Đã làm người và được sống, bất cứ ai
cũng đều có cảm giác khoái lạc hay khổ đau. Cảm giác có thể sảng khoái
hay dễ chịu hoặc không nằm trong hai điều đó. Chúng ta có thể thọ nhận
sự dễ chịu hay sảng khoái là tùy thuộc theo đối tượng. Nếu cảm giác bị
mất đi do bệnh tật thì con người phải sống đời thực vật mà không biết
gì, tức là chúng ta không cảm nhận được sự sảng khoái và khó chịu.
Kinh Phật dạy tất cả thọ đều vô ngã,
vì nó không thực thể cố định, không phải là ta, là của ta, chủ yếu là do
sự tác động của đối tượng mà có cảm thọ dễ chịu hay khó chịu. Có những
trường hợp không khó chịu cũng không khoái lạc, ta gọi là thọ xả.
Trong từng phút giây phát sinh đủ thứ
cảm giác liên tục bởi sự tác động của sự dễ chịu hoặc khó chịu hay không
nằm trong hai trường hợp đó. Ba loại cảm giác này phát sinh liên tục
không có lúc nào dừng nghỉ tùy theo sự tác động đối tượng qua môi trường
sống của chúng ta hằng ngày. Đang khát nước bởi ánh nắng oi bức của
buổi trưa hè, được uống một ly nước cam, ta sẽ cảm nhận sự dễ chịu của
nó qua hương vị ngọt ngào.
Trong tình yêu người ta thường thọ
nhận cảm giác khoái lạc qua nhịp đập của trái tim, nên cuộc sống của
chúng ta đương nhiên là phải hưởng thụ, nhưng càng hưởng thụ nhiều và
luyến ái vào nó, chúng ta sẽ bị nghiện các cảm giác khoái lạc đê mê mà
trở nên tham đắm và ghét bỏ.
Cái gì đến với ta mà ta nhận gọi là thọ, khi chúng ta thọ nhận sẽ đưa
đến luyến ái và dính mắc vào đó muốn gìn giữ mãi. Ngày xưa có ông Phạm
chí Trường-Trão là cậu ruột của Tôn giả Xá-lợi-phất. Ông này rất thích
biện luận ngay khi còn nhỏ.
Một hôm ông biện luận với người chị của ông lúc ấy đang mang thai
Xá-lợi-Phất và ông biện luận không lại bà chị. Ông nghĩ rằng những lần
trước chị ta biện luận thua ta, nay chị ta biện luận hơn ta thì có lẽ
lần này là do cái bào thai trong bụng tác động đến chị. Bây giờ ta thua
chị chưa xấu hổ mấy vì ta là em, nhưng mai sau này mà thua cháu nữa thì
xấu hổ biết mấy!
Ông cảm thấy hổ thẹn nên bỏ nhà ra đi, tầm sư học đạo để sau này trở
thành người biện luận giỏi nhất thiên hạ và phải làm sao biện luận hơn
người cháu của mình mới được.
Ông đi từ xứ nọ đến xứ kia để tìm thầy học. Người ta hỏi ông muốn học
gì? Ông nói: Tôi muốn học hết tất cả kinh sách trong đời. Người ta bảo:
Ông nói khoác, suốt đời ông học một bộ kinh đã được chưa mà nay bảo sẽ
học hết kinh sách. Ông ta bực mình nói: Tôi ở nhà biện luận thì thua
chị, đến đây thì bị mọi người châm biếm, chỉ trích.
Ông bắt đầu kể từ đó, học đến nỗi không có thì giờ cạo tóc, cạo râu,
cắt móng tay. Vì thế người ta gọi ông là Phạm chí Trường-Trão có móng
tay dài và râu tóc luộm thuộm.
Sau khi học xong ông tự thấy mình có khả năng biện tài vô ngại, không
ai có thể đủ sức tranh luận với ông, ông bèn trở về nhà thăm chị và hỏi
người cháu đó ở đâu. Bà chị bảo: Con tôi cháu cậu đã đi theo tu học với
Sa môn Cù-đàm rồi. Ông hỏi: Sa môn Cù-đàm là người nào mà có thể làm
cho cháu ta khuất phục mà nhận làm thầy, cháu ta là một người thông
minh, tài giỏi từ khi còn trong bào thai?
Ông bèn đi tìm Xá-lợi-Phất. Khi đến chỗ Phật, ông nghĩ: Ông này đã
thuyết phục được cháu ta làm đệ tử, chắc không phải là tay vừa. Bây giờ
ta có nói gì chắc cũng sẽ bị bác bỏ, tức còn có ngôn ngữ luận bàn là còn
quá dỡ. Nghĩ vậy, ông ta sẽ nói là không lãnh thọ gì hết.
Ông đến nơi gặp Sa môn Cù-đàm và nói rằng: Này Cù-đàm ông có biết không, tất cả pháp, tôi đều không thọ pháp nào cả. Không ngờ Phật hỏi lại: Vậy cái nhất thiết pháp chẳng thọ đó, ông có thọ không?
Ông nghĩ: Bây giờ nói thọ thì mâu thuẫn quá, vừa mới nói không thọ đó
mà bây giờ bảo có thọ làm sao được. Ông bèn trả lời không thọ. Phật nói:
Ông không thọ thì ông cũng như bao nhiêu người khác, chứ ông có gì đặc
biệt đâu mà ông tự kiêu hãnh, đến đây để biện tài tranh luận?
Như vậy, nếu chúng ta còn thọ một cái gì, còn chấp một cái gì là còn
bị trói buộc, mê lầm vì còn chấp ngôn ngữ. Chính vì vậy, khi có tu học
chúng ta sẽ thấy rõ ràng tất cả thọ đều vô ngã.
Phật dạy: Tất cả thọ đều vô ngã, Chúng
ta hay bị kẹt vào cảm giác, cho dù cảm giác đó mang đến cho ta sự vui
vẻ hạnh phúc hay khổ đau tột cùng. Cảm giác sảng khoái chúng ta gọi là
thọ lạc, cảm giác khó chịu chúng ta gọi là thọ khổ và cảm giác không
sảng khoái hay khó chịu chúng ta gọi là thọ xả.
Cuộc sống của chúng ta đủ thứ cảm giác
do ta thọ nhận không ngoài ba thứ: Thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ
không vui. Do chúng ta bám víu và thọ nhận vào cảm giác khoái lạc, nên
ta chìm đắm trong cảm giác đó mong mỏi được bền bỉ và lâu dài, ngược lại
khi chúng ta thọ nhận sự đau khổ ta cứ ghim gút nó vào lòng mà không tự
thọ xả.
Chúng ta thường xuyên làm việc thiện
lành tốt đẹp thì hay có cảm giác sảng khoái nhiều hơn người làm việc xấu
ác. Người làm việc ác mà cảm thấy thỏa mãn là thứ cảm xúc vô cảm, loại
người này luôn làm tổn hại nhân loại.
Một người đến chửi mắng ta, ta có cảm
giác bực tức và khó chịu, cảm giác này phát sinh bởi do chấp trước có
cái thân này là thật ngã nên ta đùng đùng nỗi giận tìm cách trã đũa
người đó. Chúng ta thường phân biệt giữa thiện và ác nhiều hơn mà không
chú ý đến thọ xả, do đó ta sẽ thấy vui khi có cảm giác dễ chịu và sẽ
thấy ghét khi có cảm giác khó chịu.
Một vị tu sĩ được nhiều người tôn
trọng, cung kính ái mộ và nên người đó cảm thấy hạnh phúc vì được nhiều
người tán thán, nhưng cảm giác hạnh phúc này chính là sự tự hào hãnh
diện về mình. Cùng một thọ khổ và thọ lạc với một đối tượng, chúng có
thể mang lại cảm giác sảng khoái hay khó chịu khác nhau.
Chúng ta chánh niệm tỉnh giác về thọ
để không bị tham đắm và dính mắc vào đó mà tạo ra sự khổ, Phật dạy pháp
quán cảm thọ trong cảm thọ để chúng ta thấy rõ các cảm giác buồn, vui,
thương, ghét… chỉ là do sự chấp trước của chúng ta mà thôi.
Trong hạnh phúc có xen lẫn sự đau khổ,
trong đau khổ có hạnh phúc và chẳng có gì thật sự gọi là đau khổ hay
hạnh phúc cả, tất cả đều do ta chấp trước mà tạo ra sự khổ vui.