Chúng ta sinh
ra trong cõi Dục nên ái dục vốn sẵn trong thân tâm của mình. Ái dục nam nữ là
nghiệp dĩ bình thường của chúng sanh. Trong đời sống thế tục, ái dục đem đến hạnh
phúc khiến cho họ gắn kết không rời, có người không chỉ yêu thương nhau trong đời
này mà còn nguyện ước gắn kết trong các đời sau.
Người xuất gia thì ngược lại, không tùy thuận theo dòng
chảy ái dục như người thế tục. Khi mới phát tâm xuất gia, dĩ nhiên năng lực ái
dục chưa được chế ngự và nhiếp phục, nên tránh duyên là điều hết sức cần thiết.
Nếu không tránh duyên được, chánh niệm là pháp quan trọng để giữ vững thân tâm.
Nhờ có chánh niệm, tâm vọng khởi mê đắm sắc dục được chuyển hóa, giúp người tu
làm chủ được mình.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Ta ở trong chúng này, không thấy một pháp nào tối thắng,
tối diệu, mê hoặc người đời, không đến được chỗ tĩnh lặng, cột trói vào lao ngục,
không giải thoát được, như là đàn ông trông thấy sắc của đàn bà. Thấy rồi họ liền
khởi tưởng để ý, rất yêu kính, khiến người không được tĩnh lặng, trói buộc lao
ngục, không cởi bỏ ra được, ý không xa lìa, xoay vần qua lại đời này đến đời
sau, luân chuyển năm đường, trải bao số kiếp.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Tiếng Phạm âm nhu nhuyến
Như lời Như Lai khó thấy
Hoặc lại có lúc thấy
Buộc niệm ở trước mắt
Cũng chớ cùng nữ nhân
Qua lại và nói năng
Hằng bủa lưới bắt người
Chẳng đến được vô vi.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nên trừ các sắc khởi tưởng đắm
trước. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm
Một đứa con,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.99)
Rõ ràng, vượt qua đam mê ái dục nam nữ là một trong những
thách thức to lớn đối với người xuất gia. Chính Đức Phật cũng xác định, nếu trần
gian có đến hai món khoái lạc như ái dục nam nữ thì không ai có thể tu được. Chỉ
có một món thôi cũng đã khiến cho nhiều người trầy trật trên đường tu của mình.
Thế Tôn đã dạy, nếu biết tránh duyên và nhất là thường “buộc niệm ở trước mắt”
thì có thể làm chủ tâm, chuyển hóa các ý niệm đắm say, dính mắc vào sắc dục.
Thế Tôn đã dùng biết bao phương tiện để nói đến sự bất tịnh
của sắc, sự nguy hiểm của sắc, sự trói buộc của sắc để giúp cho người tu giác tỉnh.
Kỳ thực thì sắc trần vốn không có lỗi, tâm chúng ta đắm trước sắc trần mới là
căn nguyên của tội lỗi. Do đó, “trừ các sắc khởi tưởng đắm trước” không phải
phá bỏ các sắc thuộc về bên ngoài mà chủ yếu là giữ vững tâm của mình.
Riêng đối với người đệ tử tại gia, pháp thoại
này mang ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập và giữ gìn hôn nhân hạnh phúc.
Nhờ các nhân duyên trong quá khứ và hiện tại nên hai người tự nguyện đến với
nhau, nguyện sống chung và “trói buộc, không xa lìa” nhau. Chính nhờ nghiệp luyến
ái này mà thệ nguyện sống với nhau đến ngày răng long, tóc bạc. Vậy nên mỗi người
cư sĩ phải tự sửa mình, sao cho mình trở nên hấp dẫn, dễ thương và mát mẻ để
“trói buộc” nhau chặt hơn. Hạnh phúc gia đình vốn rất mong manh, vì vậy mỗi người
phải là điểm tựa cho người bạn đời và người thân của mình tìm về, dù cuộc mưu
sinh ngược xuôi, nhiều lo toan vất vả.