Phật Giáo tôn giáo của tình thương và cảm thông, của hòa
bình và tha thứ, của trí huệ và từ bi. Tất cả những gì trên cuộc đời
như có, không, thương, ghét, khi đến với Đạo Phật được dung hòa thành
chân lý vô thường, từ bi vô lượng diệu hằng và chính Đức Phật Thế Tôn là
người thể hiện điều này một cách hoàn hảo nhất. Cuộc đời của Ngài,
chân lý của Ngài, ý niệm của Ngài, hành động của Ngài, cuộc sống của
Ngài, sắc thân của Ngài đâu đâu cũng hiện rõ nét của tình thương từ bi
và chân lý diệu hằng.
Bảo Tháp chùa Pháp Môn - Tây An, nơi cung phụng "Phật Chỉ Xá Lợi" (Xá Lợi ngón tay Đức Phật)
Sắc thân của con người, vốn dĩ là vô
thường không bền vững và chẳng thể hằng còn, nhưng bằng tất cả trí tuệ
và từ bi, Đức Phật đã thể hiện chân lý diệu hằng của sắc thân trong đạo
lý vô thường, ví dụ như thân tướng huyễn hóa của Phật qua quá trình tu
hành đã thành chân thân xá lợi, và trãi qua hơn 25 thể kỷ vẫn còn
nguyên giá trị về chân lý, tín ngưỡng, sùng bái tôn thờ. Chính sự hằng
còn của sắc thân xá lợi, chứng minh cho sự thật của chân lý, về tính
vững bền kiên cố của vật chất trong chân lý kết hợp vi diệu giữa “thần”
và “chất” để tạo nên “vật thể” đó là Phật thân Xá Lợi.
Nói đến Xá Lợi Phật, nhất là Phật tử
Việt Nam ai nấy đều biết và hình như đều đã có túc duyên đã được chiêm
ngưỡng Xá Lợi của Phật, vì trong những năm gần đây chùa chiền trong cả
nước hân hoan cung nghinh xá lợi, có thể hình dung cảnh tượng: “chùa
chùa cung nghinh xá lợi, người người chiêm ngưỡng chân thân”. Trong
lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ lúc được truyền vào cho đến ngày nay,
xuyên suốt gần 2000 năm chưa có lúc nào cảnh tượng nghinh thỉnh, chiêm
ngưỡng Xá Lợi nhiều như lúc này, âu cũng là phước đức của dân tộc Việt
Nam vậy. Vậy Xá Lợi là những gì, nguồn gốc từ đâu? tín ngưỡng, tôn thờ,
chiêm ngưỡng lễ bái có nguồn gốc từ đâu, để khi chiêm bái cũng như tôn
thờ được nhiều điều phước đức và hỷ lạc.
Tín Ngưỡng tôn thờ Xá Lợi Phật trong
Phật Giáo được ra đời trong một nguyên nhân hết sức tình người và cảm
động. Đức Phật sau khi thành đạo, 49 năm hoằng pháp độ sanh, dấu chân
của ngài in dấu lên hầu hết mọi nẻo đường đất nước Ấn Độ, từ phố thị
đến thôn quê, từ xóm nghèo đến nơi quyền quý. Tình thương của Đức Phật
chan hòa đến tất cả mọi người từ vua chúa đến thứ dân, từ kẻ khốn cùng
đến người giàu có, từ nô lệ đến trưởng giả.v.v… tình thương vô bờ bến,
trong suốt 49 năm thương xót cứu độ như vậy, một khoảng thời gian để
chúng sanh được chở che và nương tựa Đức Đại Hùng không phải là ngắn.
Khi Đức Phật vào cõi vô vi Niết Bàn mọi
người như hụt hẫn, như bơ vơ không nơi nương tựa và lúc này hình bóng
Đức Phật như là một điểm tựa để mọi người hướng về, vì vậy lấy gì để
đại diện cho hình bóng ấy. Thời kỳ đầu của Phật Giáo chưa có tín ngưỡng
tôn thờ hình tượng Đức Phật cho nên tín ngưỡng tôn thờ Xá Lợi Phật
được ra đời, và là nguyên nhân chính để hình thành sùng phụng tượng
Phật của Phật Giáo sau này. Đảnh lễ Xá Lợi Phật như đang đảnh lễ chân
thân của Phật vậy.
