la mật.
Câu chuyện trên dường như thấy hoang đường khiến người đọc khó chấp nhận
vì nó ngoài sự hiểu biết của mình; chỉ có các bậc đại Bồ tát với Bồ tát
mới thông hiểu được chỗ này. Đa số người thế gian cho đó là phi lý. Con
ngỗng nuốt chiếc nhẫn thì cứ nói nó nuốt chiếc nhẫn, có làm sao đâu?
Thôi thì chỗ này mỗi người tự quán chiếu, suy tư thì sẽ thấy được giá
trị thiết thực của nó.
Nói dối đem lại lợi ích cho người nghe - Nói dối đem đến tai hại cho người nghe (hoặc hại mình):Hai
trường hợp nói dối để đem lại lợi ích cho người nghe và ngược lại nói
dối sẽ đem lại tai hại cho người nghe cũng như việc chúng ta thấy một
người cầm dao đang tìm người để giết. Nếu ta nói sự thật thì việc gì sẽ
xảy ra? Tất nhiên, án mạng sẽ xảy ra, nhẹ lắm cũng có kẻ tù, người tội.
Cho nên, nói đúng sự thật cũng chưa hẳn là tốt. Chúng ta phải biết tùy
thời, tùy duyên, nói làm sao để đem lại lợi ích cho nhiều người.