GN - Tu học Phật pháp có nghĩa là
điều chỉnh con người chúng ta từ phàm lên Thánh, từ chúng sanh tu thành Phật.
Đó là con đường mà Đức Phật đã trải qua, chư vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát
đang hành trì và chúng ta đang bắt đầu hành trình đó để tiến đến quả vị Phật.
Phật và
chúng sanh khác nhau ở điểm Phật thì giác ngộ, còn chúng sanh thì mê lầm, trong
khi thân tứ đại vật chất của mọi người đều giống nhau, sáu căn và sáu trần cũng
giống nhau. Vì vậy, giữa ta và Phật, giữa Tịnh độ và Ta-bà cũng giống nhau,
không khác. Và cũng vì không hiểu, người ta tưởng rằng có đầy đủ tiền bạc và
địa vị là sung sướng; cho nên luôn mưu cầu chúng, nhưng không được thì khổ đau,
Phật gọi đó là vô minh.
Phật hay
A-la-hán dù ở thiên đường hay địa ngục, tâm các Ngài vẫn như như bất động, tức
hoàn cảnh có khác, nhưng tâm không thay đổi. Nhờ tâm Phật hoàn toàn thanh tịnh,
không dao động, nên Ngài đã chuyển hóa hoàn cảnh địa ngục A-tỳ trở thành Tịnh
độ. Đó là quá trình mà Phật đã thể nghiệm và thành tựu, các vị Bồ-tát, Thánh
chúng đang thực hành.
Bước theo
dấu chân Phật, chúng ta xem nguyên nhân nào dẫn đến khổ đau, nói theo ngày nay
là áp lực trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta thấy nước giàu có như Mỹ, nhưng
người ở đó cảm thấy cuộc sống bị bức ngặt, quá nặng nề. Trong khi người sống
nghèo khổ nhứt không đâu bằng dân nghèo ở Ấn Độ, nhưng họ rất an lạc, được giải
thoát; nói cách khác, họ đã hiểu được giáo nghĩa của đạo Phật và áp dụng được
điều đó trong cuộc sống. Một ngày họ kiếm chỉ 1USD, nhưng nuôi được gia đình
sống an lạc. Có thể thấy rõ địa vị và tiền bạc của họ ở mức thấp nhứt trong xã
hội, nhưng họ không bị áp lực trong cuộc sống.
Thầy còn
nhớ có lần sang Ấn Độ đến chùa Việt Nam của Hòa thượng Huyền Diệu, Phật tử nghe
nói người làm công nghèo, một ngày chỉ được 1USD, nên thấy thương họ và gom lại
được 10USD để cho người làm vườn trong chùa. Khi nhận được số tiền này, anh làm
vườn ung dung tự tại đến thưa với Hòa thượng Huyền Diệu cho anh ta nghỉ mười
ngày vì đã có 10USD. Có thể thấy rằng đời sống của họ dành nhiều thì giờ để
nghỉ ngơi; nghỉ ngơi thể xác, không lao động và nghỉ ngơi tinh thần, không phải
tính toán. Như vậy là đã giảm áp lực trong cuộc sống.
Do đâu mà
người ta bị áp lực trong cuộc sống. Phật dạy rằng con người bị áp lực trong
cuộc sống là do tham, sân, si. Vì si mê chỉ đạo, tức quyết định sai lầm hướng
dẫn lòng tham con người, mới đi vào chỗ khổ đau, mà căn bản của nó là thập
triền, thập sử là mười thứ ràng buộc con người, đó là tham, sân, si, mạn, nghi,
thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Phật tử tu hành phải phá
bỏ thập triền, thập sử và trước tiên cần phá bỏ tâm tham. Làm như vậy là “Phá
địa ngục muôn trùng kiên cố, thoát thành sầu cũng khổ ấm duyên”.
Ngục tù
kiên cố là do lòng tham của chúng ta xây dựng lên. Chúng ta khổ vì lòng tham, bị áp lực trong cuộc sống cũng vì lòng tham.
Những người tham danh lợi, tham tình ái, thì càng tham nhiều, càng khổ nhiều.
Vì vậy, một trong tám điều giác ngộ mà Phật dạy là: “Tham dục nhiều, lụy khổ
thêm nhiều. Dạt dào sanh tử bao nhiêu, cũng vì tham dục mọi điều gây nên”.
Trong kinh ghi rằng có một lần Phật và Thánh chúng gặp người chủ đồn điền bị
mất bò. Ông đã chạy đi tìm đàn bò đến mất ăn mất ngủ. Nhân đó, Phật nói rằng
các Tỳ-kheo được hạnh phúc hơn vì không có đồn điền, không có tài sản, nên
không bị nó ràng buộc.
Thực tế
cuộc sống cho thấy người làm ăn sa sút, nợ nần, phá sản cho đến bị tù đày, thảm
cảnh này phát xuất từ si mê và lòng tham. Do quá tham trở thành mê mờ, mới
quyết định sai lầm. Tham và si tác động qua lại hỗ tương. Có người đến nhờ thầy
cứu giúp, vì nợ chồng chất ngập đầu. Thầy hỏi ông vay nợ chi cho ngập đầu. Đang
không nợ, nhưng vay cho nợ ngập đầu, không còn chỗ thở. Ông này sống trong áp
lực quá nặng nề, chỉ còn cách tự tử, nhưng làm sao thoát được. Có thể chủ nợ
không tìm được, không đòi nợ được, nhưng địa ngục của linh hồn, địa ngục của
lương tâm đáng sợ hơn, đời này cho đến đời sau, nó tràn ngập trong tâm thì làm
sao sống an ổn. Vì vậy mà Phật nói rằng địa ngục muôn trùng kiên cố, nghĩa là
từng lớp chồng lên nhau. Thật vậy, ban đầu không nợ, rồi nợ ít cho đến nợ
nhiều; ban đầu không ai ghét, cho đến nhiều người tẩy chay thì làm sao sống
được. Cảnh sống khổ đau như vậy là địa ngục do lòng tham con người tự tạo ra và
tự đi vào đó, sống trong đó. Trong khi anh làm vườn Ấn Độ chỉ có 1USD một ngày,
nhưng nuôi được gia đình và sống thảnh thơi. Anh này không tu, nhưng ăn một
ngày một bữa; hôm nào không có tiền thì hai ngày ăn một bữa. Chúng ta nghe như
vậy thấy sợ, nhưng các thầy học ở Ấn Độ kể rằng có người hai ngày mới ăn một
lần mà vẫn sống an lạc; rõ ràng họ không bị áp lực trong cuộc sống.
Đường sá ở
Ấn Độ rất xấu, đi lại khó khăn và thường bị kẹt xe. Thầy đi từ Linh Thứu đến Ba
La Nại từ sáng đến 12 giờ đêm mới tới, nhưng tài xế vẫn ung dung tự tại, kẹt xe
thì chờ, hết kẹt thì đi. Thầy thấy một số người chạy xe ở Việt Nam
đáng sợ. Đèn đỏ, nhưng anh chạy Honda vẫn băng qua đại. Anh này vì áp lực trong
cuộc sống, áp lực công việc mà quên cả mạng sống mình, quên cả gia đình. Thầy
thấy thương cho anh, vì anh này ở tỉnh lên thành phố, nghèo nên mong kiếm được
tiền mà bất chấp đèn đỏ, nghĩa là bất chấp tai nạn có thể chết hay bị thương
tật thì biết bao nhiêu người trong gia đình anh phải chịu liên lụy theo.
Thầy nhớ
lúc đất nước ta mới thống nhất, còn nghèo, một năm có 100USD vẫn sống, nhưng
nay có 1.500USD mà vẫn bị áp lực. Phật tử nên suy nghĩ và biết dừng lại, tại sao
ngày xưa không tiền mà sống được. Để giảm bớt áp lực trong cuộc sống của chúng
ta, cách tốt nhứt là áp dụng lời Phật dạy, đừng sống vượt mức chúng ta có mà
phải khổ và nó sẽ ràng buộc chúng ta mãi.
Phật dạy
rằng có mười điều ràng buộc, vừa ngăn che làm chúng ta không sáng, thì chúng ta
phải tự gỡ bỏ. Một là vì lòng tham khiến chúng ta mờ mắt, tâm mờ tối. Nguồn gốc
của vô minh do tham ái. Trong tham có nhiều thứ, nhưng gom lại còn ba điều căn
bản, cắt được cái nào thì nhẹ cái đó. Ba thứ tham là tham danh, tham lợi và
tham tình. Tổ Thiên Thai nói rằng hết mê danh, mê lợi, rồi đến mê tình. Mê danh
thì bị danh ràng buộc, khiến ta nghĩ phải có danh, có danh rồi nghĩ phải có lợi
và thúc giục tiếp theo là tình ái; đó là quá trình của con người lặn hụp trong
cuộc sống này.
Thật vậy,
khi còn tuổi trẻ, người ta luôn nghĩ đến danh. Danh có hai là hư danh và thực
danh. Hư danh hay giả danh thì chúng ta nên tránh, vì chạy theo hư danh, ôm giả
danh chẳng được gì. Nếu muốn có danh thực, phải rèn luyện bản thân để có tri
thức và đạo đức. Người có danh thực mà thầy kính trọng là cố Đại tướng Võ
Nguyên Giáp. Ông là một vị danh tướng, mặc dù ông không quan tâm đến điều đó.
Hồ Chủ tịch đã phong cho ông là Đại tướng và giao cho ông thành lập Quân đội
Nhân dân, nên ông được kính trọng là người anh cả của Quân đội Nhân dân. Bác Hồ
đã nhìn thấy thực tài của ông. Nói cách khác, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên
Giáp hiểu nhau, hay những tâm hồn lớn gặp nhau. Bác Hồ cũng là người hiểu sâu
sắc đạo Phật. Thầy có tấm ảnh Bác Hồ ngồi thiền, đi khất thực, nên ngài đã có
sự hiểu biết đúng đắn năng lực của từng người mà bố trí công việc.
Người chạy theo hư danh thì dù có
được cũng sụp đổ. Phật dạy rằng khi chưa có thì tham cầu, được rồi thì cố giữ
nên khổ và khi mất càng khổ hơn. Người giác ngộ nhận ra điều này, vì mình có
thực tài, nên khi đất nước, xã hội cần thì mình sẵn lòng dấn thân; nhưng khi xã
hội không cần thì thôi, không làm nữa, đơn giản như vậy. Người ta tự đưa mình
lên và đưa mình xuống. Điều này không quan trọng, nhưng quan trọng là tâm mình
được an lạc hay không, làm được việc hay không. Ý này được kinh Pháp hoa
diễn tả rằng khi được chư Thiên cung kính cúng dường, hành giả cũng thanh thản,
coi như không có. Khi bị mua chuộc, tâm hành giả cũng không thay đổi. Đối trước
khó khăn, chúng ta không sợ, vì có sợ cũng không giải quyết được. Thầy thường
nói chết là cùng, nhưng không chết; điều quan trọng là sống cho đáng sống và
chết có ý nghĩa.
Trên bước đường tu, Phật tử nên
suy nghĩ cái gì thực thì chúng ta giữ, giả thì bỏ. Bồ-tát Phổ Hiền dạy trong
kinh Pháp hoa rằng những gì đáng quý trên cõi thế gian, sau khi mạng
chung còn đem theo được, thì đó là thực, không đem theo được là giả. Vì vậy,
học một phần nhỏ trong kinh Pháp hoa và áp dụng một phần nhỏ của hạnh
Bồ-tát, chắc chắn Phật tử đã giảm được áp lực trong cuộc sống.
Như vậy, đầu tiên Phật bảo chúng
ta bỏ bớt lòng tham sẽ thấy sự thực. Anh Võ Đình Cường nói rằng vì quá tham nên
mắt thành cận thị. Thầy nói quá tham nên mờ mắt thì thấy phải thành trái, thấy
xấu thành tốt. Mắc lầm như vậy nên tội chồng chất là tự xây cho mình địa ngục
không lối thoát. Cắt một phần tham sẽ được an lạc, bớt áp lực trong cuộc sống.
Thật vậy, cuộc sống không cần tham cầu nhiều như mình tưởng. Sống với cái mình
có thì không phải lo lắng, hay muốn giải thoát, được sung sướng, nên sống ít
hơn mình có. Sống nhiều hơn mình có là khổ. Đa số người sống nhiều hơn mình có,
nhiều hơn năng lực của mình thì đó là giả, nên không thể làm được và tự chuốc
họa vào thân. Phật tử nghiệm xem tất cả mọi việc trên cuộc đời đều như thế,
mình bị áp lực vì làm ngoài khả năng
mình. Làm trong khả năng thì làm gì có áp lực. Trong kinh Hoa nghiêm,
Phật dạy Bồ-tát mọi việc làm đều trên căn bản giải thoát, nghĩa là không bị áp
lực. Riêng thầy, cái gì mà thầy có cảm giác bị áp lực thì không làm. Thầy không
bị áp lực của quần chúng, của xã hội, của Phật tử; nói cách khác là chủ động
mới được giải thoát. Còn sợ quần chúng,
sợ chính quyền, sợ Phật tử thì bị áp lực, nên phải khổ.
Thầy khuyên quý vị làm việc gì,
đầu tiên không để bị áp lực. Thí dụ, Phật tử phát Bồ-đề tâm cứu nhân độ thế
cũng trên căn bản giải thoát, không phải lao đầu vào chỗ chết như con thiêu
thân. Với tâm hồn giải thoát, không kẹt công việc, gọi là vô trước, tức không
chấp trước; vì có trước thì có phược, tức là phiền não. Đủ duyên thì làm, hết
duyên thì nghỉ, lấy giải thoát làm chính. Phật tử làm được bao nhiêu công đức,
nhưng không giải thoát là phạm sai lầm. Vì vậy, làm nhiều hay làm ít cũng được
và không làm sai lầm, được an lạc giải thoát, không ai quấy rầy mình, nghĩa là
chủ động, vô trước vô phược. Làm gì mà bị ràng buộc thì ta không làm. Làm gì mà
chấp trước, không giải thoát thì không làm.
Trở lại thực tế, cái quan trọng nhứt trong Phật giáo là trí
tuệ. Trí tuệ là sự nghiệp của đời ta, là vốn quý giá nhứt và từ vốn quý này,
chúng ta phát triển lên. Có trí tuệ, chúng ta mới biết nên đi đâu, nên làm gì,
nên gặp ai để không bị ràng buộc trong công việc. Và khi thân tứ đại này chấm
dứt, trí tuệ mang theo được.
Trong kinh Pháp hoa, Đức
Phật khuyên chúng ta cũng nên từ giã những kẻ ngu si vì họ có thể xúi dại chúng
ta, đẩy chúng ta vô chỗ nguy hiểm. Chúng ta nên thân cận bậc hiền trí để phát
huy trí tuệ. Trí tuệ có tới đâu, sự nghiệp của chúng ta tới đó. Thực tế cho
thấy có người tay trắng dựng nên sự nghiệp là nhờ trí tuệ. Chỉ sợ sự nghiệp lớn
mà không có trí tuệ. Vì vậy, có người được cha ông để lại sự nghiệp, nhưng phút
chốc trở thành mây khói vì không trí tuệ. Lịch sử cho thấy vua Lý Thái Tổ xuất
thân từ thiền môn, ông ra làm vua bằng hai tay trắng, nhưng dựng nên sự nghiệp
nhà Lý trở thành triều đại thuần từ nhứt kéo dài hơn 200 năm. Ông vua sau cùng
là vua Lý Huệ Tôn rất hiền, nhưng quá khờ, ham chơi, mới bị Trần Thủ Độ ăn hiếp
và cuối cùng bảo ông nghỉ làm vua, giao cho con gái làm vua là Lý Chiêu Hoàng.
Trần Thủ Độ tìm cách cho Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh là cháu của Trần
Thủ Độ, thì đến đây nhà Lý chấm dứt do thiếu trí tuệ. Lý Huệ Tôn vô chùa tu,
nhưng Trần Thủ Độ vô thăm và nói khích ông một câu rằng nên treo cổ chết cho
rồi, vậy mà ông cũng làm theo. Như vậy, chúng ta thấy sự nghiệp nhà Lý lớn lao,
tồn tại hơn 200 năm mà từ có này đã hoàn không.
Có trí tuệ mới có phước báo và giữ
được phước báo, mới xây dựng được đạo đức. Còn đạo đức của chúng ta, của người
không có trí tuệ đương nhiên hư việc, không thể tồn tại. Có trí tuệ thấy việc
nên làm, chỗ nên đến, người nên tiếp xúc, dẫn đến thành công.
Bác Hồ có trí tuệ mới chọn Đại
tướng Võ Nguyên Giáp là người có năng lực, có thực tài mới hoàn thành được
trách nhiệm bảo vệ đất nước. Ngoài ra, thầy gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng,
nhận thấy rằng Bác Hồ chọn vị này rất đúng. Cụ đã có những quyết định rất đặc
biệt. Trong lúc nước ta còn nghèo mà cụ đã dám dùng 20 lượng vàng để thếp tượng
Phật đặt ở chùa Trúc Lâm, Paris.
Cụ Đồng hỏi thầy có biết tại sao cụ lại tặng Thủ tướng Thái Lan bức tượng Quan
Âm một ngàn mắt, một ngàn tay. Một ngàn mắt, một ngàn tay để thấy tất cả và làm
được tất cả, đó là đạo Phật. Theo thầy, cụ Đồng hiểu sâu sắc đạo Phật.
Nếu không có trí tuệ, thấy không
đúng thì làm không đúng, nói cách khác là bị áp lực công việc. Còn thấy đúng
thì không thể bị áp lực, mà còn chuyển khổ thành vui, gọi là “Chuyển khổ duyên
nhi thành lạc cụ”. Kinh Lăng nghiêm dạy ý này là chuyển vật tức đồng Như
Lai. Như Lai và chúng sanh là một, nhưng vì bị vật chuyển là bị xã hội và thiên
nhiên chi phối, nên là chúng sanh. Trong khi Như Lai chuyển vật, nhưng muốn
được như vậy, phải có trí tuệ tiêu biểu bằng một ngàn con mắt, mới làm đúng,
mới thành công. Người không có trí tuệ suốt đời lam lũ, không được gì. Có trí
tuệ, họ làm nhàn hạ và luôn làm tốt. Có trí tuệ thấy việc không nên làm, chỗ
không nên tới, thì không bị áp lực, không bị tai họa. Không nên làm mà làm sẽ
chuốc họa.
Chúng ta còn nhớ sau khi Phật
thành đạo, Ngài thuyết pháp suốt cả cuộc đời, nhưng ít nhứt Phật cũng có ba năm
không nói gì, không tiếp xúc với ai. Điều này thể hiện trí tuệ của đấng Toàn
giác. Có trí tuệ, chắc chắn tránh được tai họa và không bao giờ bị áp lực. Vạn
Hạnh thiền sư đã nói đem thân đặt vào chỗ an thì an. Người có trí tuệ không đặt
mình vô chỗ nguy.
Dứt trừ tham sân si, nói chung là
tháo gỡ được thập triền thập sử, nhứt định không bị áp lực mà còn được thanh
thản, hạnh phúc. Rõ ràng vì quá ham muốn, nhưng không được, nên dễ bực tức. Ta
ham muốn, người cũng ham muốn, mới xảy ra xung đột, cho đến đánh giết nhau. Có
trí tuệ mới có thể hóa giải được lòng tham và xung đột. Chúng ta tu hành, tập
xử sự theo Phật thì áp lực giảm xuống, giảm một phần, hai phần, ba phần cho đến
giảm hoàn toàn, nói cách khác, tâm chúng ta không kẹt việc, tất nhiên được an
lạc.
Tóm lại, suy nghĩ và áp dụng lời
Phật dạy sẽ làm giảm áp lực trong cuộc sống và khi áp lực giảm bằng không là
chúng ta trụ ở Niết-bàn, cái nhìn của chúng ta chính xác hơn thì bấy giờ làm
việc cũng trên căn bản giải thoát. Riêng thầy, làm việc nhiều, nhưng không để
công việc áp lực, vì sống giải thoát là việc chính yếu và thấy việc lợi ích cho
nhiều người, sẵn sàng dấn thân. Làm như vậy, chúng ta được an lạc, giải thoát
là ý nghĩa tu theo Phật.
HT.Thích Trí Quảng