HỎI: Kính bạch Hòa thượng, con thường được nghe quý thầy giảng: "Nhất thiết duy tâm tạo", trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ nói: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm". Xin Thầy từ bi giảng giải hai tâm này đồng dị như thế nào?
ĐÁP: Câu này hỏi hơi cao, tôi chỉ giảng sơ một vài nét chắc quí vị có thể lĩnh hội được.
"Nhất thiết duy tâm tạo" là tất cả pháp do tâm tạo nên. Hiểu theo ý này, bây giờ có người nói: Tôi muốn có một thoi vàng xin thầy lấy tâm tạo giùm con. Tâm tôi tạo được thoi vàng không? Không. Tâm tôi không tạo được sao nói tất cả pháp do tâm tạo? Tất cả pháp do tâm tạo với ý nghĩa này: Vật để trên bàn trước mặt tôi tại sao quí vị biết là cái đồng hồ? Tại người ta đặt tên là đồng hồ. Sở dĩ nó có tên là đồng hồ là do người dùng tâm suy nghĩ mà đặt tên. Như vậy tất cả vật hiện có tên này tên nọ đều là từ tâm đặt ra. Nếu không có tâm đặt thì mọi người cũng không có tên. Gặp nhau nhìn thôi chứ không nói gì được, tên A tên B đều do tâm suy nghĩ mà đặt ra. Tất cả cái gì có hình tướng có danh tự đều từ tâm suy nghĩ đặt tên, mà do suy nghĩ đặt thì đó là tâm tạo.
Câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" tôi có giảng trong Pháp Bảo Đàn, chắc phật tử này không nhớ. Trong kinh Kim Cang ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật hai câu: Làm thế nào để hàng phục tâm? Làm thế nào để an trụ tâm? Phật dạy rằng: "Bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm".
Nghĩa là muốn an trụ tâm thì đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đừng mắc là an trụ tâm. Bây giờ quý phật tử đi, đứng, nằm, ngồi, đối duyên xúc cảnh thấy cứ thấy, nghe cứ nghe, không dính với trần nào hết thì tâm không động. Sở dĩ tâm động lung tung là vì mắt thấy sắc dính sắc, tai nghe tiếng dính tiếng v.v... cho nên dao động liên miên.
Nằm xuống là nhớ hết chuyện này tới chuyện kia rồi than thở sao đầu óc rối như tơ vò! Rối là tại mình dính, nếu không dính thì không có gì để nhớ hết. Vậy thì muốn an trụ tâm đừng để tâm dính với sáu trần, không dính với sáu trần là tâm an trụ rồi. Hết sức là đơn giản nhưng mà tu khó phải không?
Hòa thượng Thích Thanh Từ