Lễ bái là một nghĩa cử cao đẹp trong việc đặt niềm tin và quy ngưỡng hướng về Chư Phật, chư Bồ Tát và chư Hiền Thánh Tăng. Quỳ lạy tức biểu lộ đức tánh khiêm tốn và để tỏ lòng tri ân, báo ân mà người Phật tử hằng tạc dạ ghi tâm, ân triêm công đức.
Các hình thức lễ bái trong đạo Phật
Bên cạnh đó, trong Phật giáo sự lễ bái còn tiêu biểu nhiều ý nghĩa khác như chánh quán lễ, phát trí thanh tịnh lễ, thật tướng bình đẳng lễ và biến nhập pháp giới lễ. Trước hết chúng ta chỉ đề cập đến cách lễ bái của hàng Phật tử, còn những cách trên sẽ được trình bày ở chương ý nghĩa.
1. Cách lạy của người Phật tử
Trong Đại Đường Tây vức ký quyển 2 ghi; Ấn Độ có 9 cách lạy được gọi là Tây vức cửu nghi như sau:
Phát ngôn úy vấn lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách mở lời vấn an
Phủ thủ thi kính lễ: Lễ bái bằng cách cúi đầu xuống
Cử thủ cao ấp lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách dơ tay cao vái chào
Hiệp chưởng bình cung lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách chấp tay ngang bằng vái chào đối tượng thi lễ.
Khuất tất lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách quỳ gối.
Trường quy lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách quỳ nằm dài ra.
Thủ tất cứ địa lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách hai tay và hai đầu gối quỳ sát đất.
Ngũ luân cu khuất lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách năm vóc đều cúi xuống.
Ngũ thể đầu địa lễ: Nghĩa là lễ bái bằng cách năm vóc gieo xuống đất.
Chín cách lạy này về sau đã đi vào Phật giáo, thỉnh thoảng vẫn thấy sử dụng ở một số tông phái.
2. Cách lạy của bậc Đại Thừa Bồ Tát
Cách lạy này còn gọi là cách lạy của thánh giáo, thuộc về lý. Mục đích là thể nhập pháp giới tánh của chư Phật. Tức là thế giới thuộc về pháp tánh của chư Phật an trụ và thấy thẳng được Phật thân, thấy được pháp thân thanh tịnh của chư Phật.
- Chánh quán lễ: Nghĩa là quán chiếu pháp thân chân chính của chư Phật hiện ra trước mặt. Vận dụng thiền quán chiếu soi Phật thân hiện ra trước mặt để lễ lạy.
- Phát trí thanh tịnh lễ: Với người thực hành thiền định phải tu tập thiền quán cho đến khi trí tuệ thanh tịnh phát sanh từ nơi chân tâm mà không phải trí tuệ thanh tịnh phát sanh từ nơi thức tâm. Khi trí huệ thanh tịnh phát sanh từ chân tâm là Phật trí trong bản tâm thanh tịnh của mình và dùng nó để đảnh lễ pháp thân chư Phật trong mười pháp giới. Pháp thân của chư Phật trong mười pháp giới đều phát sanh từ nơi bản tâm thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh của mình cũng phát sanh từ nơi bản tâm thanh tịnh chung của mười pháp giới. Do đó, người lễ bái một đức Phật là lạy tất cả chư Phật trong mười phương không ngăn ngại.
- Thật tướng bình đẳng lễ: Cách lạy này phải dùng trí tuệ để quán chiếu thật tướng của vạn pháp thể hiện một cách bình đẳng, không sai biệt. Không có nhân, ngã, bỉ và thử. Người lễ bái không thấy có mình lạy và người để cho mình lạy. Dùng trí tuệ quán chiếu thật tướng vạn pháp để nhận thấy rằng: Mình và người, thể và dụng, phàm và thánh thảy đều vắng lặng không hai.
- Biến nhập pháp giới lễ: Tức là vận dụng trí tuệ bát nhã thanh tịnh của mình quán chiếu thân và tâm nơi chính mình biến nhập vào pháp giới tánh của vạn pháp một cách dung thông. Pháp giới tánh không bờ mé, là nơi Chư Phật thường an trụ để hiện thân hóa độ chúng sanh.
Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng hay xã hội đều có những hình thái lễ nghi tôn kính khác nhau, thể hiện ước vọng tôn kính của con người đối với những đối tượng mà họ nhận thấy đáng tôn kính, trân trọng và tri ân. Đối với Đạo Phật, lễ bái, nghi lễ được xem là một phương tiện, vừa thể hiện nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống, vừa phản ánh một động thái chánh niệm của người Phật tử trong quá trình tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ.
Ý nghĩa lễ bái trong đạo Phật
Đối với người học Phật, vấn đề lạy Phật là một phương tiện hết sức thù thắng, giúp cho hành giả tăng trưởng thiện pháp và thể nhập Phật tánh. Lại nữa, pháp môn này nếu được xây dựng trên niềm tin, thì có thể phát sinh tất cả công đức mà người học Phật đang mong cầu.
“Tín vi đạo nguyên công đức mẫu
Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn
Thoát ly sanh tử, xuất mê lưu
Trực vãng niết bàn vô thượng đạo”
(Tín là nguồn đạo, là mẹ công đức
Nuôi dưỡng căn lành làm cho lớn mạnh
Giải thoát sanh tử, ra khỏi dòng mê
Đến thẳng niết bàn, chứng vô thượng tuệ)
Việc lễ Phật với lòng chí thành chí tín khiến cho hành giả phát triển hạnh lành và loại bỏ tà niệm. Lạy Phật ở đây không phải van xin tha tội hay cầu một sự cứu rỗi nào đó, mà lạy Phật sẽ thu nhận được những thiện pháp như sau:
Sự tôn kính trong lễ bái
Mỗi con người sống trong xã hội phải có sự tương duyên. Trong sự tương duyên đó con người được tồn tại và phát triển. Do đó, cuộc sống hay sự tồn tại của mỗi người đã mang ý nghĩa hàm ơn. Nếu thiếu sự tôn kính thì đạo đức không còn và muôn vật không tồn tại. Nhưng nếu con người chỉ biết bảo vệ bản ngã, tự cao, cứ cho ta là trung tâm của vũ trụ, không biết thừa nhận bản chất duyên sinh của hiện hữu thì không thể tiếp nhận sự tiến bộ về đạo đức tâm linh và dễ rơi vào các hành động bản năng. Nếu một người biết tôn kính điều tốt thì ngay từ ý niệm ban đầu họ đã phát sinh thiện pháp và nhất định sẽ đạt được điều đó. Chẳng hạn như khi lạy Phật, chư vị bồ tát, các bậc tôn túc thì nghĩ rằng mình không bì kịp các ngài, động lòng trắc ẩn, cảm thấy hổ thẹn, bấy giờ tâm lý ngã mạn biến mất.
Thấy được mình quá ư nhỏ bé, thấp hèn thì lòng khiêm hạ phát sanh, đó chính là công đức. Bên cạnh đó, sự cung kính vì nhớ ân trọng nghĩa thì linh khí kẻ mất người còn giao cảm nhau, hổ tương và chuyển hóa cho nhau. Như vậy người tôn kính đó sẽ dễ thành tựu được những gì như đấng họ tôn kính đã thành tựu. Vì không nắm bắt được ý nghĩa của sự tôn kính và lễ lạy, không ít Phật tử thường hiểu chư Phật, Bồ tát, thánh hiền như một vị thần linh có quyền ban phước giáng họa và do đó họ tỏ lòng tôn kính chỉ vì mục đích cầu xin. Chúng ta phải hiểu chư Phật là bậc giải thoát, bậc toàn trí chứ không phải toàn năng. Cảm cái ân của ngài vì lòng từ bi muốn cho nhân loại nhận chân thực tại để thoát ly ràng buộc khổ đau mà ta kính lễ ngài. Bởi vậy sự tôn kính, sự lễ lạy phải hợp với lý vô thường, luật nhân quả nghiệp báo, chứ không thần thánh hóa hay mê tin dị đoan; có vậy mới có cơ hội sửa mình và noi gương ngài.
