Có khi nào chúng ta thử hỏi lại mình, là
chúng ta đã làm được những gì cho chúng ta khi đang sống trong cái thế
giới không chắc thật này? Hay là chúng ta làm ra rất nhiều máy móc chỉ
để phục vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của con người: Nào là tivi,
đầu đĩa, phim màn ảnh rộng; nào là nhạc cụ, sân vận động, hý trường; và
rất nhiều khu du lịch sầm uất đã mọc lên v.v… Đương nhiên là con người
sản xuất ra để giải trí. Thế thì nó đã ngốn hết của chúng ta bao nhiêu
thời gian trong ngày? Chắc chắn là không phải ít! Vậy mà chúng ta lúc
nào cũng than bận quá, nhất là khi được ai đó khuyên bảo rằng, hãy dành
một ít thời gian để sống đích thực cho mình.
Trong nhịp sống thời đại, quả thật thì
chúng ta có bận, nhưng xét cho cùng là do chúng ta không biết xếp đặt
thời gian chứ không phải chúng ta không có thời gian, hơn nữa chúng ta
vẫn chưa nhận thức chuẩn xác về những điều thiết thực quan trọng hơn mà
chúng ta cần phải để tâm trong đời sống ngắn ngũi này. Chỉ khi nào nhận
ra chân giá trị đích thực của cuộc sống, khi đó chúng ta sẽ không còn ta
thán: “Thời gian đâu nữa mà niệm Phật?”
Mặc khác, cho dù chúng ta có tất bật với
công việc (như chúng ta tự quan trọng hóa nó ) thì ít ra chúng ta vẫn
còn có thời gian để ăn uống, tắm giặt, lái xe v.v… nữa chứ! Thiết nghĩ,
trong khoảng thời gian để làm những việc này, chúng ta vẫn có thể niệm
Phật giống như hình ảnh của ông Mã thợ rèn mà chúng tôi đã đề cập trong
sách này.
Do chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về
lý vô thường, mặc dầu trong đời sống đôi khi chúng ta cũng buộc miệng
nói đến vô thường. Khi nhận thức sâu sắc về lý vô thường, chúng ta mới
có thể khởi lòng thương hại bản thân mình và khi đó chúng ta sẽ biết
phải làm gì chứ phải không đợi người khác khuyên răn nhắc nhở.
Chúng ta niệm Phật là niệm ở trong tâm,
là niệm nơi miệng. Chúng ta cho rằng, làm bất cứ điều gì như nấu ăn, tắm
giặt, hay lái xe… thì cũng phải để tâm trí vào mới được việc, do đó
chúng ta luôn miệng từ chối lời khuyên niệm Phật của người thân, thế
nhưng trong khi làm những công việc đó, thậm chí là đang làm những công
việc cần sự tập trung tinh thần cao hơn, thì đầu óc chúng ta vẫn nghĩ
ngợi trăm ngàn thứ chuyện trên trời dưới nước vẫn không sao. Như vậy
chúng ta khướt từ việc niệm Phật chỉ vì nghiệp chướng của chúng ta chứ
không phải vì đang bận việc.
Một thực tế đáng tiếc nữa, đó là khi
niệm Phật thì chúng ta cho rằng vọng tưởng tràn về cùng khắp khiến không
thể nào niệm được, còn khi vui chơi, giải trí thì chúng ta mặc tình cho
ngũ dục cuốn trôi. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn luôn “dành phần ưu
tiên” cho vô minh phiền não chiếm một vị trí xứng đáng trong tâm hồn
mỗi chúng ta. Quả thật là nghịch lý khi vô minh phiền não, sắc trần ngũ
dục, vọng tưởng điên đão từng giờ từng khắc che lấp bản tâm thanh tịnh
chúng ta thì chúng ta lại nuôi dưỡng nó, còn công phu trì danh niệm Phật
là phương tiện thù thắng để thoát ly luân hồi sanh tử, hướng về thế
giới Cực Lạc, một thế giới an vui vĩnh viễn thì chúng ta lại không đối
hoài đến, chúng ta cho rằng “không có thời gian”. Nếu phải dùng một câu
nói cho có hình tượng, có lẽ chúng ta phải nói rằng: “Chúng ta có dư
thời gian cho địa ngục, nhưng chúng ta chưa từng dành một chút thời gian
đúng nghĩa cho chính mình”.
Trong cuộc sống người đời vẫn thường bảo
nhau, có việc gì đó thì hãy từ từ mà làm, đừng vội, không khéo sẽ hỏng
việc. Đúng vậy, tất cả mọi công việc liên quan đến sinh nhai, chúng ta
không thể nóng vội mà thành, nóng vội ở đây là khi chúng ta chưa nắm
vững căn nguyên cũng như phương thức làm việc, hoặc chưa hiểu biết đối
tác thì đừng vội vàng tiến hành. Nhưng đó là những công việc thường tình
ở thế gian. Còn việc tu hành hầu mong thoát khỏi luân hồi sanh tử là
việc trọng đại, cấp bách như “cứu lửa cháy đầu” do vậy chúng ta cần phải
kịp thời nhận ra và tranh thủ với cái giới hạn của kiếp người vô cùng
ngắn ngũi này.
Thăng hoa đời sống tâm linh là một việc
làm cấp bách mà chúng ta không nên do dự hay hỗn đãi. Nhiều người cho
rằng, đi học giáo lý hay lên chùa niệm Phật, ảnh hưởng nhiều đến công
việc và đời sống gia đình. Thật sự thì không phải vậy! Nếu biết sắp xếp
thời gian hợp lý hoặc biết phương cách tu niệm, thì nó hồn tồn không ảnh
hưởng đến công việc, ngược lại việc tu niệm còn hỗ trợ tích cực cho
công việc thường ngày của chúng ta nữa.
Ngày nay, nhịp sống thời đại đã khiến
cho con người phải hối hả gấp gáp như chính những cổ máy tại các công
trường hay xí nghiệp mà họ đang công tác. Con người gần như không còn tự
quyết định cho đời sống bản thân của mình nữa và gần như họ đã quên đi
chính mình. Họ không biết rằng, chính con người mới là tác nhân đã biến
nhịp sống trở nên nặng nề hay thanh thản. Hơn bao giờ hết, lúc này là
lúc chúng ta cần phải dành cho bản thân mình khoảng thời gian nhất định
để hướng vọng về thế giới tâm linh, vì không ai biết được mình sẽ sống
được bao lâu, khỏe mạnh được bao lâu. Người xưa nói: “Đời người như bóng
câu qua cửa sổ” cũng nhằm khuyên chúng ta chớ phí phạm thời giờ mà hãy
thiết thực hơn khi đã thấu hiểu vòng xoay của bánh xe luân hồi sanh tử.
Thật ra loài người chúng ta rất cần mẫn,
năng động, linh hoạt nhưng đáng tiếc, thay vì hướng nội khám phá vô
minh phiền não ở đâu, thay vì biến tâm điên đảo vọng tưởng trở nên trí
tuệ thanh tịnh, thì nhân loại lại miệt mài tạo tác để phục vụ bản năng
dục vọng của mình. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta hãy thử xem trên
thế giới lồi người đã tạo tác những gì trong một phút, để chúng ta có
thể nhân đó rút ra vài nhận xét!
Chỉ trong một phút, con người đã sản
xuất ra 61.000 lít rượu vang, 220.000 lít bia, 0.4 tấn ca cao, 11 tấn cà
phê bột. Trong một phút, người ta đã đánh bắt 117 tấn cá, chế biến ra
thực phẩm từ 314 tấn thịt các loại, sản xuất 14 tấn xúc xích thịt heo, 7
triệu quả trứng gia cầm, 680 ngàn ổ bánh mì ăn sáng. Trong một phút con
người sản xuất ra 165 chiếc xe đạp, 62 chiếc ô tô, 178 tivi, 181 radio,
7.935 đôi giày, 126 máy điện thoại, 15 tấn thuốc lá. Trong một phút
trên thế giới có 272 em bé chào đời, 100 người chết. Trong một phút con
người đã uống 3,5 triệu lít nước các loại và thải ra 4 triệu lít nước
tiểu. Đây là kết quả công trình nghiên cứu của nhà khoa học Đức (Jurgen
Gansere) được công bố trên Tạp chí SZ Magazin với các thống kê tương đối
chuẩn của những cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc vào năm 2001.
Đọc
qua những con số này, chắc có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy bất ngờ và
bàng hồng trước sự tạo tác khủng khiếp của con người. Tuy nhiên những
con số đã được thống kê này, theo chúng tôi, nó vẫn là con số tượng
trưng chưa đầy đủ. Bởi vì trên thực tế hiện nay thì 2/3 dân số thế giới
thuộc về những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Ở các quốc
gia này, việc sản xuất không qui mô và không chính thức, chẳng hạn như ở
Việt Nam, có đến 90% đệ tử lưu linh chỉ uống rượu đế, đây là loại rượu
được nấu đại trà trong nhân dân, hầu hết không đăng ký bản quyền công
nghệ, không giấy phép kinh doanh, vì đây là mặt hàng bán lẻ, tự tiêu
thụ. Bia cũng thế, những loại bia “hơi”, bia “tươi” được sản xuất đại
trà ở các địa phương và được khoản 90% giới bình dân sử dụng. Việc đánh
bắt cá và sử dụng các loại thịt cũng thế. Do vậy chúng ta khó có thể
thống kê chính xác là con người đã tạo tác ra những gì trong một phút.
Khi đọc qua những con số lược kê trên
đây, chúng ta đã thấy quá khủng khiếp. Vậy mà nó vẫn chưa thấm tháp gì
so với những con số tương đối chuẩn mà con người đã tạo tác. Chúng ta
nên nhớ rằng, những số liệu vừa rồi chỉ được thống kê và công bố từ năm
2001 và chúng ta đều biết, sau mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng,
mỗi một năm, con người luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn trước, như ở
Việt Nam mức độ tăng trưởng là 7.2%, ở Trung Quốc còn khủng khiếp hơn
nữa 10 -11%, cứ mỗi phần trăm tăng trưởng thì con số sản xuất và tiêu
thụ càng tăng lên, kể cả mức “tăng trưởng” về sinh và tử! Do vậy nếu
tính đến năm 2007 này thì những con số tượng trưng cho sự sanh tử và tạo
tác của con người quả là không thể nghĩ bàn…
Có thể nói những con số nóng bỏng nêu
trên đã khiến cho những người dù có thờ ơ hay ít quan tâm đến diễn biến
chung quanh cũng phải giật mình. Những con số khủng khiếp đó cũng nhằm
khuyến cáo chúng ta rằng, thế giới và con người đang rất lấy làm tự hào
trước những thành tựu và tăng trưởng, nhưng thật ra đó chỉ là kết quả
của sự tạo tác không ngoài mục đích phục vụ ngũ dục của con người.
Cái thân xác hư huyễn đáng thương của
loài người cứ mỗi phút lại vay mượn biết bao nhiêu vật chất của thế giới
xung quanh. Trong đó có biết bao nhiêu sinh mạng của các loại cầm thú
để thỏa mãn dục vọng. Bên cạnh đó là một con số khổng lồ ẩn tàng trong
cuộc sống mà chúng ta chưa nghĩ tới, đó là đã có biết bao nhiêu máu và
mồ hôi đã đổ ra để có được những sản vật đó? Đồng thời trên thế gian
này, ngay trong thời đại này, còn có những con số đầy cảm xúc mà một khi
nhắc đến khiến chúng ta phải chạnh lòng: Song song với sự tăng trưởng,
còn có bao nhiêu người phải chết đói, bao nhiêu người hiện không có nhà
cửa và bao nhiêu cô gái phải bán thân v.v… Nghĩ đến đây chúng ta sẽ nhận
ra, những con số vừa được thống kê đã không còn khô khốc nữa, mà là
những con số sống động, đó là một bài thuyết pháp hùng hồn về sự tạo tác
triền miên của con người và về sự xa rời bổn tâm thanh tịnh của chúng
sanh thời mạt pháp. Đó là chướng nạn trong cõi Ta bà! Thời gian trôi qua
như tên bắn còn con người thì mãi mê tạo tác, chưa từng có một phút
giây dừng nghĩ, chưa từng có một phút giây quay đầu lại với chính mình.
Nghĩ đến đây có lẽ tất cả chúng ta đều muốn chấp tay mà niệm “ Nam mô A
Di Đà Phật” có phải vậy không?
Riêng con số sinh tử thì mỗi ngày thế
giới phải tiễn biệt khoảng 150.000 đồng loại đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Và ngay bây giờ, ngày mai, ngày mốt, bữa kia, hay sang năm, sang năm nữa
thì cũng đến lượt chính ta sẽ rơi vào bản phong thần khô khốc đó? Trong
số chúng ta, tuy chưa ai biết ngày giờ năm tháng mình sẽ đi theo tiếng
gọi vô thường, nhưng chúng ta biết một điều chắc chắn rằng: Điều này
nhất định sẽ đến!
Đây là điều hiển nhiên, nên ít ai nghĩ
đến, hoặc rất ngại khi nghĩ đến. Nhiều người lại cho rằng, có nghĩ tới
nó cũng đến mà không nghĩ tới thì nó cũng đến, suy nghĩ làm gì cho mệt,
sanh – lão – bệnh – tử mà! Đúng vậy, người ta có thể không nghĩ đến vì
trước mắt họ còn biết bao công việc cụ thể phải làm. Thế nhưng, là Phật
tử như chúng ta, khi đã biết có luân hồi sanh tử, có tứ sanh lục đạo,
thì không thể thờ ơ mà không bàn đến. Mọi người sống trên thế gian này
nếu chưa chứng được Thánh quả, chưa giải thoát khỏi khổ đau sanh tử luân
hồi, chưa đạt đến cảnh giới Niết bàn, Cực Lạc, thì bắt buộc phải nghĩ
đến để tìm cách tự cứu lấy mình.
Trước sự thật phủ phàng này, Phật tử
chúng ta phải sống như thế nào để tự cứu lấy mình? Chúng ta không nên
lưỡng lự, chần chừ, phung phí thời gian nữa, mà hãy bắt đầu cho một ngày
mai tươi sáng hơn, trí tuệ hơn, bình an hơn bằng câu “Nam mô A Di Đà
Phật”. Chúng ta phải tranh thủ bất cứ thời gian nào, bất cứ ở đâu có thể
niệm Phật được là chúng ta niệm Phật. Không cần phải đợi đến chùa chúng
ta mới tu, không cần phải đến chùa chúng ta mới niệm Phật, vì Phật ở
khắp mọi nơi, Phật ở ngay cả trong tâm ta. Nếu thuận duyên đến chùa, ở
đó có Thầy, có đạo hữu cộng tu thì chúng ta dễ tinh tấn hơn, nhưng không
có điều kiện đến chùa thì cứ ở nhà mà thành tâm gắng sức công phu niệm
Phật.
Thích Thiện Phụng
Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền