Tự tu trong đời sống
Mãn Tự
09/10/2015 23:07 (GMT+7)

                                                                                                                            


Hiện nay, Kinh sách Đạo Pháp Giác Ngộ được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được ấn tống hay được bày bán trong các tiệm sách hầu như trải khắp năm châu. Vì vậy bất cứ người nào biết chữ thì cũng có thể tham khảo hay học hỏi đều được hết.

Đời sống vật chất trong thế kỷ 21 này có thể gần như thỏa mãn phần nào nhu cầu hưởng dụng của một số lớn thành phần trong xã hội trên hành tinh này. Dù là như vậy, nhưng đã là con người thì không phải chỉ có vật chất không là đủ, mà nó cần có tinh thần. Vì vật chất cùng tinh thần luôn luôn song hành trong một con người vì vậy trong hai không thể thiếu một. Ý tưởng tạo nên vật chất, vật chất nuôi sống con người sống quân bình giữa hai mặt thì nhất định có một đời sống tốt đẹp, không mong cầu hạnh phúc mà hạnh phúc vẫn đến vì là thành quả của quân bình.

Khoa học phát minh khám phá ngày càng cao thì một số thành phần tôn giáo thuộc về Thần quyền hướng ngoại lần lần bị đào thải vì không đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của nhân loại thời bây giờ. Để lấp đầy khoảng trống đó thì đạo Giác Ngộ như cái phao cứu sinh của những tâm hồn đang lênh đênh trên biển cả bao la không thấy đâu là bờ bến.

Nhờ kinh điển rời tu viện nên giáo pháp Giác Ngộ được lan truyền rộng rải khắp năm châu, đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, bất cứ người nào chỉ cần biết chữ thì có thể  tham khảo, tìm hiểu, tu tập, thực hành theo trình độ, theo nhu cầu của mỗi cá nhân.

Giáo Pháp Giác Ngộ được truyền bá rộng rãi như hiện nay đó là nhờ chung tay góp sức của các bậc Tôn túc đáng kính, các vị Thiện nhân ấn tống, các vị cầu phước cúng dường. Nhờ vậy mà có một lượng lớn người biết đến giáo lý Giác Ngộ, có một số tham khảo tìm hiểu, và một thành phần đang thực hành tu tập theo giáo pháp mà các vị đó cảm nhận gần gũi ưa thích.

Tuy là như vậy, nhưng do nhu cầu đời sống vật chất quá cao nên mọi người phải vất vả mưu sinh, có chút thời gian nào rảnh rỗi thì dành cho gia đình vợ chồng con cái. Vì vậy phần đông những vị có tâm với đạo pháp cũng khó mà dành được thời gian đến gặp các vị Cao Tăng, các vị Tôn túc hay các vị thiện Trí thức để tham cầu học hỏi thêm. Hơn nữa vì phương tiện quá đầy đủ muốn tham cứu tìm hiểu loại Kinh sách nào cũng có sẵn trên máy tính hay chiếc điện thoại cầm tay, chỉ cần bỏ ra năm hay mười phút là có ngay. Do phương tiện quá phong phú nên phong trào tự học, tự thực hành giáo lý Giác Ngộ trong đời sống được phát sinh một cách rộng rãi. Quan trọng hơn nữa là trình độ một số sư thầy không đáp ứng được sự thông hiểu giáo lý thâm diệu của nhiều vị tự học, tự thực hành.

Giáo pháp Đức Thế Tôn Như Lai để lại là Pháp sống động, thường hằng nên dù là quá khứ, hiện tại hay vô lượng thời gian của tương lai thì Pháp vẫn luôn luôn song hành, tuyệt đối không bao giờ có chuyện cũ - mới, trước - sau. Pháp là vậy, nhưng hiện nay có một số sư thầy chỉ biết giảng nói về pháp chết như cúng dường, xây chùa, tạc tượng, cầu phước, trợ tử, cầu siêu…Thật ra không phải Đức Thế Tôn không thuyết giảng về những việc đó, nhưng những việc đó hầu hết là sau khi thuyết giảng pháp thoại xong. Vì tâm Từ bi Bình đẳng nên đối với một số vị trong pháp hội không thể nhận lãnh được giáo pháp cũng có lợi ích nên chư vị Bồ Tát mới thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng phước đức về những pháp đó.