Đối với Phật Pháp, tôn kính hay lạy pháp chính là tỏ lòng biết ơn và thành kính trước những lời dạy của Phật, vì đó là kim chỉ nam giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau. Trong cuộc sống nếu thực thi lễ lạy theo tinh thần đó thì sẽ thoát ly được sanh tử và nhất định đạt được trạng thái niết bàn ngay trong đời hiện tại.
Lạy và tôn kính Tăng vì đó là hình ảnh lý tưởng, là hàng ngũ tình nguyện thay Phật dẫn dắt chúng sanh trên đường đạo. Hơn nữa Tăng là mẫu người lý tưởng của xã hội, sống xả ly, ly dục, bất vị kỷ để bảo tồn chân hạnh phúc và ánh đạo cho đời. Chính vì hiểu như vậy nên chúng ta kính lễ và tôn vinh. Đạo Phật chủ trương tự giác và cũng có nghĩa là giác tha. Một văn hào Tây phương đã nói: “Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đây kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để quy nạp mà là để soi sáng người nghe”. Tuy nhiên, hoặêc quá tôn kính Phật và hiền thánh mà nghĩ rằng Phật giáo là một học thuyết cao siêu, nhiệm mầu kẻ thường nhơn không thể đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày được, thì đó là một quan niệm sai lầm do không hiểu biết Phật và giáo lý của ngài. Giáo lý của Đức Phật rất nhân bản, rất gần gũi, có thể áp dụng cho mọi người học Phật và là quy tắc thiết lập an lạc hạnh phúc chung cho tất cả nhân sinh. Kinh trường Bộ dạy: “Một người cao quý cần đối đãi với các ẩn sĩ, Bà La Môn thuộc phương trên theo năm cách; cử chỉ dịu dàng, lời nói hiền hòa, ý tứ tế nhị, không đóng cửa khi vị ấy đến, cúng dường thức ăn”. Đó là nghĩa cử cao đẹp và thái độ cao quý.
Đối với một nhà lãnh đạo lý tưởng, Đức Phật dạy: “Phải y theo chính pháp, trọng pháp, kính pháp, suy nghĩ về pháp, tôn vinh pháp, ca tụng pháp, dựng phương pháp, cờ pháp, y vào pháp mà bảo hộ các thể nữ, quần thần, quân nhân, sát đế lợi, cư sĩ, làng xóm, thành thị, sa môn, Bà la môn, cho đến chim chóc thú vật”. Như vậy, sự hiêỉn diệân của Phật cũng như giáo pháp của Ngài có giá trị rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực thanh lọc thân tâm mà ngay cả việâc ổn định xã hộâi và an dân trị quốc. Sự tôn vinh Phật và giáo pháp của ngài cần phải có cách nhìn chính xác, nhân bản, không nên hiểu theo cách qúa máy móc hoặc thờ ơ. Nhìn lại các triều đại hoàng kim của nước ta dưới thời Đinh, Lê, Lý, Trần, nhờ biết tôn vinh Phật và giáo pháp của ngài, khéo áp dụng giáo pháp đó vào sự nghiệp kiến thiết quốc gia mà toàn sứ sở đã đạt được thái bình thịnh trị. Quay về với Asoka, một hoàng đế có lịch sử và sự nghiệp vô tiền khoán hậu, thì Ông chính là vị vua đã từng tôn vinh và sống theo pháp trong suốt hơn nữa cuộc đời của mình. Khiến quốc gia được thái bình, toàn dân an cư lạc nghiệp. Geoffrey Mortiner, một nhà văn Tây phương, đã xem Asoka như một tấm gương lớn: “Quay về Phật Giáo, bạn sẽ đọc thấy Asoka (A Dục Vương) không những thuyết giảng đạo đức cao thượng mà đã sử dụng quyền uy của một đế vương trong một phương pháp, làm các bậc đế vương hiện đại của các niềm tin khác phải hổ thẹn”. Biết tôn vinh, kính lễ và học theo Phật cũng như giáo pháp của ngài còn được nhiều lợi ích khác mà dưới đây chúng ta tiếp tục đề cập.
Ý nghĩa về sám hối
Một số nhà phê bình thiếu hiểu biết cho Phật giáo là bệnh hoạn, yếm thế, lẩn quẩn bên khía cạnh đen tối, u ám của cuộc sống, là kẻ thù của các lạc thú vô hại, dững dưng chà đạp lên các thú vui hồn nhiên của cuộc đời. Họ xem Phật giáo như bi quan, nuôi dưỡng thái độ vô vọng về cuộc đời, khuyến khích một cảm giác mơ hồ chung chung. Có lẽ họ chưa nhận chân được hệ thống giáo lý của Đức Phật, mà chỉ nhìn một cách sơ sài ở các khái niệm. Ngài không dừng lại ở chỗ chỉ cho ta thấy đời là khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ đau mà còn dạy cho chúng ta biết thực hành con đường chấm dứt khổ đau. Có nhiều người cho rằng hình ảnh của Đức Phật là hiện thân của hòa bình, tịch tịnh, ly vọng và thiện chí, nụ cười rạng rỡ của ngài là cái toát yếu của giáo lý. Nếu một khi trong tâm trạng lo lắng và thất vọng thì nụ cười của ngài là liều thuốc bổ hiệu nghiệm và niềm an ủi vô song. Quả thực là như vậy, với những gì ở ngài khi ta đối diện, đảnh lễ ngài, chắc chắn thiện tâm sẽ phát sinh và sẵn sàng loại bỏ tam độc tố tham, sân, si, những vọng tưởng bất thiện pháp, nhân đau khổ tội lỗi không còn điều kiện để trỗi dậy nữa.
Từ sám hối trong đạo Phật có nghĩa là loại trừ những lỗi lầm trước và kiên quyết đoạn tận những nguyên nhân gây tội về sau. Đảnh lễ ngài chính là tôn vinh những nét chân, thiện, mỹ và làm suy yếu những hạt giống xấu xa. Chân, thiện, mỹ tăng trưởng thì ý niệm phi đạo đức, vong bản sẽ yếu dần. Đức Phật dạy: “Những câu hỏi siêu hình không đem lại lợi ích, không liên quan gì đến Pháp, không đưa đến giới hạnh, đến buông bỏ, đến chuyển hóa tham dục, hay đưa đến trầm lặng, an lạc, đến hiểu biết thực sự hay tuệ giác cao thâm, niết bàn”...Đó cũng chính là lợi ích và mục đích của pháp. Theo đó người ta có thể xác định được cách chuyển hóa và thăng hoa cho chính mình. Thân chúng sanh chính là kết quả của vọng niệm trong quá khứ, thân chúng sanh cũng chính là kẻ thừa tự của nghiệp, vì vậy ở đời không ai dám khẳng định là không có tội lỗi, tham, sân, si luôn ngự trị trong mỗi chúng sanh.
Sám hối cũng là điều thiết yếu nhất để tiêu trừ tội chướng, thông qua lễ lạy con người tự nhắc nhở mình làm lành lánh ác và lưu giữ hình ảnh của đấng toàn giác luôn ở trong tâm. Đức Phật cũng dạy nên tôn kính những bậc đáng được tôn kính. Ngài chỉ rỏ nên thi lễ với lòng thành kính, chú tâm như thiền định, tự huấn luyện, tự kỹ luật và tự kiểm soát tâm của mình. Việc thực tập đó rất cần đến đối tượng để an trú tâm, nếu không có thì việc định tâm, tập trung tư tưởng sẽ rất khó khăn. Người Phật tử thường dùng hình ảnh đức Phật như một đối tượng để nuôi lớn thiện tâm hay như một đề mục thiền định. Nhờ vào đó mà họ dễ dàng tập trung tư tưởng và phát khởi tâm từ bi. Do thường xuyên đảnh lễ chiêm nghiệm như vậy, hình ảnh đức Thế Tôn hoàn hảo sẽ đi sâu vào tàng thức, kìm hãm được những động cơ tạo nghiệp.
Theo luật nhân quả, tội lỗi không thể được diệt trừ bởi một động lực bên ngoài mà chỉ sửa sai bằng một pháp đối trị là không tạo nhân ác và làm những việc phước thiện “chỉ ác, tác thiện”. Đối với Phật Giáo, tội lỗi không phải gây ra do vi phạm hay bất tuân những luật định của một đấng tối cao nào đó mà do hành động sai lầm của con người qua thân, khẩu, ý được tác động bởi phiền não tham sân si. Do đó, Không có vấn đề cầu nguyện trong Phật giáo theo nghĩa thông thường, tức là cầu xin ban ơn tha tội, vì con người phải chịu trách nhiệm với chính mình chứ không ai khác chịu thay cho mình về những hành động tội phước đó.
Trong kinh Abhayaparittagatha dạy: “Niệm tưởng uy đức tam bảo để xua tan những âu lo, sợ hãi ở trong tâm. Ở đâu có phước lành ở đó là chốn hội tụ của các thiện thần. Nhờ vậy tiêu trừ điều bất tường. Cầu nguyện an lành cho tha nhân và xưng tán uy lực của Chư Phật toàn giác, độc giác và thánh chúng cũng là cách đem lại sự an lành thanh thản và không sợ sệt”. Đặc biệt trong Phật giáo có một phương pháp tu tập gọi là Hồng danh sám hối. Nghi sám hối này thuộc về sự, do ngài Bất Động pháp sư đời Tống Trung Hoa biên soạn. Ngài rút 53 danh hiệu Phật trong kinh “Ngũ thập tam Phật”, từ ngài Phổ Quang đến ngài Nhất thiết Pháp Tràng Mãn Vương, cộng với 35 hiệu Phật trong kinh quán Dược Sư, Dược Thượng, với Pháp thân Đức A Di Đà. Sau cùng thêm vào kệ Phổ Hiền đại nguyện thành nghi sám hối.
Về giá trị của Pháp sám hối này, Hòa thượng Thiện Hoa viết: “Nghi thức sám hối này nếu ai chí thành kính lễ thì sẽ diệt trừ những phiền não và tội lỗi đã tạo trong đời hiện tại cũng như nhiều đời về quá khứ. Đức Phật Tỳ Bà Thi nói ‘Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu 53 vị Phật này, thì trăm ngàn ức kiếp không đọa vào ba đường ác’. Đức Thích Ca nói ‘Thuở xưa, đời Phật Diệu Quang, ta đi tu nhằm đời mạt Pháp, nhờ nghe danh hiệu 53 vị Phật này và thành tâm lễ bái mà tránh khỏi những đau khổ trong đường sanh tử luân hồi nhiều kiếp’. Còn 35 danh hiệu Phật sau, từ ngài Thích Ca cho đến ngài Bảo Liên Hoa Thiên Trụ Ta La Thọ Vương thì trong kinh Bảo Tích nói: ‘Nếu tất cả chúng sanh hoặc phạm tội ngũ nghịch hay thập ác đến muôn kiếp không thể sám hối, chỉ xưng danh hiệu 35 vị Phật này và lễ bái thì nhiều tội chướng đều tiêu trừ’”.
Tóm lại, lễ bái với tinh thần sám hối không phải để cầu cạnh van xin được tha tội. Vì trong pháp môn lạy Phật có dụng ích thiết thực cho thân và tâm, điển hình như những mục đích sau:
1. Tìm cách thiết thực làm cho tâm tánh con người được trong sạch, hết sự lỗi lầm ở trong đời hiện tại, mà cũng tiêu trừ tội ác trong đời quá khứ.
2. Tìm cách phát triển những hạnh cao cả, noi theo những gương mẫu sáng suốt của các bậc thánh hiền.
Nhờ 2 phương pháp này sẽ thu được những lợi ích như sau:
Làm phát triển tánh thành thật.
Trau dồi đức tánh kiên quyết trong sự diệt trừ tánh xấu.
Dứt được tội và sanh được phước.
Mau thẳng đến chỗ giải thoát an vui.
Hiện nay, các tự viện ở nước ta có các hình thức tu tập như lạy sám hối hằng tháng, lạy thủy sám, lương hoàng sám. Tại tu viện Quảng Hương Già Lam, vào lúc 4 giờ đến 4 giời 30 mỗi ngày, Tăng chúng thực hành lạy pháp môn lễ sám do cố Hòa Thượng Trí Thủ biên soạn, không ngoài mục đích chiêm ngưỡng, tưởng niệm, quán chiếu để giúp tín, hạnh, nguyện tăng trưởng và thanh lọc thân tâm vậy.
Thích Giới Minh
vuonhoaphatgiao.com