Lòng từ bi của đức Phật
11/08/2014 07:52 (GMT+7)

Ngày Phật đản được xem như ngày tết Phật giáo, vì đánh dấu thời điểm trọng đại một bậc vĩ nhân ra đời vì lợi ích cho nhân loại nói riêng và cho chúng sanh trong toàn pháp giới nói chung. Cuộc đời của đức Bổn Sư từ khi sinh ra cho đến khi nhập diệt, đều thể hiện tính cách kỳ vĩ siêu tục có một không hai. Cho đến bây giờ dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ, nhưng trí tuệ và lòng từ bi của Ngài vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời, và tấm gương sáng chói cho mọi người con Phật.

 

Đức Phật của chúng ta kiếp trước vốn là một vị Bồ-tát ở nội viện cung trời Đâu-suất, Ngài chỉ sanh vào cõi Ta-bà một lần cuối cùng là thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nên được tôn là Bồ-tát Nhất sanh Bổ xứ. trước khi nhập thai, Ngài quan sát khắp cõi Diêm-phù-đề, thấy nước Ấn Độ là trung tâm thế giới và Vương quốc Ca-tỳ-la-vệ là nơi cường thịnh nhất. Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia là những người đạo đức, có duyên với Ngài từ nhiều kiếp. Trong Vương quốc, phần đông dân chúng được thuần hóa, những ngành triết học rất thịnh thành. Vì thế, Ngài chọn hoàn cảnh trên làm y báo.
 
Hoàng hậu Ma Gia gần đến ngày sinh, theo tục lệ phải trở về quê mẹ. Khi đến vườn Lâm-tỳ-ni, trong lúc nghỉ ngơi, bà đưa tay hái một nụ hoa Vô-ưu vừa nở, ngay lúc đó, Thái-tử từ hông phải của bà sinh ra. Vừa mới ra đời, Thái tử đã đi bảy bước và có bảy hoa sen đỡ chân, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và Ngài đọc bài kệ: 
 
Ta đối với tất cả
Chư Thiên và loài người
Là tối tôn tối thắng.
Qua vô lượng sanh tử
Kiếp này là chấm dứt.
 
Đức Phật là bậc vĩ nhân đệ nhất trong lịch sử, truyền thuyết về Ngài đã nói lên phần nào sự tôn sùng kính ngưỡng của các hàng môn đệ. Huyền thoại về Đản sanh của Đức Phật còn có ý nghĩa tượng trưng sâu xa, vì Ngài đã là vị Đại Bồ-tát trước khi thị hiện xuống cõi Ta-bà nên Ngài không sinh theo lối thông thường mà sinh từ hông phải của Hoàng hậu Ma Gia. Bên phải tượng trưng cho sự thuận chiều, tức là thuận chiều với Niết-bàn và nghịch chiều với sanh tử. Ngài không bị cuốn vào vòng xoáy luân hồi mà vượt thoát và độ cho nhiều người cùng vượt thoát như Ngài.
 
Bảy bước đi của Thái tử lúc mới hạ sanh, tượng trưng cho ba yếu tố về thời gian: quá khứ - hiện tại - vị lai, và bốn chiều không gian: đông – tây – nam - bắc. Một người tự tại giữa dòng sanh tử sẽ không bị chi phối bởi thời gian và không gian. Hoa sen nở dưới gót chân Thái tử là biểu tượng cho sự trong sạch giữa cuộc đời, sống trong trần gian mà không nhiễm trước, như hoa sen mọc trong bùn lầy mà vẫn nở hoa tỏa ngát hương thơm.
 
Ngài thị hiện với thân 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp là nói lên công đức tu hành trong vô lượng kiếp của một bậc Đại Thánh. Ngài cũng có một cuộc sống thế tục trước khi xuất gia, cũng có những sinh hoạt bình thường như mọi người, khiến ai cũng thấy Ngài vô cùng gần gũi, từ đó mọi người phát khởi lòng tin mình cũng có khả năng tu hành và thành Phật như Ngài. Sự hiện diện của Ngài trên thế gian như ánh mặt trời xua tan bóng đêm tăm tối. Chúng sanh nhờ Ngài dẫn lối đã biết được thế nào là hạnh phúc đích thực, thế nào là bình an vĩnh cửu, thế nào là tình thương chân thật và bình đẳng giữa người với người, giữa người với vũ trụ vạn loại. Và trên tất cả, Ngài ban cho nhân loại một phương thuốc nhiệm mầu điều trị được nỗi khổ lớn nhất của chúng sanh, đó là nỗi khổ trầm luân trong sanh tử. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khoa học công nghệ phát triển mạnh, nhưng đời sống tâm linh lại có chiều hướng đi xuống. Con người đa phần đều hướng về đời sống vật chất, chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân và lợi ích cục bộ mà quên đi sự cần thiết của đạo đức, từ đó đưa đến hận thù, chiến tranh, đau khổ. Và như thế, hạnh phúc như là một xa xỉ phẩm, một cái bóng phù du không bao giờ với tới. Vì vậy, sự hiện diện của Đức Phật, của Tăng đoàn, sự truyền bá Chánh pháp của Ngài trở nên cần thiết và rất quan trọng đối với sự bình an của toàn nhân loại. Bởi vì Ngài chỉ dạy rõ ràng cho chúng ta về đạo tình, đạo nghĩa, về phương pháp tìm hạnh phúc đích thực cho mình và cho mọi người. 
 
Hình ảnh Đức Phật và các Thánh đệ tử đầu trần chân đất ôm bình bát đi khất thực một cách thong dong tự tại là một hình ảnh thật đẹp của vô ngã vị tha. Tình cảm thì không ai không có, nhưng cần được tịnh hóa và hướng về tha nhân mới là tình cảm cao thượng, còn tình cảm vị kỷ yêu thương người vì mình chỉ là sự ràng buộc chiếm hữu của phàm phu. Và điều quan trọng là lòng từ bi phải được soi sáng bằng trí tuệ. Có trí tuệ thì lòng từ bi sẽ được hướng dẫn một cách chuẩn xác, các công việc ngoài đời cũng như trong đạo sẽ chu toàn hơn. Hơn nữa, nhờ biết suy xét, cân nhắc con người càng thêm ý chí nghị lực vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, dù gặp nhiều thất bại cũng không nản lòng.
 
Đức Phật là vị đại diện tối cao của trí tuệ, Ngài còn là tấm gương sáng ngời về lòng từ bi vô hạn và ý chí kim cương. Bằng trí tuệ xuất thế, Ngài nhìn các pháp một cách thấu triệt. Ngài thấy chúng sanh đều bình đẳng ở tánh giác, chỉ vì vô minh mà nhận cảnh giả là thật nên mãi tạo nghiệp mà chìm đắm mãi trong sanh tử, nên Ngài phát khởi tình thương bình đẳng và rộng khắp tất cả chúng sanh. Đây là bản chất của lòng từ bi ban vui và cứu khổ. Chính vì lòng từ bi mà Ngài đã hy sinh mọi tài sản, quyền lực và hạnh phúc thế gian, hy sinh cả thân xác mình lúc tìm thầy học đạo, chỉ với mục đích là tìm cho mình và cho chúng sanh con đường thoát ly sanh tử. Sống và tu chỉ với mục đích ấy, Ngài đã khắc phục biết bao trở ngại từ bên ngoài và cả bên trong. Bên ngoài là hoàn cảnh khó khổ, ngoại đạo quấy phá; bên trong là những tập khí tham sân si ngay tự thân. Đây là ý chí sắt đá, là hùng lực của bậc Thánh nhân, điều này đã thể hiện rõ ràng nhất nơi lời thề sấm sét dưới cội Bồ-đề: "Dù thịt nát xương tan, nếu không thành tựu được đạo quả, thề không rời khỏi chỗ này”. Và sau 49 ngày nỗ lực công phu, cuối cùng Ngài đã hoàn thành sự nghiệp vĩ đại: trở thành Bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là Đấng ban vui của tất cả chúng sanh, là Bậc Thầy cao cả của Trời và Người.
 
Đức Phật xuất hiện nơi đời có ảnh hưởng lớn lao và tốt đẹp đối với vận mệnh nhân loại, nhất là trong thời đại nhiều biến động tinh thần và những đe dọa thường trực giữa người với người, giữa người với thiên nhiên và môi trường sinh thái. Thông điệp về lòng từ bi của Đức Phật là một phương thuốc điều trị tâm bệnh không thể thiếu. Khi nào con người còn đau khổ, thì đạo Phật còn giữ vai trò phụng sự, vì giáo lý nhà Phật giúp con người ý thức rõ hơn bản chất của sự khổ, thúc giục con người tiến tu thoát khổ. Đức Phật lịch sử đã trở về quá khứ, nhưng trí tuệ và lòng từ bi của Ngài vẫn mãi là tấm gương sáng tuyệt vời cho chúng ta noi theo.
 
Nhân ngày Phật đản, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại thật kỹ về cuộc đời của Ngài, để thấy mình có phước duyên vô hạn mới được làm đệ tử của Ngài, được đi theo con đường Ngài chỉ dạy. Nhân cách vĩ đại của đức Phật là tấm gương sáng chói về trí tuệ, về đạo đức, về phương cách xử thế. Như một học giả Phương tây đã nói rằng: "Càng hiểu về Đức Phật tôi càng kính yêu đức Phật, càng kính yêu đức Phật tôi càng hiểu Đức Phật hơn”. Khi ta cung kính tin tưởng Ngài thì ta cũng cung kính tin tưởng giáo pháp của Ngài và những sứ giả thay Ngài nối truyền mạng mạch Phật pháp. Chúng ta nguyện noi gương Ngài, nỗ lực tu hành để phát huy trí tuệ và lòng từ bi, tích cực đem đạo vào đời để gieo rắc niềm hạnh phúc an lạc cho tất cả mọi loài. Một ngày nào đó chúng ta viên thành công hạnh tự lợi - lợi tha, đó mới thật là đền đáp được ơn sâu dày của Đức Phật, mới không cô phụ bản hoài của chư Phật và Bồ-tát. Tu hành theo tinh thần ấy, chúng ta mới xứng đáng là đệ tử của Ngài, và dù đã xa Đức Phật khoảng thời gian dài như vậy, nhưng chúng ta vẫn như đang được ở trong Pháp hội Linh Sơn, vẫn được tắm gội trong ánh hào quang vi diệu của Ngài. Hạnh phúc thay! 
 

Các tin đã đăng: