Phật dạy 20 điều khó (P.1)
09/07/2017 13:29 (GMT+7)

Hễ được làm người là một điều vô cùng cao quý và hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, nhận định phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên chằng chịt đan xen lẫn nhau, cho nên ta phải có trách nhiệm thương yêu, bao bọc che chở cho nhau bằng trái tim hiểu biết. Ai sống mà có hiểu biết chân chính và nhận thức đúng đắn, nhờ tin sâu lời Phật dạy thì họ sẽ dễ dàng vươn lên những chướng duyên, nghịch cảnh mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng tình người trong cuộc sống.

Hai mươi điều “Khó” ở đây không có nghĩa là không làm được mà Phật muốn nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, ai muốn trở thành những bậc Thánh nhân, những vị Bồ tát và thành Phật trong tương lai, trước tiên cần phải vượt qua 20 điều khó này. Khó, được xem như là yếu tố quan trọng để nung đúc tinh thần chúng ta thêm sức chịu đựng bền bỉ và vững vàng trên con đường Phật đạo, là hành trang quý báu, không thể thiếu trong đời sống tu hành của chúng ta.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Như chúng ta đã biết, dùng tâm đại từ bi rộng lớn để giúp cho mọi người sống trong chính niệm tỉnh giác thật là việc khó. Tin sâu Tam bảo là một việc khó. Tin sâu nhân quả thiện ác cũng là một việc khó và tin chính mình có khả năng thành Phật lại càng khó hơn. Và chúng ta tin rằng mọi người đều có thể chuyển hoá được phiền não tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến là một việc khó, tuy những điều này là rất khó đối với những người quá tham lam và ích kỷ.

1- Nghèo khổ bố thí là khó

2- Giàu sang học đạo là khó

3- Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó

4- Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

5- Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó

6- Nhẫn chịu được sắc dục là khó

7- Thấy tốt đẹp không ham cầu là khó

8- Bị nhục mà không oán hờn là khó

9- Có thế lực không cậy uy quyền là khó

10- Đối cảnh tâm không lay động là khó

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

12- Trừ diệt cống cao ngã mạn là khó

13- Không khinh khi người chưa học là khó

14- Thực hành tâm bình đẳng là khó

15- Chẳng nói phải trái là khó

16- Gặp được thiện tri thức là khó

17- Học đạo, kiến tánh là khó

18- Tùy duyên hóa độ là khó

19- Thấy cảnh vô tâm là khó

20- Khéo biết phương tiện độ sinh là khó

CHÚ GIẢI 20 ĐIỀU KHÓ

1. Nghèo khó bố thí là khó

Cái khó đầu tiên, được nêu lên trong bản kinh Tứ thập nhị chương trong chuỗi dài 20 cái khó lại là sự bố thí của người nghèo khổ.

Người nghèo khổ được định nghĩa là người thiếu thốn, khó khăn về phương diện sở hữu tài sản, vật chất như tiền bạc của cải. Về vật chất, họ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất. Về tinh thần họ khó mở rộng tấm lòng nhân ái.

Còn bố thí là sự cho cùng khắp rộng rãi với tinh thần cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ, ban, hiến, tặng và cuối cùng là cúng dường một cách tự nguyện với lòng tôn kính, nó đòi hỏi người cho phải giàu có dư dã nhiều tiền của. Với người bình thường thì ta dùng từ cho, giúp đỡ, hiến, tặng. Với người có địa vị cao trong xã hội thì ta dùng từ kính tặng hay kính biếu. Với cha mẹ ông bà hoặc thầy tổ, thầy cô giáo thì ta dùng từ cúng dường. Cũng là từ bố thí nhưng tùy theo vị trí và chức năng địa vị trong gia đình và xã hội mà ta dùng từ ngữ có khác nhau để tỏ lòng cung kính và tôn trọng.

Đằng này, người nghèo dù thiếu thốn, khó khăn nhưng vẫn biết làm việc bố thí, cúng dường thì còn gì cao quý hơn, chúng ta hãy nên khích lệ và tán thán những người như thế. Họ là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.

Nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là nói lên ý nghĩa cao cả của lòng từ bi rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống, nó nói lên thái độ không oán trách, không than vãn, không đổ thừa hoàn cảnh, thể hiện lòng vị tha với sự bao dung và độ lượng, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Ngoài ra, ta còn thấu hiểu được rằng người nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là người đã có lòng tin sâu sắc đối với nhân quả nghiệp báo. Họ nhận ra rằng sự nghèo khó, là bởi ảnh hưởng của nghiệp nhân quá khứ do tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt, và trộm cướp lừa gạt của người khác.

Trong các hạng người ở xã hội với đủ các thành phần từ bậc vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng. Người nghèo khổ mà biết bố thí là điều khó nhất. Vì sao? Vì nghèo thì thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất thì thử hỏi làm sao có thể bố thí, giúp đỡ cho người khác được?

Chúng tôi có nhân duyên lớn với người bất hạnh và nghèo khó cứ mỗi tháng Hội Ấn tống Từ thiện Duyên lành cùng quý phật tử đạo tràng Pháp Hoa đã đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hòa tỉnh Bình Dương để giao lưu chương trình kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống với tinh thần của ít lòng nhiều. Ngoài việc san sẻ và giúp đỡ vật chất, bằng sự nhịn ăn bớt mặc của quý phật tử gần xa.

Chúng tôi đã chia sẻ cho mọi người có được niềm tin trong cuộc sống bằng cách tin sâu nhân quả, mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhờ vậy mà bà con anh chị em trại viên ngày càng sống tốt hơn và sẵn sàng chia sẻ bớt phần quà của mình nhận được. Đôi khi chỉ nhận được hai chục ngàn một người, nhưng họ dám cúng dường lại Tam bảo hoặc giúp những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đây là điểm đặc biệt quan trọng mà một số người trong trung tâm đã làm được trong nhiều năm qua, chúng ta hãy nên tán dương công đức đó và khích lệ cho nhiều người khác cùng làm theo.

Nghèo khó như bà con ở đây, vậy mà vẫn có tấm lòng biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia quả thật là điều hiếm có. Nhờ sự giáo dục nhiệt tình của cán bộ nhân viên và học hiểu lời Phật dạy qua sự chia sẻ của chúng tôi, đã giúp cho họ có đủ niềm tin trong cuộc sống và ngày càng tín tâm với Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình có khả năng chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Thời đức Phật, có hai vợ chồng là phật tử thuần thành rất kính tin Tam bảo, nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Một hôm, người chồng đến chùa làm công quả thấy các phật tử xa gần đem nhiều vật thực đến cúng dường Tam bảo, anh phát tâm vui vẻ tùy hỷ và vô cùng phấn khởi khi thấy những việc làm có ích và cao cả như thế.

Về nhà, trong lòng anh chợt dấy khởi lên tâm mong muốn cúng dường Tam bảo, nhưng ngặt nỗi nhà anh quá nghèo, không có cái gì để mang đến chùa cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, lo lắng cho đến mất ăn, mất ngủ. Người vợ biết được tâm niệm tốt của chồng, bèn nói với anh rằng hay là anh đem bán em đi, để lấy tiền cúng dường. Người chồng nghe bà xã nói vậy càng buồn thêm, vì ai nỡ nhẫn tâm làm như thế, cuối cùng cả hai vợ chồng bàn nhau đi mượn nợ cúng dường và sau đó chấp nhận ở đợ, làm mướn suốt đời.

Sau khi suy tính, đắn đo, chọn lựa, kỹ càng hai vợ chồng liền đến nhà ông phú hộ trong làng để trình bày ý muốn như thế và sau khi cúng dường xong hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời cho phú ông. Phú ông nghe nói thế liền cho mượn và trong lòng cũng vui theo.

Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường trai tăng với tất cả tấm lòng thành kính và sự biết ơn. Buổi lễ cúng dường đã được sáu ngày và chỉ còn một ngày nữa thôi là hai vợ chồng phải đến nhà ông phú hộ ở đợ trả nợ suốt đời. Cũng cùng ngày đó nhà vua muốn làm một việc phước đức nên đã đến chùa cúng dường. Nhưng sau khi biết được câu chuyện, có hai vợ chồng nhà nghèo mượn nợ cúng dường trai tăng, làm cho nhà vua cảm động và thương xót vô cùng.

Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần cùng nghe, ai cũng đem lòng mến mộ và cảm phục hai vợ chồng nghèo kia. Và sau đó, nhà vua truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng nghèo đó có tiền trả nợ và còn dư chút đỉnh để làm ăn sinh sống. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có và càng tin sâu Tam bảo hơn, cho nên thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và giúp đỡ người nghèo khó nhiều hơn.

Người nghèo khổ mà dám phát tâm thực hành bố thí, cúng dường là một điều rất khó, như hai vợ chồng trong câu chuyện trên thật là hiếm thấy trong thời của chúng ta.

Một vị minh quân hay một ông vua sáng suốt, hiểu được đạo lý làm người biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho tất cả mọi người chúng ta. Lịch sử nhân loại đã từng có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt Nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng giặc ngoại xâm, bên trong dân chúng sống cơm no, áo ấm và bình yên hạnh phúc.

Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều phải cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ.

Tóm lại, người nghèo khổ mà biết thực hành bố thí, cúng dường với lòng thành kính quả là một điều rất khó, ngoại trừ người này đã kính tin Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc.

2. Giàu sang học đạo là khó

Ở thế gian này nhiều người giàu có sung mãn đầy đủ vật chất ít bao giờ nghĩ đến việc tu học, tín tâm Tam bảo và tin sâu nhân quả. Họ đam mê, dính mắc vào những tài sản vật chất như đất đai, ruộng vườn, nhà cao cửa rộng, xe hơi và tiền bạc. Chính sự giàu có về sở hữu vật chất quá đáng nên đã làm cho họ bị trói buộc trong tham ái và lo sợ mất mát. Họ cho rằng vật chất là mục đích tối hậu của cuộc sống, nên suốt ngày họ đua đòi, bon chen chạy theo tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp ngủ nhiều.

Tại sao, giàu có học đạo khó? Người giàu có, luôn bận rộn trong việc kiếm tiền cho nên niềm đam mê của họ giống như chất keo dán sắt dính vào khó gỡ ra. Họ mải mê lo làm giàu, bận rộn trong đời sống đua chen, giành giật và sợ bị mất mát hao hụt nên họ càng bám víu vào đó để giữ gìn.

Trong kinh Phật dạy, quả báo của những kẻ giàu sang, nhờ biết bố thí nhưng không chịu tu học hạnh giác ngộ giải thoát, nên không có trí huệ sau khi thân hoại mạng chung, sẽ có thể tái sinh làm voi, ngựa quý cho nhà vua. Hai loài đó, tuy được trang sức lộng lẫy, để chở nhà vua và hoàng hậu đi đây đó ngắm cảnh xem hoa, vui thú cảnh sông hồ thiên nhiên đẹp đẽ. Chính vì thế, giàu sang mà biết buông xả để học đạo giải thoát quả là một điều rất khó. Cho nên giàu sang mà biết học đạo được liệt vào hàng thứ hai, đối lập với nghèo khổ mà biết bố thí.

Quá giàu và quá nghèo mà làm được việc ân nghĩa là điều hy hữu, hiếm có xưa nay nhưng không phải là không có. Những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm, triệu phú, tỷ phú họ đã từng đóng góp đáng kể vào các dịch vụ từ thiện, xây dựng mở mang cầu đường, chùa to Phật lớn đều là do những người giàu có nhất phát tâm ủng hộ. Và quan trọng hơn hết, ngoài việc bố thí cúng dường giúp đỡ sẻ chia, họ còn biết buông xả những tâm tư chấp trước dính mắc mê muội, nên cuộc sống của họ lúc nào cũng bình yên hạnh phúc.

Giàu như vua Tần Bà Sa La, trưởng giả Cấp Cô Độc ngày xưa khi Phật còn tại thế, họ vừa phát tâm bố thí cúng dường và vừa phát tâm học đạo giải thoát, nên ngày hôm nay chúng ta biết được những tấm gương sáng ngời có cả hai mặt phước báo và trí tuệ. Có phước báo nên giúp được nhiều người, có trí tuệ nên không tham đắm dính mắc vào bất cứ một thứ tài sản sở hữu nào, do đó tâm an nhiên tự tại mà không bị phiền não tham-sân-si chi phối.

Và để nói lên giá trị của người giàu có nhưng mà vẫn thiết tha học đạo, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện thời đức Phật còn tại thế, có một trưởng giả tên là Tu Đạt, nhà giàu nhất nước Kiều Tát La do vua Ba Tư Nặc trị vì. Một hôm, sau chuyến buôn hàng sang nước Ma Kiệt Đà của vua Tần Bà Sa La, mua bán xong ông trở về nhà người anh rể của mình để nghỉ ngơi.

Thường lệ, khi ông về tới, mọi người trong nhà đều ra trước ngõ đón tiếp ân cần, niềm nở nhưng hôm nay ông thấy không ai quan tâm để ý đến ông cả, thật lạ lùng. Ông lấy làm ngạc nhiên mới hỏi người anh rể, mới biết cả nhà đang bận rộn việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cúng dường 1250 vị Tỳ kheo trong tăng đoàn của đức Phật. Lần đầu tiên nghe đến đức Phật, Tu Đạt thắc mắc với người anh rể: “Phật là gì mà mọi người phải cung kính, tôn trọng?”

Người anh rể bảo rằng: “Đức Phật trước đây là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da, ông là người được kế thừa ngôi vua, mà dám từ bỏ ngôi vị, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ để xuất gia tu hành, nay đã thành Phật”.

Tu Đạt nghe qua, bỗng cảm thấy trong lòng an ổn lạ thường nên muốn gặp đức Phật liền tức khắc, nhưng lúc này trời tối đành chờ lại sáng mai. Vì khao khát và mong muốn được gặp đức Phật nên suốt cả đêm, ông không sao ngủ được.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông đã có mặt tại Tịnh xá Trúc Lâm, nơi đức Phật đang tịnh dưỡng. Vừa mới tới, ông nghe một giọng nói trầm hùng: “Này Tu Đà Cấp Cô Độc, ta là người mà ông cần gặp đây”. Tu Đạt rất đỗi ngạc nhiên, tại sao cái tên Tu Đà của ta chỉ có người trong gia tộc mới biết và không ai được gọi, thế mà ở đây lại có người biết và gọi mình như vậy? Tu Đạt nghĩ rằng, hay là ở đây có người bậc trên của gia tộc mình? Trong lúc còn đang ngớ ngẩn, ông thấy một người tướng mạo trang nghiêm, điềm đạm đi tới.

Bất giác Tu Đạt liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật, trong lòng cảm thấy thoải mái và an lạc vô cùng. Và ngay lúc đó, ông được đức Phật khai thị pháp môn căn bản cho người tại gia.

Nghe xong bài pháp, Tu Đạt Cấp Cô Độc chứng quả Tu Đà Hoàn, nghĩa là được vào dòng Thánh, không còn bị đọa lạc trong ba đường dữ: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Sau đó ông phát nguyện quy y Tam bảo, gìn giữ năm điều đạo đức và phát tâm cúng dường hộ trì Tam bảo, suốt đời giúp đỡ người bất hạnh nghèo khó. Nhờ tín tâm thuần thục, ông xin Phật cho xây dựng một tịnh xá lớn để chư tăng có chỗ giáo hóa và tu hành. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của ông. 

Cấp Cô Độc có nghĩa là cung cấp sự cần thiết cho người cô độc, côi cút, không nhà cửa, không người nuôi dưỡng, nghèo khổ. Trong đời, ông vốn cũng đã có lòng nhân từ, thường giúp đỡ mọi người không phân biệt thân, sơ. Đến khi gặp Phật, ông càng mở rộng tấm lòng bao la rộng lớn hơn.

Từ đó, ông trở về nước để tìm mua một khu đất rộng rãi, địa điểm thuận lợi, nhằm xây dựng một tịnh xá lớn cho chư tăng tu học, giáo hoá và hành trì. Ông tìm mãi mà không thấy nơi nào có miếng đất vừa ý, ngoài khu vườn của Thái tử Kỳ Đà - con vua Ba Tư Nặc. Thái tử Kỳ Đà giàu có, đâu cần bán đất để làm gì? Nhưng vì quá ưa thích, ông bạo gan đến hỏi mua, Thái tử Kỳ Đà bảo rằng:

“Tôi sẵn sàng bán khu vườn cho ông với một điều kiện duy nhất, ông phải trải vàng lót đầy đất”.