Phật Giáo có truyền thống tôn thờ thánh
vật Xá Lợi là do nhân duyên Đức Phật dạy cho ngài A Nan. Trong Kinh
Trường A Hàm quyển 3 Kinh Du Hành chép: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp
đến ngày nhập Niết Bàn, phó chúc cho đệ tử là A Nan: Khi ông an táng
Ta, trước tiên nên dùng nước thơm tắm rửa, sau dó dùng Kiếp Cụ mới
(kiếp cụ là 10 thứ y phục của Tỳ Kheo, được làm bằng vải) quấn quanh
thân ta, dùng 500 tấm lụa trắng tốt để khâm liệm, sau đó liệm vào trong
ba lớp quan quách, lớp quan tài thứ nhất làm bằng vàng, sau khi liệm
vào nên đổ đầy Ma dầu, kế đó để vào lớp quan tài thứ hai làm bằng
thiết, ngoài lớp quan tài bằng thiết làm một chiếc quách bằng gỗ Hương
Chiên Đàn bao lại, trên quách Hương Chiên Đàn phủ áo quan kết bằng các
thứ hoa hương, sau đó đốt lửa phần hóa, rồi thu nhặt Xá Lợi, lập tháp ở
một bên đạo tràng để phụng thờ, treo các loại phang phướng, để người
người đi qua thấy được bảo tháp phụng thờ Xá Lợi Phật, đó cũng là cách
tuyên dương Pháp của Như Lai.”
Xá Lợi là chân thân của Đức Phật, sau
khi Đức Phật nhật Niết Bàn, kim thân của Ngài được trà tỳ (hỏa táng) do
nhân duyên và nguyện lực đại từ bi của Đức Phật, vì thương xót chúng
sanh đời vị lai không có nhân duyên được tận mắt chiêm ngưỡng được kim
thân của Ngài, nên Đức Phật lưu lại Pháp thân bất diệt là Xá Lợi để
gieo duyên lành cho người đời sau, vì duyên như vậy nên trong Phát Bồ
Đề Tâm Văn ngài Thật Hiền Thiền Sư khi được nhân duyên đảnh lễ Xá Lợi
Phật cảm niệm rằng: “Tội gì mà sanh vào đời mạt pháp, phước gì được dự
vào hàng xuất gia, chướng gì sanh ra đời không được gặp Phật, hạnh
duyên gì mà nay được chiêm ngưỡng Xá Lợi...”
đây là 1 trong 7 chiếc hòm đựng Xá Lợi ngón tay Đức Phật trong địa cung Bảo Tháp chùa Pháp Môn - Tây An
Xá Lợi tiếng Phạm gọi là sarira có nghĩa
là di cốt, còn gọi là Thật Lợi, Thiết Lợi La, Thất Lợi La, dịch là
thân thể, thân cốt, di thân, từ được thường dùng gọi là di cốt của Đức
Phật, là tất cả các vật thể còn lại của thân Phật sau khi đã trà tỳ.
Theo quan niệm của Phật Giáo sự hình thành của Xá Lợi không có quan hệ
đến sự vận động vật chất của thiên nhiên, cũng không phải do sự kết
tinh của thực vật, mà là do sự tích lũy của công năng tu trì suốt bao
năm tháng mới có thể hình thành, đồng thời là sự tích lũy của công đức
và là thành quả của huân tu Giới Định Huệ. Trong Kinh Kim Quang Minh
quyển thứ tư Phẩm Xả Thân có chép: “Xá Lợi là do sự huân tu Giới Định
Huệ mà có, thật rất khó có thể có được, là phước điền tối thượng” .
Xá Lợi thường có những màu gì, trong
sách Pháp Uyển Châu Lâm đời Đường quyển thứ 4 chép: “Xá Lợi có 3 màu; 1
là xương Xá Lợi có màu trắng hoặc là màu trắng ngà như ngọc trân châu; 2
là tóc Xá Lợi có màu đen; 3 là thịt Xá Lợi có màu đỏ huyết... sau khi
trà tỳ xong nhặt được Xá Lợi là 8 vạn 4 ngàn viên đều tỏa ánh hào quang
bảy màu... trong đó nhiều nhất là Xá Lợi có màu trắng và một số ít Xá
Lợi màu đen, còn Xá Lợi màu đỏ thì vô cùng hiếm ít khi thấy...”
Xá lợi của Phật được phân thành hai
loại, loại thứ nhất là Kim thân của Đức Phật sau khi trà tỳ xong nát
thành từng viên nhỏ được gọi là “Toái Thân Xá Lợi” những phần thân thể
nào sau khi trà tỳ rồi mà vẫn còn giữ lại nguyên hình dạng ban đầu gọi
là “Sanh Thân Xá Lợi”. Ngày nay chúng ta nghinh thỉnh, tôn thờ chiêm
bái đều là toái thân xá lợi, Sanh thân xá lợi của Đức Phật sau khi trà
tỳ rồi còn lưu lại gồm có: Bốn chiếc răng và một đốt xương ngón tay.
Ngoài hai loại Xá Lợi Phật đã nêu trên chúng ta còn có Pháp Thân Xá Lợi
là tất cả giáo lý kinh điển của Đức Phật để lại trên thế gian.
Truyền thống xây tháp phụng thờ Xá Lợi
Phật có rất sớm trong Phật Giáo, trong sách Thích Ca Như Lai Ứng Hóa Sự
Tích chép: “Kinh Xứ Thai ghi rằng: Lúc bấy giờ có tám vị quốc vương đem
binh mã đến thành Câu Thi Na để phân chia Xá Lợi Phật. Tám vị quốc
vương gồm có, vua Ưu Điền, vua Đảnh Sanh, Vua Ác Sanh, Vua A Xà Thế và
bốn vị chúa của bốn đội binh mã lớn của Ấn Độ cũng đến như, đội quân
của vua Tối Hào, đội binh mã vua Dung Nhan, đội binh mã của vua Xí
Thạnh, đội binh mã của vua Kim Cang. các vị quốc vương đều muốn Xá Lợi
của Phật thuộc về mình. Bấy giờ có vị đại thần tên là Ưu Ba Các can
gián rằng, các vua đừng có tranh giành nên phân chia đều ra để phụng
thờ cúng dường.
Bấy giờ vua trời là Thích Đề Hoàn Nhân
hiện ra dùng tiếng của loài người nói rằng: Ta và chư Thiên chúng cũng
phân một phần. Long Vương A Nậu Đạt, Long Vương Văn Lân, Long Vương Hy
Na Bát, các vị long vương đều nói chúng tôi cũng chia một phần Xá Lợi.
Bây giờ các vị quốc vương và đại thần Ưu Ba Các đêm Xá Lợi chia ra làm
ba phần, một phần của chư thiên, một phần của Long vương, một phần cho
tám vị quốc vương... khi được Xà lợi rồi chư thiên xây tháp ở trên trời
để phụng thờ, Long vương xây tháp dưới long cung để phụng thờ, và tám
vị quốc vương đem phần xá lợi được chia của mình về nước xây tháp phụng
thờ...”
Tín ngưỡng Xá Lợi cũng như truyền thống
xây tháp phụng thờ xá lợi được phổ biến khắp trong thiên hạ, có thể nói
là nhờ công lao của Vua A Dục Vương, trong sách A Dục Vương truyện
chép: “Bấy giờ vua A Dục đến chùa Chỉ Kê Đầu Ma, nhà vua đến trước
Thượng Tọa Da Xá chắp tay bạch rằng: Tôi nay phát nguyện tạo dựng 8 vạn
4 ngàn bảo tháp trên khắp cõi Diêm Phù Đề. Thượng Tọa đáp lời: Lành
thay, lành thay.... Vua trở về cung lệnh làm 8 vạn 4 ngàn hòm báu, dùng
vàng bạc châu báu để trang trí, trong mỗi hòm báu đều để một viên xá
lợi, sau đó lại làm 8 vạn 4 ngàn bình sứ để đựng đồ bảy báu, lại làm 8
vạn 4 ngàn bảo cái, 8 vạn 4 ngàn hoa xếp bằng lụa để làm vật trang
nghiêm, cứ một hòm Xá Lợi giao cho một vị Da Xoa, sai đem đi đến khắp
nơi trong cõi Diêm Phù Đề. Cứ chổ nào đủ một ức người thì tạo một bảo
tháp...” và từ duyên lành này Xá Lợi tháp được tạo dựng khắp trong
thiên hạ.
hòm bằng ngọc an trí Phật Chỉ Xá Lợi trong địa cung Bảo Tháp chùa Pháp Môn
Năm phần Sanh Thân Xá Lợi của Đức Phật
được tôn thờ ở các nơi như: chiếc răng Xá Lợi Phật thứ nhất được tôn
thờ tại bảo tháp tại cung trời Đao Lợi do Vua Đế Thích thỉnh về, trong
Kinh Đại Bát Niết Bàn chép: “Phật Đà nhập Niết Bàn, sau khi trà tỳ
xong, Đế Thích Thiên vua của cung trời Đao Lợi cầm bình bảy báu và các
phẩm vật cúng dường, đến nơi Đức Phật trà tỳ, trong phút chốc thì lửa
liền tắt, Vua Đế Thích mở nắp Kim Quan của Phật, muốn thỉnh xá lợi răng
Phật, Ngài A Na Luật liền thưa với Đế Thích rằng: Ngài đừng tự mình
thỉnh, mà hãy chờ đại chúng lại phân chia. Vua Đế Thích nói: Phật Đà
thuở trước có hứa cho ta một chiếc răng Xá Lợi, vì vậy nay ta đến lấy,
nên lửa liền tắt. Đế Thích nói xong liền lập tức mở Bảo quan, lấy chiếc
răng Xá Lợi trên hàm trên của Phật. về cung trời Đao Lợi xây tháp
phụng thờ cúng dường.
Chiếc răng Xá Lợi Phật thứ hai được tôn
thờ tại Bảo tháp chùa MaLaGaWa, thành Phố Kandy nước Tích Lan, được coi
là quốc bảo của nước Tích Lan, theo sách Phật Nha Sử chép: “Phật nhập
Niết Bàn sau khi trà tỳ xong, còn lưu lại Xương Đầu Xá Lợi, hai xương
cổ Xá Lợi và bốn chiếc răng Xá Lợi, trong đó một chiếc răng Xá Lợi được
thánh giả Cách Mã gìn giữ. Sau đó thánh giả Cách Mã đem chiếc răng Xá
Lợi giao cho vua nước Ca Tuấn Già là Đà Trì Bà La Môn cúng dường, năm
371 tây lịch nước lân bang của Ca Tuấn Già muốn cướp Xá Lợi, gây chiến
tranh với nước Ca Tuấn Già. lúc bấy giờ vua nước Ca Tuấn Già là Ca Ha
Tắc Ngõa, vì sợ nước lân bang cướp mất, nên ra lịnh cho con gái là Hách
Mạn Mạn Lệ đem răng Phật Xá Lợi đến Tích Lan. Bấy giờ vua Tích Lan Cát
Trì Xích Lợi Di Văn Kiền thành tín Phật, được vật bảo vô giá, nên tại
hoàng cung xây dựng một ngôi chùa để phụng thờ Răng Phật Xá Lợi. Còn ra
một sắc lịnh mỗi năm từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng 4 là ngày quốc
lễ răng Phật Xá Lợi”.
Chiếc Răng Xá Lợi Phật thứ ba tôn thờ
tại Bảo Tháp chùa Linh Quang, Bắc Kinh, Trung Quốc. Vào thời Nam Bắc
triều, Lưu Tống niên hiệu Nguyên Huy thứ ba có nhà sư Pháp hiệu là Pháp
Hiến đi đến nước Vu Điền, cầu học Phật Pháp, sau khi học xong quay về
Kiến Khang (Nam Kinh) trước lúc lên đường về nước có một vị Phạm Tăng
tặng cho một chiếc hòm bằng thiết, nói rằng trong ấy có Xá Lợi Răng
Phật, là vật quý báu nhất thế gian, nay cho nhà ngươi đem về phương Nam
cúng dường thờ phụng, hết sức hộ trì hoằng dương Phật Pháp.
Bảo Tháp bằng vàng tôn phụng Phật Chỉ Xá Lợi trong địa cung Bảo Tháp chùa Pháp Môn
Pháp sư Pháp Hiến đem Phật răng Xá Lợi
về nước, vì là thánh vật hy hữu cho nên không dám nói cho ai biết, sợ
sanh chuyện chẳng lành. Đời vua Tề Huệ Đế, quan chưởng giáo tư đồ là
Cách Lăng Vương Văn Tuyên, ngày 29 tháng 6 niên hiệu Vĩnh Minh thứ 7,
nằm mộng thấy mình đến Định Lâm gặp Pháp Hiến, Pháp sư Pháp Hiến nằm
bịnh trên giường, ông ta liền hỏi Pháp sư: Sanh Lão Bịnh tử bốn thứ
khổ, cho đến người đã đắc ngũ thần thông cũng không thể tránh khỏi,
Pháp sư ông ngoài y bát ra còn cất những gì để đưa ra làm công đức
không? Pháp sư đáp: tôi còn cất một vật vô giá thần bảo, nay giao cho
ông, thỉnh ông tự mình mà đi lấy.... tỉnh mộng ông cho là điềm lạ liền
đến nơi ở của Pháp sư Pháp Hiến hỏi pháp sư có cất giữ bảo vật gì mà
không cho ta xem, Pháp sư giật mình đành phải nói thật về việc cất giữ
Xá Lợi Răng Phật, và tự mình đem Xá Lợi Răng Phật đến Văn Tuyên
xứ...sau đó xây tháp phụng thờ, đây là truyền thuyết mộng trung được Xá
Lợi Răng Phật của tháp Phật Nha chùa Linh Quang Bắc Kinh.
Chiếc Răng Xá Lợi thứ tư theo truyền
thuyết là được tôn thờ tại Ấn Độ, thế kỷ thứ 5 Hồi giáo xâm chiếm ấn
độ, diệt trừ Phật Giáo được các vị Tăng Ấn Độ đem lên thờ tại Tây Tạng
đến khi cuộc cách mạng văn hóa xảy ra ở Trung Quốc, thì các vị Lạt ma
đem chiếc răng này chạy xuống Ấn Độ và trong một nhân duyên thù thắng
các vị lạt ma đem chiếc răng Phật thứ tư cúng dường cho chùa Phật Quang
Sơn Đài Loan và hiện nay chùa Phật Quang Sơn đang xây Phật Đà kỷ niệm
tháp để tôn thờ.
Đốt xương ngón tay của Phật hiện nay
được tôn thờ tại Chân Thân Bảo Tháp chùa Pháp Môn, tỉnh Thiểm Tây,
Trung Quốc. Trong Pháp môn Tự ký chép: “Xá Lợi xương ngón tay của Phật
được tôn thờ tại Chân Thân Bảo Tháp chùa Pháp Môn là một trong 19 nơi
có Tháp Xá Lợi của Vua A Dục trên đất nước Trung Quốc. Chùa Pháp Môn có
tên Là A Dục Vương Tự, đến triều nhà Đường chùa A Dục Vương được đổi
tên là chùa Pháp Môn, sau đó do chùa có Xá Lợi ngón tay của Phật nên
được triều đình sắc phong trở thành chùa của Hoàng gia.
đây là 7 chiếc hàm đựng Xá Lợi ngón tay Đức Phật
Bảo Tháp Chân Thân chùa Pháp Môn, tôn
thờ cúng dường Xá Lợi ngón tay Phật, theo những ghi chép để lại thì bắt
đầu từ Đường Cao Tông đến Đường Ai Đế, trãi qua 22 đời vua trong khoảng
290 năm trước sau có 7 lần mở cửa địa cung, 6 lần cung thỉnh Xá Lợi về
kinh đô Trường An và Lạc Dương để cúng dường. Vào năm 1981, Bảo Tháp
13 tầng làm bằng gạch được trùng kiến vào triều đại nhà Minh, sau một
trận mưa lớn bổng nhiên đổ xập, trong khi trùng tu lai tháp, phát hiện
địa cung đời Đường dưới tầng móng của bảo tháp, khi khai quật phát hiện
thất trùng bảo hàm ở hậu thất trong địa cung, trong bảo hàm an trí
cúng dường Xá Lợi ngón tay Phật. Sau khi phát hiện được xá lợi này, tin
này được truyền đi lập tức làm kinh động toàn thế giới, vì trên thế
giới cho đến thời điểm này Xá Lợi ngón tay Phật lần đầu tiên được phát
hiện. Xá Lợi ngón tay Phật chính là thánh vật của Phật Giáo Bắc Truyền,
và không chỉ là bảo vật của quốc gia của Trung Quốc, mà còn là vật báu
hy hữu của toàn cầu.
Việt Nam cũng có một nơi được vua A Dục
dựng tháp, đó là tháp Tường Long ở Đồ Sơn Hải Phòng. Theo sách Giao
Châu Ký của Lưu Hân Kỳ chép: “thành Nê Lê ở phía Nam huyện Định An,
cách sông 7 dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn” Trong
sách Đạo Phật Việt Nam của HT Thích Đức Nghiệp chép: “Khoảng 300 năm
trước tây lịch, nghĩa là: Đại Hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ III tại
Pataliputra (Hoa Thị Thành) Ấn Độ, do vua Asoka thực hiện; và cũng sau
đại hội này đức vua đã gửi chín giáo đoàn đi truyền bá chính pháp tại
các nước, từ Afghanistan (A Phú Hãn) tới đông bộ Mediterrenée (Địa Trung
Hải), trong đó có một giáo đoàn do hai ngài Sona và Uttara lãnh đạo,
đã tới Miến Điện và toàn xứ Đông Dương kể cả Việt Nam.
Nói cách khác, hồi đó, ở Giao chỉ tại
thành Nê Lê, tên cũ của vùng Đồ Sơn hiện nay, cách Hải Phòng 12 cây số
có bảo tháp vua A Dục (Asoka), do các Phật tử địa phương xây nên, để
tri ân vua A Dục (Asoka) đã cử giáo đoàn tới đây để truyền bá Phật
pháp”. Qua đó cho thấy tín ngưỡng dựng tháp tôn thờ Xá Lợi Phật được
truyền vào Việt Nam rất sớm, sớm hơn cả miền Giang Đông Trung Quốc.
Đại Sư Khương Tăng Hội Giáo Tổ của Phật
Giáo Việt Nam vào năm 247 sau công nguyên, đem Đạo Phật đến truyền bá ở
thành Kiến Nghiệp Giang Đông, lúc bấy giờ Kiến Nghiệp (Nam Kinh Trung
Quốc) là kinh đô của nhà Đông Ngô một trong ba nước của thời kỳ Tam
Quốc, thời Ngô Tôn Quyền, niên hiệu Xích Điểu thứ 10 (247) ở Đông Ngô
chưa có tín ngưỡng tôn thờ Xá Lợi.
Trong sách Cao Tăng Truyện có đoạn chép:
“Tôn Quyền triệu kiến ngài Khương Tăng Hội và hỏi sư rằng: các vị tu
hành có gì là linh nghiệm? sư đáp: Đức Như Lai nhập Niết Bàn đến nay đã
1000 năm, nhưng Xá Lợi mà Ngài lưu lại, vẫn còn tỏa hào quang thần kỳ
sáng chói. Từ khi vua A Dục phát tâm đã tạo 8 vạn 4 ngàn bảo tháp để
cúng dường, những chùa tháp hùng vĩ ấy, cũng đủ nói rõ sự giáo hóa của
Phật Đà lớn rộng và thâm hậu đó sao? Tôn Quyền không tin, cho là lời
nói khoa trương không thật, bèn nói vơi ngài Khương Tăng Hội: Nếu như
ông có thể cầu được Xá Lợi thì ta sẽ xây Tháp phụng thờ cúng dường”.
Tượng chư Thiên bưng Phật Chỉ Xá Lợi trong địa cung chùa Pháp Môn
Qua đoạn văn trên cho thấy tín ngưỡng
tôn thờ Xá lợi xây tháp cúng dường Phật cho đến thể kỷ thứ 2 sau công
nguyên vẫn chưa được truyền vào Giang Đông Trung Quốc và người ở đây
vẫn chưa có đủ phước duyên để chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật, nhưng ở Việt
Nam thì đã rất thịnh hành. Một lần nữa chứng minh cho tín ngưỡng tôn
thờ Xá Lợi và tháp A Dục Vương từ rất sớm đã được truyền vào Việt Nam,
vì trong khi trã lời cho Tôn Quyền ngài Khương Tăng Hội có nhắc đến.
Theo tài liệu Phật giáo thời nhà Đường
(618-907), Trung Quốc có cả thảy 19 nơi có bảo tháp Vua A Dục tôn trí
xá lợi Phật. Cho đến nay, người ta cho rằng chỉ mới 7 bảo tháp được
phát hiện tại các vùng miền khác nhau của Trung Quốc. Mới đây tại Thành
Phố Nam Kinh Trung Quốc người ta phát hiện được bảo tháp của Vua A
Dục, tại di chỉ của chùa Đại Báo Ân trong tháp có để Xá Lợi xương đảnh
đầu của Đức Phật, có thể nói hiện nay Phật Giáo Bắc Truyền nói chung và
Trung Quốc nói riêng, là nơi có nhiều Thánh vật của Phật Giáo nhất, có
năm phần chân thân Xá Lợi, thì có hết ba Phần được tôn trí thờ phụng
trên đất nước Trung Quốc, như tháp thờ răng Phật ở Bắc Kinh, tháp thờ
răng Phật ở Đài Loan, tháp thờ xương đốt ngón tay Phật ở tỉnh Thiểm Tây
Trung Quốc.
Đạo Phật cũng như tín ngưỡng tôn thờ Xá
Lợi Phật được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhưng do bối cảnh của lịch
sử, trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, chiến tranh liên miên dân
tình khốn khổ, cộng với ách đô hộ tàn bạo độc ác của các triều đại
phong kiến Trung Quốc cũng như phương Tây và tư tưởng đồng hóa văn hóa
của các thế lực xâm lược, nên sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam
không được thuận lợi như các nước lân cận trong hệ thống Phật Giáo Bắc
Truyền như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng niềm tin đối với Đức Phật sự tôn
sùng kính ngưỡng đối với Xá Lợi của Ngài thì không có gì lay chuyển
nổi trong tinh thần trái tim con dân Phật Giáo Việt Nam.
Chư Tôn Đức cùng đoàn Phật tử Việt
Nam nhân dịp cung thỉnh Giới Bổn tại Chung Nam Sơn đã đến đảnh lễ và
kinh hành trong địa cung nơi Tôn phụng Phật Chỉ Xá Lợi
“Phật tại thế thời ngã trầm luân
kim đắc nhơn thân Phật diệt độ
áo não thử sanh đa nghiệp chướng
bất kiến Như Lai kim sắc thân”
Tạm dịch:
Khi Phật ở trần đời con trầm luân
Con sanh ra đời Phật diệt độ
áo não đời con nhiều nghiệp chướng
không thấy kim thân Phật ở đời
Như hôm nay có thể tận mắt thấy được Xá
Lợi Phật cũng giống như được thấy kim thân của Phật vậy, âu cũng là
diễm phúc một đời. Là đệ tử Phật chúng ta nên phát nguyện, từ nay càng
nên tinh tấn tu hành, nương theo từ bi, trí tuệ, nguyện lực của Phật để
sớm thoát khỏi trần lao đạt đáo giác ngộ giải thoát.
Mùa Phật Đản một lần nữa lại về với mọi
người con Phật trên toàn thế giới, kính cẩn nguyện cầu Xá Lợi của Phật
thường trụ thế gian, làm nơi quy ngưỡng cho tất cả chúng sinh, làm nơi
nương tựa cho tất cả những người con Phật và nguyện cầu oai lực của Xá
Lợi Phật gia hộ thế giới hòa bình, đất nước hưng thạnh, nhân dân vui
cảnh thái bình, mọi người thấm nhuần từ bi và trí tuệ.