Những điều ở trên là trong những yếu tố đưa đến hiện tượng tự học, tự thực hành giáo pháp Giác Ngộ ngay trong đời sống như hiện nay. Đó là sự khích lệ to lớn với chúng ta là những người đi theo bước chân của Đức Như Lai Thế Tôn. Dù rằng số lượng nhiều là thế, tuy nhiên để đến chỗ rốt ráo mong cầu thì hầu hết cầm bằng không. Tại sao như vậy? Ở đây có ba điều tối quan trọng mà những vị tự tu học nhận thức chưa thấu đáo vẫn còn hời hợt.

          Đây là ba điều:

  1. Chư vị không biết được, không nhận ra căn cơ trình độ của chính mình.
  2. Môi trường thực hành.
  3. Chưa quan tâm đúng mức về giới luật.

Thứ nhất: Không biết, không nhận ra căn cơ trình độ như thế nào? Thông thường những vị tự tu ngay trong đời sống là tự mình nghiên cứu kinh sách, tự chọn lấy kinh nào, pháp môn nào mà mình cảm thấy gần gủi ưa thích rồi thực hành theo đó, ít khi thông qua các Sư Thầy hay các vị thiện Trí thức có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo. Vì không nhận ra căn cơ trình độ chính tự thân mà có nhiều vị loay hoay suốt nhiều chục năm cũng không nhận ra được là mình thích hợp vời pháp môn nào, căn cơ nào, trình độ nào. Kinh Pháp của Đức Như Lai hay luận của các Bồ Tát, các Tổ để lại thật là phong phú, sự diễn giải kinh nghiệm thực hành tu tập từ sơ phát tâm cho đến ngồi đạo tràng đều đầy đủ. Tuy nhiên, đem sự hiểu biết của tri thức để nhận ra mình thuộc căn cơ nào, là Nhân thiên, là Nhị thừa, là Bồ tát, là Như Lai thì bất khả.

Có nhiều vị phải bỏ ra nhiều năm tu theo Đại Thừa, nhưng sau cùng lại nhận ra căn cơ mình thuộc Nguyên thủy, rồi cũng có nhiều vị tu học theo Nguyên thủy nhiều năm rồi sau cùng nhận ra căn cơ mình lại là Đại Thừa. Thật đáng tiếc thay vì khi nhận ra thì thời gian bỏ ra cũng quá đủ dài không thể quay lại được nữa.

Đa phần những vị tự học tự tu đều chọn kinh sách Đại Thừa, vì kinh sách Đại Thừa văn nghĩa quảng đại, ít gò bó, tự do tự tại, lời kinh mênh mông bao la không bờ bến, không giới hạn, diễn tả những cảnh giới bất khả tư nghì của các vị Đại Bồ Tát

đã – đang - sẽ thực hành những hạnh nguyện to lớn vĩ đại, hầu như vượt qua tâm lượng suy nghĩ của nhân gian. Trong những bộ kinh Đại Thừa, Đức Thế Tôn luôn luôn nhắc nhở rằng: “Những lời Pháp trong kinh Đại Thừa nếu thâm nhập được ngộ ra thì nó là cam lồ diệu dược, còn không thì ngược lại nó là độc dược uống vào làm chết người”.

Trong những vị tự học tự tu cũng có nhiều vị rất dũng mãnh, quyết tâm tinh tấn, ý chí kiên cường, nhưng rồi thành quả chẳng có là bao, vì không có người đi trước chỉ dẫn. Trên đường thực hành đôi khi thấy là đứng lại là lùi nhưng thực sự là đang tiến, còn đôi khi thấy là tiến bộ là thuận đường mà thật sự là đang dừng lại, là thụt lùi. Vì vậy rất cần có người đi trước đầy đủ kinh nghiệm chỉ dẫn giảng giải thì mới không bị lạc đường. Có những vị học giáo pháp Đại Thừa mà khi thực hành lại theo Tiên đạo nên kết quả thành Địa Tiên. Tuy khỏe mạnh, có chút thần thông da dẻ hồng hào sống lâu, cũng có trí tuệ dù vậy với giáo pháp Đại Thừa vẫn ở bên ngoài. Cũng có nhiều vị học giáo pháp Đại Thừa, nhưng thực hành lại theo phương pháp Yoga nên kết quả rơi vào đạo Hindu - Bà-la-môn giáo; vì vậy các vị đó nghĩ giáo pháp Đại Thừa cùng nguồn gốc với đạo Hindu - Bà-la-môn giáo. Hay có những vị học giáo lý Đại Thừa, nhưng khi thực hành thiền định lại hướng tâm diệt khổ cầu mong Niết bàn nên kết quả rơi vào Nhị Thừa. Hay có nhiều vị tu theo công án thoại đầu Thiền Tông, nhưng khi thực hành lại không biết thế nào là thoại đầu, là công án. Vì vậy cứ lãi nhãi lập đi lập lại những câu nói của người xưa rồi tự cho mình ngộ Thiền đắc Thiền. Những vị đó thật là nhiều, tuy nhiên dù đông vậy cũng không có một vị nào nói được một câu siêu Phật vượt Tổ như ngài Bạch Ẩn thiền sư người Nhật “Lắng nghe tiếng vỗ một bàn tay”.

Có Công án mà không phải là Thoại đầu, có Thoại đầu mà không phải là Công án. Câu chuyện Hoàng Bá đánh Lâm Tế ba lần thì đó là công án. Còn câu “Trước khi trời đất sinh ra ta là cái gì”, thì đó là thoại đầu. Tại sao Hoàng Bá tạo công án cho Lâm Tế? Vì Lâm Tế không có câu hỏi nào hết. Còn Triệu Châu lại cho thoại đầu “Cây Bách trước sân” khi vị tăng hỏi “Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma sang Đông độ truyền pháp gì?”. Công án là bùng vỡ, còn Thoại đầu là ngăn dứt. Các vị tu thiền hãy cẩn trọng thẩm tra suy lường kỹ lưỡng căn cơ trình độ chính xác của mình rồi sau đó mới nhận lấy pháp môn thực hành. Thoại đầu là dành cho trình độ sơ cơ; Công án là dành cho các vị đã gần giác ngộ. Không hiểu thấu đáo như vậy thì cho dù thực hành nhiều năm cũng chỉ là công cóc mà thôi.

Đây là bằng chứng: Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có hai đoạn kinh xin đưa lên đây để cùng chiêm nghiệm: “Có một vị làm thợ vàng và một vị làm nghề thợ giặt đến xuất gia với ngài Xá-Lợi-Phất. Ngài Xá-Lợi-Phất dạy vị thợ làm vàng thiền định tu bạch cốt quán, còn vị làm nghề thợ giặt thiền định tu sổ tức quán. Hai vị tích cực tinh tiến thực hành một thời gian lâu nhưng không có kết quả chứng đắc gì hết, cuối cùng hai vị đó lên gặp Đức Thế Tôn bạch rằng giáo pháp ngài dạy không có quả vị A-La-Hán vì họ nghiêm chỉnh tinh tiến tu hành nếu có thì họ đã đạt được. Nghe hai vị đó trình bày, Đức Thế Tôn kêu ngài Xá-Lợi-Phất đến quở là dạy điên đảo. Ngài Xá-Lợi-Phất bạch với Thế Tôn thật ra là ngài không có trí căn trí lực nên ngài dạy chỉ vì tâm từ bi mà thôi. Sau đó Đức Thế Tôn mới dạy vị thợ làm vàng tu sổ tức quán và vị thợ giặt tu bạch cốt quán và không bao lâu hai vị đó đồng đắc quả A-La-Hán”.

Đoạn thứ hai: Cũng trong kinh Đại Bát Niết Bàn Sư tử hống Đại Bồ Tát. Khi Thế Tôn giảng về Như Lai tánh thì ngài Sư tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “Thập địa Bồ Tát tu bao nhiêu pháp mà thấy tánh Như Lai chẳng rõ ràng còn chư Thế Tôn tu bao nhiêu pháp mà thấy tánh Như Lai được rõ ràng?”. Đức Thế Tôn dạy: Thập địa Bồ tát tu đủ mười pháp, tuy vậy mà thấy tánh Như Lai chẳng rõ ràng, mười pháp đó là: 1. Ít ham muốn. 2. Tự biết đủ. 3. Tịch tĩnh. 4. Tinh tấn. 5. Chánh niệm. 6. Chánh định. 7. Chánh Huệ. 8. Giải Thoát. 9. Tán thán giải thoát. 10. Dùng pháp Đại Niết Bàn giáo hóa chúng sanh.

Là Thập địa Bồ Tát còn tu mười pháp như vậy mà chỉ thấy một phần ít tánh Như Lai, vì sao? Do huệ nhãn mà thấy thì thấy tánh Như Lai chẳng được rõ ràng, còn Như Lai nhãn thì thấy được rõ ràng. Nếu vô hành vô tác thời thấy được rõ ràng…

Những con đường trên quả địa cầu này từ con đường lớn xe chạy tới con đường đi bộ, đến những con đường mòn trong rừng núi cho đến con đường bay của hàng không… có thể nhiều vô số kể. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với con đường tâm thức tu hành thì không đáng kể vào đâu. Con đường nhân gian tuy nhiều nhưng đều có dấu vết, có bắt đầu và có điểm đến nên có thể theo dõi được. Còn con đường tâm thức thì tuyệt nhiên không có điểm bắt đầu cũng không có nơi chấm dứt, vì nó nằm ngoài số lượng. Mong rằng chư vị tu học trong đời sống hãy cẩn trọng chọn lựa để có được một pháp môn thích hợp với trình độ căn cơ của mình, nhờ vậy mà đường tu được hanh thông, có thể làm ít mà được nhiều; còn không tuy có làm nhiều mà chẳng có được bao nhiêu.

Thứ hai: Tu học trong môi trường đang sống. Trong kinh điển dù Đại Thừa hay Nguyên Thủy, Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng ta nhiều pháp môn để tu học. Như kinh Lăng Nghiêm có hai mươi lăm phương pháp thực hành của hai mươi lăm vị Thánh, cộng thêm chú Lăng Nghiêm đại định và tánh Thấy đốn ngộ của Thế Tôn, còn kinh Lăng Già thì có bốn cấp độ thiền là:

1. Phàm phu sở hành thiền.
2. Quán sát nghĩa thiền.
3. Phan duyên như thật thiền.
4. Như Lai thanh tịnh thiền.

Kinh Giải Thâm Mật thì có du già chỉ quán… Còn kinh Nguyên Thủy A Hàm thì có quán Tứ-Đế: Tứ thiền cửu thứ đệ định, diệt tận định… nhiều thật nhiều. Còn Thiền Tông thì có thiền công án, thiền thoại đầu thật là vô cùng đa dạng đa sắc thái. Vì vậy, bất cứ một người nào từ sơ cơ cho đến thượng thừa cũng có thể tìm được cho mình một pháp môn thích hợp để thực hành. Tuy nhiên, điều tối ư quan trọng không mấy người nhận ra ở đây là: pháp môn tu học đó là Thế Tôn chỉ dạy cho giới nào, là Tỳ kheo xuất gia hay cư sĩ tại gia, là Bồ Tát hay nhị thừa.

Môi trường sống để tu học rất quan trọng cho tiến trình thành quả của người thực hành, nếu không nhận ra sự khác biệt trên giáo pháp Đức Thế Tôn dạy và đời sống của ta đang sống thì không thể uyển chuyển cho thích nghi với hai môi trường cá biệt. Thí dụ: Trong kinh Thế Tôn dạy giáo pháp cho các Tỳ Kheo xuất gia rời bỏ gia đình nuôi sống bằng khất thực, đã từ bỏ gánh nặng thế gian, thân được rảnh rỗi nhẹ nhàng, thiền định tu học hướng tâm đến giải thoát theo giáo pháp đã dạy.

Còn các vị sống trong thế gian, thân còn gánh nặng bổn phận cơm, áo, gạo, tiền. Tâm còn nhiều lo lắng ưu tư mà chọn học theo pháp Đức Thế Tôn dạy cho các Tỳ Kheo để thực hành thì khó được kết quả như mong muốn nếu không biết uyển chuyển cho thích hợp. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn có câu chuyện vị Tỳ Kheo yêu cầu ngài A-Nan phải treo bảy báu nơi chỗ vị đó thiền định thì vị đó mới đắc quản A-La-Hán.

Môi trường rất quan trọng, nó là nhân tố quyết định 50% cho sự thành bại của những người tu học. Môi trường sống là y báo còn ta là chánh báo, mà y báo thì không rời chánh báo. Tuy nhiên, không tuyệt đối là như vậy, vì nếu chánh báo đủ năng lực thì có thể chuyển chuyển được y báo, còn không thì y báo chuyển chánh báo mà hầu hết là như vậy.

Môi trường có thể cho ta một cái lượng tương đối, còn cái phẩm thì nó không không quyết định được. Thí dụ như bưởi da xanh, vú sữa lò rèn, gạo nàng thơm chợ đào ở miền Tây Việt Nam chúng ta, những giống cây ăn quả đó nó chỉ thích hợp với một vùng đất đó mà thôi. Còn nếu đem trồng nơi khác thì nó cũng lên cây lên trái nhưng phẩm chất thì không giống nhau. Còn xa hơn nữa, cây vải thiều ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh mà đem vào trồng ở miền Tây thì nó cũng lên cành lá sum sê nhưng trái thì tuyệt nhiên không ra.

Môi trường quan trọng như thế đó dù với cây cỏ thực vật mà còn tác động lớn như vậy, thì thử nghĩ với tâm thức trùng trùng duyên khởi của chúng ta thì sự ảnh hưởng thân tâm của nó còn to lớn đến cở nào. Dù là như vậy, nhưng chúng ta là con người nên có thể giải quyết tất cả miễn là ta có ý chí giải quyết như thế nào. Giải quyết theo câu nói của Lục Tổ Huệ Năng là: “Không phải phướng động, không phải gió động mà là tâm động”.

Thứ ba là không mấy quan tâm về giới luật. Tu học trong đời sống thì giới luật đúng là cục xương nuốt không trôi. Vì trong năm giới căn bản là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, không dùng chất làm mất lý trí. Đối với người sống trong nhân gian mà giữ một giới nào trong năm giới thì đó là một sự khó khăn nan giải, một sự mất mát vô cùng to lớn. Trước khi ta có ý định thọ trì giới luật thì hầu hết chắc chắn là một cuộc chiến khốc liệt xảy ra bên trong chúng ta; mà chiến tuyết một bên này là thói quen, còn bên kia là ý chí. Thói quen nó sẽ đưa lên một bức tranh ảm đạm, một cuộc sống tiêu cực hoàn toàn thiếu đi sự năng động. Còn tâm thức thì khỏi phải nói nó viện dẫn ra một kho lý luận triết lý hiện sinh rất là logic, nó dễ dàng đánh bại ý định của chúng ta.

Giữ giới có nghĩa là đi ngược lại dòng chảy của thế gian, nên vô cùng khó khăn gian nan để giữ đối với người sống trong trong nhân gian tự học tự tu hành. Dù xuất gia hay tại gia tu hành mà không có giới luật thì tuyệt đối không thể Giác Ngộ - không thể giải thoát được. Có tu lâu thì chỉ cũng thành ngoại đạo hay các cảnh giới chư thiên mà thôi. Muốn Giác Ngộ, muốn được giải thoát thì phải tự chiến thắng chính ta chớ không phải van cầu xin xỏ.

