Ý nghĩa tán sám tụng niệm
18/02/2010 11:47 (GMT+7)

Ý NGHĨA TÁN SÁM TỤNG NIỆM

(Trích trong “Nghi lễ Phật giáo”)
Son gi: Thích Diu Tánh


Tán sám: Là khen ngợi tướng tốt và thâm ân của Tam Bảo.

Tụng: Đọc tụng kinh, chú của Phật dạy.

Niệm: Tưởng niệm danh hiệu và tướng tốt của Đức Phật.

Nếu nói rõ, tụng niệm là mục đích để làm cho tâm và miệng được hợp nhất vào câu Kinh tiếng Pháp của Phật.

Tụng niệm để giữ 3 nghiệp cho được thanh tịnh, trang nghiêm và huân tập những điều hay tốt, đồng thời ôn lại những lời Phật dạy để làm phương châm đời sống hằng ngày và huân tập giống Bồ đề giải thoát tâm thức cho mình cùng người.

Tụng niệm để làm cho Pháp âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hòa mọi người cải tà qui chánh và khuyến khích nhắc nhở mình cùng người trên đường làm lành học Đạo.

Nói tóm, người tu hành luôn luôn phải tụng niệm để sám hối tội lỗi cầu mong sớm đạt được mục đích giải thoát và giác ngộ. Lại nữa, tụng niệm để cầu an cho người bệnh hoạn và cầu siêu cho kẻ lâm chung chóng thoát luân hồi, siêu sanh Tịnh Độ.

Vậy, là Phật tử bất luận tại gia hay xuất gia, ai ai cũng cần phải học và hiểu ý nghĩa Nghi lễ để tụng niệm.

TỤNG NIỆM ĐỂ CẦU AN VÀ CẦU SIÊU

Ý nghĩa cầu an: Cầu an là mục đích sám hối tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng, tránh mọi bệnh hoạn, tai họa và nghiệp báo, để được thân tâm an lạc, phước huệ trang nghiêm, đạo tâm kiên cố, bồ đề tăng trưởng.

Nếu nói rõ, cầu an là cầu nguyện trong những trường hợp tai họa, ốm đau do nguyên nhân tội lỗi gây ra. Lúc bấy giờ ta vận hết lòng thành, tắm gội thân tâm, tập trung tất cả điện lực bằng cách tụng kinh, niệm Phật, trì chú, Bái sám hồng danh.v.v...đối trước Tam Bảo. Chính nhờ sức mạnh của tinh thần cầu nguyện này, mà giao cảm đến Chư Phật, Bồ tát sẽ phóng quang đến gia hộ cho chúng ta sớm đạt được như ý và hợp với chánh đạo.

Vì rằng Phật thương chúng sanh như mẹ thương con, chúng sanh nhớ Phật như con nhớ mẹ, vậy mỗi lúc cầu nguyện chúng ta cần phải thành khẩn và đầy đủ đức tin, mới có sự cảm ứng và gia hộ của Chư Phật và Bồ Tát.

Ý nghĩa cầu siêu: Cầu siêu là mục đích sám hối tội lỗi cho người quá vãng, hầu chuyển nghiệp nhân xấu của người, khiến họ xa lìa quả báo đau khổ, rời khỏi cảnh giiới tối tăm đọa đày, cầu cho thần thức người được nhẹ nhàng thảnh thơi, siêu sanh về nơi thế giới tịnh lạc, chóng thoát luân hồi.

Nếu nói rõ, cầu siêu là cầu nguyện cho người sau khi lâm chung, thời gian 49 ngày, cứ mỗi thất làm tuần, hoặc ngày giáp năm hay húy kỵ.v.v..Trong thời gian này, gia quyến cần đặt vấn đề cầu nguyện và hiếu sự lên trên hết, nên tránh tất cả sự sát hại sinh linh và bao nhiêu việc làm khác có tính cánh gây tội lỗi, cần nhất là người cầu nguyện phải trai giới thanh tịnh, vận hết lòng thành tập trung vào việc tụng Kinh, niệm phật, sám hối để cầu nguyện. Thân nhân của người quá vãng cần làm thêm những việc từ thiện: Phóng sanh, bố thí, cúng dường, ấn tống Kinh điển.v.v...

Trong Kinh Phật dạy:

Tụng niệm và làm các việc phước, đem công đức ấy hồi hướng cho vong linh, cũng như gởi lương hướng cho người đi xa vậy. Người đã siêu rồi mau được Phật thọ ký; người ở cõi trên mau lên các địa vị cao hơn, hào quang càng sáng tỏ. Người đang sa đọa trong 3 đường ác thì cũng nhờ các công đức ấy mà siêu sanh Tịnh Độ hay thoát khổ lên làm Trời, làm người v.v...

Đó là ý nghĩa cầu siêu và việc cần làm của người còn đối với kẻ mất vậy.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI HÀNH LỄ:

Những lễ cầu an, cầu siêu hay cúng ngọ Phật tại chốn Già lam Tịnh xá hoặc tư gia Phật tử, nếu đứng trước bàn Tam Bảo, trước khi hành lễ phải tán một bài gì có ý nghĩa cúng hương, cuối bài ấy phải có câu: Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát (3 lần). Rồi kế đó mới được tán những bài khác, ngoài ý nghĩa nói trên.

Ví dụ tán bài: giới hương, lư hương hay hương vân hoặc tâm diên và hương tài...(tùy ý chọn một bài).

Trái lại những lễ như: Trị quan, Trị huyệt hoặc An vị Phật hay Khánh thành...bắt đầu khởi lễ phải tán một bài gì thuộc về ý nghĩa “Cam lồ sái tịnh” thì được, cuối bài phải có câu: Nam Mô Cam Lồ Vương Bồ Tát, hay câu: Nam Mô Thanh Lương Địa Bồ Tát (3 lần)

Ví dụ tán bài: Tào khê thủy hay Hải chấn hoặc Dương chi... (tùy ý chọn), kế đó trong buổi lễ mới được tán bài khác, ngoài ý nghĩa nói trên. Những lễ đứng trước bàn Tam Bảo như: Cầu an, cúng ngọ, khánh thành, an vị hoặc cầu siêu. Đầu buổi lễ lúc nào cũng tụng Chú Đại Bi, cuối buỗi lễ phải tụng Bát nhã và sau phần hồi hướng: Tam tự quy, nguyện dĩ thử...

 

 

Các tin đã đăng: