Bạch Sư ông, tại Việt Nam, có người dùng từ đọc kinh, có người dùng từ tụng kinh. Ý nghĩa của hai thuật ngữ này thế nào?
Các huynh đệ nên hiểu “tụng” là học
thuộc lòng, những khi lên chánh điện mặc áo tràng đắp y, thắp nhang lễ
Phật, có chuông có mõ, mở kinh ra rồi cho đó là tụng. Kỳ thật đó không
phải là tụng kinh mà chỉ là đọc kinh. Tụng kinh là phải đọc thuộc lòng
kinh. Nên nhớ kỹ điều đó! Khi đã thuộc lòng rồi, mình tụng mới có lợi
ích lớn. Không những lúc mặc áo tràng đắp y lên điện Phật, mà trong
những khi đi đứng nằm ngồi, thỉnh thoảng những lời kinh do mình thuộc nó
sẽ khởi lên trong tâm.
Như
người đời thuộc những bài ca mà họ ưa thích, thì những khi đi đứng nằm
ngồi họ thường khe khẽ cất lên vài câu, hay trong tâm cũng thường nghĩ
nhớ đến những bài ca bài hát đó. Cũng vậy, nếu mình thường niệm Phật thì
nó khởi lên câu niệm Phật. Còn nếu mình thuộc lòng kinh thì những lời
kinh thường hay khởi lên thì ngay lúc đó là mình đã tụng kinh rồi.
Sư ông thường dạy rằng lời Phật thật quý báu. Vậy, người tụng kinh do tôn kính lời Phật sẽ đạt được lợi ích gì?
Mỗi khi tụng kinh, mình nhớ lại những
lời dạy của Phật thì đó là mình niệm Pháp. Khoảng thời gian mình tụng
kinh thì những niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên
không khởi lên; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc có khởi
lên cũng khởi yếu. Đây là nói phục, còn đoạn là khác nữa. Nhưng nhờ cái
phục nên nó yếu. Vì yếu nên tội chướng nghiệp chướng cũng yếu dần. Khi
bên tội chướng, nghiệp chướng yếu thì thiện căn công đức sẽ khởi dậy.
Hai cái đó như hai cái giá cân. Nếu bên này nặng thì bên kia bị nhẹ. Nếu
bên này nhẹ thì bên kia nặng, lẽ đương nhiên là như vậy. Nói cách khác,
ngoài phước báu do tôn kính Phật pháp, người tụng kinh có thể làm tiêu
trừ nghiệp chướng.
Trong đời tu của Sư ông, hẳn nhờ tụng kinh Sư ông ngộ ra nhiều điều. Xin Sư ông đơn cử một ví dụ về cái ngộ nhờ tụng kinh.
Nay tôi sẽ nói rõ điều này cho các huynh
đệ nghe, vì thông thường ít ai nghĩ đến. Nhân khi tụng kinh Kim Cang
tôi đã khám phá ra một điều mà từ lâu suy nghĩ không biết vì sao trong
kinh nói một vị Tu đà hoàn dứt trừ được kiến phiền não, còn tư phiền não
thì chậm nhất là trong bảy đời dứt hết thành A la hán. Vị Tu đà hoàn
không có đời thứ tám, chỉ đến đời thứ bảy là cuối cùng. Trong kinh nói
rõ ràng, chứ không nói việc tu hành gì cả.
Tôi
thường suy nghĩ việc đó hoài, nghiệm mãi không ra. Cho đến khi tụng
kinh Kim Cang đến đoạn Phật hỏi ngài Tu Bồ Đề: Vị Tu đà hoàn có tự nói
mình là Tu đà hoàn không? Ngài Tu Bồ Đề đáp là không. Bởi vì Tu đà hoàn
gọi là nhập lưu. Nói nhập mà không chỗ nhập. Không nhập vào sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp, do đó gọi là Tu đà hoàn. Ngay đó tôi hoát nhiên
phá giải được cái điều mà tốn không biết bao nhiêu thời gian suy nghĩ về
lý do tại sao mà vị Tu đà hoàn không có đời thứ tám, chỉ nội trong bảy
đời dứt tư hoặc chứng A la hán.
Nghĩa là vị Tu đà hoàn sau khi kiến hoặc
đã dứt rồi thì tâm của vị ấy không còn bị chi phối bởi sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp. Do không bị chi phối nên tư hoặc không có dịp phát
khởi. Vì không phát khởi nên lần lần nó mòn yếu đi. Do mòn yếu nên nó
dứt lần lần. Dứt một phần thì thành Tư đà hàm. Dứt thêm phần nữa thì
thành A na hàm. Dứt thêm nữa cho đến dứt sạch hết thì thành A la hán. Nó
dứt từng phần, dứt lần lần.
Cũng thế, hằng ngày mình có niệm Phật
tụng kinh, thì lúc đó phiền não, nghiệp chướng nó không khởi. Nó không
khởi trong khoảng thời gian mình có niệm Phật, tụng kinh, chứ không phải
nó luôn luôn không khởi. Nhưng có như vậy thì nó yếu lần đi. Nó yếu lần
đi thì cái lành cái tốt phát triển lên thì gọi là mình có tu. Phiền não
nghiệp chướng bị dằn bị phục thì thiện căn công đức phát sanh, cho đến
lúc nào đó sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn chi phối nội tâm
mình là thành công. Mà cũng không
biết đến lúc nào, bởi vì chủng tử phàm phu trong vòng sanh tử luân hồi
của mình nó nặng nề lắm, phiền não nghiệp chướng nặng nề lắm. Nhưng nếu
hằng ngày mình có phương pháp để dằn để phục, thì nó sẽ yếu lần lần.
Bằng không nếu bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối thì mỗi ngày
chẳng những nó không yếu mà lại mạnh thêm, thì mình càng chui đầu sâu
vào vòng sanh tử luân hồi. Lẽ tất nhiên hai ngả rõ ràng như vậy.
Trên đây chỉ là một ví dụ. Nếu các huynh
đệ mỗi ngày đều tụng kinh thì sẽ tỏ rõ nhiều điều bổ ích. Do đó, tôi
khuyên các huynh đệ siêng năng tụng kinh để thâm nhập trí Phật.
Tại Việt Nam, khi tụng kinh, các chùa còn niệm Phật. Xin Sư ông khai thị về phương pháp niệm Phật trong tụng kinh?
Tôi nói rõ để huynh đệ biết rằng tụng
kinh và niệm Phật đúng cách là thật tu. Khi niệm Phật thì không duyên
việc khác. Không duyên theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Chỉ duyên
nơi âm thanh câu niệm Phật. Huân tập mỗi ngày một mạnh lên nơi hạnh niệm
Phật thì những niệm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khác, mỗi ngày một
bớt đi, vì trong khoảng thời gian đó nó không khởi được thì nó phải
giảm bớt. Mà nếu thời gian niệm Phật càng ngày càng nhiều thì tất nhiên
mỗi ngày mình lần lần tiến lên.
Cũng
như người tu thiền giữ tâm đừng cho khởi vọng, tất nhiên là làm sao cho
nội tâm đừng bị chi phối bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nó không
chi phối thì phiền não nghiệp chướng không do đâu mà sanh khởi. Phiền
não nghiệp chướng không khởi được thì lần lần nhẹ đi, cho đến lúc nào đó
cũng như cái màn che bị rách, bị tan thì ánh sáng từ trong nội tâm phát
ra, gọi là tỏ ngộ. Hai đường tu dù Thiền dù Tịnh giống nhau, chứ không
chi khác.
Vậy, theo Sư ông tu thật chất là không để tâm dính vào sáu trần cảnh?
Đúng vậy! Hằng ngày mình bị sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp chi phối là không có tu. Lúc nào sắc, thanh, hương,
vị, xúc, pháp nó không chi phối nội tâm của mình được, thì chính lúc đó
là lúc mình tu. Nên nhớ kỹ như vậy! Chứ không phải đợi đến lúc mặc áo,
đắp y lên chánh điện. Mặc áo đắp y lên chánh điện, lễ Phật mà bị cảnh
ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nó chi phối thì chưa phải là có
tu.
Pháp của Phật dạy nói cho rõ là tu tâm.
Còn nơi thân và khẩu chỉ trợ giúp cho nội tâm mà thôi. Nói vậy không
phải phế bỏ những thời khóa tu tập, ban đầu sức tu còn yếu thì phải
nương vào thời khóa, quan trọng ở chỗ là ngoài thời khóa cũng phải tu.
Do đó niệm Phật không luận là lúc đi, đứng, nằm, ngồi gì, nếu có niệm
luôn thì có tu, mà bị gián đoạn là không có tu. Đó là điểm chánh yếu.
Tất cả các pháp môn khác cũng đều như vậy.
Bạch Sư ông, để thâm nhập kinh tạng khi tụng kinh, người tụng phải làm gì để đạt được?
Để
được như thế, khi tụng kinh phải thuộc lòng kinh. Chẳng những các thời
khóa trong chùa phải thuộc mà các kinh mình thích cũng phải thuộc. Như
tôi cũng vậy, thích Phổ Môn phải thuộc Phổ Môn, thích Kim Cang phải
thuộc Kim Cang, thích phẩm Phổ Hiền phải thuộc phẩm Phổ Hiền, cho đến
thích Pháp Hoa phải thuộc Pháp Hoa. Lúc trước mỗi ngày giữ đều đặn như
vậy, riêng kinh Pháp Hoa thì mỗi ngày tụng một biến hoặc hai ngày một
biến. Ai làm được như thế thì thâm nhập kinh tạng không khó.
Bạch Sư ông, người bận rộn với nhiều công việc không có thời gian để tụng nhiều thì làm thế nào có thể hiểu kinh được?
Người bận rộn có thể chọn các phần kinh
quan trọng để tụng. Tôi đơn cử cách sắp thời gian của tôi trong quá khứ.
Năm 1963 khởi lên việc tranh đấu với ông Diệm và năm 1964 thành lập
GHPGVN Thống Nhất, tôi phải bận nhiều công việc nên mỗi ngày không có
thời gian tụng kinh Pháp Hoa. Ai cũng biết tụng kinh phải tụng luôn nếu
không lại quên nên không thể tiếp tục việc tụng kinh Pháp Hoa, mà chỉ
giữ lại bài kệ phẩm Phương Tiện làm thời khóa cho đến bây giờ. Bài kệ
phẩm Phương Tiện cũng nhiều lắm, gần 500 câu chứ đâu phải ít. Khi có thể
thu xếp thời gian thì ta tụng cố định và đều đặn hơn thì mới hiểu kinh
thấu đáo được.
Hiện nay, thời khóa mỗi ngày của tôi
nhất định phải có là: sáng sớm thức dậy tụng phẩm Phổ Hiền trong kinh
Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang, bài kệ phẩm Phương Tiện của kinh Pháp Hoa,
kinh Phổ Môn, kinh A Di Đà” rồi hoàn kinh niệm Phật. Nếu tụng ra tiếng
thì hơn 2 tiếng đồng hồ, nếu tụng thầm thì trên dưới một tiếng rưỡi. Năm
nay tôi đã 94 tuổi nên chỉ thực hiện thời khóa bằng cách tụng thầm mà
thôi, chứ tụng ra tiếng thì không nỗi nữa rồi. Sở dĩ tôi nói kỹ như vậy
để chúng ta biết rõ cách tu tập của mình là phải có sự liên tục hằng
ngày. Không nên lúc có, lúc không.
Tụng kinh niệm Phật ngoài mục đích chính
yếu là vãng sanh Cực Lạc ra, còn có tác dụng hàng phục những phiền não
nghiệp chướng, khiến cho những thiện căn công đức được tăng trưởng. Nếu
mỗi ngày tu hành đều đặn như vậy, tất nhiên lần lần bớt đi phần phàm phu
sanh tử mà tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát.
Bạch Sư ông, khi hiểu kinh rồi thì lộ trình tu bao lâu mới đạt kết quả?
Ngay
đức Phật cũng phải trải qua vi trần số kiếp tu tập chứ không phải con
số ức muôn mà mình thường tính toán. Phải lấy số vi trần để tính số kiếp
tu hành. Rõ ràng như vậy, chính đức Phật nói chứ không ai khác. Như
Phẩm Đề Bà Đạt Đa trong kinh Pháp Hoa, ngài Trí Tích Bồ tát nói: “Tôi
xem trong cõi Tam thiên Đại thiên nhẫn đến không có chỗ nhỏ bằng hột cải
mà không phải là chỗ của Bồ tát (chỉ cho Phật Thích Ca) bỏ thân mạng để
vì lợi ích chúng sanh, vậy sau mới thành đạo Bồ đề”. Chứ không phải
thường thường như chúng ta, làm được chút ít công đức gì đó mà đòi thành
ông Hiền ông Thánh liền đâu. Trong kinh dạy rất đầy đủ, nhất là kinh
Đại Bửu Tích nói về công hạnh của các vị Bồ tát rõ ràng lắm. Mọi người
nên cố gắng tìm đọc. Tôi bây giờ phải nhờ người khác đọc để biết được
công hạnh của các ngài quá khứ tu thế nào, hiện tại thành tựu thế nào.
Nói chung, việc dứt trừ nghiệp chướng
phiền não để ra khỏi sanh tử luân hồi không phải là chuyện dễ. Nhưng
mình có tu tập đều đặn là mình có bước đi. Mà đã có bước đi là có lúc
đến. Có bước một bước là có giải thoát một bước, chứ không phải đợi đến
đích rồi mới giải thoát. Thường nghĩ như vậy lại thấy vui. Bởi vì biết
mình mỗi ngày có bước là mỗi ngày gần thêm bờ giải thoát. Nên nhớ kỹ là
vi trần số kiếp chứ không phải ít đâu. Không phải nghe nói: “Tức tâm tức
Phật” rồi cho rằng thấy tâm là thành Phật. Vì nếu như vậy là mình hơn
Phật Thích Ca xa lắm rồi.
Theo: DPNN