Nghe Thái tử nói thế Cấp Cô Độc mừng quá nên đồng ý liền, và cho người nhà chở vàng đến lót gần kín khu vườn, chỉ còn một khoảnh nữa là xong. Cấp Cô Độc đang suy nghĩ nên lấy số vàng trong kho nào để lót cho đủ, Thái tử Kỳ Đà đến hỏi:

“Bộ ông tiếc của hay sao mà đứng ngẩn người ra như thế?”

Cấp Cô Độc trả lời:

“Thưa thái tử, không phải thế đâu. Tôi đang tính xem phải xây dựng tịnh xá như thế nào để chứa đủ chư tăng và phật tử các nơi về đây nghe pháp và tu tập”. 

Nghe vậy, Thái tử Kỳ Đà cảm phục tấm lòng cao cả của ông đối với đức Phật và tăng đoàn, thái tử tuyên bố:

“Kể từ giờ phút này, ông khỏi cần lót vàng nữa đất khu vườn này thuộc về ông, còn rừng cây trong vườn tôi xin hoan hỷ cúng dường cho đức Phật”.

Ngày nay, đọc các bản kinh, chúng ta thường thấy: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật ở rừng cây Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc…” Đây chính là tịnh xá trong khu vườn do Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà cùng dâng cúng. Đặc biệt, trong 49 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã ở tại tịnh xá này suốt 25 mùa an cư kiết hạ.

Nói về Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi gặp đức Phật, ông luôn hết lòng tôn kính cúng dường Tam bảo và giúp đỡ người cô độc bần cùng với lòng thành kính của mình. Suốt mấy chục năm thực hành bố thí cúng dường, cuối cùng tài sản nhà ông cũng cạn kiệt, do bị lũ lụt cuốn trôi. Gia tài sự nghiệp đã tan tành theo mây khói, cho đến khi cả nhà ông phải dùng cháo thay cơm mỗi bữa, nhưng ông vẫn một lòng tín tâm, chia bớt phần ăn của mình để cúng dường chư tăng.

Nhờ phước đức bố thí, cúng dường quá lớn lao cùng với lòng thành kính của ông trong quá khứ và hiện tại, nên chẳng bao lâu sau, gia đình ông làm ăn được khấm khá trở lại. Và ông vẫn tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường như trước đây mà không biệt thân sơ.

Đạo lý nhân quả nhà Phật giúp ta sáng ngời tình nhân loại trong hạt giống từ bi của hạnh bố thí, sẻ chia. Qua đó, chúng ta thấy hành động bố thí quan trọng ở tâm chân thành và lòng tôn kính như trường hợp của Cấp Cô Độc, một lòng gieo duyên với ruộng phước lớn. Và ông đã chứng quả “bất thoái chuyển” ngay trong hạnh này. Chúng ta nên nhớ rằng, phát tâm bố thí, cúng dường như gửi tiền vào ngân hàng, tuy không thấy có tiền nhưng khi cần xài liền rút ra.

Cấp Cô Độc phát tâm cúng dường Tam bảo không biết mệt mỏi, nhàm chán, ông còn giúp đỡ những người cô độc nghèo khó không nơi nương tựa. Vì vậy, ông được quần chúng nhân dân tặng cho danh hiệu là Cấp Cô Độc.

Trong lịch sử Phật giáo, Cấp Cô Độc là tấm gương sáng về hạnh bố thí, cúng dường để chúng ta học hỏi noi theo. Con người muốn hoàn thiện nhân cách, lối sống, đạo đức… phải có sự học hiểu và tu tập hành trì. Người có đủ niềm tin Tam bảo, được chứng quả bất thối chuyển, người đó dù có gặp nghịch cảnh, khó khăn như thế nào, họ cũng giữ vững tấm lòng tốt của mình.

Bố thí, cúng dường là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại bằng tình người trong cuộc sống, là cách thức xóa bỏ ân oán hận thù để ta cùng ngồi lại bên nhau, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Bố thí, cúng dường là nấc thang đầu tiên của hàng Bồ tát để từng bước tiến lên con đường Phật đạo. Nhờ bố thí, cúng dường mà tâm ta được an lạc, thảnh thơi, thấy ai cũng là người thân thương của mình, không còn thấy ai là kẻ thù, nên mọi người dễ dàng thương yêu và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau hơn.

Phật dạy, người biết gieo trồng phước đức thì trong hiện tại và tương lai được đầy đủ, giàu sang như ta có tiền gửi ngân hàng rút dần ra xài, còn người không biết gieo trồng phước đức thì như người có đồng nào xài đồng nấy, luôn phải chịu nghèo khó, vất vả cả đời mà chẳng có của dư.

Cấp Cô Độc là người giàu có, ngoài việc biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ sẻ chia, ngài còn là tấm gương sáng trong việc tu học và còn hướng dẫn toàn thể gia tộc tin sâu nhân quả và tín tâm Tam bảo. Nhờ vậy, trước khi mạng chung ngài được Tôn giả Xá Lợi Phật và Tôn giả A Nan đến khai thị và sau đó an nhiên tự tại ra đi mà được sinh về cõi trời.

Còn chúng ta bây giờ là người xuất gia lúc nào cũng khuyên nhủ mọi người buông xả, nhưng ngược lại ta lại tham đắm chất chứa, nên một số người sống tèn tèn chẳng làm gì lợi ích cho ai mà vẫn thọ dụng của đàn na tín thí.

Nhiều người giàu có sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ để cúng dường Tam bảo, xây chùa to Phật lớn nhằm tạo thêm lòng tin cho mọi người biết, sự cao quý và giá trị thiết thực của đạo Phật, được xây dựng trên nền tảng nhân quả. Cho nên giàu có mà biết bố thí, cúng dường và khiêm tốn thấp mình học đạo, đó là gương sáng của các vị đại Bồ tát mới có thể làm được. Chúng ta phải biết trân trọng và tôn kính. Do đó Phật dạy giàu có mà biết bố thí, cúng dường là điều khó.

3. Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó

Mạng sống con người quý giá vô cùng cho nên xã hội đều có luật pháp hẳn hoi, để trừng trị những ai đánh mắng làm gây thương tích hoặc giết người. Bởi thế cho nên, đã là con người tất nhiên ai cũng tham sống, sợ chết. Tâm lý ấy phổ biến, đến nỗi nó trở thành bản năng số một của con người. Bản năng thứ hai là sống để hưởng thụ. Bỏ thân mạng vì lẽ phải rất là khó. Vì sao? Vì ai cũng quý trọng thân này, ai cũng tham sống sợ chết không ai muốn chết một cách vô lý hoặc chết vì một lý tưởng nào đó nếu không có lợi ích.

Lẽ phải, đứng trên quan điểm Phật giáo mà phân tích thì nó là chân lý của cuộc đời. Và làm cách nào để con người biết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết nhờ vậy mà giải thoát mọi phiền muộn khổ đau. Chết vì lẽ phải là thực hiện và bảo vệ chân lý lời Phật dạy trên bước đường hoằng hóa, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh. Đó là cách thức bảo vệ lẽ phải tối cao nhất trong cuộc đời của người phật tử chân chính.

Đứng về cuộc đời, nó có thể là sự hy sinh cao cả và bảo vệ sự tồn vong của một đất nước, vì quyền lợi của một dân tộc và nói chung là của cả toàn thể nhân loại. Nếu thế giới này không có những đất nước vì quyền lợi chung, bảo vệ hòa bình cho nhân loại thì trái đất này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu, bởi vì lòng tham lam và sự ích kỷ của một số người quá cuồng tín.

Có nhiều người cho rằng lẽ phải thuộc về kẻ chiến thắng và người thua là kẻ nghèo, nghèo không có quyền nói hay đóng góp một cái gì đó cho kẻ chiến thắng. Đây là quan niệm sai lầm của một số người thiếu hiểu biết, họ chỉ vì quyền lợi riêng tư mà dùng thế lực để đè bẹp thiên hạ.

Muốn hiểu hết được ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy, trước hết ta cần phải nêu ra những tấm gương sáng dám hy sinh thân mạng của mình để bảo vệ đạo và đời được trường tồn. Đời người, cuối cùng rồi ai cũng phải chết chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, nhưng nếu được kết thúc vì mục đích lợi tha hướng thượng sẽ đem lại giá trị thiết thực cho nhân loại và mang ý nghĩa cao cả vô cùng xứng đáng được tán dương và khen ngợi.

Trong lịch sử Phật giáo, chúng ta hết sức khâm phục tấm gương sáng, của Tôn giả Phú Lâu Na về tinh thần học đạo chí thiết và tấm lòng vô ngã vị tha muốn đem ánh đạo vàng tới một nước dân chúng sống không biết lẽ phải, tàn nhẫn ác độc.

Đức Phật biết dân ở xứ này khó giáo hóa độ sinh, phải là những người có tấm lòng từ bi rộng lớn và cao cả thì hoạ may mới cảm hoá được họ. Sau một loạt chất vấn thử thách đệ tử của mình, Tôn giả Phú Lâu Na chứng tỏ được khả năng và bản lĩnh của mình qua sự chịu đựng, an nhẫn vô điều kiện.

Phật hỏi: “Giả sử người dân nước đó chửi, đánh mắng, ném đá hoặc dùng dao gậy giết ông, thì ông phải đối xử với họ ra sao?” “Nếu họ có chửi hoặc đánh mắng hay ném đá và sau đó có thể dùng dao gậy để giết con thì con sẽ cám ơn họ, vì nhờ họ mà con tăng thêm khả năng chịu đựng, trong hoàn cảnh không được hài lòng vừa ý. Và nếu họ có giết con thì con càng cám ơn họ hơn, vì họ đã giúp cho con thoát khỏi cái thân nhơ nhớp này”. Với tấm lòng bao dung và độ lượng đó, tôn giả đã độ được 500 người xuất gia và vô số người quy y Tam bảo phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức.

Tóm lại, Phật dạy: “Dám chết vì lẽ phải” là một điều khó làm vì bản tính con người vốn tham sống, sợ chết. Điều này cũng không đáng chê trách, vì mặt khác đức Phật cũng dạy rằng: “Mạng sống con người vô cùng quý giá”. Cho nên, chúng ta phải biết trân trọng nó, gìn giữ nó, bảo vệ nó, nhưng gặp đúng trường hợp đòi hỏi sự hy sinh mạng sống quý báu này để phục vụ lợi ích cho nhiều người, một chân lý tuyệt mỹ hoàn hảo hơn thì chúng ta cần phải hy sinh cái ta của mình đi.

Như có một kiếp khi Bồ tát chưa thành Phật, trên một chiếc thuyền có 500 thương buôn sắp sửa bị một bọn cướp khống chế, hành hung để lấy tài sản, của cải. Bồ tát phải hy sinh thân mạng của mình, nên đã ra tay giết chết bọn cướp kia và cứu được 500 người thương buôn. Về mặt nhân quả giết người Bồ tát sẽ chịu tội oán thù với bọn cướp đó, về mặt nhân sinh Bồ tát đã giúp cho những người thương nhân, đem hàng hóa của cải để nuôi sống nhiều người dân.

Tinh thần này rất được tán thán và ca ngợi, vì đó là bảo vệ chân lý là bênh vực cho lẽ phải. Nếu không có Bồ tát ra tay nghĩa hiệp thì số người thương buôn sẽ bị khống chế, bị đánh đập, bị giết chết và những tài sản của cải đó rơi vào bọn cướp.

Ngày nay tinh thần này được tiếp tục phát huy qua các chàng hiệp sĩ đường phố, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để lấy lại tiền bạc của người bị giật bởi những tên cướp khát máu không có tình người trong cuộc sống.

Cho nên, chúng ta phải hiểu rằng khi đức Phật liệt sự hy sinh vì lẽ phải là một điều khó làm, để chúng ta tùy nhân duyên mà làm những việc lợi ích cho số đông. Điều mà chúng ta đang thực hiện, nó thuộc về sự bất đắc dĩ mà không có sự tính toán, chỉ thấy khổ thì giúp, thấy nguy thì cứu để đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Từ đó, chúng ta rút ra kinh nghiệm làm được việc nghĩa để giúp người cứu vật quả thật là một điều rất khó làm, ai mà làm được điều đó, chính là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

phatgiao.org.vn

Các tin đã đăng: