Dù vậy, ít có ai thấy được sức mạnh tâm linh của việc sinh ra dưới
thân tướng của một người nữ mà thường cho rằng do nghiệp báo nặng nề
mới sinh ra làm thân nữ từ đó sinh ra tự ti thiếu ý chí tu tập. Phật
pháp đã giải quyết được những vấn đề phức tạp thành đơn giản thông qua
phương pháp chuyển hóa nghịch cảnh thành con đường đạo. Vậy thì với
những giá trị sẵn có nơi phụ nữ sẽ là sức mạnh giúp cho người phụ nữ
trong việc rèn luyện nâng cao tâm thức. Sức mạnh đó là gì? Và với sự
thực hành Phật pháp thì sẽ phát huy ra sao?
Trước hết, người phụ nữ luôn là đại diện của lòng yêu thương bao la
với thiên chức làm mẹ. Với chín tháng cưu mang rồi sanh con trong những
nỗi đau đớn, người phụ nữ xem con mình như một bảo vật với lòng yêu
thương vô bờ bến, sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con mình, ngay cả sẵn
sàng chết thay cho con được sống, đến cả khi con bạc bẽo, mẹ vẫn không
ghét bỏ con hoặc khi con bị xã hội ruồng bỏ, mẹ vẫn đùm bọc chở che.
Chính vì thế, khi nói đến lòng yêu thương, người ta thường hay đem lòng
mẹ để làm rõ nghĩa, vì lòng yêu thương thật sự gắn liền với sự hy sinh
và sự khoan dung.
Tuy nhiên, nếu không có ánh sáng Phật pháp thì lòng yêu thương ấy sẽ
dễ dẫn đến sự dính mắc, bám luyến, hẹp hòi, là nguyên nhân gây ra đau
khổ khi phải xa cách con mình, hoặc thậm chí hại người để lợi cho con
mình, gây tạo nên các nghiệp bất thiện.
Vì vậy người phụ nữ khi tiếp cận được các pháp tu của Phật pháp thì
tâm thức sẽ được nâng lên, đặc biệt với phương pháp hoán chuyển địa vị
mình và người thì với lòng yêu thương sẵn có đó, người phụ nữ sẽ trải
lòng yêu thương đối với mọi con trẻ trong xã hội, thấy được sự bình đẳng
của mọi con người là ai cũng mong muốn có hạnh phúc, không muốn bị đau
khổ để thấu hiểu mọi người hơn, thông cảm và chia sẻ khó khăn của các bà
mẹ và lòng yêu thương bé nhỏ đó sẽ được nâng dần lên thành lòng từ ái
đến với muôn loài.
Bên cạnh lòng yêu thương, người phụ nữ luôn là người gánh chịu nhiều
sự đau khổ, nhất là trong những đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến
tranh như đất nước Việt Nam, người phụ nữ phải chịu cảnh ái biệt ly khổ
khi tiễn chồng con ra chiến trận và rồi đau khổ khi chồng con tử nạn.
Trong các cuộc chiến tranh người phụ nữ chính là người đau khổ nhất.
Ngày nay, khi vật chất là tiêu chí đo lường sự phát triển và nền đạo đức
bị suy đồi, người phụ nữ cũng lại là người hứng chịu những hậu quả này
hơn ai hết với nạn buôn bán thân xác phụ nữ, bị chồng bội bạc, nhậu
nhẹt, đánh đập, bạo hành gia đình, con cái thì hư hỏng,… Thân thể người
phụ nữ cũng chịu nhiều khổ vì bệnh tật do phải trải qua những lần sinh
đẻ, chu kỳ hàng tháng nên dễ mắc những bệnh phụ khoa.
Nếu không có ánh sáng Phật pháp thì sự đau khổ vì bệnh tật, đau khổ
vì biệt ly, đau khổ vì bị bạc đãi… sẽ dẫn người phụ nữ đến sự suy kiệt
hoặc tự ti hoặc là sự sợ hãi, hận thù,…
Với việc thực hành Phật pháp sẽ giúp nữ giới nhận thấy được khổ và
nguyên nhân của khổ, nhận thấy được sự vô thường, từ đó yêu thương những
người phụ nữ khác mà bỏ được lòng ganh tỵ vì cùng chung một nỗi khổ
đau. Với những điều này nếu được tu tập thì nữ giới sẽ trải nghiệm nhanh
chóng bốn chân lý căn bản của Phật pháp để từ đó thoát ra khỏi luân
hồi.
Người phụ nữ còn đại biểu cho sự phục vụ vô hạn, trong gia đình người
phụ nữ phải lo toan chăm sóc miếng cơm, manh áo, dọn dẹp nhà cửa… không
những cho chồng, con, mẹ và cả mẹ chồng và gia đình chồng.
Nếu không có ánh sáng Phật pháp thì người phụ nữ sẽ ở trong tình
trạng hoặc là cam chịu trong sự bất mãn, sân hận hoặc phản kháng với sự
ganh tỵ, dèm pha,… nuôi lớn thêm những mầm mống bất thiện.
Với việc ứng dụng Phật pháp vào sinh hoạt hàng ngày tại nhà thì người
phụ nữ sẽ thấy được cơ hội thực hành Phật pháp ngay trong bếp ăn của
mình, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, giặt phơi quần áo, từ đó sẽ thấy được
phục vụ là một niềm vui, là hạnh tu tập của một vị Bồ tát chứ không phải
là một sự bất công miễn cưỡng khi phải làm quá nhiều và hiểu được sự
phục vụ người khác là hạnh nguyện của đời mình.
Người phụ nữ luôn ở trong tình trạng lo lắng, sợ hãi vì là người luôn
gánh vác trách nhiệm không những ngoài xã hội mà còn ngay cả trong gia
đình. Với những trách nhiệm đó họ dễ thúc đẩy lòng tham lên cao độ, cùng
theo đó là sự đua đòi theo thế cuộc, luôn ham muốn đạt được những gì
người khác có như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng để bằng chị bằng em, họ
luôn bị nô lệ bởi tám cơn gió đời nên không được tự do trong tâm trí, từ
đó luôn bị sợ hãi lo lắng, sợ mất những thứ đã có, sợ không có những
thứ mình muốn, thậm chí sợ sắc đẹp sẽ bị tàn phai,…
Thực hành Phật pháp, nhìn thẳng vào sợ hãi để thấy được sự dính mắc
và tham dục là nguyên nhân trói buộc tâm thức làm nó luôn ở trạng thái
sợ hãi, từ đó thực tập sự buông xả, quán chiếu sự vô ngã của các pháp
thì sợ hãi sẽ được đoạn trừ và người phụ nữ sẽ được thoát mọi nỗi lo
lắng, an nhiên tự tại.
Nhìn chung, tất cả những nghịch cảnh của phụ nữ chính là động lực
mạnh mẽ để đưa người phụ nữ tiến đến việc tu tập triệt để, vì nếu không
có đau khổ thì sao hiểu được vô thường, không có trói buộc, dính mắc sao
thực hành được buông xả. Và nếu xem đời sống là một trường học thì
người phụ nữ là người nhận được nhiều bài tập khó, nhưng nếu giải được
các bài tập này dưới sự dẫn dắt của một vị thầy giỏi thì chắc hẳn phụ nữ
sẽ là những học sinh đạt thứ hạng cao.
Người phụ nữ còn là người thợ xây những viên gạch để làm nên căn nhà
xã hội, là nền tảng của gia đình, là người trực tiếp nuôi dưỡng con cái.
Do đó, nếu nữ giới tại gia được trau dồi Phật pháp và thực hành Phật
pháp thì sự ảnh hưởng lên thế hệ mai sau là rất lớn, xã hội sẽ có những
thành viên mang những phẩm chất tốt đẹp vì được sinh ra và giáo dục bởi
người phụ nữ Phật tử tại gia.
Để giúp cho nữ Phật tử tại gia hiểu và thực hành Chánh pháp, cần có
những pháp tu ứng với những hoạt động khác nhau nhằm phát huy những lợi
thế có sẵn của phụ nữ đồng thời xử lý triệt để những bất thiện còn tồn
tại:
* Pháp tu dành cho những người nội trợ: Hướng dẫn cách tu tập khi đi
chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,…
* Pháp tu dành cho những bà mẹ: Hướng dẫn cách tu tập khi chuẩn bị
mang thai, khi mang thai, khi sinh con và khi chăm sóc nuôi dưỡng con
cái.
* Pháp tu dành cho những nữ doanh nghiệp: Hướng dẫn cách tu tập khi
điều hành doanh nghiệp kết hợp với việc chăm sóc gia đình.
* Pháp tu dành cho nữ thanh thiếu niên: Hướng dẫn cách tu tập khi
sống trong gia đình, khi học tập, khi yêu và khi kết hôn,…
* Pháp tu dành cho những phụ nữ buôn bán ở chợ: Hướng dẫn cách tu tập
khi mua hàng, bảo quản chăm sóc hàng hóa, cân đo đong đếm, cách đối xử
với khách hàng,…
* Pháp tu dành cho những người hưu trí: Hướng dẫn cách tu tập trong
thời gian nhàn rỗi và chuẩn bị tâm thức cho giờ phút lâm chung.
Và nhiều pháp tu dành cho nhiều các thành phần khác nhau.
Để thực hiện được những điều trên, Ni giới cần được phát triển mạnh
mẽ về chất lượng, trước hết Ni giới phải vượt qua được những mặt nhược
điểm của giới như đã nêu trên bằng sự tu tập hành trì miên mật để có
được sự trải nghiệm trong hành trì, từ đó mới có thể hướng dẫn giúp đỡ
nữ giới tại gia kiên trì tu tập, giải quyết triệt để những hạn chế của
giới.
Chỉ có Ni giới mới có thể đi sâu sát để giúp đỡ nữ giới tại gia, vì
có những vấn đề đôi khi vị Tăng sĩ, đặc biệt các Tăng sĩ trẻ khó lòng
tiếp cận được. Nếu Ni giới không mạnh về chất lượng thì vai trò nữ giới
tại gia sẽ rất mờ nhạt, chỉ tham gia được những công tác từ thiện tích
lũy phước hữu lậu mà không giải quyết được căn để của vấn đề sinh tử.