Cốt tủy của giới luật là một động lực giúp ta chiến thắng sự ươn hèn yếu đuối chính ta, nhờ vậy giới giúp ta tích lũy xây dựng lên một ý chí không lay động, nhờ vậy mà ta dũng mãnh tinh tiến đi tới vì thấy sự lợi lạc từ trì giới. Ta sống trong nhân gian này giống trong một đại dương mênh mông bao la lúc nào cũng sóng gào gió thét, mà sinh mạng thì trôi qua từng phút từng giây bất cứ lúc nào cũng có thể dìm ta vào đáy biển mà không một nhân sinh nào làm chủ được.

Đại dương là gì? Là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nó đối với: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta mà tạo nên sóng gió. Ngoài đại dương tùy thuộc theo hai luồng không khí nóng lạnh lớn hay nhỏ để nó tạo nên cơn gió, cho đến những cơn siêu bão tàn phá thật khủng khiếp cả người lẫn vật chất. Cũng vậy, sáu căn của ta tiếp xúc với sáu trần bên ngoài rồi cũng tùy theo sự chấp thủ của ta mà ngọn gió tham-sân -si-mạn-nghi-ái-kiến lục dục thất tình nó khởi lên tàn phá thân tâm. Gió bão thiên tai nó đến vùng nào là nghiệp chung của chúng sanh vùng đó thu hút chứ nó không có tâm chọn lựa. Còn chúng ta là những người tu hành thì khác, ta có quyền chọn lựa vì ta có tâm. Ta có thể ngăn ngừa chặn đứng được cái nhân tham-sân-si… ngay trong tâm thức khi nó mới bắt đầu manh nha khởi động, vì vậy mà cái quả không thành, muốn làm được những điều kỳ diệu đó thì phải trì giới vậy.

Giới là sự củng cố ý chí, giới là sự rèn luyện thử thách giúp ta dũng mãnh kiên cường bất khuất, giới giúp ta chiến thắng chính ta, giới là con đường bằng phẳng đưa ta đến kho tàng chánh pháp, đưa ta đến những chân trời sáng lạng chân thiện mỹ. Giới làm cho sự thấy biết của ta vượt lên sự thấy biết chung của nhân gian.Giới giúp ta bên ngoài thắng được cái thân, bên trong thắng được cái tâm sở. Nhờ vậy mà đường tu học thực hành được vững vàng như chim có hai cánh thì bay lượn được dễ dàng. Giới làm cho thân khinh an, tâm an lạc ít bệnh, ít đau quỷ thần xa lánh không dám lại gần. Người trì giới thành công cả hai mặt là thế gian và tu hành, người trì giới giống như một chiến binh được huấn luyện trong một quân trường đặc biệt, chỉ dành cho những quân nhân nào có được từ ý chí tinh thần cho đến thân thể đều kiên cường dũng mãnh mới chịu đựng được sự trui rèn khắc nghiệt. Vì vậy, khi ra trường họ mới làm được nhiều việc mà người bình thường thì không thể nào.

Uống nước tự biết nóng lạnh, cũng vậy nếu đứng ngoài mà suy luận thì giới là một sự tiêu cực vì nó ngăn chặn mọi cuộc vui thô phù nô lệ của nhân gian; nhưng khi ta thực hành trì giới thì sẽ nhận ra giới giống như cái áo giáp vô hình hoàn mỹ, nó giúp ta ngăn chặn thập diện mai phục công kích của địch quân tên đạn chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Tuy nhiên, sự tiêu-trưởng của thân tâm này dù âm thầm hay xuất hiện thì ta vẫn cúi đầu làm theo mệnh lệnh nó mà thôi. Cho nên nhờ có giới mới giúp ta quật ngược lại thế cờ chuyển bại thành thắng, giành quyền làm chủ và cái Thức giả dối không còn sai khiến ta được nữa.

Mãn Tự

Các tin đã đăng: